TIỂU NGUYỆT


 Về Tập Thơ "Thơ và Tình"
Của Nhà Thơ Trịnh Bửu Hoài

TIỂU SỬ NHÀ THƠ TRỊNH BỬU HOÀI

- Sinh năm 1952, quê ở xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Hiện cư ngụ tại phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, An Giang.
-Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam,
-Phó ban công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long
-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
-Từ năm 1966 đến nay có nhiều tác phẩm thơ, văn đăng trên các tuần báo, tạp chí trong cả nước.
-Năm 1967: Thực hiện tập san Khai Hoang
-Năm 1968: Thực hiện tập san Đối Diện
-Năm 1969: Chủ biên tạp chí và cơ sở xuất bản Khai Phá
-Năm 1970: Chủ trương, chủ biên tạp chí Khuynh Hướng

 

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
 

1.THƠ TÌNH, thơ, NXB Khai Phá, Sài Gòn 1974
2.NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TÌNH YÊU, thơ, NXB Khai Phá, Sài Gòn 1974
3.MÙA TRĂNG, thơ, Văn nghệ An Giang 1984
4.GIỮA HAI MÙA HẸN ƯỚC, trường ca, Văn nghệ Châu Đốc 1985
5.48 GIỜ VÒNG QUANH NÚI SAM, du ký, Văn Nghệ Châu Đốc 1985 (tái bản lần nhất 1987, lần hai 1987, lần ba 1991, lần tư 1994, lần năm 1995, lần sáu 1996, lần bảy 1998, lần tám 2001, lần chín 2003, lần mười 2004, lần mười một 2006, lần mười hai 2014)
53. NGOÀI EM RA ANH CÒN AI NỮA, thơ, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2015
54. THƠ VÀ TÌNH, tuyển thơ, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2017
55. VỤN VẶT GIỮA ĐỜI, tạp bút, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2017
56. MỘT CÕI BIÊN THÙY, bút ký, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, TP.HCM 2017
57. CHÂU ĐỐC, DI TÍCH THẮNG CẢNH VÀ ĐẶC SẢN, biên khảo, Phòng Văn hóa thông tin Châu Đốc - 2018.

 

“THƠ VÀ TÌNH” - BẢN HỢP CA
TỪ MỘT TÂM HỒN KHOÁNG ĐẠT, NHÂN HẬU

Tôi nhận được tập thơ “Thơ và Tình” của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài gởi tặng vào tháng 9 năm 2017. Sách dày 125 trang, tác giả trình bầy bìa - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2017.
Từ khi loài người có mặt trên trái đất, biết dùng ngôn ngữ - nhất là “văn tự” để liên hệ, giao thiệp, bày tỏ tình cảm; thì “Tình” đã được nói đến (Tình Quê Hương, Tình Người, Tình Bạn, Tình Yêu), hầu như trước tiên (sau đó là lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt riêng của mỗi miền đất).
Nhiều thế kỷ sau, con người cũng đã nói về “Tình” - tuy “chữ Tình” mỗi thời, có khác; nhưng nhìn chung, đó là những rung cảm của trái tim trước đời sống tình cảm, không thể thiếu.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài dường như đã dành nhiều tác phẩm của mình để bày tỏ, chia sẻ về “Tình và Thơ”; nhưng, “Tình” trong các tác phẩm của ông không hề cũ, nhờ cảm xúc chân thực, tâm trạng phong phú đã trải nghiệm, được chắc lọc; bởi một tâm hồn nhân hậu, yêu quý thơ ca.
“Thơ và Tình” gồm 4 đoản khúc - (1) Một Khúc Tình Quê - Một Khúc Đời (2) Đời Kia Hiu Hắt Ta Còn Bạn (3) Tình Muôn Thuở Vẫn Là Men Chuếch Choáng (4) Thuở Hồn Nhiên Đẹp Lắm Sân Trường - tất cả như một “Bản hợp ca” cùng một giai điệu tha thiết, chân thật, từ một tâm hồn khoáng đạt, rộng mở.
Chúng ta hãy lắng nghe, hòa theo Bản hợp ca nặng tình ấy của nhà thơ.

-Một Khúc Tình Quê - Một Khúc Đời.

“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông”
(trang 7)


Đất khách dù rộng lớn bao nhiêu cũng nhỏ hẹp trong lòng người xa xứ - Quê nhà dẫu một góc nhỏ thôi, vẫn nhớ thương da diết, khôn nguôi. Trịnh Bửu Hoài sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - mùa nước nổi, với những bông điên điển vàng rực rỡ; đã chạm vào nỗi nhớ của nhà thơ, rất quyến rũ, sâu lắng. An Giang, chưa đi xa mà đã nhớ, nhớ Thất sơn trong sương mờ đứng đợi; nhớ bông điên điển vàng hoa như cánh bướm; nhớ mái tóc em dài dằng dặc nỗi chờ mong. Tất cả như bật chảy theo con nước lai láng, thành một khúc ca tràn đầy yêu thương và nỗi nhớ da diết; khiến người đọc chạnh lòng nhớ nghĩ về quê nhà của chính mình.

“An Giang ơi
Chưa qua đã nhớ
Điên điển vàng
Rực một bến sông
Hoa như cánh bướm
Về tương ngộ
Với mùa nước nổi
Chạm mêng mông”.
(An Giang - trang 8)


Đôi khi nhà thơ thấy cuộc đời mình như một “hòn bi nhỏ”, lăn lông lốc trên con dốc của cuộc đời; rồi chạnh nhớ thương quê xa, đã bao năm tháng không về thăm; dù ở quê Người cũng vầng trăng, cũng nhánh sông, nhưng ông vẫn cảm thấy xa lạ, lạnh lùng. Chợt nhìn sợi khói bếp nhà ai bay bay, ông nhớ vô cùng khói bếp lam chiều quê xưa mà héo hắt lòng đau. Nhớ thương cha mẹ ngày đêm trông ngóng đứa con xa biệt chốn nào, mà lòng se sắt nhớ; để đêm đêm ngỡ con về trong những giấc chiêm bao ngắn ngủi, cho vơi đi nỗi nhớ mong đang nặng trĩu trong lòng.

“Quê người lạnh lắm những chiều đông
Dù cũng vầng trăng cũng nhánh sông
Nhà ai sợi khói bay như mộng
Héo hắt lòng ta bếp lửa hồng

 

Mỗi một ngày qua thêm nỗi buồn
Đời mình như thể cánh chim muông
Ngậm cọng cỏ hồng bay viễn xứ
Giật mình, ngoảnh lại đã hoàng hôn”.
(Quê Xa - trang 17)


Nhà thơ ví đời mình như “cánh chim muông”, bay khắp nơi mong tìm chốn đậu an vui; nhưng cánh chim mãi dong ruổi rã rời; nhìn lại, “giật minh, ngoảnh lại đã hoàng hôn” - vẫn đôi bàn tay trắng; mà sự tìm kiếm nơi chốn an lạc vẫn còn mờ xa.
Đôi khi nhà thơ bắt chước người xưa, leo lên đỉnh núi ngồi buông câu - câu thời vận hay để chiêm nghiệm số phận từng cuộc đời?. Ngoài kia là biển rộng, chứa biết bao sầu đau của thế gian; nhìn chiếc lá vàng rơi, ngỡ như thân phận của kiếp người trải qua bao sóng gió vùi dập, mà đau đớn, chua xót. Nghĩ lại, hơn nửa cuộc đời cứ loanh quanh tìm kiếm, nhà thơ chạnh nhớ thương quê cũ với niềm mơ ước thuở ban đầu; rồi quay nhìn từng hạt mưa rơi, mà nghe thấm đẫm niềm cô đơn, hiu quạnh “ta còn câu mãi bóng ta dưới trời!”. Ý tưởng “ngồi đỉnh núi buông câu” rất thích hợp với tâm trạng bất an, chơi vơi, trước cuộc đời đảo điên của những người trẻ tuổi như ông.

“Ta ngồi đỉnh núi buông câu
Lắng nghe gió khóc giữa màu hoang sơ
Lối xưa bóng cỏ dật dờ
Chỉ mình ta với rừng xơ xác chiều.
Tiếng chim từ cõi tịch liêu
Vọng về nỗi nhớ vàng hiu một mầu.

 

Ta ngồi đỉnh núi buông câu
Xoay quanh một bóng bể dâu bên trời
Tìm chi hơn nửa cuộc đời
Mênh mông sương trắng biết nơi nào về
Chạnh lòng thương một góc quê
Ngàn năm là nỗi đam mê ban đầu”.
(Ta Ngồi Đỉnh Núi Buông Câu - trang 26)


Trong một mùa nước nổi, nhà thơ trở về nhìn cánh đồng xưa hóa sóng, lòng buồn bã tìm sông, tìm đất, chỉ thấy sóng nước mênh mông. Nhà thơ nghĩ đời mình như cỏ dại lặng câm giấu mình trong bùn nâu, giữa muôn trùng sóng nước. Trong mênh mông bát ngát của cảnh tượng hiển bày, ông cảm nhận đến cuộc dâu bể, vô thường của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy. Nước dưới sông vẫn chảy âm thầm, lặng lẽ; và ông như rơi vào nỗi cô đơn tột cùng trong sự tĩnh lặng, quạnh hiu của sông nước quê nhà.

“Ta về như giấc mộng
Thao thức một bờ lau
Cánh đồng xưa hóa sóng
Vỗ mãi một chân cầu.


Ta về sông vẫn chảy
Âm thầm dưới đáy sâu
Lặng câm đời cỏ dại
Giấu mình trong bùn nâu


Hình như trong bát ngát
Mây trời soi bể dâu”.
(Mùa Nước Nổi Ở Prek Chrey - trang 27)

-Đời Kia Hiu Hắt Ta Còn Bạn.

“Chỉ thiếu một người vui đối ẩm
Nhân gian đông mấy cũng dư thừa”
(trang 29).


Đoản khúc thứ hai trong bản hợp ca sau “Tình Quê" là “Tình Bạn” cho thấy được phần nào “bản tính” của người miền Nam là rất hiếu khách, khoáng đạt, dễ gần!
Tình bạn trong thơ Trịnh Bửu Hoài rất đặc biệt: Sâu lắng, mênh mang như những khúc “vọng cổ” réo rắc, vang vọng từ cõi ký ức đằm thắm, từ nghĩa tình sâu nặng, và từ sâu thẳm của trái tim.

“Biết mấy khi vui mà uống rượu
Ly đã kề môi chớ ngập ngừng
Đời kia hiu hắt ta còn bạn
Thì hãy cạn đi cốc rượu mừng.

 

Mai chia tay đừng nhớ gì nhau
Đêm nay trăng thắp sáng trên đầu
Nghiêng cả bình say cho bạc tóc
Một đêm hồ dễ có đêm sau”.
(Tri Âm - trang 33)


Rượu đã kề môi, thì hãy cạn, mừng gặp nhau, hồ dễ có được cuộc gặp gỡ như hôm nay. Trăng trên cao soi sáng, chứng giám cho cuộc tương phùng của đôi bạn tri âm. “không có hoa đăng đêm hội ngộ, chỉ một vầng trăng ngất ngưởng trên đầu”.
Và trong cái mênh mông, tĩnh mịch của đêm thanh vắng; nhà thơ cùng bạn cụng ly đối ẩm “ta cứ rót bóng mình trong đáy cốc, trần gian là một cuộc vui đùa”. Rót, rót mãi, để rồi ngất ngưởng, nhìn khói thuốc bay tưởng mây trời đáp xuống; vẫn thấy mình chưa say. Ông nhìn đời với đôi mắt đùa cợt, yếm thế; tự thấy mình nhỏ bé giữa đất trời bao la, trong cuộc thăng trầm dâu bể.

“Hồ rộng mênh mông ta bé nhỏ
Hai thằng say hóa đá tri âm
Rượu chảy mặt hồ trăng rải bạc
Vắng trong mắt bạn tiếng nguyệt cầm
Có phải nghìn thu vừa thức dậy
Một hồn hoa cúc của ngàn năm
Ta đứng bên hồ nghe gió thổi
Vai vẫn kề vai giữa thăng trầm…”
(Uống Rượu Bên Hồ Trúc Giang - trang 39)


Nhà thơ đã khẳng định, “ra đi đâu phải không về nữa”; vậy mà ông như thấy “khói hoàng hôn cay mắt nhau”. Dù “hợp tan là lẽ đời dâu bể, ly hương ôm mãi mộng quay về”. Tôi như thấy mình trong “Tiễn Bạn” của Trịnh Bửu Hoài, luôn mong muốn được trở về quê cũ - nơi ấy dù là một “góc nhỏ”, nỗi nhớ cứ da diết; luôn làm ta xao xuyến muốn quay về, sống lại với những kỷ niệm của một thời hồn nhiên, êm đềm đã qua.

“Ra đi còn hẹn ngày trở lại
Cứ ngoái đầu trông một nẻo quê
Hợp tan là lẽ đời dâu bể
Ly hương ôm mãi mộng quay về

 

Ra đi nào phải tan hình bóng
Mà quặn lòng đau đêm qua sông
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông”.
(Tiễn Bạn - trang 41)


Nhà thơ vui mừng, cảm kích, đón bạn vượt cả ngàn cây số đến thăm. Ấm lòng bên cốc rượu mừng tao ngộ, bỏ hết tất cả (bỏ hết nhân gian lẫn chuyện nhà), để vui cùng nhau, nhắc nhớ về những kỷ niệm xưa, chờ đóa quỳnh hoa nở khi trăng lên. Phút giây thiêng liêng quý báu nầy một đời người có mấy khi?
Uống cho say, quên hết những nhọc nhằn, phiền muộn trong cuộc sống; thấy cuộc đời trong suốt qua đáy cốc, nào dám mong có lần bạn trở lại thăm. Hình ảnh “mai bạn về ta ngồi bên núi” đã khiến người đọc không khỏi rơm rớm, xót xa, ngậm ngùi cho cuộc “hợp - tan” ngắn ngủi của cuộc vô thường.

“Thôi thì giũ hết bụi đường xa
Bỏ cả nhân gian lẫn chuyện nhà
Nhìn nhau đáy cốc đời trong suốt
Uống chờ đêm nở đóa quỳnh hoa

 

Mai bạn về ta ngồi bên núi
Nỗi buồn nào hóa đá trăm năm
Đá không có tuổi người có tuổi
Dám nào mong bạn trở về thăm…”
(Bạn Xa - trang 53)


Mai bạn về, còn một mình ngồi nhớ bạn - “nỗi buồn nào hóa đá trăm năm” . Nhà thơ ước muốn nỗi buồn đông cứng, im lìm, để không căng tràn ray rức trong lòng, nhưng càng muốn quên, nỗi buồn cứ tuôn trào, không có gì ngăn giữ lại được.

-Tình Muôn Thuở Vẫn Là Men Chuếch Choáng

“Ta làm tên giữ vườn mơ mộng
Nhặt suốt đời chẳng hết một mùi hương”
( trang 61)

Tình yêu là một phần quan thiết của đời sống - con người sống không có Tình yêu, là mất đi một nửa ý nghĩa, cằn khô như đất không đơm hoa. Nhà thơ đã có một “huyền thoại mùa đông” thật thơ mộng. Ông đã “giấu mùa đông vào nỗi nhớ, viết lời thơ tháng chạp tặng riêng em”.
Lãng mạn biết bao, khi nhà thơ cho lời thơ hóa thành chiếc lá, rụng bên thềm; để em gom hết lá nơi thềm cũ, nhặt những vần thơ đầy yêu thương, ấp ủ vào trái tim yêu ấm áp. Sự “tưởng tượng” tuy không mới, nhưng trong cõi riêng của Tình yêu, người ta có thể “sáng tạo” ra nhiều thứ. Trịnh Bửu Hoài đã bắt đầu những tác phẩm của mình, bằng tập thơ đầu tiên - “Thơ Tình” (xuất bản năm 1974), nên những trang thơ tình của ông rất phong phú, dường như “không bao giờ cạn”. Sự nhạy cảm và tưởng tượng là hai yếu tố quan trọng để tạo nên phong cách riêng giàu hình ảnh, cảm xúc của thơ ông.

“Tôi về gom gió mùa đông lại
Gởi em màu nắng nhạt bên sông
Lẽ đâu trời vẫn chưa thay áo
Vườn em sương trắng xuống mênh mông

 

Em gom hết lá nơi thềm cũ
Nhặt cả vần thơ ai đánh rơi
Ngọn lửa nhà em sao ấm quá
Còn tôi hóa đá ở bên trời…”
(Huyền Thoại Mùa Đông - trang 67)


Với lời thơ nhẹ nhàng, giàu cảm xúc; tác giả đã cho người đọc nhìn thấy bức phác họa “Em và Mùa xuân” thật gợi cảm. “Em chợt đến nhẹ nhàng như cánh lá, như sương rơi ấm lạnh vai gầy”; và “em chợt đến, hồn nhiên như cánh én, nhả mùa xuân xuống vầng trán thơ ngây”. Mùa xuân với hoa lá, với cánh én, với em, hòa vào thơ; để cảm xúc dạt dào. Bức tranh Mùa xuân đầy hương sắc, với ánh nắng ấm áp trải nhẹ, cho cây cỏ, lá hoa nẩy chồi, đơm lộc. Bức tranh càng sinh động hơn, khi nhà thơ muốn “hóa thành con bướm trắng”, chập chờn bay giữa ánh chiều rơi; để hoàn tất bức tranh “Em và Mùa xuân” quyến rũ, thơ mộng.

“Em chợt đến dịu dàng như nắng sớm
Cho vườn hoang cây nẩy lá xanh đời
Ta mê mải hóa thành con bướm trắng
Cứ chập chờn đôi cánh giữa chiều rơi


Em chợt đi, vô tình như gió mỏng
Trái hồng nhan rụng chín đầu vườn
Ta làm tên giữ vườn mơ mộng
Nhặt suốt đời chẳng hết một mùi hương”
(Em Và Mùa Xuân - trang 80)


Nhà thơ tình nguyện làm người giữ vườn chung thủy;“nhặt suốt đời chẳng hết một mùi hương”; như lời thề nguyền son sắc.
Người đọc bắt gặp trong “Cùng em đi dọc sông Tiền”, một sự so sánh ẩn dụ sâu sắc giữa “dòng sông và lòng ta”, “sông và chân ta”, “sông mênh mông, em dịu dàng”, “sông trải lụa, ta trải lòng”, thật gợi cảm, làm rõ nét hơn những ý tưởng và cảm xúc ông muốn giải bày.

“Sông thì rộng mà lòng ta nhỏ hẹp
Chỉ muốn người riêng của ta thôi
Sông thì dài mà chân ta ngắn quá
Trăm năm đi chưa hết một dòng đời.

 

Sông mênh mông đổ nguồn ra biển cả
Em dịu dàng đổ bóng vào tôi
Sông bên bồi chia thương cùng bên lở
Em bên đầy nghiêng nhớ xuống bên vơi”.
(Cùng Em Đi Dọc Sông Tiền - trang 92)


Có lần, trong một buổi chiều, nhà thơ cảm thấy nuối tiếc vì đã không nói cùng em lời yêu thương, để xa nhau thấy nỗi nhớ thương em mà buồn, mà sầu khổ - “Xưa, tình lên mắt mà không nói, giờ biết tìm đâu khi nhớ nhung”. Xa nhau, mới thấy cần những lời yêu thương cho nhau, mới thấy nỗi nhớ thương lớn ngần nào?. Tác giả băn khoăn, em chẳng là trăng để mong đợi, vì trăng có ra đi rồi cũng trở về; em chẳng là mưa để ông chờ, vì mưa có tạnh, rồi cũng sẽ có lúc mưa rơi.
Rồi ông tự hỏi, với niềm hy vọng; rằng em có về đây nắm mối tơ”?

“Chiều nay lá rụng chim về núi
Em có khi nào về với ta
Ơi sao chợt thấy lòng tê lạnh
Xa nhau chưa kịp nói yêu mà

 

Em chẳng như trăng cho ta đợi
Cũng chẳng là mưa để ta chờ
Sợi tình ta cứ se se mãi
Em có về đây nắm mối tơ?”
(Thoáng Xa - trang 73)

 

-Thuở Hồn Nhiên Đẹp Lắm Sân Trường.
 

“Em như chim xa rừng không trở lại
Tôi đời cây giữ mãi sắc phượng buồn”.
(trang 105)


Đoản khúc cuối của bản hợp ca được dành cho “Tuồi hồn nhiên làm đẹp sân trường”, trong đó, cũng đã làm đẹp cho đời người.
Ai cũng có tuổi học trò hồn nhiên, thơ mộng, để nâng niu, để thương nhớ. Đẹp biết bao những tà áo trắng trong sân trường đầy bóng phượng, với ánh nắng ban mai reo vui theo những bước chân chim tung tăng đùa giỡn. Dường như với cái tuổi học trò nhiều mơ mộng này, ai cũng dễ rung cảm bởi cái đẹp của cành phượng hồng, bởi đó là hình ảnh thân thương gần gũi nhất. Chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ tâm sự:

“Chiều nay nhặt cánh phượng hồng bỗng nhớ
Dấu chân xưa ai để lại sân trường
Ta có một thời yêu không dám ngỏ
Ngày chia tay em chợt đẹp lạ thường”
(Cánh Phượng Hồng Thuở Ấy - trang 10)


Lời chia sẻ của Trịnh Bửu Hoài về “Cánh phượng hồng thuở ấy” dường như cũng là tâm tình chung của tuổi học trò. Kỷ niệm thuở học trò vui đùa hái hoa bắt bướm chợt dạt dào trong tôi, khi đọc “Một Thuở Hồn Nhiên”.
Thuở ấy, lũ con gái chúng tôi có một “góc nhỏ” trước phòng học số năm để tụm năm, tụm ba, kể cho nhau nghe đủ chuyện, rồi nghe chim hót từ cây phượng già. Những cánh phượng đỏ rực đang khoe sắc trên cành bị chúng tôi hái ép vào vở, hay dán vào tập lưu bút - nhất là những ngày đến trường, chuẩn bị nghỉ hè. Nhà thơ cũng đã sống những giờ phút xao xuyến như thế:

“Thuở hồn nhiên đẹp lắm sân trường
Đuổi bắt bướm ép vào trang vở
Em áo trắng một lần qua cửa
Tay cầm nhành phượng đỏ cợt hồn tôi”.
(Một Thuở Hồn Nhiên - 112)


Một lần, chợt nhìn thấy “em” với màu áo trắng, với nhành phượng hồng trên tay, đi ngang qua cửa lớp; đã để lại trong tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ một hình ảnh đẹp, cảm xúc dạt dào; để nhà thơ mơ mình là nắng sân trường, reo vui theo bước chân em vào hạ. Kỷ niệm ấy, hình ảnh ấy, giờ đây chỉ còn trong những vần thơ; màu áo trắng xa xưa đã trở thành huyền thoại, với sắc phượng buồn muôn thuở.

“Kỷ niệm bây giờ còn ở trong thơ
Màu áo trắng đã trở thành huyền thoại
Em như chim xa rừng không trở lại
Tôi đời cây giữ mãi sắc phượng buồn”.
(Một Thuở Hồn Nhiên - trang 112)


Nhà thơ có dịp trở về thăm lại trường xưa, mái ngói đã rêu phong, cây phượng xưa đã già, trầm mặc, lặng lẽ bao mưa nắng của thời gian. Nhà thơ bỗng thấy buồn, nhớ thương thầy xưa, bạn cũ. Và trong một phút giây, nhà thơ như nghe thấy “hương áo trắng” của ngày xưa thoáng về theo cơn gió giao mùa bất chợt.

“Tôi đứng giữa chiều rơi
Lắng nghe hồn lớp cũ
Thầy ơi và bạn ơi
Đời mênh mông dâu bể

 

Tôi trở lại trường xưa
Cây phượng già trầm lặng
Chợt cơn gió giao mùa
Mang về hương áo trắng”
(Trở Lại Trường Xưa - trang 113)


Nhìn ngắm hàng phượng ngày xưa đã từng che nắng, che mưa thuở nào; nhìn ngắm con đường đã từng đón đưa ai một thời áo trắng, để tìm lại “chút hương bay”. Trong ánh nắng chiều hắt hiu, nỗi nhớ cứ căng tràn; và ông muốn hóa thân vào bóng hoàng hôn, để âm thầm sống lại chuỗi ngày hồn nhiên tươi đẹp ấy.

“Vẫn hàng phượng đỏ ngày xưa
Che cho tôi những nắng mưa thuở nào
Con đường ai đón đưa nhau
Một thời áo trắng đẹp màu tóc mây

 

Tôi tìm lại chút hương bay
Nghe mùa hiu quạnh nghe ngày quạnh hiu
Cổng xưa trời khép nắng chiều
Để tôi cùng nỗi nhớ riu riu buồn”
(Về Thăm Trường Cũ - trang 124)


Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài sinh trưởng ở miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long trù phú, được hấp thụ truyền thống đặc trưng của nền ca cổ Nam bộ; nên thơ ông có bản sắc hồn nhiên - vừa tinh tế sáng tạo của trí tuệ, vừa chơn phác, chí tình của một tâm hồn nhân hậu. Bản hợp ca “Thơ và Tình” gồm 4 đoản khúc là những giai điệu âm vang mãi của mọi đời sống.
Trong gần nửa thế kỷ sống cho thơ - văn, hơn 50 tác phẩm đã được lần lược giới thiệu; Trịnh Bửu Hoài đã đóng góp cho dòng Văn học cả nước - nhất là Nam bộ, thêm khởi sắc và giá trị. .

6/2019

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt