TRẦN HUIỀN ÂN


Muốn Và Sợ
(Tạp Bút)


Con người sống ở trên đời ai cũng có nhiều ước muốn. Muốn, chứng tỏ điều trong lòng yêu thích, hợp với đạo lý. Muốn, cũng thể hiện dục vọng tham lam ích kỷ. Khi đã muốn là làm:
Muốn ăn con cá cả phải thả sợi câu dài.
Hay ít ra biết định hướng:
Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào/ Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Có  khi muốn khơi khơi:
Muốn tu chùa ngói Phật vàng/ Chùa tranh Phật gỗ trong làng thiếu chi
Có khi muốn nhưng còn tính toán suy bì:
Muốn về đất biển ăn cua/ So đi tính lại cũng thua đất đồng
Nhiều trường hợp hàng hai, muốn mà sợ, hai trạng thái này đi với nhau tạo ra một tâm lý có phần rắc rối.
Một là sợ trở ngại do thiên nhiên ngăn cách.
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Truông nhà Hồ, tức Hồ Xá lâm là một đám rừng lớn tại làng Hồ Xá- huyện Vĩnh Linh- tỉnh Quảng Trị, gần địa giới tỉnh Quảng Bình, nơi Hồ Quý Ly lập ra để di dân trong kế hoạch Nam tiến. Vào thời chúa Nguyễn, truông nhà Hồ là chỗ giặc cướp hung bạo ẩn náu theo địa thế hiểm trở nhiễu hại dân lành. Năm 1722, chúa Nguyễn Phước Chu cử Nguyễn Khoa Đăng (người vừa thành công trong việc kinh lý chia lập các ấp từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, được thăng từ Diên Tường nam lên Diên Thọ hầu) làm Nội tán kiêm Án sát sứ bình định vùng này.
Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên, nhận nước của ba con sông Tả Giang, Hữu Giang và Trung Giang, đổ ra cửa Thuận An, nay đổi tên là Hạc Hải vì đã cạn. Ngày xưa phá Tam Giang khúc cạn khúc sâu nên việc giao thông qua đây rất nguy hiểm. Tương truyền phá Tam Giang có ba con sóng thần là sóng Ông, sóng Bà và sóng Con, khi thuyền bè qua phá, ba con sóng cuộn lên, nếu thuyền trưởng không đốt nhang khấn vái sẽ bị nhận chìm. Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã cho đào vét, sửa lòng phá làm cho việc đi lại được bình thường. Dựa vào sự mê tín của dân chúng, ông cho đem súng thần công ra bắn và bảo rằng ba con sóng đã sợ chạy mất.
Công lao của Nguyễn Khoa Đăng  đã được lưu danh vào ca dao:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/ Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm.
Cũng là chuyện thương nhau như thế, Phú Yên có câu:
Thương em anh cũng muốn qua
Sợ cọp núi Lá sợ ma Bãi Điều

Hai địa điểm này ở hai bên bờ sông Ba, trong phạm vi tỉnh Phú Yên, núi Lá bên hữu ngạn thuộc huyện Sông Hinh, Bãi Điều bên tả ngạn thuộc huyện Sơn Hoà. Ngày xưa núi Lá rất nhiều cọp: Cọp núi Lá, cá sông Hinh. Bãi Điều là một vùng đất thấp ven sông, phía đông bắc thị trấn Củng Sơn. Có người nói điều là cây điều hoang mọc nhiều nơi đây; có người nói điều là màu đỏ, màu máu, do vùng đất này đã hai lần là pháp trường. Một lần do Cần Vương sát tả, một lần do quân Pháp và quân Trần Bá Lộc hành quyết các chiến sĩ Cần Vương, bởi vậy Bãi Điều nhiều ma. Đêm đêm những hồn ma của hai phe vẫn hiện lên  đánh nhau, chưa chịu xếp lại hận thù.
o
Còn ở Bình Định lại có câu:
Muốn về Hà Đại, Hiệp Luông
Sợ khe nước nóng, sợ truông Ba Gò

Hoà Đại và Hiệp Luông là hai địa điểm thuộc huyện Phù Cát tỉnh Bình Định. Ở đây có suối nước nóng tự nhiên và vùng rừng gọi là truông Ba Gò hoang vu, rậm rạp.
Những trở ngại do thiên nhiên không chỉ đích danh chỗ nào thì có câu:
Thương anh em cũng muốn theo
Sợ truông cát nóng sợ đèo đá dăm

Chàng trai đưa giải pháp:
Cát nóng đưa dép em mang
Đá dăm anh lượm, em còn than nỗi gì!

Sông nước cũng gây trở ngại:
Sông sâu sào vắn khó dò
Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa

Bậu là đại từ ngôi thứ hai, chỉ người con gái đang được yêu:
Con cu bay bổng qua sông
Hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa.

Tương tác với bậu có tiếng qua, chỉ người con trai:
Lại gần qua nói bậu nghe
Đừng ra cái kiểu nửa chè nửa xôi
Một mai trúc ngã lan quỳ
Bậu lo thân bậu lo gì thân qua.

Để tránh cái sợ sông nước bến bờ, nói thì to tát nhưng nghĩ cho cùng chỉ là sợ tốn tiền đò, chuyện nhỏ, có người lại muốn một cách như là thay thế tạo hoá:
Muốn cho sông cạn đất liền
Kẻo đi lại  sợ tốn tiền đò ngang
Cái sợ thứ hai là sợ lòng người:
Muốn về Soi Bún ăn dưa
Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời

Soi Bún là một xóm của làng Ngọc Lãng, cồn đất nằm giữa hai dòng sông, sông Chùa phía bắc và sông Đà Rằng phía nam, nay thuộc xã Bình Ngọc- thành phố Tuy Hoà tỉnh Phú Yên. Soi Búng, là chỗ nước sâu dưới lòng sông, lội qua dễ bị sụp búng nguy hiểm, do đọc sai thành Soi Bún thành quen.
Thiên hạ đãi đưa nhiều lời, nói vậy chớ không đáng sợ lắm. Sợ nhất là chính lòng mình:
Anh gặp em đây cũng cảm cảnh tình thương
Muốn xe sợi chỉ thắm, sợ vương sợi tơ mành

Chỉ thắm là chỉ đỏ, tơ hồng, tượng trưng cho nhân duyên tiền định, bền chặt đời đời. Muốn mà sợ, là chưa tự tin và chưa tin bạn.
Người con gái cũng không tránh khỏi tâm trạng ấy, trước ngưỡng cửa tình yêu và hôn nhân thường sợ:
Gặp anh cũng muốn dan ca
Sợ mẹ bằng biển sợ cha bằng trời
Gặp anh cũng muốn trao lời
Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan

Dan ca là nói đủ thứ chuyện, vòng vo nam bắc, trên trời dưới đất. Khi yêu chuyện gì cũng nói với nhau được. Bởi vậy mới sợ mẹ sợ cha, sợ bằng trời bằng biển chứ ít đâu! Lại sợ chàng thực thực hư hư, dễ dàng thay đổi như chòm mây bạc.
Có người con gái muốn vượt qua tục lệ, muốn nhanh chóng thành đôi, nhưng sợ cho thân phận nghèo kém:
Thương anh em muốn theo về
Sợ rằng cha mẹ cười chê em nghèo
Gặp phải chàng trai nghèo cũng sợ:
Thấy anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi

Giống ý câu người vợ có chồng đánh bạc, hay đem của nhà ra cầm thế, vợ van xin: Cầm thời cầm áo cầm quần/ Cầm trâu cầm ruộng, xin đừng cầm em.
Cô nào may mắn sẽ gặp chàng trai biết điều:
Nghèo thì bán khố bán khăn/ Có ai mà bán vợ ăn bao giờ/ Nghèo thì bán cột bán kèo/ Có ai mà bán vợ theo bao giờ.
Có người gặp cảnh lỡ làng ngang trái, nót thật:
               Thấy anh em cũng muốn chào
               Sợ rằng chị cả giắt dao trong mình

   Chị cả là vợ cả, miền Nam thường gọi là vợ lớn. Nguy hiểm lắm. Hiện nay không nghe chuyện các chị cả giắt dao mà  các chị cả dùng dao cạo râu (lưỡi lam) rạch mặt, phải đi bệnh viện gấp gấp..
Nói thật hơn nữa:
Chiếu bông mà trải góc đền
Muốn vô làm bé sợ không bền anh ơi!

Trong khi đó cái sợ của anh này có vẻ không thật lắm:
Thấy em anh cũng muốn chào
Sợ anh chồng cũ giắt dao trong mình

Chị cả, đang có quyền hành thì sợ là đúng. Còn anh chồng cũ, để nhau rồi (tức là bỏ nhau rồi) sao lại sợ? Chẳng phải “muốn” mà “hèn” hay ba xạo ba xự sao!
(Theo t/c Đương thời)
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Huiền Ân