TIỂU NGUYỆT



  Xin Cảm Tạ
Những Vần Thơ Thân Tình Sẻ Chia
 
     Tôi thật vui, khi nhận được “Lời cảm của nhà thơ Nguyễn An Đình” gởi tặng, khi đọc xong tác phẩm “Quê Người”, chỉ sau mấy hôm tác phẩm được giới thiệu (29/7/2018 - 4/8/2018) qua đường bưu điện. Đây là bản viết tay, với nét chữ đẹp, chơn phương, nhất là có chữ ký và dấu triện son của nhà thơ; đã làm tôi hiểu thêm - anh quả là một người rất mẫu mực, rất cẩn trọng, tuy lần được đến thăm anh đầu tiên cùng với anh Mang Viên Long, tôi cũng đã nhận ra cung cách nho nhã, chân tình ấy.
     Đây là một bài cảm nhận về tác phẩm, tuy ngắn, gọn, nhưng rất đầy đủ, sâu sắc, cho tôi biết, anh đã hiểu rất rõ về những trang viết tâm huyết của tôi. Đồng thời, qua trang viết chia sẻ của anh -  tôi nhận ra được, anh đã đọc rất kỹ, có sự đồng cảm chân thành về những tác phẩm đã xuất bản của tôi trước đấy.
     Mở đầu là lời trích dẫn của nhà văn Suzuki (trong Thiền Luận - Bộ trung): “Tất cả chúng sinh đều có tư sản là Nghiệp của mình, chúng là những kẻ thừa tự của Nghiệp, chúng sinh ra từ Nghiệp. Nghiệp là nơi trú ẩn của chúng, Nghiệp ban cho chúng sinh sự sang hay hèn”.
     Nói đến “Nghiệp” thì có vô số điều để bàn đến, ở đây, nhà thơ Nguyễn An Đình chỉ nói đến, “10 truyện ngắn trong “Quê Người” thấm đẫm tinh thần Phật giáo; với nguyên tắc của Nghiệp, là “gieo gió, gặt bão” đã chi phối được toàn thể mọi tình huống, hoàn cảnh của các truyện trong tập truyện ngắn “Quê Người”.
     “Giữa xã hội đầy dẫy trắc ẩn, vậy mà tác giả đã khéo léo nêu lên được những tấm lòng bao dung độ lượng rất thực. Phải chăng, đây chính là hạnh của Tứ - vô - lượng - tâm?. Xin bộc trực được ghi ra đây lời cảm mộc mạc, chân thành”.
     Tôi cảm thấy được an ủi, vì có người đọc đã hiểu một cách sâu sắc về những tấm lòng bao dung, độ lượng, của những nhân vật trong tác phẩm Quê Người, hay nói đúng hơn là đã hiểu rõ “tôn chỉ” con đường đến với văn học của tôi. Ở “Quê Người”, đề tài được mở rộng đến với nhiều vấn đề thiết thân của cuộc sống, với hy vọng sẽ được chia sẻ cùng bạn đọc về những ưu tư, khát vọng chung, mà tất cả chúng ta đều quan tâm.
     Nhà thơ Nguyễn An Đình đã nói đến hạnh “tứ vô lượng tâm”, tức là các tâm: từ, bi, hỷ, xả mà người Phật tử phải thực hành, giúp cho con người tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
     Tôi cũng là một Phật tử, lấy từ bi hỷ xả làm nền tảng cho sự phát triển hạnh nguyện của mình, có lẽ vì thế những nhân vật trong các truyện ngắn của tôi luôn vị tha, không oán hận, dù phải trải qua bao dâu bể thăng trầm, để tự mình đứng lên.
     Chỉ trong một trang giấy vở học trò thôi, anh đã gói ghém được cốt lõi mà “Quê Người” đã bày tỏ, cũng đã nói lên được mục đích của toàn thể các truyện trong tác phẩm, đều thắm đẫm triết lý sống của Phật giáo.
      Sau bài cảm nhận là bài thơ: CẢM ĐỀ “QUÊ NGƯỜI” THƯƠNG NHỚ, thể loại lục bát, gồm 14 câu. Tôi như thấy một “Quê Người” đầy ắp tình yêu thương đang thì thầm, réo gọi; như chính mình đang sống, đang đi, giữa quê nhà của người mình yêu thương, như hai câu mở đầu:
     “Quê mình thương nhớ khôn nguôi
     “Quê Người” đất lạ ngậm ngùi xiết bao
     “Quê nhà” luôn là nỗi nhớ trong tôi, là hoài niệm của những người sống xa quê, để thương nhớ, ray rứt khôn nguôi mỗi khi ngồi nhìn ngắm lại, nhắc nghĩ lại. Với tôi, “Thương Lắm Quê Nhà” (Tập tùy bút và truyện ngắn - tác phảm thứ II, đã xuất bản 2017); đã bày tỏ, tâm sự, biết bao nỗi thương nhớ về một quê nhà dấu yêu; nơi đó, có kỷ niệm của một thời tuổi trẻ; mà dù có đi xa, bao tháng năm, cũng luôn muốn được trở về.
     “Quê mình”, mình thương nhớ, đó là điều ai cũng nặng lòng - “Quê người”, đất lạ, nhưng không thấy lạ, bởi đấy là quê của người mình yêu thương - mình với người tuy hai mà là một, nên sự yêu quý, thân quen, chẳng khác gì là quê mình; như lời nhà thơ Chế Lan Viên đã tâm sự: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, là vậy.
     “Trời xanh thăm thẳm trên cao
     Ruộng đồng mộc mạc chốn nào chờ nhau”.
     Trời xanh thăm thẳm quanh ta như một sự bao dung, chở che, ngó xuống nhìn thấy, như một sự chứng giám, ghi nhận tấm lòng chung thủy, chí thành, của người con gái đã yêu thương mảnh đất xa lạ, nơi người mình yêu đã trưởng thành, đang sinh sống, như chính quê hương của mình. Với tôi, hoặc Hạnh Ngân (nhân vật nữ trong truyện ngắn Quê Người) hay với người con gái nào khác, cũng vậy; Quê Người, là “quê hương thứ hai”, là mảnh đất thiêng liêng, gắn kết hai tâm hồn, hai mảnh đời yêu thương nhau, rồi sẽ sống và làm việc cùng nhau, trên chính mảnh đất thương yêu ấy - sao lại không yêu, không nhớ thương như quê mình chứ?. Hình ảnh “Quê Người” với cánh đồng lúa êm đềm, trải dài xa tít, càng làm tăng thêm sự giản dị, trong sáng, hồn nhiên của tâm hồn người con gái ấy; đồng thời cũng nói rằng, “quê người” đang mong chờ, đón đợi - là nơi chốn của chính mình.
     “Em âm thầm đợi về sau
     Trăm năm trong cõi người đau đớn gì?”
     Trải qua bao khổ đau, gian truân, nghèo khó, bao bất hạnh chia ly, người con gái ấy vẫn luôn hy vọng về một ngày mai sẽ tươi sáng, hạnh phúc; cho nên, dù có chờ đợi đến trăm năm, có đớn đau thế nào, vẫn âm thầm vững tin với lòng bao dung rộng mở, không oán hờn, nao núng.
     “Tôi nghe hoa lá thầm thì
     Tôi nghe cây cỏ từ bi dịu dàng
     Mãi thương cô bác họ hàng
     Quê nhà còn ánh trăng vàng lối đi
     Sự thuần hậu, nhẫn nhục chịu đựng của người con gái ấy, đã cảm động đến đất trời, cỏ cây, hoa lá. Nhà thơ Nguyễn An Đình đã rất nhạy bén cảm nhận được, nghe được hoa lá, cỏ cây thì thầm về tấm lòng dung trải, bao la của người con gái đã mở ra, trải rộng trên “Quê người”. Hình ảnh “ánh trăng vàng lối đi” ở đây gợi tôi thấy lại ánh trăng vàng vằng vặc sáng trên con đường làng quen thuộc giữa quê nhà tôi năm nào - ánh trăng quê người cũng giống như ánh trăng quê mình - nghĩa tình và thơ mộng biết bao!
     “Như là khúc hát chia ly
     Bao phương trời rộng buồn chi nỗi lòng
     Em từ một thuở long đong
     Bổn - lai - diện - mục thong dong nẻo về
     Tuy phương trời còn xa cách, nhưng đó chỉ là một “khúc hát chia ly” nơi cõi tạm của sự hợp tan thường tình, không có gì phải buồn lòng; bởi trời rộng thênh thang, ta nên trải lòng hiến dâng thật trọn vẹn; để trở về con đường an vui, như nhiên, hạnh phúc vĩnh cửu: “Bổn lai diện mục thong dong nẻo về” trong ngày tháng hiện tai..
         Lại thêm một “Cảm Đề” thật chân tình nữa về “Quê Người”, của một người bạn học cũ - Lê Thị Mống, viết tặng tôi ngay khi còn cầm tập truyện ngắn “Quê Người” vừa  giới thiệu trên tay.
        Tôi nghe lòng bâng khuâng lẫn nỗi bồi hồi xao xuyến, bởi người bạn tôi, dù đang bị bệnh, vẫn vượt 20 cây số, để có mặt chung vui cùng tôi trong buổi sáng hôm ấy.
     Một bài thơ bảy chữ, vỏn vẹn tám câu, Mống đang thầm nhớ nghĩ trong đầu, nên gọi tôi lại và xin mảnh giấy, để ghi lại. Tôi bận bịu với bao nhiêu là việc phải sắp xếp, vì sắp đến giờ khai mạc; nhưng cũng kiếm mảnh giấy, lật đật chạy xuống trao bạn. Tôi không hề nghĩ bạn mình lại có thể làm ngay một bài thơ nhanh như thế; cho nên, khi nhận được bài thơ “Cảm đề Văn Tiểu Nguyệt” - tôi vô cùng ngạc nhiên, vui, và tự hào về bạn mình lắm.
     “Hương Quê Một Thuở” giữa lòng người
     Thôi! Buồn chi nữa Tiểu Nguyệt ơi!”
     “Hương Quê Một Thuở”.- mở đẩu, bạn đã nhắc lại tác phẩm thứ ba của tôi (xuất bản quý I - 2018), đã được mọi người đón đọc, chia vui rồi. Tác phẩm đã được trân quý nằm “giữa lòng người” rồi, như vậy là hạnh phúc - không nên để nỗi buồn đau cũ ám ảnh mãi nữa. Ba chữ “Tiểu Nguyệt ơi!” như tiếng gọi tha thiết, như lời an ủi chí tình; dầu thoáng đọc, tôi chợt nghe một chút ray rức, bàng hoàng, vì không ngờ bạn đã hiểu mình đang có một nỗi buồn sâu lắng, thầm kín. Nhưng niềm ray rức, băn khoăn ấy qua nhanh, tôi như vui hơn, vì có người đã đồng cảm, đã thấu hiểu lòng mình. Lời bạn nhắc nhở thật chân thành; nhưng bạn có biết đâu, tôi đã trở thành một con người khác, chỉ nhớ những gì đáng nhớ mà thôi - nỗi buồn cũ đã lùi xa, đã tan mất từ lâu lắm rồi.
     “Văn sâu lai láng tình chan chứa
     Trăng đầy rồi khuyết có thế thôi...”
     Mọi vật rồi sẽ chịu cảnh biển dâu, tan biến theo thời gian, chỉ còn lại là tình thương yêu, đang lai láng, chan chứa trong tâm hồn mình - như định luật trăng đầy rồi sẽ khuyết, thế thôi. Đơn giản là vậy, nhưng tôi nghe lòng mình rung cảm, lay động theo dòng thơ mộc mạc của bạn - một cảm giác bâng khuâng khó tả nên lời.
     “Ai biết: Trăng quê mãi mãi buồn
     Áng mây trôi nhẹ cũng nhớ thương
     Có lẽ bạn đã hiểu được sự nhạy cảm, yếu đuối của tôi, dầu lúc chợt nhìn mây trời trôi nhẹ, cũng đã nhớ thương về quê nhà, bâng khuâng xa xót?. Tuy vậy, cái buồn, cái nhớ thương ấy nhẹ nhàng, xao xuyến, chỉ để tâm hồn mình trẻ lại một chút, hồn nhiên một chút, phong phú thêm một chút mà thôi.
     Nghiêng nghiêng cánh én chiều về tổ
     Khắc khoải lòng ai nỗi đoạn trường”.
     Có lẽ bạn cảm thương về những năm tháng gian nan, bất hạnh trước đây của tôi nên đã cảm khái ý thơ “Khắc khoải lòng ai nỗi đoạn trường” chăng?. Hôm nay - bây giờ, tôi đã vượt qua mọi chông gai, đã sống và tin tưởng về con đường tôi đã chọn, bằng gửi gắm niềm tin yêu, khát vọng, tâm huyết của mình trong những trang văn mỗi ngày qua. Hằng ngày, ngồi bên máy viết, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản, an vui; bởi tôi biết rằng, đó là một việc làm có ích cho đời sống, là niềm vui, là hy vọng, là sự dâng hiến trọn vẹn mà tôi có thể chia sẻ được với cuộc đời nầy.
     Hạnh phúc biết bao, khi đón nhận được những “cảm đề” mà bạn đọc chia sẻ, gởi tặng. Tôi nghe lòng mình lâng lâng niềm vui sướng, vì có người hiểu được mình, biết được con đường mình đang đi tới. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn An Đình, cảm ơn bạn Lê Thị Mống đã có những dòng “cảm đề” đồng cảm, chia sẻ thật chí tình - đó là những liều thuốc an vui mầu nhiệm!
     Sáng nay, sau một đêm mưa, bầu trời trong xanh, tươi mát hẳn. Tôi hân hoan đi bộ trên con đường bê tông hai bên là ruộng lúa xanh mượt. Tôi vui như có ai đang thầm thì bên tôi: - “Chào buổi sáng!” Tôi thong dong những bước chân hồn nhiên, mỉm cười đón chào ngày mới, trong niềm an vui, hạnh phúc đang sôi nổi.
         
                                                                                   8/2018
                        
                                                          
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt