TRẦN HUIỀN ÂN
Mưa Nắng Trời Xuân
Cha tôi kể chuyện hồi những năm đầu thập niên 30 của thế kỉ trước song thân tôi “lưu lạc” vào Nam Kỳ. Sáu bảy năm trời xa quê, nhìn “thiên hạ” đón xuân ông cảm khái ngâm rằng:
Xuân mãn nam thiên phong thủy cựu
Nhơn tồn khách địa tuế thời tân
Hồi đó Tây chia nước ta thành ba kỳ, ba chế độ cai trị khác nhau. Dân Trung Kỳ vào Nam Kỳ coi đây là đất khách. Xuân về tết đến… đem lại thời gian mới nhưng người vẫn còn nơi đất khách nhớ về quê cũ. (Tương tự, Nguyễn Bính từ Bắc Kỳ vào đến Huế đã làm thơ rằng Chén rượu ly hương, trời, đắng lắm, rồi trong Hành phương nam cũng từng cảm khái với Đêm mưa đất khách). Thế nhưng, nghiệm trong câu trước thì dẫu phương nam hiện tại (lúc ấy) có là đất khách, cha tôi vẫn hiểu mình đang sống dưới trời nam, không riêng cho một kỳ nào. Khắp cả trời nam mọi người cùng đón xuân với phong tục tập quán tự ngàn xưa. Vậy là cha tôi không cô đơn nơi khách địa, ông đã bắt gặp cả phong thủy cựu bàng bạc khắp nơi giữa buổi tuế thời tân, bởi vì xuân mãn nam thiên, bởi vì mùa xuân không bao giờ lỗi hẹn.
Rồi khi tôi vừa chào đời song thân tôi trở về quê cũ. Tôi đã sống những ngày thơ ấu trong không khí vùng cao nguyên mùa dông lạnh buốt gió bấc mưa dầm. Dần dần mưa tạnh, run run chút nắng mong manh, lớp đất đóng rong trên mặt sân bóc lên những miếng bằng miệng chén, vỡ ra giòn vụn dưới bàn chân cho tôi sự thích thú nhẹ nhàng. Vài ba buổi chiều rồi năm bảy buổi chiều. Cái nắng như người bệnh yếu ớt ẻo lả ấy dần dần bình phục, mỗi hôm đậm thêm một chút, dần dần không biết tự lúc nào vẻ chói chang rực rỡ hiện rõ, trong màu sắc còn có hương thơm và hình như có cả vị ngọt. Chúng tôi ngớ ra y như con thú rừng ngẩng đầu vươn cao tầm nhìn để đánh hơi trong gió và thấy được: tết sắp tới rồi. Tuổi nhỏ chúng tôi chỉ biết có tết, sau này lớn lên, hồi tưởng mới nói: mùa xuân đang đến.
Tháng chạp hết mưa, buổi sáng đầy sương là báo hiệu buổi trưa nắng tốt mà giữa khuya càng thấm lạnh. Đến cuối tháng chạp thì nắng đẹp lắm, màu vàng tươi rói. Thế mà sang tháng giêng thì cái nắng ấy biến đâu mất. Nắng tháng giêng đã nghiêng sang màu hồng, hơi nặng, không vàng, không nhẹ như nắng tháng chạp. Và tháng giêng trời lại chuyển mùa, hay có những cơn mưa: mưa xuân.
Có thể nói thời tiết từ đông sang xuân thật rắc rối:
Cơ mầu tạo hóa bốn mùa vần
Đông: cuối ba mươi – mồng một: xuân
(Thơ Hồng Đức quốc âm)
Nhiều lần chiều hăm chín chiều ba mươi vẫn là nắng vàng tháng chạp, nhưng giữa khuya hoặc mờ sáng rắc xuống cơn mưa. Đôi lúc là cơn mưa khá lớn, nhưng mưa không lâu. Thông thường mưa nhỏ lay bay, mưa phùn lất phất. Đọc thơ Trung Hoa thấy ông thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên nhàn nhã đến mức ngày xuân mà ngủ quên không biết trời trăng mây nước gì, đến khi nghe tiếng chim kêu rộn ràng thức dậy tự hỏi: Đêm qua trời mưa gió hoa rụng ít nhiều?
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu?
(Xuân hiểu)
Khi chúng tôi trưởng thành mà chưa phải nhận trách nhiệm gia đình thì ngày tết cũng thật thoải mái, tưởng như đất trời trong gang tấc để vẽ vời cái gọi là giấc mộng sông hồ. Tết là dịp để rộng bước giao lưu, đi chơi đây đó. Thanh niên Miền Trung năm mươi năm trước phần đông hiền khô như cục đất, bước đầu tập uống la-ve, đọc cổ văn cố bắt chước theo cái buồn của người xưa nhưng chẳng thấy đâu mối sầu vạn cổ mà càng có điều vui để nói với nhau, nhìn bạn gái qua lăng kính Tự lực văn đoàn, thấy người nào cũng đẹp, cũng thánh thiện. Mưa xuân làm đôi má bạn trắng hơn, nắng xuân làm má bạn hồng hơn. Tết được đồng hóa với mùa xuân và mùa xuân đồng hóa với tuổi xuân, cho nên khi tết không chịu nán lâu hơn thời ta còn niên thiếu, Kiều Thệ Thủy viết:
Ai đem tâm sự mà thương nhớ
Cồn tóc mây xa ở cuối trời
Bạn cũ sông hồ năm bảy đứa
Biết còn trinh bạch những đôi môi?
Đời tôi trải nhiều buổi nguyên đán nắng hồng hơn những buổi nguyên đán mưa nhạt. Nhưng những buổi nguyên đán mưa nhạt còn đọng lại trong ký ức lâu hơn. Năm ấy tôi về ăn tết tại nhà bà cô ở làng Bình Chánh trong vùng châu thổ sông Cái Tuy An, sáng mồng một theo ông dượng lên chùa Đá Trắng. Đá Trắng là tên nôm, tên chính thức của chùa là A Lan Nhã sắc tứ Từ Quang tự. Trời mưa bụi lay bay, thoáng nhìn ta không biết ướt, nhưng vuốt tay lên đâu thì thấy nước ở đó. Tâm hồn tôi như lâng lâng khi dạo trong vườn tháp rêu phong, cứ nghĩ hoài đây là nơi gắn bó với những việc quan trọng của gia tộc. Trong cuộc khởi nghĩa Cần vương tại Phú Yên năm 1885 do Lê Thành Phương lãnh đạo, ông nội tôi lúc ấy hăm sáu tuổi là Quân thứ từ hàn, lo về văn thư bút lục, thường lãnh nhiệm vụ ra chùa Đá Trắng làm một khách vãn cảnh để gặp gỡ liên hệ với các bạn đồng tâm trong văn thân tỉnh Bình Định. Một buổi trưa nắng gắt tại dốc Đá Trắng ông đã gặp người phụ nữ gánh nước độ đường. Người phụ nữ ấy sau là bà nội tôi. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông nội tôi đưa bà lên Vân Hòa trú ẩn, về già lui xuống Phong Thái, căn dặn con cháu khi ông lâm chung chôn sâu trong hang đá. Cha tôi thì an táng ở Tuy Hòa. Thành ra cả họ Trần nhà chúng tôi chỉ có hai người dâu là bà nội tôi và mẹ tôi ngàn năm yên nghỉ tại Vân Hòa. Bởi lẽ ấy tôi dành trọn tình cảm sâu nặng cho làng quê.
Có một nguyên đán từ huyện lị tôi khăn gói lên đường làm chuyến đi xa. Đi xa là nói theo chữ nghĩa cho vui và nói theo giao thông cách trở thời tôi hai mươi tuổi chứ ba bốn trăm cây số thì giờ đây có xa gì. Từ quán trọ nhìn ra con đường vừa tu bổ, những hàng dương mới trồng xanh nhạt dưới màn mưa nhỏ. Chưa biết nhiệm sở sắp đến thế nào, bằng hữu sẽ gặp ra sao, tưởng tượng cũng có phần thích thú nhưng không khỏi phảng phất bâng khuâng xa cách cố nhân, sẽ không còn những lần lang thang từ phố huyện ra nhịp cầu xưa đến chân đồi Lá đôi mắt bạn nhìn xa xôi tận điểm cuối cùng.
Tôi mạn phép sửa một chữ trong thơ Vương Duy:
Huyện thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Và thoát dịch theo ý mình: Mưa mai rắc bụi huyện thành. Hàng dương quán trọ xanh xanh nhạt nhòa.
Tháng giêng bao gồm hai tiết lập xuân và vũ thủy. Từ lập xuân đến vũ thủy mưa xuân chỉ rơi rắc như bụi nhẹ. Mưa vũ thủy mới đáng mặt là mưa, mưa cho cây cối núi rừng, hoa đồng cỏ nội, ruộng đồng đất thổ, cho lúa bắp sắn khoai, mưa thật lớn, ào ào tuôn đổ, ép dẽ mái tranh, băng bờ tạo trổ, thật tươi trẻ, mạnh mẽ, dứt khoát từng cơn rồi tạnh ráo, tầng cao trở lại trong xanh, nõn nà mây trắng, mưa không dai dẳng lê thê, trời không âm u trì trệ. Nếu coi những cơn mưa bụi buổi nguyên đán khai xuân là mưa sơ sinh, mưa thơ ấu, thì mưa trong tiết vũ thủy là mưa tuổi hai mươi, bước vào giai đoạn trưởng thành, tràn trề mộng ước. Tiết vũ thủy năm ấy cha tôi làm thơ nôm vịnh cảnh ruộng đồng, có những câu:
Lúa nứt ngạnh trê thêm bộn gié
Đỗ ra trái đỉa lại nhiều hoa
Con chàng bắp nọ không lo háp
Mấy đám khoai kia chẳng sợ hà…
Thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên mới ngày nào đó nhàn hạ vô tư, sau giấc ngủ mùa xuân trễ tràng nghe tiếng chim kêu nghĩ chuyện hoa rụng ít nhiều thì tới lúc nào đó cuối năm trở về Nam Sơn không khỏi chạnh lòng thấy tóc bạc giục tuổi, mỗi năm một già, ngày xuân đưa năm cũ trôi đi hết:
Bạch phát thôi niên lão
Thanh dương bức tuế trừ…
Câu thơ ấy đang ứng với thế hệ chúng tôi. Có thể nhìn xuôi chiều thời gian từ ấu thời đến lão niên, cũng có thể nhìn ngược lại để điểm dừng ở tuổi ấu thời. Ba bữa tết, bảy ngày xuân, nắng mưa, mưa nắng… trong mỗi đời người đâu phải ít lần trải qua, cứ đến chu kỳ quay lại đúng hẹn, luôn luôn bao trùm lên tất cả, sông núi cỏ cây hoa lá và quan trọng hơn hết là trong lòng người. Cũng con đường ấy sáng mồng một mới hơn chiều ba mươi, cũng con người ấy hôm nay chỉnh tề mực thước hơn hôm qua. Cái mới của mùa xuân khiến cho mỗi tâm hồn trẻ trung vì biết phân định quá khứ đồng thời dự phóng tương lai.
Cho nên khi một cành mai phương nam, một cành đào đất bắc hay một khóm hoa núi, một tiếng chim rừng chợt báo tin xuân, con người ở chặng nào của cuộc đời đều sẵn sàng dọn lòng chuẩn bị hoan nghênh. Dù vui hay buồn, mưa hay nắng, ai ai cũng trải mở phong thủy cựu để đón tiếp tuế thời tân.