TIỂU NGUYỆT 


      Tình Quê Còn lại Bên Đời
 
     Nhà thơ Đỗ Chu Thăng nguyên là giáo sư môn toán của trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương, trước năm 1975. Tôi may mắn được là học sinh của nhà thơ năm cuối của hệ trung học đệ nhất cấp, và nhà thơ đã là giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi năm ấy. Đứng trên bục giảng, nhà thơ là một giáo sư nghiêm khắt, hướng cho chúng tôi vào khuôn khổ, nề nếp; giải một bài toán phương pháp nào là gọn và nhanh, dấu bằng ngay ngắn, thẳng hàng. Ngoài giờ học, nhà thơ rất cởi mở, thân tình, giúp đỡ những học trò còn khó khăn; cho nên học trò chúng tôi rất thương và rất kính mến giáo sư hướng dẫn của mình.
     Khi nhà thơ mất được 49 ngày (tháng 11 năm Quý dậu), gia đình và quý thầy có tổ chức một buổi họp mặt để tưởng nhớ tại chùa Hồ Sơn, thành phố Tuy Hòa; với đông đủ thân hữu, đồng nghiệp, bạn văn và học trò cũ. Tôi từ Vũng Rô cũng về có mặt tham dự vào buổi tối hôm ấy. Quý thầy cô, quý thân hữu, cũng như học trò chúng tôi, chia sẻ những kỷ niệm về nhà thơ, trong không khí ấm áp, thương yêu. Tôi có dịp được biết thêm nhà thơ Đỗ Chu Thăng nhiều hơn, qua những câu chuyện kể, những chia sẻ của quý thầy cũng như học trò của hai trường Bồ Đề, Tuy Hòa và Hiếu Xương.
     Vào năm 2012 - mười tám năm sau ngày mất của nhà thơ Đõ Chu Thăng; quý thân hữu, bạn văn và gia đình của nhà thơ, đã sưu tập lại những sáng tác còn lưu giữ và chọn một số bài thơ tiêu biểu, ấn hành tập “Di cảo Thơ Đỗ Chu Thăng”. Sách dày 103 trang, trình bày trang nhã, gồm 38 bài thơ, nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
     “Tình Quê luôn “còn lại bên đời” như giòng nước trong trẻo, êm đềm chảy dưới chân cầu, lặng lẽ và lắng đọng trong tâm hồn người đọc; đó là những cung bậc nhẹ nhàng, thơ mộng; chân phác mà sâu lắng, trong từng mạch thơ đã được tác giả ấp ủ và chia sẻ.
       Quê hương với “Ngôi trường tuổi nhỏ”, với “tuổi thơ chấp chới”, “với ngòi bút cứng”, với “nét chữ đồ đầu tiên”; ghi dấu trong tâm hồn ngươì đọc một thoáng bâng khuâng, tiếc nhớ khôn nguôi. Quê hương còn đọng lại trên “nẻo đường ấy”,sương lóng lánh quờ chân trên đọt cỏ”; với tiếng “gọi hè”, “cánh phượng rung rinh”. Đọc “Di Cảo Thơ Đỗ Chu Thăng”, chúng ta thương biết bao tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng; cái tuổi mà bất cứ ai, khi nhớ về cũng đều nghe cay sè đôi mắt, cũng nao lòng, xao xuyến. Nhưng rồi, nỗi nhớ thương tiếc nuối mênh man ấy, đành  cất giữ trong lòng; để một lúc nào đó trong cuộc thăng trầm của đời sống, chúng ta ngồi lại, nghĩ về dĩ vãng như một hoài niệm, để trân quý, để an ủi, yêu thương - đó cũng là hành trang quý báu cho mỗi chúng ta.
       Nhà thơ Đỗ Chu Thăng đã có lần tâm sự:
     “Xin buộc bụng cho mưa dày nắng dạn
     Xây cất trong lòng tháp nhớ lầu thương”
     (Nẻo Đường Ấy – trang 18)
     Nhà thơ đã phải “buộc bụng” những kỷ niệm về tuổi thơ thân thương, để cho “mưa dày nắng dạn” qua bao tháng năm, mặc cho dãi dầu, rêu phong; rồi “xây cất” trong lòng mình những nhớ thương như “tháp” như “lầu”, cao chất ngất.
     Ai đã từng đến Phú Yên, qua quốc lộ, chắc sẽ nhìn thấy ngọn Đá Bia sừng sững trên chót đỉnh núi ở Đèo Cả? Đó là hình ảnh tượng trưng cho  Quê nhà - những người con đất Phú đi xa trở về, nhìn thấy ngọn Đá Bia, lòng bỗng rộn lên niềm vui như đã đặt chân đến nhà rồi.
     “Núi Đá Bia” với những câu hát mẹ ru trong thơ Đỗ Chu Thăng gợi nhớ da diết về tuổi thơ trong lòng người đọc. Và câu hát “Chiều chiều mây phủ Đá Bia” buồn não ruột ấy, đã ru giấc nồng cho bao trẻ em ríu mắt trong lòng mẹ. Theo nhà thơ  “Cuộc sống có quay cuồng”, thì “tình người vẫn trăm sông về biển”, tiếp nối sinh tồn, từ đời này qua đời khác. Và nhà thơ đã mơ ước được trèo lên ngọn Đá Bia quyến rủ kia, để chiêm ngưỡng nét chữ ngày xưa vua Lê mở cõi, để có thể ngắm nhìn làng xóm, ruộng đồng, v v…từ trên cao.
         Nhà thơ đã ao ước:
     “Anh chưa lần nào trèo núi
     Để xem nét chữ ngày xưa vua Lê mở nước
     Mà nhìn ngọn Đá Bia sao cứ thấy Tuy Hòa
     Thấy Đồng lúa Sông Ba
     Thương cánh cò bay lả
     Thương ngọn gió nam cồ”
     (Núi Đá Bia – trang 58)
     Tâm trạng nầy không chỉ riêng nhà thơ, mà là cho mọi người con đất Phú. Đi đâu thì đi, về tới đèo Cả, thấy ngọn Đá Bia; ai cũng thấy lòng mình hân hoan, như thấy đồng lúa xanh thẳng tắp, làng xóm thân thương nghĩa tình của quê mình.
     Nhà thơ Đỗ Chu Thăng mời người đọc “Đến với Vực Phun”, một cảnh đẹp thuộc xã Hòa Mỹ, huyện Tây Hòa  cũng là quê nhà của tác giả. Đứng trước cảnh hùng vĩ, thơ mộng của Vực Phun, tác giả kêu lên:
     “Thơ mộng cũng là đây!
      Hùng vĩ cũng là đây!
      Tôi muốn hô hoán, muốn trầm trồ theo tiếng lòng rạo rực!
      Tôi muốn hỏi, muốn tra cái ngày xa xưa nhất!”
     (Đến Với Vực Phun – trang 66)
    Tác giả reo lên bởi cảnh Vực Phun đẹp quá, hùng vĩ và thơ mộng quá. Ngước nhìn lên “trời hẹp vô cùng”, suối thì “rớt xuống giữa hai bờ vai núi”. Và gió, “gió trên rừng, gió trên đá…lao xao”; và nhiều quá, “những tán lá cọ xanh um” khắp rừng, khắp suối. Thơ mộng biết bao với “một bông hoa rừng đỏ rực” với “tiếng chim háo hức, say mê”; và tác giả cho rằng đấy là “kho trời chung vô tận”. Tác giả đã chia sẻ cảm nhận:
     “Ai có biết và ai không biết?
      Thiên nhiên nào hiểm hóc chi đâu?
      Ai thưởng thức và ai không thưởng thức?
      Còn trách gì ngàn ý, trăm nơi
      Núi rừng ơi! Quê hương ơi!
      Không cách nào ngăn tôi trở lại
      Xin một lời nhắn tận phương xa…”
     (Đến Với Vực Phun – trang 67)
     Tác giả đã chân tình nhắn gởi, ai chưa biết nơi nầy; xin một lần đến Vực Phun để chiêm ngưỡng cảnh mây trời, của sương khói mênh mông. Thác đổ ầm ầm như “đất trời đụng độ”, “nước đang bạc bỗng hóa màu xanh thẳm”, đá thì cứ cao “trưng cái khổng lồ của bàn tay tạo hóa”. Và tác giả đã nguyện hứa với quê hương, với núi rừng rằng “không cách nào ngăn tôi trở lại”, với tình cảm yêu thương, thắm thiết.
     Tình Quê trong thơ Đỗ Chu Thăng còn thể hiện bàng bạc qua những ngôi chùa làng. Một lần về thăm chùa Phi Lai ở Hòa Thịnh, tác giả đã thành tâm:
     “Đôi tay chắp, cúi đầu lễ Phật
      Tôi ra về, mây trắng cũng giăng ngang
      Và hàng dừa nghiêng mình trĩu quả
      Phía đồng xa. Lúa cũng mơ vàng…”
     (Chùa Phi Lai – trang 71)
        Quê nhà còn thể hiện sinh động, gần gũi, qua hình ảnh hàng dừa trĩu quả, lúa mơ vàng, những lũy tre xanh ẩn hiện, những đường làng ngõ xóm in đậm dấu chân tuổi nhỏ; tất cả những điều tưởng rất tầm thường, đơn giản đó, đã gợi trong lòng người đọc sự tươi mát, réo gọi, xa xăm.
          Với đôi nét phác họa chân xác, tác giả tả lại cảnh “Chùa Hồ Sơn”!
     “Ngày xưa là Hồ
     Ngày nay là Núi
     Chùa Hồ Sơn ở trên đỉnh cao cao
 
     Dưới chân chùa lô nhô xóm nhỏ
     Đồng quanh quanh lúa chín vun bờ
     Hỏi du khách? –Đây là nơi hùng vĩ
     Hỏi làng thơ? –Đây là cảnh nên thơ.
     (Chùa Hồ Sơn – trang 68)
          “Chùm thơ nắng hạ” (Trang 85,86,87 & 88) đã phản ảnh trung thực tâm hồn của nhà thơ: hồn nhiên, dí dỏm, chí tình. Nắng như từng chùm rớt xuống, trên đầu, trên vai, trên sóng lúa, trên cây cỏ, trên chùm hoa phượng đung đưa trước gió; nghe mênh man, êm ái, dễ thương. Đỗ Chu Thăng đã đưa nắng vào thơ như một bài ca, như khúc nhạc du dương, tươi mát; nắng mà lại mát, lại ngọt ngào, lung linh, vui nhộn. Xin mời đọc “Chùm thơ nắng hạ” để thưởng thức cái ngọt ngào, êm dịu của những giọt nắng đang rụng xuống tâm hồn.
     “… TRƯA HỌC
     Trưa này em đi học
     Anh nắng nhảy chang chang
     Tát vào môi, vào má
     Nắng sao? Chẳng đàng hoàng
     … GIÓ NẮNG
     Gió quàng vai qua lúa
     Lúa không ưa cúi đầu
     Nắng cười đến nga nghẻo
     Mà cũng hùa đuổi nhau.
     VƯỜN NẮNG
     Anh nắng cứ ở liều
     Chị mưa thì đi mất
     Cây cỏ đứng buồn thiu
     Gió dỗ dành cũng mặc.
     TRƯA NHÀ
     Ghét anh, mẹ cầm quạt
     Giận anh, ba cởi trần
     Em van anh, anh nắng
     Tụi mình đừng chơi thân
     RỪNG TRƯA
     Hôm qua, ở ngoài đồng
     Nắng cứ trêu em mãi
     Hôm nay, em vô rừng
     Sao không theo em nữa.”
     (Chùm thơ nắng hạ - trang 85- 86-87-88)
         Tình quê dung chứa sâu đậm tình yêu thương dành cho gia đình - Đỗ Chu Thăng nhớ ơn cha qua vài hình ảnh đơn sơ, mà đằm thắm; khi cha thức dậy sớm thổi cơm, rồi đưa tác giả ra khỏi xóm để đến trường. Sự quan tâm chăm sóc của cha giản dị là vậy, nhưng sao nghe nặng tình quá đỗi:
     “Trời chưa sáng ba đưa ra khỏi xóm
      Đứng chờ con nép dạng hút trong sương
      Tiếng với theo cho lòng vơi thấp thỏm
      -Chiều ba ra đợi sớm trước cổng trường”
     (Ơn Cha – trang 12)
           Hình ảnh người mẹ, người vợ, cùng với tiếng chim reo bất ngờ đâu đó ngoài bờ giậu, cũng đã làm tác giả chạnh lòng, ngẩn ngơ. Tiếng chim kêu “xèo” ngoài bờ tre mà tác giả nghe như có “tiếng mỡ”, tiếng “bày mâm bát đĩa”. Tác giả nhớ đến mẹ ngồi “giã đỏ mắm cay”, vợ “tay bột, tay rau”, “quạt hồng đôi má”. Nhưng mấy mươi năm sau, tác giả lại phải van xin “đừng hót nữa chim ơi”; bởi tiếng chim đã gợi trong lòng tác giả nỗi nhớ thương, nỗi hoài vọng khắc khoải một thời.
     “…Nắng đã già, đọng mãi hạt sương đêm
     Gió mảnh quá, im lìm buồng chuối trổ
     Đời chật chội nên thấy mình quanh quẩn
     Tôi bâng khuâng
     Tiếc nuối những ngày rồi…
     Đừng hót nữa chim ơi!
     Mẹ ta đã qua đời
     Vợ chồng ta đâu còn cái thời son trẻ nữa”
     (Mẹ, Vợ, Và Tiếng Chim – trang 74)
          Trong một bài thơ viết cho Phy Phiển - con gái của tác giả, khiến người đọc thấy cảm thương cho phận gái lấy chồng xa; ba bốn tháng mới một lần về thăm cha mẹ. Cảnh cả nhà ríu rít mừng rỡ, như hoa kiểng trước nhà thấy gió reo vui; nghe “bâng khuâng từng bông nắng lay vàng”. Vừa đến nhà là “đã rông rảo ra vườn, ra giậu”, đuổi bắt những kỷ niệm “ấu thời”, sao mà gần gũi, hồn nhiên quá.
     “…Nghe tiếng thời gian văng vẳng đi qua
     Thanh thản làm sao hai tiếng quê cha
     Có gì đâu mà ngọt ngào đến thế?”
     (Về Thăm Mẹ - trang 49)
          Về ở lại chỉ một đêm mà biết bao điều muốn nói, nói hoài, nói mãi cũng chưa hết. Chỉ một đêm thôi, rồi ra về với “túi ni lông đu đủ chín hườm”; dù mẹ có “nằn nì ở ráng vài hôm” cũng “không đâu mẹ, đưa cháu về kẻo ba nó, ảnh trông”; rất thực tế mà có chút xót xa.
          Bên cạnh tình cảm mật thiết dành cho gia đình, Tình quê còn chứa chan tình bạn: “so với Bá Nha, Tử Kỳ ta đâu dám. So với Từ Trĩ, Trần Phồn ta còn thua”; thế nhưng “hiểu nhau qua nụ cười trang lứa, ước ngày mai và mơ những ngày qua”. Nhà thơ đã thổn thức khi nhớ về bạn, mơ một ngày “gặp mặt tương tri”.
     “Đêm nay tôi còn chung rượu quý
     Nghe lòng buồn mà không dám nâng ly
     Chỉ thức trọn một đêm cho vườn đào lý
     Chờ ngày ra gặp mặt tương tri”
     (Chung Một Giòng Sông – trang 30)
      Tập di cảo “Thơ Đỗ Chu Thăng”,  đã để lại trong lòng người đọc, trước hết là những cảm giác mênh man, êm đềm, thắm thiết; sau đó là đọng lại lâu bền trong tâm hồn những tình cảm yêu thương Quê nhà, người thân, bằng hữu, rất đáng trân trọng. Người xưa thường nói “văn tức là người” - nhà thơ Đỗ Chu Thăng đã thể hiện trọn vẹn sự giản dị, mộc mạc, chân tình của con người ông, nên Tình quê trong thơ ông sẽ sống mãi bên đời...
                 Tháng 1.2018
                  TIỂU NGUYỆT.        
            
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt