TIỂU NGUYỆT


Về Tập Truyện Ngắn "Tiếng Hát Nhân Ngư"
Của Nhà Văn Trần Huiền Ân

TIỂU SỬ NHÀ VĂN - NGHIÊN CỨU BIÊN KHẢO TRẦN HUIỀN ÂN

-Tên thật Trần Sĩ Huệ
-Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1937, (trên giấy tờ ghi ngày 23-12-1938).
-Quê quán Làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú yên.
-Hiện cư trú tại 20/3 Chu Mạnh Trinh, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
-Hội viên Hội Nhà văn VN - Hội Văn Nghệ Dân Gian VN, Hội viên Hội Nhà Báo VN, Hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử VN.
-Từ năm 1957-1975: Dạy học, sáng tác.
THƠ:
1-Thuyền Giấy - NXB Bách Khoa - 1967.
2-Năm Năm Dòng Sông Thơ - NXB Đồng Dao -1973.
3-Lời Trên Lá - NXB Trẻ - 1997.
4-Rừng Cao - NXB Thanh Niên -2007.
VĂN:
1-Tiếng hát nhân ngư - tập truyện - NXB Văn Nghệ - 1997
2- Khói của ngày xưa - tập truyện - Hội VHNT Phú Yên - 2003
3- Một nửa chân trời - truyện vừa - NXB Trẻ - 1997 (đã tái bản 2 lần)
4- Mùa hè quê ngoại - truyện vừa - NXB Trẻ - 2002 (đã tái bản 2 lần)
5- Huyền thoại mở đất - truyện vừa - NXB Trẻ - 2003 (đã tái bản 2 lần)
6- Ngọn cờ quân thứ - truyện lịch sử - Hội VHNT Phú Yên - 2006
7- Ngọn cờ quân thứ (có bổ sung) - NXB Trẻ - 2006
8- Mây trắng Dinh Phoan - tạp bút - NXB Văn Học - 2010
TẠP LUẬN:
1-Ăn - Uống - Nói - Cười và Khóc - NXB Trẻ -2013 - tái bản 2018.
Ông nhận được nhiều giải thưởng văn học cũng như biên khảo, trong đó đáng kể là công trình biên khảo “Đất Phú trời Yên” được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1996. Giải thường Văn học Nhà nước năm 2017.
*Và 30 đầu sách nghiên cứu văn học, lịch sử ký tên thật Trần Sĩ Huệ.


“TIẾNG HÁT NHÂN NGƯ” CỦA NHÀ VĂN TRẦN HUIỀN ÂN CÒN VANG MÃI TÌNH THƯƠNG YÊU DÀNH CHO KỶ NIỆM, QUÊ NHÀ VÀ ƯỚC MƠ

“Tiếng Hát Nhân Ngư” là tập truyện ngắn đầu tiên, trong 9 tác phẩm văn, (gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện lịch sử, tạp bút, tạp luận) của nhà văn Trần Huiền Ân - tranh bìa của Lê Ký Thương, trình bày Lữ Quỳnh; sách dày 152 trang, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, ấn hành năm 1997.
“Tiếng Hát Nhân Ngư” của nhà văn Trần Huiền Ân, gồm 16 truyện ngắn, là những ghi nhận, chia sẻ tâm huyết dành cho đời sống, còn “vang mãi Tình thương yêu dành cho Kỷ niệm, Quê nhà và Ước mơ”.
Trong đời, ai cũng từng có những kỷ niệm hồn nhiên, sâu đậm không thể nào quên thời cắp sách. Những kỷ niệm thân thương đó tuy đã lùi xa vào quá vãng, nhưng luôn vang vọng mãi trong ta những hoài niệm vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, khi ngồi một mình nhớ lại - đó là “dưỡng chất” làm phong phú, điểm tô cho cuộc sống thêm ý nghĩa, từ đó nẩy mầm bao ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Nhà văn Trần Huiền Ân là một nhà giáo, hẳn đã có nhiều lần tham gia những “đêm lửa trại” cùng học trò của mình thuở ấy. Những lần trại hè, trại trung thu, luôn “sống lại”, quay về, khiến ồng bồi hồi nhớ tuổi học trò của mình với bao kỷ niệm êm đềm, thơ mộng; đã được nhà văn thể hiện sinh động, rõ nét, lôi cuốn trong truyện ngắn “Kịch Lửa Trại”.
Tác giả đã khéo léo dẫn dắt “kịch lửa trại” bởi ngẩu hứng từ giai thoại “bằng Chú Lính” thật tự nhiên, tế nhị. “Khi nghe cụ Năm kể về sự tích bằng Chú Lính, thầy giáo quyết định dựng một hoạt cảnh để công diễn trong đêm văn nghệ cuối niên khóa. Chúng tôi đòi thầy cho dựng kịch sân khấu, vì lâu nay hình thức lửa trại gồm năm bảy tiết mục sáng tác vội vàng, vài ba bài đơn ca xen lẫn hài kịch, các nhân vật mặt mũi bôi lọ đen nhèm, ăn mặc xốc xếch, áo cài nút lẫn hột dưới với hột trên, quần xắn ống cao ống thấp… đã quá nhàm chán. Nhưng thầy giáo không nghe, thầy quả quyết cứ kịch lửa trại. Lửa trại rất hợp với hoạt cảnh này, rồi các em xem, chúng ta sẽ có một đêm kịch lửa trại thật vui vẻ để mà nhớ mãi năm học”. (Kịch Lửa Trại - trang 12-13).
Hoạt cảnh về sự tích “bằng Chú Lính” được xếp vào cuối chương trình để tạo thêm sự phấn khích, tò mò của khán giả bao quanh đang háo hức. Có ba nhân vật chính. Minh trong vai Chú Lính, áo thắt lưng, quần bó ống, tay cầm giáo dài. Nhân vật “tôi” trong vai cô gái xóm Đá, phục sức giản dị theo lối người dân quê thời trước. Hãn trong vai ông Đụng, khoác cái lốt cọp trên người. Những bạn bè khác cả nam và nữ đều hóa trang làm các trạo phu và người trợ chiến cho chú Lính.
Chuyện kể rằng: Chú Lính gốc tận đâu trong miệt Đồng nai, lục tỉnh. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với người chị ruột, nhưng chị qua đời sớm, bỏ chú bơ vơ một mình. Một ông thầy võ thương tình đem chú về nuôi. Hai thầy trò ngày đêm miệt mài tập luyện, làm rẫy, săn bắn, hái củi, sống với núi rừng, cỏ cây, xa lánh mọi người. Chú chưa kịp trưởng thành thì ông thầy lại qua đời bất ngờ vì một tai nạn. Làng xã thấy chú khỏe mạnh, vạm vỡ đôn tuổi lên, bắt chú đăng vào lính.
Cuộc sống tù túng khiến Chú Lính nhớ làng nước, quê hương, tuy ở đó không còn ai cật ruột bà con. Chú nhớ con đường quê, nhớ cánh đồng lúa, nhớ con sông, giọng hò; nhớ thiên nhiên và những con người thật gần gũi, không phải lúc nào cũng quỳ gối. Chú xin được sung vào đội tảo trừ ác thú - đó là thời kỳ làng trên xóm dưới đang kinh hoàng vì nạn ông Đụng hoành hành, quậy phá.
Có một con cọp ba chân vô cùng hung dữ, nó có sức mạnh lạ thường. Người đương thời gọi nó là ông Đụng. Ông Đụng có hai điều đặc biệt là chạy nhanh và khát máu, gặp con người là hạ sát, móc họng rồi bỏ đó, thật khủng khiếp.
Chú Lính quyết tâm giết con cọp này, bởi chú đau xót trước nỗi tang tóc mà con cọp mang tên “ông Đụng” đã gieo rắc cho dân làng. Chú Lính không tiếc thân mình, nhưng chỉ ngại một điều là thiếu tình thương. Chú nghĩ, người dẫu tài trí và sức lực đến đâu cũng có lúc gặp cơn hiểm nghèo. Lúc đó, muốn vượt qua cần phải có tình thương của một người đàn bà (thân yêu) để nghĩ đến, làm chỗ dựa khi lâm nguy, kiệt sức.
Từ khi chú Lính đến trọ nhà ông Tráng Hai, cô cháu nội của ông đem lòng yêu mến chú. Cô lo lắng cho chú, khi biết chú cần có tình thương của một người đàn bà để nghĩ đến lúc hiểm nghèo, cô đã cầm tay chú nghẹn ngào: “Chú Lính ơi! Tôi thương chú, tôi thương chú hết lòng”. Cô nói một hơi, không dám ngắt quãng, nước mắt trào ra, làm chú Lính rất xúc động, tin tưởng; coi như chú đã người phụ nữ để nghĩ đến, lúc gặp hiểm nghèo.
Chú Lính cùng hai người lính nữa đã có kế hoạch trừ con ác thú. Một người lính vì quá kinh hoàng khi thấy ông Đụng to lớn với đôi mắt đỏ ngầu liền hốt hoảng nổ súng không chờ ám hiệu của chú Lính; nên kế hoạch bị vỡ, ba khẩu súng trở thành vô hiệu, phải chiến đấu bằng những cây giáo.
Trận chiến giữa ba người lính và con cọp ba chân vô cùng quyết liệt. Con cọp tung lên, chụp xuống, vồ bên này, tát bên kia, khi tới, khi lui, khiến ba người lính mệt nhoài, đã chiều rồi mà trận chiến vẫn chưa ngã ngũ. Trai tráng trong làng chạy ra yểm trợ, nhưng không làm gì được hơn là đứng ngoài xa, tựa thế nấp, gõ chiêng, gõ mõ, hô la mong uy hiếp tinh thần con thú. Những người lính hiểu rằng, nếu họ không sớm diệt được thì đêm đến sẽ tạo lợi thế cho con cọp hơn. Trong xóm Đá mọi người lo lắng, sốt ruột. Người cháu gái ông Tráng Hai quỳ giữa sân, chắp tay cầu Trời, khấn Phật, cô cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi thương chú Lính hết lòng”. Chừng như không đủ sức chịu đựng được nữa, cô chạy ra bằng; khi thì chắp hai tay trước ngực, khi thì giơ lên trời, miệng lầm thầm niệm rằng cô thương chú Lính. “Khi cô hớt hải đến nơi, chú Lính đột nhiên tỉnh táo hẳn lại với một sức mạnh hoàn toàn mới lạ, một sự sáng suốt chưa từng có. Thấy trận chiến có vẻ ngã về con người, con cọp giả vờ té ngã, bốn chân như thất thế, chới với. Đó là cái bẫy độc của nó, kẻ thiếu kinh nghiệm xông vào sẽ bị nó vùng dậy vồ chết. Chú Lính cũng giả vờ té ngã, tức thì con cọp tung mình lên, chú Lính chỉ kịp chống cây giáo dựng đứng. Cây giáo gãy rắc một tiếng khô giòn, chú Lính văng đi, khi ông Đụng lại tung mình lên nữa, hộc một tiếng lớn rơi xuống cạnh chú Lính, một bàn chân nó khi giãy mạnh còn cố bấu vào chỗ hiểm của chú Lính. Ngọn giáo xuyên suốt ngực nó…”. (Kịch Lửa Trại - trang 22).
Cây giáo gãy đã đẩy chú Lính văng ra xa. Mấy vết thương thì nhờ thuốc võ của ông Tráng Hai được lành lặn. Chú cưới cô cháu gái ông Tráng Hai, mãn hạn lính chú về xóm Đá, vợ chồng sống hòa thuận, êm ấm. “Chú không có con cái nối giòng, nhưng người dân xóm Đá luôn luôn nhớ tới chú, vạt đất bằng không tên kia được gọi là bằng Chú Lính. Tên gọi còn tới ngày nay. Người cháu gái ông Tráng Hai, tức là vợ chú Lính, cũng để lại trong lòng những người đàn bà xóm Đá một bài học sâu sắc. Họ luôn luôn hết lòng thương chồng, thương con, họ hiểu những người đàn ông, dầu tài trí và sức mạnh vô song cũng có lúc sa vào bước hiểm nghèo; những lúc ấy đằng sau tài trí và sức mạnh, phải có tình thương trọn vẹn của một người đàn bà làm chỗ dựa vững bền…”. (Kịch Lửa Trại - trang 23).
Hãn (vai ông Đụng) không ưa Minh, vì thấy người bạn gái (đóng vai người con gái xóm Đá) thân mật với Minh (vai chú Lính), liền nói: “Chút nữa tao sẽ quật đừ thằng Minh, không cho nó hạ tao. Tao là ông Đụng mà, để coi thử nó làm chú Lính ra sao”. Ánh mắt Hãn như có vẻ dữ tợn lóe lên, ánh mắt của con ác hổ. Tôi rờn rợn khi nhìn ánh mắt ấy, nói:
-Vở kịch thầy đã tập kỹ rồi, làm khác đi coi chừng thầy đánh.
Hãn cười:
-Thầy không đánh tao giữa lúc đóng kịch được. mai hết học rồi. Thằng Minh biết tay tao. Mày ưa nó lắm…”. ( Kịch Lửa Trại - trang 16)
Thế rồi - Cuộc chiến đấu giữa ba người lính và con cọp dữ quanh đống lửa trại kéo dài quá giờ qui định trong kịch bản. Hãn cố quần cho Minh thật mệt, vồ cho được Minh để phá tan hình ảnh cuối cùng phải đạt tới. Cô gái chắp tay cầu khẩn bởi hoảng sợ thật sự. Cô gái không thấy Hãn trong cái lốt cọp kia, mà chỉ thấy đó là ông Đụng hiểm ác, và Minh đang đánh với nó. Nước mắt cô gái trào ra ràn rụa, đáng lý phải kêu “chú Lính ơi!” nhưng cô quên mất, giơ tay lên trời kêu lớn: - Minh. Minh ơi! Tôi thương Minh. Tôi thương Minh.
Chắc không ai nghe cô gọi tên Minh, ngoài Hãn. Hãn ngưng lại quát lớn: - Chú Lính chớ sao lại Minh?.
“Chỉ cần một phút ngưng lại, không thủ thế, không tấn công. Minh đẩy mạnh cán giáo, khéo léo xô ngã được Hãn. Trình tự hoạt cảnh trở lại đúng như khi tập dượt. Hãn chới với đưa bốn chân lên và khi Minh giả vờ ngã xuống, thì Hãn chồm lên nhận lấy cái chết. Để cho Hãn khỏi vùng lên trong vóc dáng ông Đụng, Minh phải hất cái lốt cọp ra, dùng mũi giáo găm xuống đất. Chúng tôi ùa đến công kênh Minh, rồi tất cả ra sân cỏ cúi chào người xem trong bài tạm biệt”. (Kịch Lửa Trại - trang 24).
Nhà văn Trần Huiền Ân đã xây dựng vỡ “Kịch Lửa trại” (câu chuyện) theo một giai thoại địa phương, mang nhiều ý nghĩa giáo dục, có tính nhân văn thật sâu sắc: Can đãm diệt ác vì dân, sống có niềm tin vững chắc vào tình thương yêu, sức mạnh vũ lực không thắng nổi trái tim. Với lời văn tinh tế, trong sáng, giản dị, tác giả đã đưa người đọc trở về với những đêm lửa trại của một thời tuổi trẻ xa vắng. Và nhất là, cho bạn đọc thấy được rằng, tình yêu thương luôn là sức mạnh để vượt qua tất cả những hiểm nguy, gian nan, hướng tới hạnh phúc đích thực cho đời sống.
Theo tôi được biết, nhà văn Trần Huiền Ân luôn nhớ mặt chữ của nhiều học trò mà ông đã từng dạy. Tôi may mắn được là học trò của nhà văn trong những năm ở bậc Trung học đệ nhất cấp. Có lần tôi được nghe ông tâm sự với chúng tôi rằng, ông nhớ từng nét chữ Trần thị N, Nguyễn thị B, Lê Văn X … - người nét nghiêng, người chữ tròn, người chữ dẹp… Khi đọc truyện ngắn “Người Chứng Ít Lời”, tôi không ngạc nhiên chút nào khi thấy nhân vật “tôi” nhận ra nét chữ con gái ghi ở góc trên, trang đầu - “phần thưởng lớp IV A niên khóa 1959- 1960”, quyển “Việt Nam tự điển” của Hội Khai trí Tiến đức, do Nhà Mặc Lâm xuất bản, mua ở chỗ bán sách báo cũ. Trang thứ hai, cũng nét chữ ấy, ghi câu ca dao “Có trầu mà chẳng có cau. Làm sao cho đỏ miệng nhau thì làm”.
Sau một hồi suy nghĩ, nhân vật “tôi” ấy kết luận, dòng ghi này là do người được tặng thưởng, chứ không phải của người phát thưởng. Sau đó, những nét chữ thân quen của các bạn gái một thời lần lượt hiện ra trong trí nhớ của nhân vật. “Một Võ Thị Mỹ Dung luôn luôn tươi trẻ, tinh nghịch, dân Marie Curie xuất hiện trước hết, nhưng nét chữ tròn trịa hơn, con trai hơn và niên khóa này Dung chưa học đến đệ tứ. Vào thời ấy, có Bùi Thị Điểm, chữ nhỏ như con kiến, như nỗi buồn sớm sủa của bạn; có Dung Thu Nguyệt, chữ nghiêng nghiêng, mảnh mai như cái dáng dấp tiểu thư đài cát của bạn… Và Lâm Ngân Sương, dân Gia Long, một cô bạn gái thông minh, đoan trang, chuẩn mực. Đúng là nét chữ Lâm Ngân Sương: những nét cong của chữ n, m, u rất tròn, rất đều, chữ l, chữ d, chữ h đều cao bằng nhau, vòng chữ c mở rộng, nét lên của chữ g bao giờ cũng nghéo lại một chút”. (Người Chứng Ít Lời - trang 74-75).
Nhân vật “tôi” bồi hồi, như mình vừa chạm tay sờ vào quá khứ. Những người bạn của một thời tuổi trẻ thân thương - diệu kỳ, và đẹp biết bao! Nhân vật “tôi” thoáng thấy ngây ngất như buổi sáng bụng trống uống một ly cà phê thật đậm, một ly rượu mạnh. Tất cả mọi hình ảnh, cảm xúc đan xen vào nhau - quá khứ, hiện tại, réo gọi, khi chưa có một tình cờ nào đưa đẩy để gặp lại nhau. Có lẽ, đây là tâm sự thật chân thành của chính tác giả, khi nhớ nghĩ về tuổi trẻ của mình một thời xa vắng chăng?.
Ít lâu sau, nhân phải “tra cứu” một chữ ở phần cuối sách, nhân vật “tôi” gặp thêm một điều phải suy nghĩ nữa. Đó là một tấm thiệp xuân, với những nét bút chì ghi mấy dòng chữ “Mùa Xuân Nhâm Tuất” và con số 1982 trong khung nhỏ. Dưới cùng mấy hàng viết bằng bút bi:
“VƯƠNG CÔNG Hỉ.
Đội 7 K 2.
Trại Z 30 C”.
Tôi mở tờ thiếp ra, lại nét bút bi, viết kín cả trang 3:
“1. Rồi đêm giao thừa lại qua đi…
Lời đầu năm ba chúc:
-Mẹ các con hạnh phúc và trẻ trung, giữ lòng chung thủy như hoa hướng dương.
-Các con trai của ba: khỏe và vui tươi.
-Các con gái của ba: đẹp và vui tươi.
Cuối năm 1981
Thân ái. Vương Công Hỉ.
Nếu ba chưa về được, các con hãy vì ba, viếng mộ phần ông bà nội các con, thuận lợi nữa về thăm mộ phần ông bà ngoại các con.
2. Trại Z 30 C không giải quyết thăm gặp trại viên vào các ngày 30 đến mùng 3 Tết âm lịch này, mẹ hãy khoan thăm ba”. (Người Chững Ít Lời - trang 77).
Đọc đến đây, tôi bàng hoàng như thấy trại cải tạo Z 30 đang trước mắt tôi; bởi ba tôi đã ở đây sáu năm, đến cuối năm 1981 mới được tha về. Tôi nhớ như in con đường từ ga Gia Ray lên trại, hai bên là những rẫy bắp, sắn, khoai lang xanh tốt. Ba tôi ở khu A, còn ông Hỉ này ở khu C. Có thể trên đường vào trại thăm nuôi ba tôi ngày nào, tôi đã từng nhìn thấy ông Hỉ trong đám tù đang làm việc ở rẫy bên đường, đã đưa mắt nhìn theo chúng tôi, như tìm kiếm người quen?.Tôi ứa nước mắt thương cho quá khứ, hiện tại và tất cả như quyện chặt làm tôi chới với, ray rức - nhớ thương ba tôi, đã sớm lìa xa chúng tôi, sau khi ra trại được chín năm. Một quá khứ đau buồn, tang tóc!
Thế rồi:
“Buổi tối, tôi bỗng mơ thấy mình đang ngồi trong thư viện tra cứu. Một người đàn bà đứng tuổi đi vào. Bước chân khoan thai, dáng dấp tươi trẻ và một nụ cười. Người ấy gật đầu chào tôi. Tôi biết quen lắm mà không nhận ra, cười đáp lễ và cau mày cố nhớ. Người đàn bà hỏi sau khi tháo đôi kính nhạt màu khỏi mắt: “Không nhận ra sao?”. Rồi cúi xuống, cầm lấy cây bút và tờ giấy tôi đặt bên cạnh để ghi chép, viết nhanh ba chữ “Lâm Nguyệt Sương”. Tôi chưa kịp nói gì thì thức giấc vì một tàu dừa khô rơi ào ngoài sân”. (Người Chứng Ít Lời - trang 79).
Giấc mơ vội vàng, ngắn ngủi, nếu như không có cành tàu dừa khô rơi, chắc hẳn cuộc hội ngộ kia không bị đánh thức. Giữa mơ và thực thật mong manh, dễ dàng bước qua để có thể mơ, hay trở về với thực. Đúng là “Người chứng ít lời” mà “người đọc” thì nhiều lời. Tác giả đã rất từ tốn, điềm tĩnh, dẫn dắt câu chuyện rất tế nhị, từ hiện thực nầy, đến hiện thực khác, cho dầu với một chi tiết nhỏ…
Tác giả đã nhẹ nhàng đưa người đọc đến với sự ngọt ngào của một cảnh đời “có thực trong mơ”, bằng lời văn trong sáng, đỉnh đạc, mà gợi cảm cố hữu, rất lôi cuốn. Nếu được sống lại một đời sống đã từng có trong một giấc mơ, thì tuyệt diệu, hạnh phúc biết bao, dù ngắn ngủi. Giấc mơ nầy tuy không trọn, nhưng “tàu lá dừa” đã đánh thức đúng lúc, để “người chứng it lời” luôn là hình ảnh quyến rũ. Đây cũng là một kinh nghiệm sáng tạo, đã được tác giả vận dụng tài tình.
“Tiếng hát Nhân Ngư” vang lên mỗi đêm khi chuông nhà thờ đổ mười hai tiếng, với bài Biển Nhớ. “Đêm nào cũng chỉ một bài hát ấy và hát một lần, giọng nghẹn ngào, thổn thức. Có người còn nói, rõ ràng họ thấy nhân ngư cúi đầu xuống để mái tóc đổ ra phía trước; rồi ngước lên, hai tay vuốt ra sau. Hình như nhân ngư muốn bước đi, song nửa phần thân cá không thể rời khỏi hồ nước. Một số nam nữ thanh niên tò mò, lúc đi chơi khuya về qua công viên cũng xác nhận: Quả có một người đàn ông nằm ngủ trên bệ nhân ngư và tiếng hát tan vào trong gió, cao vút, đứt quãng”. (Tiếng Hát Nhân Ngư - trang 8).
Câu chuyện đọc qua, tưởng như truyện liêu trai, thật mơ hồ, huyễn hoặc. Có lẽ, bởi đời là một giấc mộng, nên mộng và thực luôn hiện hữu trong đời sống của mỗi chúng ta?. Ở đây, người đàn ông nằm ngủ trên bệ tượng nhân ngư, là một người không vợ con, nhà cửa. Chiến tranh chấm dứt khi anh hai mươi tuổi, không được tiếp tục ngồi nơi giảng đường đại học, anh gia nhập thanh niên xung phong phá rừng, đào kênh, xây nhà. Xuất sắc trong lao động, linh hoạt khi giao tiếp, anh được điều động về thành phố làm việc. Ba lần theo gia đình vượt biên, ba lần ở tù, nhà cửa bị tịch thu, cha mẹ về quê, anh sống trên đường phố với chiếc xe ba gác; ban ngày làm phương tiện vận chuyển kiếm sống, ban đêm đậu dưới tàn cây, che bạt, mắc màn làm chỗ ngã lưng.
Bốn mươi tuổi, anh đã có được mấy năm thâm niên trong công việc bảo vệ công viên. Một vòi nước bằng nhựa dẫn đi tưới cây, nhặt rác, tỉa cành, suốt ngày lẩn quất trong cây cỏ, công việc. Buổi trưa, anh nằm trên băng đá. Buổi tối, một be con rượu bọt, anh ngồi với mỹ nhân ngư. Khi anh ngà ngà say, tựa vào thân tượng nhân ngư, mơ hồ nghe tiếng hát. Nhân ngư đang ru anh bằng bài Biển Nhớ, anh thiếp đi trong tiếng hát, có nhịp sóng bồng bềnh và những màu mây xa lạ.
Khi chị hai mươi, chiến tranh chấm dứt mang theo cả cuộc tình của chị. Đó cũng là lẽ sống của đời chị. Người yêu chị tử trận trong ngày cuối cùng máu lửa ấy. Mặc dù chưa một lần nghi lễ, chị tình nguyện đến để tang với danh nghĩa vợ để tang chồng. Chị chỉ khóc một lần, thảm thiết, rồi lạnh lùng, thản nhiên. Vứt bỏ sách vở, xa lìa bạn bè, hai năm tròn tuần nào chị cũng thăm mộ người yêu. Những năm sau đó, ít nhất một tháng chị đến thắp nhang một lần. Sau khi ngồi bên mộ, chị đi ra biển, tựa vào một gốc dương già, biển đang hát cho chị nghe bài hát thuở nào chị thường hát khi chia tay chàng. “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rũ lê thê. Gọi bờ cát trắng đêm khuya (…)”.
Xuân sắc trôi qua, có người cầu hôn, chị lặng lẽ lắc đầu.
Bây giờ bốn mươi, chị đã trải qua gần năm năm nấu bếp cho nhà hàng. Mười một giờ đêm, nhà hàng đóng cửa chị ra về; ghé vào công viên, ngồi xuống góc băng đá nhìn lên tàn lá tối sẩm có điểm những chấm sáng nhỏ nhoi. Chị đợi chuông đồng hồ nhà thờ đổ mười hai tiếng.
“Đêm ấy, anh không say mặc dù uống nhiều rượu, rượu nặng hơn mọi lần. Điều gì đã xui anh thao thức? Rồi anh đi dạo trong công viên, thơ thẩn từ khóm hoa này đến chòm cây nọ. Chợt tiếng chuông đồng hồ nhà thờ ngân lên trong không gian khuya khoắt nhẹ hẫng. Anh dừng chân, đếm theo. Khi làn âm vọng ngân nga của lần thứ mười hai vừa dứt, anh liền nghe ở ngay gần kề: Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về… Anh nhìn pho tượng nhân ngư. Tiếng hát không phải từ đó, mà phía sau lưng. Anh quay lui mấy bước. Một góc băng đá trong cùng, dưới tàn cây hơi tối, một người đàn bà hai tay kê sau gáy, ngực hơi ưỡn lên, đôi mắt nhắm lại. Chị hát như nhập định. Ban đầu anh hơi ngạc nhiên, rồi tịnh thần nhìn kỹ. Hình như là người nấu bếp ở nhà hàng Điện Ngọc, anh có biết mặt…”. (Tiếng Hát Nhân Ngư - trang 9).
Bài hát chấm dứt, chị nhìn thấy anh, hoảng hốt, vội vã như trốn chạy.
Đêm sau, đêm sau nữa, anh không dám uống rượu, ngồi bên mỹ nhân ngư chờ đợi. Anh cũng không dám bước lại nơi băng đá đêm nào chị đã ngồi. Anh sợ không gặp chị.
Rồi anh đến nhà hàng Điện Ngọc. Không thấy chị. Hỏi thăm cô phục vụ, anh được biết chị đã xin nghỉ việc, bảo rằng về quê chăm sóc mẹ già.
“Câu chuyện tiếng hát nhân ngư cũng dễ dàng bị lãng quên trong thành phố nhỏ. Cho đến một hôm, trong buổi liên hoan của công ty nọ, có ai nhắc lại. Ông trưởng ban quản lý công viên cũng là khách được mời. Khi mọi người tranh nhau kể lại những lời đồn đãi và đưa ra nhiều giả thuyết vì sao tiếng hát không còn, mỗi gười một cách ức đoán theo suy luận riêng, ông chỉ ngồi hút thuốc, mỉm cười. Cuối cùng ông nói:
-Thật ra là do tôi. Tôi phải suy nghiệm nhiều lắm. Còn đó, tiếng hát nhân ngư, thành phố ta có chút không khí liêu trai cũng hay. Nhưng không ai lường được, nếu có điều gì khác hơn nữa xảy ra. Thôi thì đành vậy. may mắn gặp lại nhà sư già trên núi Tà Lãnh xuống chợ khất thực, tôi đã nhờ ngài tụng hồi kinh cầu nguyện cho linh hồn nhân ngư, chắc do linh hồn người thiện nữ nằm dưới chân tượng nhập vào, được siêu thăng. Quả là ứng nghiệm, nàng đã quên đi cái u uất cõi trần, đêm đêm không còn cất lên nỗi sầu Biển nhớ…”. (Tiếng Hát Nhân Ngư - trang 10).
Làn ranh giữa thực và mộng thật mong manh, dễ vỡ; có thể nói đó là mộng, và cũng có thể nói đó là thực. Nếu như là một giấc mộng đẹp, ta có thể sống trong sự ngọt ngào, quyến rũ ấy; và nếu như là thực, ta cũng có thể thấy được sự diễm phúc sau khi bước ra từ cõi mộng. Trong truyện ngắn “Tiếng Hát Nhân Ngư” theo tôi, đó là mộng và cũng là thực - hư ảo, trong đời sống vốn bề bộn lo toan, phiền muộn này. Nhà văn đã chia sẻ phần nào quan niệm sống của mình qua “tiếng hát nhân ngư” chăng?
Với lời văn, chuẩn mực, trong sáng, nhà văn Trần Huiền Ân đã để lại trong lòng người đọc niềm ước mơ, hy vọng, cho dầu là mộng hay thực - “Tiếng hát Nhân ngư” còn vang vọng mãi một tình yêu son sắc, sự cần thiết của tình yêu bên đời sống, và về một Quê nhà đầy ắp kỷ niệm, với tình khúc muôn thuở của một thời tuổi trẻ.
Từ “Kịch lửa trại”, “Quán đỉnh đèo”, “Người chứng ít lời”, “Người nói thơ Kiều”, hay “Chiếc bè trên bến Tang Càn” đến “Tiếng đàn nơi phố cũ” (…) đều đã được tác giả diễn tả rõ nét, hiện thực, với nhiều chi tiết, mới lạ, lôi cuốn, như lời kể chuyện thầm thì, của một nhân chứng nhân hậu, nhiệt tình.

Những ngày đầu tháng 8/2019

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt