TIỂU NGUYỆT 


Về Với Nguyên Tiêu Quê Nhà
 
     Tôi có dịp được đón trăng Nguyên tiêu trên Tháp Nhạn lần đầu vào năm 1993, khi tôi đang sống trên Đèo Cả. Hôm ấy, tôi được một người bạn học chung trường, mới vào sống ở Vũng Rô, rủ tôi cùng về tham dự. Đấy là lần đầu tiên tôi bước từng bậc cấp, leo dần lên Tháp Nhạn, mặc dầu tôi đã sinh trưởng ở Phú Yên, và từng đi quanh Tháp Nhạn không biết bao nhiêu ngàn lần thời còn đi học.
      Bước trên những bậc thang, leo dần lên đỉnh tháp trong ánh vàng của Trăng rằm tươi mát; tôi ngỡ mình như bước từng bước vào vùng ánh sáng nhiệm mầu, rực rỡ của ánh trăng trong đang tỏa chiếu từ trên cao xuống ngôi tháp cổ huyền bí.
      Ánh trăng vằng vặc, réo gọi, đã làm lòng tôi xao xuyến lạ kỳ. Ngày ấy, trên chân tháp cổ, chúng tôi ngồi xếp bằng trên sân gạch trước tháp, để nghe tiếng sáo trúc réo rắc cùng tiếng thơ dặt dìu, trầm bỗng; nghe hơi thở mênh mang của đất trời vào xuân, trong ánh sáng dịu dàng của đêm Trăng xuân đầu tiên đón chào năm mới.
     Nguyên Tiêu năm nay - 2018, tôi được hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Phú Yên mời về tham dự “Đêm thơ xuân” trên Tháp Nhạn, để chung vui bằng diễn ngâm hai bài thơ: đó là bài thơ “Lính Đảo Trường Sa” của Mai Chi, và bài thơ “Vạt Cỏ Còn Xanh” của  Nhà thơ Triều Hạnh. Trong tôi, sôi nổi một niềm vui náo nức, cùng một chút bồi hồi, xao xuyến, khi được đóng góp một chút gì đó cho đêm vui đầu năm nơi quê nhà, mà bấy lâu tôi chưa có duyên được chia sẻ, bày tỏ.
       Sau buổi “chạy dây” biểu diễn tổng dợt, và theo “lịch” -  5g chiều ngày Rằm phải có mặt ở Tháp Nhạn. Chiều hôm ấy, tôi ăn cơm sớm, rồi nao nức lên Tháp Nhạn trước giờ qui định, để có thể ngắm nhìn toàn cảnh tháp Nhạn thân yêu sau 25 năm, để có thể nhìn thấy rõ hơn thành phố Tuy Hòa quê nhà lấp lánh ánh đèn mầu ở dưới kia, và để có thể ghi lại vài bô hình cho một kỷ niệm khó quên sau quãng thời gian dài xa cách.
       Những dãi nắng chiều vàng nhạt rớt xuống cổ tháp, rồi yếu dần cho hoàng hôn buông xuống. Bà con lên tháp tham dự đông dần. Ánh điện mầu sáng rực rỡ mỹ thuật trên sân khấu, trên đỉnh tháp, cũng không ngăn được ánh sáng dịu dàng của nàng trăng êm đềm, trải dài từ trên cao, như để điểm tô thêm cho vẻ lộng lẫy, thơ mộng của đêm thơ.
     Đêm thơ Nguyên Tiêu bắt đầu!
     Tiếng đọc thơ sang sảng của một nam nghệ sĩ bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt vang lên - hùng hồn, lay dộng lòng người, đã làm tất cả lặng im, lắng nghe:
     “Nam quốc sơn hà Nam đế cư
     Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
     Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
     Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (*)
     Tiếp theo là một giọng nữ diễn ngâm bốn câu Việt dịch từ bài thơ trên, càng làm cho không gian trở nên sâu thẳm, linh thiêng, như tiếng gọi của hồn thiêng sông núi từ ngàn xưa tha thiết vọng về.
     “Sông núi nước nam, vua Nam ở
     Rành rành định phận tại sách trời
     Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
     Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
     Tôi như đang bước vào một cõi riêng đằm thắm. ấm áp của thơ xuân với tiếng thơ ngân nga trầm bỗng, hòa quyện cùng tiếng đàn tranh, tiếng sáo réo rắc - lòng tôi được giây phút ngất ngây, đắm mình trong thơ, rất hạnh phúc.
     Cuộc thi “Người Đẹp Nguyên Tiêu qua ảnh nghệ thuật” được tổ chức mở đầu cho đêm thơ là một sáng kiến phong phú, làm tăng nét đẹp của Con Người và Quê hương Phú Yên, bên những vần thơ dành cho Quê hương. Tôi hân hoan khi thấy quê hương ngày càng đổi mới, những nét đẹp văn hóa nghệ thuật ngày càng được thể hiện đa dạng và đầy đủ hơn.      
       Nghe MC giới thiệu đến phần trình bầy của tôi - lạ thay, tôi bước lên sân khấu không chút hồi hộp, lo lắng như ngày tổng dợt hôm trước; mà tự tin, có chút tự hào được góp phần chia vui cùng bà con quê mình. Nhìn xuống phía dưới, những tâm hồn yêu thơ đang háo hức chờ nghe; tôi thấy mình thêm phấn chấn, thêm tin yêu cuộc sống hơn bao giờ. Trong tôi, niềm vui bỗng dâng tràn - tôi yêu thơ, tôi yêu trăng, yêu thương tất cả. Đồng thời, tôi nhận ra ánh trăng nhiệm mầu của 25 năm về trước vẫn lung linh sáng, vẫn an nhiên với bao cuộc thăng trầm. Ánh trăng vẫn lồng lộng, như những sợi tơ vàng óng ả của một thời tuổi trẻ, hồn nhiên, thơ mộng. Tôi như thấy ở mầu trăng ấy, một tình yêu chơn phác, một tình yêu đích thực, một mùa xuân mới đang nẩy mầm, nhen nhuốm trong tâm hồn đã bao lần dâu biển. Tôi bâng khuâng theo tiếng thơ, theo tiếng dặt dìu của sáo trúc, của tiếng đàn tranh; như nghe cả tiếng của đất trời quê hương đang vào xuân, đang thì thầm trong tôi.
     “(...) Trăng chui đầy giỏ
      Cá lạc sa mồi
      Hai ta có đôi
      Chung về xóm nhỏ...”
        (Vạt Cỏ Còn Xanh – Triều Hạnh)
      Và tôi nghe tiếng thơ dìu dặt, như tiếng sóng rì rào của biển xanh réo gọi:
      “Sóng biển dâng xanh thẳm
      Để hôn bờ cát xa
      Tình yêu trao mật ngọt
      Cho hạnh phúc nở hoa...”
        (Tìm - Nguyễn Tú Nhã)
      Những tâm tình thao thiết về một buổi chiều cuối năm:
      “Cuối năm đời vẫn đang tăng tốc
      Chạy suốt tìm không có điểm dừng
      Thì ra cũng giống như ta vậy
      Đi mãi dường như chẳng nghỉ chân...”
       (Chiều Cuối Năm - Huỳnh Duy Hiếu)
     Những âm thanh của đất trời giao mùa rộn ràng:
      “...Bấy lâu vườn nhà
      Lặng im như đất
      Sáng nay chợt hoa
      Rưng rưng nắng mật...”
      (Không Đề Cùng Xuân - Huỳnh Văn Quốc)
     Và tâm tình của một thiếu nữ trước Mùa xuân v à Tình yêu:
     “Em chẳng mãi là em mười sáu tuổi
     Đóa hoa hàm tiếu đợi chờ anh
     Ngỡ ngàng trước bầu trời cao rộng và xanh
     Tôn thờ tình yêu bằng trái tim thiếu nữ
     Em đã là em người đàn bà luống tuổi
     Tiếng hát trẻ trung cũng đổi khác thường
     Những điên mê
               những dại cuồng
                      cũng phiêu bạt trăm nơi
     Còn đâu em thuở mình mười sáu tuổi”
      (Trình Bày – Đoàn Thị Phú Yên)
        Tôi rất đổi hạnh phúc đắm mình trong Trăng và Thơ; cùng với những tiếng cười vui rộn rã của bao tâm hồn yêu thơ - chợt thấy mình như được sống lại của thời tuổi trẻ. Cảm ơn Hội Văn Học Nghệ Thuật Phú Yên đã ưu ái dành cho người con xa quê hương được “duyên lành” trở về hội ngộ với Trăng, với Thơ và Bằng hữu đã một thời xa cách...                 
                                                                      6/2018
 
 
 
 
                                         


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt