Trần Huiền Ân
Cuối Năm Đi Vẽ Panô
Năm tôi học lớp nhì bậc tiểu học, thường được thầy sai trang trí trường lớp, bạn bè gọi tôi là họa sĩ. Một lần có việc gì đó, thầy Hiệu trưởng vui miệng bảo: Gọi họa sĩ lại đây. Thế là, chuyện bạn bè bầu chọn coi như nay được thầy phê duyệt, tấn phong. Thuở ấy mọi người đối với nhau hồn nhiên quá, không ai thắc mắc gì, bởi họ biết rằng nếu gọi tôi là họa trời đi nữa cũng không làm chết thằng Tây thằng Mỹ nào cả, không làm sứt mẻ chút nào danh tiếng các đại gia Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ vân vân. Sau này (lúc tôi về già) có mấy bạn trẻ cũng do vui miệng gọi là nhà văn, đã làm mất lòng vài vị hội viên hội nhà văn tại tỉnh, họ nói: “Ông ấy có phải hội viên Hội nhà văn đâu mà gọi là nhà văn?” Mô Phật! Các bạn trẻ ạ, đừng vui miệng như vậy không hay, bây giờ danh phận rõ ràng, ngành nào cũng có nhiều bậc: hạng nhân dân, ưu tú, đạt chuẩn là vốn quý, còn lại hạng tầm thường, xoàng xĩnh, yếu kém… đâu có đánh đồng với nhau được!
Đến khi làm ông giáo làng, cảm thấy thì giờ rảnh rỗi không làm gì cho hết, cờ bạc chẳng biết, bia mới uống nửa ly đã nghe nồng nàn từ mũi lên đầu, nên tôi làm thơ và viết truyện ngắn chơi chơi. Cứ ngỡ văn chương đãi kẻ khù khờ, tưởng đâu chữ nghĩa lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng bước vào vòng mới biết đặt câu, hiệp vần không phải bở, không có được bài văn bài thơ nào cho ra hồn đáng mặt để đời, tôi chợt nghĩ vẽ vời chắc đỡ mệt trí hơn, bèn ghi tên lớp hội họa hàm thụ trường Mỹ thuật Đông Phương của họa sĩ Vương Quốc Đạt. Lúc cặm cụi bôi bôi xóa xóa, đỏ đỏ xanh xanh, tá hỏa ra rằng vẽ vời cũng như viết lách, với thiên hạ thì dễ nhưng với ta khó lắm, cái hàm họa sĩ chẳng qua chỉ do lũ bạn nhóc tì bốc phét cho ta đi tàu bay giấy, cũng như cái hàm nhà văn nhà thơ chẳng qua là các anh em trẻ thấy thương hại, muốn ta đỡ tủi phận già!
Trời xui đất khiến… lúc tôi được cho nghỉ việc để về địa phương lao động sản xuất, đang ngơ ngác không biết lao động thế nào, sản xuất thứ gì thì có hai bạn họa sĩ Ngọc Bửu và Huỳnh Thu cho theo vẽ panô. Những dịp cuối năm, cần đổi mới khuôn mặt nông thôn các hợp tác xã cho vẽ lại những panô tranh cổ động xây theo các ngả đường quê, hai anh có việc làm, rủ tôi. Thật ra tôi được đi theo không phải vì cái tài vẽ vời sớm phát tiết từ bậc tiểu học và được cơ bản hoàn tất bằng những bài giảng quay ronéo của họa sĩ Vương Quốc Đạt, mà vì hai bạn ấy thấy tội nghiệp quá, muốn cứu gia đình tôi khỏi đói. Tôi được giao công việc ai cũng làm được là chỗ nào hai anh bảo sơn xanh thì tôi sơn xanh, chỗ nào bảo sơn đỏ thì sơn đỏ, tranh cổ động từng mảng màu lớn, tôi cầm cây cọ lớn, tha hồ vùng vẫy dọc ngang.
Tôi có biết họa sĩ tài tử LoKa. Tôi nói tài tử vì ông vẽ hoàn toàn theo ý thích tùy hứng, có thể nửa chừng bỏ đó, đi đâu mất tiêu biền biệt, một vài tháng sau trở lại vẽ tiếp, cũng có thể bỏ luôn. Ông không bận tâm tới nhuận bút, thù lao. Một lần ngồi uống rượu với ông ở quán cà phê Thảo, nếp quán xộc xệch bụi đời, ông kể chuyện tình cảm của mình và đọc bài thơ dài, tôi nhớ hai câu mang những màu sắc:
Ngày xưa anh vẽ màu nâu
Màu vàng em giữ để sầu riêng anh…
Ông đi vẽ nhiều nơi, ở thôn quê người ta đồng hóa tên LoKa của ông với từ họa sĩ, gọi các họa sĩ là “lô ca”. Nhớ một hôm, thấy chúng tôi vừa bày ra nào sơn nào cọ, lũ trẻ reo lên, gọi nhau: Có tới ba lô ca tụi bay ơi! Suốt buổi chúng xúm xít xem vẽ, gọi tôi là “lô ca thấp”, Huỳnh Thu là “lô ca ốm” và Ngọc Bửu là “lô ca già”. Chúng thật ngạc nhiên thấy Ngọc Bửu cầm cọ tay trái, lại gọi nhau như báo tin vui: Tụi bay ơi, ra coi lô ca già vẽ tay trái! Người kế thừa họa sĩ LoKa nay mở phòng vẽ ở đường Trần Hưng Đạo có thể không biết họa danh LoKa đã đi vào lòng nhiều người như thế.
Những tranh cổ động cho vùng nông thôn thường vẽ một thanh niên vác cuốc, một phụ nữ cầm liềm ôm bó lúa, hậu cảnh là đồng ruộng và xa xa là núi non. Vẽ panô bên đường khác nào đóng cày giữa đường, luôn luôn có người đứng lại coi và phê bình, nhận xét theo chủ quan, còn quá bộ vào chuyên môn, hỏi sao không thêm vào chỗ này chỗ nọ, lại nói đến những nhân vật trong tranh: sao ngực to quá vậy, sao mông lớn quá vậy?
Một ông trung niên bảo chúng tôi:
- Sao các ông không vẽ chúng tôi có xe hơi nhà lầu, ít nhứt cũng là xế nổ rồ ga, lúc nào cũng bắt chúng tôi vác cuốc cầm liềm đội mưa dang nắng đứng ngoài đồng?
Không phải ông ta không có lý, chúng tôi chỉ vẽ theo mẫu có sẵn.
Một ông xem bức tranh “công nông binh trí đoàn kết” hỏi:
- Người mang kính cận, ôm quyển sách là thành phần gì?
Đáp:
- Trí thức.
Ông ta nói:
- Trí thức là người hiểu biết, phải đứng hàng đầu, phải xông lên trước để hướng dẫn bà con chớ sao lại rụt rè núp núp lén lén đằng sau?
Một lần tôi đến giao bảng hiệu cho Hợp tác xã mua bán phường… Tiền trao bảng nhận xong, tôi ra về thì ông Phó chủ nhiệm gọi theo: “Này, ông thợ, ông thợ… phải treo bảng lên chớ”. Tôi quay lại, nhưng không treo, treo có tiền treo, nếu muốn phải trả thêm. Ông Phó chủ nhiệm đành thôi vậy. Tôi bước đi thì nghe tiếng một cô nhân viên nói với ông Phó: “Chú ơi! Ông đó là ông thầy, không phải ông thợ, chẳng qua do thời thế mà…”. Tôi nghĩ: Cô bé thật vẽ chuyện. Sao lại bận tâm chuyện thầy/thợ. Chỉ sợ tôi không làm nổi “ông thợ” mà thôi.
Việc vẽ panô của tôi, đúng ra là việc sơn phết xanh xanh đỏ đỏ theo chỉ dẫn của hai họa sĩ chuyên nghiệp cũng giúp gia đình tôi đỡ ngặt. Những ngày cuối tháng chạp sớm đi tối về, trưa nghỉ lại tại chỗ, ăn mì tôm. Có khi một ngày vẽ hai ba nơi, xong chỗ này chạy qua chỗ khác, trong cái giỏ lác bự lỉnh kỉnh những sơn, những cọ, dầu lửa, giẻ lau. Bà con ở gần thường ra xin tí sơn để làm dấu chén dĩa, bao đựng lúa gạo. Huỳnh Thu lúc nào cũng mang theo xị rượu phòng nơi không quán xá thì cũng có nhâm nhi. Có năm sáng ba mươi tháng chạp còn đi làm, chiều ba mươi Huỳnh Thu mới nhận được tiền công, tối đem lên chia cho. Mừng lắm, khoản đó để dành sau tết mấy đứa con đi học, đứa vô Sài Gòn, đứa ra Huế.
Sáng mồng một dậy sớm như gặp lại mùa xuân cũ sau một năm xa cách, hình như năm nào tôi cũng đọc câu thơ của cha tôi: Xuân mãn nam thiên phong thủy cựu… Ôi, những buổi nguyên đán trong suốt cuộc đời, dù mưa hay nắng vẫn cảm thấy cuộc đời nhẹ tênh, cả tâm thân ta cũng nhẹ tênh tưởng có thể chắp cánh bay lên cao.
Nay, Ngọc Bửu có tranh tham dự các cuộc triển lãm, ba người con đều là họa sĩ, thật hạnh phúc vô cùng. Huỳnh Thu đã lâu buông cây cọ sang một bên, luôn luôn tự xét mình, tuổi tác lên thì tửu lượng xuống, uống vài ba chén giọng nói đã hơi khề khà lắp bắp. Anh vừa đến rủ tôi chạy một vòng quanh vùng ven thành phố. Đồng lúa đang xanh, đường bê tông thẳng rộng, thấy ít panô và ít những bức tranh vẽ người nông dân vác cuốc cầm liềm đứng dầm mưa dãi nắng. Chắc nay họ đã có nhà lầu hai ba tầng và ít nhất cũng có xế nổ phân khối lớn đi về ngang dọc? Mong được vậy thay!