TIỂU NGUYỆT

 
Tản Mạn Về Những
Ảo Tưởng Trong Đời Sống
Tùy bút
 
Ảo tưởng là gì? Theo tôi, đó là sự tưởng tượng (hướng về tương lai) dựa trên mong muốn, ước mơ thoát ly hiện thực, sống trong ảo tưởng, mơ về những thứ mình không có; lúc nào cũng đắm chìm vào thế giới ảo, hoang tưởng. Những ảo tưởng không có thật đó, phát sinh từ lòng tham muốn, từ sự ngã mạn, không hiểu rõ về mình; luôn nghĩ mình là tài giỏi, ham muốn những việc làm ngoài khả năng, để rồi chìm đắm trong ảo tưởng. Người sống trong ảo tưởng, như người mộng du, lúc nào cũng mơ mộng hão huyền, đầy tham vọng; nhưng rồi, sự mơ mộng hão huyền đó như chới với, khi mà giữa cái “thực” và “mộng” quá ngăn cách, khiến cho đời sống tinh thần người ấy không bao giờ được yên vui, mà lo lắng, thất vọng, bồn chồn.
 
Cô Nữ ở xóm tôi, học vừa hết cấp II, có chút nhan sắc, mọi người trong làng hay nói với cô rằng: “Em đẹp lắm, có thể “ưng” Việt kiều ra nước ngoài sống cho sướng!”. Từ đấy, trong lòng cô luôn mơ được sống ở nước ngoài, làm quen với những người có bà con là “Việt kiều” để nhờ mai mối. Nữ tuyên bố, miễn sao được đi ra nước ngoài, dù người ấy già, trẻ, hay có bệnh tật gì cũng được hết. Thế là ngày ngày cô sống với cái ảo tưởng đầy tham vọng đó, hết tìm quen với Việt kiều này, lại tìm quen với Việt kiều khác, nước nào cũng được, không cần biết tư cách của họ ra sao, tốt xấu thế nào. Cô sửa soạn, học nghề “nail” để chuẩn bị cho cuộc sống “ảo tưởng” trong tương lai. Thế rồi, cô gặp được một anh chàng người Mỹ gốc Việt lớn hơn cô mười tuổi. Hai người tổ chưc đám cưới, dù cô chẳng biết gì về gia thế của anh ta cả. Ngày cưới, phía trai chỉ mình chú rể, không người thân nào; cho nên, cô phải lo cho anh ta một đoàn họ trai toàn là người nhà của cô, để đến nhà gái rước dâu. Một đám cưới thật chu toàn về hình thức, nhưng cưới nhau chưa được nửa năm, cô phát hiện ra anh ta là một người đàn ông đã có vợ chưa ly hôn ở Mỹ, không thể bảo lãnh cô đi được. Và cô đã nhận nhiều cú điện thoại của những người phụ nữ cả tin đều là nạn nhân như cô. Cô thất vọng, biết mình đã bị lừa dối, sinh bệnh nặng, hay quên quên, nhớ nhớ như người mất hồn...
Giấc mơ đầy ảo tưởng của Nữ, đã khiến cô có ý nghĩ viễn vông, mơ hồ, thoát ly với hiện thực, nuôi ảo tưởng về một thế giới hoàn mỹ; để rồi, khi sự thực được phơi bày, khiến cô đau khổ, thất vọng đến ngã bệnh, là chuyện đương nhiên!.
 
Người sống thường xuyên với những ảo tưởng, là người có nhiều tham vọng, tự mãn, cao ngạo hơn người khác. Nhiều lúc tôi tự hỏi, đó có phải là một chứng bệnh hay không? Vả thật, dù tôi hiểu được ít nhiều về căn bệnh trầm kha ấy; nhưng theo tôi, có lẽ đó là những người không bình thường, sống xa rời thực tế, muốn chối bỏ hiện tại; có thể, họ đang mắc chứng bệnh “ảo tưởng” chăng?
 
Tôi có người bạn học cũ, anh ta nói toàn chuyện trên trời, dưới đất; hết vũ trụ, lại hành tinh này, sao hỏa nọ; nhưng việc làm trước mắt, là làm sao kiếm được ngày hai bữa cơm cho con lại không làm được. Mọi việc trong nhà đều một tay vợ anh ta làm. Sáng ra, là trà lá, gặp ai là thao thao bất tuyệt, với những ý tưởng cao siêu, không tưởng. Có lần, anh ta bị một người trong xóm hỏi lại “Ông nói toàn chuyện tui không hiểu gì, vậy sao không đem tài trí ra mà lo cho vợ con cơm ăn, áo mặc no đủ?”. Anh ta tức giận, lớn tiếng rằng “ông là người không có trình độ, làm sao hiểu hết những gì tui nói!”. Cuối cùng, cả xóm ai cũng cho rằng, anh ta là “người ở cõi trên”, lúc nào cũng ảo tưởng, mơ mộng những chuyện đâu đâu, không hiểu mình là ai, đứng ở chỗ nào, và phải làm gì?
 
Hệ quả của những người sống trong ảo tưởng, là mất dần niềm tin vào đời sống, mất dần niềm tin vào những người chung quanh. Rồi từ đó, cảm thấy xa cách dần với mọi người, không tự tin vào mình nữa, thu người lại, cô đơn trong chiếc vỏ mặc cảm. Nếu sống lâu dài trong ảo tưởng, sẽ khiến mình trở nên mụ mẫm, sẽ suy yếu thần kinh, sinh tâm bệnh, khó mà chữa dứt.
 
Thuở trước, vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc gì để làm; tôi muốn vào Nam lập nghiệp, sinh sống, bèn thưa với ba tôi về việc này. Tôi nhớ như in hôm ấy, tôi nói với ba tôi rằng “Ở đây khó sống quá, con chẳng biết phải làm gì, kiếm được bữa cơm hôm nay, lại phập phồng lo cho ngày hôm sau, khổ quá; chắc con phải vào Long Khánh lập nghiệp quá ba ơi!”. Ba tôi cầm tay tôi nói khẽ: “Con ơi! Ở đâu cũng vậy cả. Nhìn xa, mình thấy ở đó xanh tươi, tốt đẹp vậy, nhưng đến đó rồi, cũng vậy thôi, chẳng có gì cả. Con phải biết bằng lòng với cái mình đang có, để được an bình trong tâm hồn, con ạ! Đứng núi nầy, trông núi nọ - không hay đâu!”. Lời nói của ba đã ghi sâu vào lòng tôi, đó như một bài học quí giá, mà tôi đã phải mất bao nhiêu thời gian, công sức, bôn ba tìm kiếm; hết lên rừng, xuống biển, trải qua bao truân chuyên mới nhận ra.
Thật vậy, phải biết bằng lòng với những gì mình có, dù đó là việc làm nhỏ; biết đủ và trân trọng những gì mình đang có được, đó mới là niềm vui, niềm hạnh phúc thật sụ của chính mình.
 
Ông Tuân ở xóm Gò, trước năm 1975 làm việc ở đâu ngoài tỉnh. Sau năm 1975, ông bị tập trung cải tạo mấy năm rồi về. Ông chán nãn, buồn lo vì cuộc sống ngày càng khó khăn, không có việc gì để làm. Vợ ông bảo “Anh theo người ta phụ hồ, hay tập làm thợ xây kiếm sống cũng được, có sao?”. Ông trả lời “Làm sao tui có thể làm việc đó được, lỡ thầy, lỡ thợ, thiệt khổ, người ta cười!”. Vậy là, ông theo người ta lên rừng làm cây, có khi tìm trầm cả tháng mới về nhà một lần. Làm được ít tiền, cơn sốt rét rừng lại hoành hành, da vàng khè, không đủ tiền uống thuốc. Vậy mà ông mãi lên rừng như thế, như làm cho có để mà làm vậy. Ông luôn nói, mình không gặp thời, thiếu may mắn, hay có lúc nói sâu xa hơn về triết lý sống là đang “trả nghiệp”. Ngược lại, với ông Trí nhà bên cạnh. trước là sĩ quan của chế độ cũ, cải tạo về là ông xông xáo, ai thuê việc gì cũng làm, có lúc lên tít đất đỏ mua nhôm nhựa chở về bán. Ông luôn nghĩ rằng, làm gì, ở đâu cũng là một công việc, kiếm cơm cho con là tốt rồi, miễn mình làm chân chính, thật thà, không hại gì đến ai, thì thầy hay thợ cũng là một việc làm tốt cả!.
 
Sống trong ảo tưởng, khiến ông Tuân xa rời thực tế và không làm được gì cho tương lai của mình. Thay vì có ý tưởng tích cực, thực tế, ông lại sa đà vào cõi ảo tưởng xa vời mơ hồ về chính cuộc sống, khiến cho nó trở nên cách biệt với ông.
Suy cho cùng, sống với cuộc đời thực, đối diện với thực tại, phải biết năng lực thật sự của mình, để vươn dần tới tầm cao thích hợp; đừng mê đắm tham vọng hảo huyền, sống chìm trong ảo tưởng - cuộc sống sẽ luôn mỉm cười với ta!. Chúng ta cần đối diện với sự thật rằng, cuộc sống là đầy rẫy những khó khăn và thử thách, để nuôi ý chí lập thân, lập nghiệp.
 
Trong đời sống gian khó, nếu ai cũng quan niệm, sống vững vàng như ông Trí thì ý nghĩa, và tốt đẹp biết chừng nào. Ngược lại, nếu sống trong “ảo tưởng” kéo dài, sẽ ảnh hướng tồi tệ đến gia đình, xã hội và nhất là tự chôn vùi chính mình. Phải biết bắt đầu từ “việc nhỏ” thiết thực hơn là nuôi ảo vọng vào những điều to tát, để rồi thất vọng, thật phí phạm một đời người khó tìm được.
 
Cuộc sống vẫn tiếp diễn phía trước, không chờ đợi ai; nên phải luôn tỉnh giác biết rõ mình, vị trí của mình, để biết mình phải làm gì, để đạt được an vui, hạnh phúc, để có một cuộc sống có ý nghĩa, tươi đẹp với niềm tin và hy vọng mà bước về phía trước.
 
Hôm nay, tiết trời se lạnh, có lẽ đang lập đông. Nhìn tờ lịch trên tường, đúng là ngày “trùng cửu” (mồng 9 tháng 9) - người xưa có nói “Mồng 9 tháng 9 không mưa. Cha con ông Lự đốt cày bừa bán than” - nhưng đất trời theo dòng thời gian dường như cũng chuyển biến; bên ngoài trời vẫn trong xanh, chỉ có những cơn gió nhẹ hắt qua cửa sổ. Tôi rùng mình, kéo cao cổ áo, đưa tay đóng cửa.
 
Dù trời đang lạnh, nhưng lòng tôi cảm thấy thật ấm áp, dễ chịu, khi nghĩ rằng những ảo tưởng của đời sống quyến rũ, cám dỗ kia, chưa níu kéo được tôi; bởi vì. tôi luôn bằng lòng với những gì mình đang có, dù nhỏ nhoi, nhưng đã nằm gọn trong lòng bàn tay tôi mỗi ngày, và tôi cảm thấy thật bình yên.
Tôi mở cửa, bước ra sân, bắt đầu đi bộ quanh làng, đón chào ngày mới với niềm vui bình dị cùng tiếng chim vui hót quanh tôi như thúc giục bước chân ...

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt