TRẦN HUIỀN ÂN
 

Mùa Mằng Lăng Lột Vỏ

Truyện ngắn

Ông Chín Hem chết vào một hôm đầu mùa mưa. Thật ra không biết rõ ông chết ban ngày hay ban đêm, khi người ta phát giác thì thi thể ông đã khô cứng tự lúc nào, và bởi chỉ có da bọc xương, không một mẩu thịt nên không hề bị ươn sình hôi thối.
Ông Chín Hem thấp nhỏ, loắt choắt, vóc dáng như mới lên mười, tóc lưa thưa mấy sợi hoe hoe như râu bắp, đôi mắt kèm nhèm nhấp nháy liên tục, hai bên mép và dưới cằm mấy sợi râu cong queo. Ông thường mặc bộ bà ba màu đà nhuộm bằng vỏ cây múi dẻ, bịt chiếc khăn cũng màu đà, đi dép da trâu. Mồ côi cha mẹ hồi còn nhỏ, không có vợ, cũng không nghe ông nói đến một người bà con thân thích. Ông làm cái việc giữ đình làng đã lâu lắm, không ai nhớ rõ từ lúc nào. Người lớn thường bảo rằng ông chẳng được tích sự gì, quét lui quét tới trong thềm ngoài sân vẫn còn đầy rác, lau qua lau lại mặt bàn mặt ghế vẫn còn đầy bụi, nấu nước thì hôi khói, bỏ trà không dão dợt thì đậm đen, bình chén kỳ cọ cả buổi vẫn nguyên vết ố bẩn, biết bao nhiêu lần họ dọa không cho ông làm từ đình nữa, nhưng rồi không có người thay thế, thành ra hết năm này tới năm khác ông cứ là từ đình để nghe các vị chức sắc la rầy là chẳng nên tích sự gì.

Chỉ có bọn trẻ con là thích ông Chín Hem, bởi ông có tài kể chuyện. Con nít ở làng Đá không một đứa nào không mê những chuyện kể của ông. Những đứa ở xóm Lẫm càng thân hơn. Với người lớn thì cũng có năm ba người biết ông có tài hái lá thuốc nam và lể giác. Chỉ năm ba người ấy thôi, khi đau đầu, đau lưng người ta đến nhờ cậy. Ông Chín Hem tìm cái chai bể nơi góc gào, đập lấy một miếng mẻ nhọn, cắt lể ở lưng ở trán người  bệnh, đốt một mẩu giấy con con cho vào chiếc ly nhỏ, úp lên chỗ vừa lể, hơi nóng hút ra một tí máu bầm đen, rồi ông ra bờ rào hái mấy lá cây vò nát bảo đem về pha nước uống, hoặc hái cho một nồi lá thơm để nấu xông. Căn cứ vào lời khen của năm ba người ấy thì ông Chín Hem quả là thầy thuốc nam giỏi, cắt lể, uống xông xong bệnh tật biến mất, mạnh khỏe trở lại ngay. Nhưng không ai tôn ông là “thầy” cả, những lúc cần sự giúp đỡ của ông họ cũng chỉ gọi xách mé thẳng tên Chín Hem.

Mà Hem đâu phải là tên ông, chẳng qua gọi vui thành quen, nên không cần thiết kiêng kị! Dẫu sao bọn trẻ con còn có chút lòng kính lão nên luôn luôn gọi ông là ông Chín. Mỗi đêm sáng trăng ông Chín Hem đóng kín cửa đình xong, ra ngồi trước thềm, một bên có ve củ tỏi rượu trắng. Ve củ tỏi này thuộc loại đồ xưa, đã mất nút đậy, ông Chín Hem dùng mẩu lá chuối khô quấn lại thay thế, bảo rằng lá chuối khô không làm lạt chất rượu, những khoảng trống không làm hương rượu bay đi. Lá chuối khô ngoài vườn thiếu gì, vậy mà cái nút chai lúc nào cũng xác xơ. Còn ly uống rượu chính là cái ly nhỏ ông Chím Hem đã dùng làm bầu giác. Không biết ông Chín Hem rửa sạch đến mức nào và ông có còn nghe chút hơi hướm hôi tanh gì phảng phất?
Ông Chín Hem có giọng nói trầm trầm, thích hợp với không khí trong lành và khung cảnh vắng vẻ những đêm trăng thôn quê. Có những lúc bốn bề im lặng, có những lúc chỉ nghe mơ hồ tiếng gió trên ngọn cây cao, tiếng vài trái mận nơi góc rào rụng lộp bộp, tiếng dế ri rỉ nơi chân rào và thình thình tiếng con tắc kè vang lên ở đâu đó. Lũ trẻ con hoàn toàn bị ông Chín Hem chinh phục, dẩu mỏ, lắng tai theo dõi từng chi tiết những câu chuyện tiên phật thánh thần, cả chuyện voi, chuyện cọp, trăn rừng sấu nước.

Không ít lần ông Chín Hem đứng dậy chỉ tay giảng giải:
-Đất nước ông bà mình nơi đây chính là xứ sở kề cận cõi tiên. Mấy cháu hãy ngó quanh ngó quất khắp bốn phương tám hướng coi, có thấy ngọn núi ngọn đồi nào đâu! Không có, bởi vì mình đang ở chỗ cao hơn hết, gần tới trời rồi, không chỗ nào cao hơn chỗ mình, phải chi có chỗ nào cao hơn thì mình đã thấy đồi núi nhấp nhô. Ngồi đây mình chỉ thấy mây, những buổi trưa mùa hè nóng quá, bầu trời nở ra, mây trắng mây xanh bay tận trên cao, những buổi chiều mùa đông mưa dầm gió bấc, bầu trời nặng nên sa xuống thấp, mây đen mây xám la đà trên mặt thổ mặt ruộng. Hồi mới khai thiên lập địa phía trong cổng tiên có chiếc thang dài bắc lên trời, dân tứ xứ tựu lại đây theo chiếc thang ấy lên họp chợ tiên. Chợ tiên gần lắm mà cũng xa lắm, không phải ai muốn đến đó cũng đến được, phải có đầy đủ căn duyên. Căn là cái gốc rễ trong lòng ta, muốn gặp tiên ít nhất phải có một chút căn tiên, duyên là  sự may mắn, là điều kiện thuận tiện riêng tư tùy hoàn cảnh của mỗi người. Ai có căn duyên thì cây rừng mở lối, chim muông dẫn đường đưa đón. Ai không có căn duyên thì không thể nào vào được cõi tiên, dù cõi tiên và cõi tục xen lẫn bên nhau, mà bởi gai ngăn lá phủ, nên mắt ta nhìn không ra, chân ta bước không  tới.
Lũ trẻ con thuật lại lời ông Chín Hem cho cha mẹ cô bác, đều nhận được lời bình phẩm, tuy cách nói có khác đôi chút vẫn chung một ý:
-Tụi bay ở đó mà nghe lời Chín Hem, con người đầu đuôi cao chưa được năm tấc mà nói toàn chuyện thánh thần, còn muốn lên trời họp chợ tiên.
Vẫn lời ông Chín Hem:
-Cổng tiên nào phải xa cách gì. Đi hết Truông Dăm, qua trảng Mằng Lăng là tới nơi. Mấy cháu thấy không, những đêm trăng sáng thế này hình dáng cây lá trùng chập với nhau in rõ trên nền trời. Một bên là ông voi giơ cao cái vòi dài, một bên là ông cọp đang đập đuôi sắp nhảy tới. Một ông của Lý Thiết Quày, một ông của Trương Quả Lão. Hai ông canh gác cổng tiên, ai muốn qua  phải được cả hai ông cho phép. Nhưng mà ban ngày thì cây cối rời rạc, thưa thớt, cách xa, không ngó thấy được ông voi ông cọp nên không biết cổng tiên chỗ nào. Phải đợi mùa mằng lăng lột vỏ. Lúc này trên thân cây những mảng vỏ màu xám đậm bong lên rồi rơi xuống, để lộ lớp da cây non bên trong màu xanh lục. Khi phần xanh lục này già dặn, thì phần còn lại hóa ra màu xám đậm bong lên, tiếp tục thay đổi. Muốn tìm đường đến cổng tiên người ta phải để ý trông chừng ngay lúc rừng mằng lăng lột lớp vỏ lứa đầu. Tìm trong những mảng vỏ xanh ấy hình dáng hoặc là con gà gáy, con chó chạy, con chim đang đậu, con bướm đang bay, có khi là hình mũi mác, lưỡi cày…  Đi theo hướng đỉnh nhọn của hình dáng  sẽ gặp hình dáng tiếp theo, cứ như thế, có thể là phải vòng đi vòng lại mất cả buổi, cả ngày, cuối cùng ta đến được cổng tiên. Cây rừng mở lối, chim muông dẫn đường là như vậy.

Đó là tóm tắt nhắc lại lời ông Chín Hem, chứ lúc ông kể thì thật dài dòng, ý tưởng rời rạc, từ ngữ lộn xộn, câu này chưa hết đã chắp câu kia, người nghe phải tự sắp xếp lại để hiểu. Chốc chốc ông ngừng nói, thở dài có vẻ mệt mỏi, phải nhắp một tí rượu. Mỗi đêm ông chỉ uống đúng một ly con, đến giọt cuối cùng ông ngửa cổ lên dốc cho cạn hết,  nhưng không bao giờ rót thêm, đẩy cái nút lá chuối khô xuống sâu hơn một chút, úp ly lên miệng ve, đem cất. Ông không xác quyết là đã tìm thấy cổng tiên, đã vào cõi tiên, dạo chơi trong chợ tiên, nhưng ông cũng không thú nhận là  chưa đến các nơi ấy. Ông nói hàng hai, lượn lờ, miêu tả cảnh tiên rất đẹp, mà cũng rất chung chung, như là nước hồ nước suối trong vắt, cây cối xanh tươi, hoa trăm sắc nở, bướm trăm màu bay, người tiên xinh đẹp, những tiên nữ nhảy múa trên bãi cỏ non, những tiên đồng dâng quả đào thơm chúc thọ tiên ông… có vẻ như ông đã quen thuộc lắm.

Lũ trẻ con về thuật cho cha mẹ cô bác, họ lại cười bảo:
-Lão Chín Hem không có việc gì làm đi dối gạt đám nhỏ. Chuyện ấy dân làng Đá ai ai cũng đã nghe. Ông cao kể cho ông cố, ông cố kể cho ông nội, ông nội kể lại… bao nhiêu đời nay truyền khẩu y hệt, có thêm có bớt tùy người đó nhiều hay ít duyên nói, nhưng không có chi tiết nào chính xác. Mùa mằng lăng lột vỏ, cả rừng cả trảng cây nào cũng loang lổ vằn vện hai màu xanh và mốc, tìm đâu cho ra hình dáng chim muông chỉ hướng. Đêm đêm vẫn nhìn thấy bóng ông voi ông cọp đấy, nhưng cây xa bụi gần, nhiều chỗ nhập lại mới ra như thế, đâu phải một tàn cây, một khối đá tạo thành được…

Ông Chín Hem qua đời vào đầu mùa mưa. Mấy tháng  không có đêm trăng sáng, không làm cho lũ trẻ con thấy thiếu vắng ông. Đến tuần trăng tháng giêng chúng mới hiểu được sự có mặt của ông Chín Hem trên cõi đời thật là cần thiết, vai trò của ông với chúng thật là quan trọng. Chúng tụ tập tại sân đình, nhớ lại từng cử chỉ của ông Chín Hem lúc sinh thời, đôi mắt hấp háy, cái miệng móm lại khi uống rượu, cái cười dễ dãi cho qua khi bị chúng hỏi gặng, thèm muốn được nghe những câu chuyện gần như đã thuộc lòng nhưng lần nào cũng cảm thấy mới lạ, sau đó kéo nhau khắp làng, từ xóm Lẫm lên xóm Giữa qua xóm Vườn. Những đêm trăng tháng hai cũng trống trải như thế. Làng xóm như rộng thêm, đêm như dài thêm, chờ mãi không thấy khuya, mặt trăng cứ lơ lửng như lảng tránh, không chịu lên đỉnh đầu, ánh sáng cứ lẩn quất đọng lại nơi những tàu lá chuối chuyển màu thành mốc bạc.

Tuần trăng tháng ba ở buôn Suối Ổi có đám xây cột đâm trâu. Tiếng cồng chiêng theo ngọn gió đêm vượt qua đồi lũng bay đến làng Đá nghe rõ mồn một. Càng về khuya tiếng cồng chiêng càng thánh thót. Lũ trẻ con làng Đá cũng thấy lòng mình rộn lên, tưởng tượng ra ở đó cả dân buôn nắm tay nhau vòng quanh múa điệu vớt rong. Một đứa nói rằng tiếng cồng chiêng ấy không phải chỉ có mấy âm thanh “ồn ên ồn ên” như nhiều người bảo, nghe ra thật rõ là “mồng mười tháng ba, mồng ba tháng mười”. Lũ trẻ con thức khuya nảy ra một ý tưởng cùng nhau làm cái trống lỗ. Chúng đào một hố tròn, đường kính độ bốn tấc, sâu độ năm tấc, trên mặt lỗ đặt miếng thiếc. Cũng may, có đứa tìm được miếng thiếc do thùng gánh nước hư lủng bỏ ra, đặt lên thật vừa vặn, một đứa tìm được sợi dây thép dài hai sải tay. Một cây cọc cao khoảng bốn tấc dựng đứng trên miếng thiếc, hai bên miệng lỗ cách độ sải tay đóng mỗi bên một chiếc cọc, hai đầu dây thép buộc vào đó, căng thật thẳng qua đầu chiếc cọc trên miệng lỗ. Dùng hai que tre bằng chiếc đữa bếp đánh lên sợi dây thép tạo ra âm thanh với nhiều cung bậc. Chính cái đứa diễn giải tiếng cồng chiêng là đứa có đôi tai và đôi tay của người nhạc sĩ dân gian đồng quê đã gõ lên dây trống tạo ra tiếng vang y hệt tiếng cồng chiêng. Lũ trẻ con vui mừng không xiết, tiếng trống lỗ của chúng cũng êm đềm nhịp nhàng “mồng mười tháng ba, mồng ba tháng mười” đã hòa hợp cùng nhạc điệu cồng chiêng từ buôn Suối Ổi vượt qua làn gió núi bay đến làng Đá. 

Đám xây cột này lớn quá, suốt ba ngày đêm. Đêm thứ hai lũ trẻ con làng Đá thức khuya hơn, và đêm thứ ba định thức tới gà gáy. Tất cả chúng như quá say đến độ mê đi trong không khí huyền hoặc bồng bềnh. Khi mặt trăng gần đứng ở đỉnh đầu một đứa chợt reo lên và chỉ cho cả bọn. Thật rõ ràng và thật gần gũi hình bóng ông voi và ông cọp gác cổng tiên in rõ trên nền trời. Như có một ma lực cuốn hút, chúng bỏ chiếc trống lỗ cho sân đình, bỏ âm thanh cồng chiêng cho gió trời, kéo nhau đi, không định hướng, không chủ ý, nhưng đứa này tự nhiên nối bước đứa kia băng qua Truông Dăm đến Trảng Mằng Lăng.

Cả trảng sáng rực dưới trăng. Ánh trăng bàng bạc dàn trải. Những chòm đế thấp, những vạt cỏ nhỏ dưới gốc cây sương thấm ướt đẫm. Hương rừng nhẹ và trong khiến lũ trẻ con như ngất ngây, chân bước cao bước thấp. Mằng lăng đang lột vỏ. Hai màu xanh lợt và xám mốc trên thân cây ban đêm không nhìn thấy rõ ràng lắm nhưng chúng nhận biết được. Phần da cây tươi xanh láng và mịn hơn, phần da cây khô mốc sù sì bong lên cong queo. Với cái nhìn bằng đầu óc tưởng tượng phong phú chúng thấy đây là con chim, kia là mũi mác, rồi con chó, lưỡi cày, chiếc ná, con dao… chúng lần theo những mũi nhọn chỉ hướng mà đi mà tìm. Chúng có cảm tưởng thời gian qua rất chậm, chúng đi như thế lâu lắm, quanh quẩn, vòng vo, chúng không đi bằng bước chân mà cứ trôi dần, trôi dần, khác nào chập chờn cùng sóng nước. Ông voi và ông cọp có đó rồi tan biến, rồi lại hiện ra, gần rồi xa, xa rồi gần, như đùa giỡn, thách thức bọn chúng. Đôi khi chúng có cảm tưởng cùng nhau vừa ngủ vừa đi, đi trong giấc ngủ và ngủ lúc bước đi…
 Chợt có tiếng thét lớn:
-Đứng lại!
Tiếng thét có một sức mạnh quyền uy khiến cho lũ trẻ con bừng tỉnh. Lập tức chúng nhận ra ngay khắp cả trảng, dưới mỗi gốc cây, nơi mỗi khóm đế… đông đặc những người, đồng thời lập tức chúng biết được điều rất đáng sợ là mỗi người tay giữ chặt một khẩu súng có gắn lưỡi lê bén nhọn.
-Ai sai tụi bay đến đây, tụi bay đến đây để làm gì?

Đó là câu hỏi đặt ra, cố nhiên không thể tin chuyện nửa đêm chúng theo dấu ông voi ông cọp đi tìm cổng tiên. Chúng được dẫn đến giữ lại nơi lùm cây lớn, có người đứng tuổi cầm súng canh giữ. Người ấy đang nhắc đi nhắc lại một câu hỏi ấy, lũ trẻ cũng nhắc đi nhắc lại cách đã trả lời ấy khiến ông ta cho là giễu cợt, sắp không nén nổi cơn thịnh nộ, thì đột ngột một màn lửa xé rách bầu trời trước khi có tiếng gầm réo vang dậy. Cả trảng Mằng Lăng chìm trong khói lửa, chìm trong tiếng bom rơi đạn nổ, từ trên cao dội xuống và từ mặt đất bắn lên. Một khối lửa to cày sát mặt trảng, một tiếng nổ kinh hoàng, những bóng người nhốn nháo tán loạn và tiếp theo không biết bao nhiêu tiếng nổ, lửa bốc ngùn ngụt cả rừng Mằng Lăng. Vẫn chính cái đứa tìm ra âm thanh “mồng mười tháng ba, mồng ba tháng mười” thảng thốt kêu bạn bè “Chạy ra phía cổng tiên - Chạy ra phía cổng tiên”. Nó vừa chạy vừa kêu đến rát cổ và cũng thấy được cả bọn nối gót té sấp té ngửa trong rừng lửa.

Rạng sáng ngày, tất cả dân xóm Lẫm, xóm Giữa, xóm Vườn, dắt dìu bồng bế nhau bỏ làng Đá ra đi. Không ai dám ra trảng Mằng Lăng để nhìn thấy ở đó rừng cây đã cháy rụi chỉ còn tro than đất đá và những xác người chồng chất bên xác máy bay tung tóe sắt thép. Không ai biết lũ trẻ con đi chơi từ chập tối mất tích lưu lạc nơi nào, nhưng người ta không dám ở lại tìm kiếm, hẹn nhau rằng sẽ trở về tìm kiếm sau, bây giờ phải đi càng xa càng tổt.

Năm tháng trôi qua… Dần dần những lứa mằng lăng mới mọc lên được vun bón bởi tro than của cây cỏ và xác người đã lớn thật nhanh, thật tươi tốt. Lại những mùa mằng lăng lột vỏ. Trừ một số ít trở thành thị dân, hầu hết bà con làng Đá trở về khi nơi nơi yên ổn. Năm tháng trôi qua…

Ông già đến làng Đá vào buổi chiều, xin nghỉ trọ tại một nhà ở tổ dân cư số 2, ngày trước là xóm Lẫm. Tối đó ông đi thăm nhiều người, gặp ai cũng hỏi han tỉ mỉ. Có vẻ ông già biết rất kỹ về làng Đá, những người trang tuổi ông đang sống ở đây trò chuyện xem ra tâm đắc lắm, nhưng họ là dân xóm Vườn, xóm Giữa bảo rằng hồi nhỏ có nghe nói đến ông Chín Hem làm từ đình, giờ không còn nhớ rõ. Lớp thanh niên thì cứ như nghe chuyện cổ tích, họ thấy thật lạ lùng khi ông già kể về hình bóng ông voi ông cọp canh giữ cổng tiên. Mọi người ngờ ngợ, chắc ông già là dân làng Đá thất lạc trong chiến tranh, nhưng ông già cứ chối đây đẩy, không phải, nhất định không phải.

Trở về nhà trọ, ông già thao thức suốt đêm, nằm xuống, ngồi dậy, đứng lên bước ra sân rồi trở vào, cứ như thế đến lúc mới mờ mờ sáng  đã thức dậy đi ra hướng Truông Dăm, Trảng Mằng Lăng. Truông không còn đá dăm cát sạn nữa, đã san bằng, mở rộng. Những cây mằng lăng cao ngó trật ót, những gốc mằng lăng lớn cả người ôm. Mằng lăng đang mùa lột vỏ, một phần vỏ già rơi rớt trên ngọn đế, trên bãi cỏ, một phần đang nổi vồng cong queo, để lộ bên trong màu lục nhạt. Ông già bước từng bước chậm trong rừng, lân la quanh quẩn theo từng gốc cây, thấy nhiều thật nhiều hình dáng có thể tưởng tượng ra đó là con chim, con sóc, mũi mác, lưỡi cày… để định hướng tìm đến cổng tiên. Bàn tay ông vuốt ve trên mỗi hình dáng ấy, thiết tha, trìu mến. Mãi đến gần trưa ông già mới đến cuối trảng, gặp một lối đi giữa hai tảng đá lớn. Ngỡ ngàng một phút, ông già xác quyết, đi vào.

Mặt hồ hình bán nguyệt, khá rộng, nhưng nước khô cạn chỉ còn phần giữa. Nắng trưa chiếu thẳng xuống làm cho mặt nước chói chang pha trộn ba màu xanh lục, tím nhạt và hồng thẫm. Bãi cát mịn, chi chít dấu chân các loài chim nhỏ đi ăn đâu chiều hôm qua và sáng nay. Chung quanh vẫn là mằng lăng, cây thấp nhỏ, chen chúc nhau trên đất toàn sỏi đá. Ông già đi dưới bóng mằng lăng, theo quanh bờ hồ. Khi trở lại nơi khởi đầu, toan trở ra, bỗng nhiên ông già thấy nóng ruột nóng gan, mắt như hoa mờ, ngồi xuống định thần rồi đứng dậy không chủ ý mà đi quanh hồ lần thứ hai. Có điều gì xui khiến ông già dừng lại rất lâu trước một hang đá rồi lần mò đi vào. Trong hang mát lạnh, vách đá dày rêu xanh, chỉ có tiếng một khe nước nhỏ chảy róc rách nhẹ nhàng. Hai bàn tay ông già lần mò từng hốc đá, nghĩ rằng sẽ có một cái gì đó. Nhưng tịnh không có gì cả. Đến cuối hang, ông già bỗng nhìn sững rồi lao đến, quỳ xuống. Trước mặt ông già, một xương sọ người nằm trên mặt tảng đá phẳng lớn bằng mặt bàn. Ông già nâng chiếc xương sọ lên bằng cử chỉ biểu lộ trọn vẹn sự trân trọng, yêu quý, nhìn thẳng vào hốc mắt sâu rồi ôm vào lòng, không hề sợ sệt, trái lại cảm thấy thật gần gũi thân tình. Cầm chiếc xương sọ người ông già lục tìm khắp hang nhưng không thấy gì thêm, ông thong thả quay lại bên bờ hồ.

Mặt trời nằm trên ngọn cây rừng hướng tây chiếu ánh nắng chênh chếch dịu dàng xuống mặt nước, không còn chói chang, không còn màu đỏ và màu tím, chỉ có màu xanh trong suốt. Ông già ngồi bệt xuống mé nước, kỳ cọ rửa sạch bụi đất trên chiếc xương sọ người. Ông nhớ lại cái đêm hãi hùng ấy, bạn ông kêu la thất thanh “Chạy ra phía cổng tiên - Chạy ra phí cổng tiên”, ông cố lao theo bóng các bạn xiêu nghiêng trong rừng lửa nhưng nghe đau buốt một chỗ nào đó và ngã xuống. Cứ như thế dĩ vãng thức dậy, kí ức khơi mở trào dâng và chìm đắm. Ông già cọ rửa thật kỹ khối xương, nghe như chung quanh văng vẳng tiếng trống lỗ hòa nhịp cùng tiếng cồng chiêng vang vọng. Ông già thầm đếm nhịp trong lòng “mồng mười tháng ba mồng ba tháng mười”, chốc chốc giơ chiếc xương sọ người soi lên ánh nắng chiều, rồi lại cọ rửa, cho đến khi màu xương trắng bạch, láng lẫy. Ông già lấy vạt áo lau khô chiếc xương sọ người, bỏ vào túi xách mang bên vai và đứng lên. Hình bóng ông già hiện rõ trong mặt nước hồ, mái tóc bạc phơ, vầng trán ba nếp nhăn dợn sóng, chòm râu cũng bạc phơ. Ông già chợt nghĩ: Vị lão tiên mà ông Chín Hem mô tả ngày xưa cũng như thế này chăng? Tiếc rằng bên cạnh không có các tiên đồng dâng quả đào chúc thọ, trên bãi cỏ không có các tiên nữ nhảy múa. Bất chợt nhìn bầy bướm vàng đông đảo bay lượn trên đám hoa vòi voi như cuộn những vòng tang trắng, ông già nghĩ: Hay đó là hình ảnh ước lệ đã được ông Chín Hem, người nghệ sĩ của thôn dã ngày xưa, thăng hoa khi cảm nhận?
 
Trần Huiền Ân
2007

  Trở lại chuyên mục của : Trần Huiền Ân