TRẦN HUIỀN ÂN

 

Tiếng Chim Chuông Đêm Giao Thừa

Miền Trung. Tháng chạp, trời lạnh. Có khi mưa bay lất phất, gió nhẹ. Có khi nắng nhạt màu vàng chanh. Nhưng luôn luôn lạnh. Hôm nào giữa khuya thật lạnh, buổi sáng đầy sương thì nửa buổi trưa nắng gay gắt. Trong khung cảnh thời tiết như vậy, người trẻ tuổi vui vẻ dự định tương lai, người già cả hay bâng khuâng nhớ về năm tháng cũ. Tôi thuộc nhóm thứ hai. Khơi gợi lại dĩ vãng, những khoảnh khắc giao thừa giữa năm cũ năm mới thường được nhắc nhở nhiều hơn những bình minh nguyên đán.

Thời chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên lên tuổi trưởng thành – 1952-1958 – tôi cùng gia đình cư trú tại xóm Đá Bàn, thôn Xuân Sơn, thuộc huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Xóm nằm dưới lòng thung lũng, chung quanh thấp dần vào trung tâm. Trên địa thế ấy, cao nhất ngoài rìa là trảng cỏ, tiếp đến đất thổ, rồi ruộng gò, thấp nhất là ruộng rộc. Đất thổ trồng bắp, khoai, đậu, mè. Ruộng gò một mùa có nước, cấy lúa, gặt vào tháng ba, nửa năm bỏ không. Ruộng rộc làm hai mùa lúa tháng ba tháng tám. Chung quanh ba hướng có bốn ngọn đồi án ngữ, hướng tây bát ngát tranh đế trải rộng, chạy liền lên giáp chân núi cao. Bao nhiêu nguồn phân thiên nhiên dồn lại, theo mưa đổ xuống, tạo ra màu mỡ, nuôi cho hoa màu tươi tốt, gié lúa nặng trĩu, trái bắp thẳng gang. Phần đông dân chúng đều có đời sống bậc trung, dư dả cơm ăn, ấm áp áo mặc, không nhà nào lâm cảnh nghèo nàn đói khổ. Tình nghĩa bà con làng xóm thân mật, ấm áp, đậm đà.

Điều đặc biệt là suốt thời kỳ chiến tranh 1946-1954 nơi đây hoàn toàn yên ổn. Quân Liên hiệp Pháp không một lần hành quân đến, không hề bị máy bay bắn phá, thả bom như các xóm khác trong xã, trong huyện. Có lẽ nhờ bốn ngọn đồi che chắn, vì lúc ấy máy bay phải chúi xuống mục tiêu rồi cất lên xả đạn, cắt bom, e lúc cất lên dễ va chạm vào vật chướng ngại, không chừng bị rơi. Thật đúng, như đồng bào ở đây tin tưởng, Đá Bàn vững như bàn thạch, là xứ vô sự, bình an.

Nhà cửa dân chúng cất rải rác trong đất thổ, xen với những khoảnh vườn nhỏ, trồng thơm, trồng chuối, vài ba cây cau, vài ba cây dừa. Buổi trưa vắng lặng thỉnh thoảng chiếc mo cau rơi xuống, một tiếng “xào” thật rõ. Đêm trăng sáng tụ họp lại sân nhà Cụ Năm nghe cụ kể chuyện Nha Trang, Nam Kỳ… chưa một ai được biết. Ông Thùy, nguyên là nhân viên Bưu điện Đông Dương kể chuyện trường Quốc học Huế, chuyện bên Lào, bên Mên, Viên-Chan, Nông-Pênh vô cùng xa lạ…

Những đêm giao thừa, nhà nào cũng khêu cao tim ngọn đèn dầu mong muốn sáng hơn. Trên đường xóm vẫn còn năm ba người qua lại chuyện trò. Tất cả đều chú ý, nhất là các cụ già, lắng tai để nghe từ mấy ngọn đồi, xem thử “năm nay con gì ra đời”. “Con gì ra đời”, là con thú, con chim ấy cất tiếng hót, tiếng kêu vào giây phút giao thừa. Có năm, con gà rừng gáy lảnh lói phía Giồng Dâu, có năm con công tố hộ tố hộ giọng trầm mà vang phía Giồng Dẽ, có năm con xách (còn gọi là con quảy, tên địa phương của con mang) kêu tác tác phía Giồng Cui, có năm con nai quéo quéo phía Giồng Da Tây. Người không nghe được thì sáng ra hỏi thăm: “Năm nay con gì ra đời vậy bác (chú, anh)?”

Người ta căn cứ vào đức tính và cuộc sống của con vật, cùng thời điểm nó “ra đời” để đoán định công việc làm ăn, tình trạng yên ổn của dân xóm trong năm tới. Không ít lần vài ba người nghe tiếng “con ra đời” ở vài hướng khác nhau, phải cậy nhờ các cụ già nhiều kinh nghiệm sống bàn bạc. Cũng không ít lần cách suy luận có trái ngược. Chẳng hạn, khi nghe con nai “ra đời”, người này thấy vui vì “nai” là “lộc”, “nai đem lộc đến”, người khác cho rằng “xui” bởi ngôn ngữ dân gian “nai” là bỏ chạy, rồi theo hướng, tiếng “ra đời” dần dần gần lại hay mỗi lúc xa thêm mà luận tiếp: chạy đến hay chạy đi, chạy đến thì tốt chứ. Con xách cũng vậy. Xách, mang, quảy phần phước đi là xui, còn xách mang quảy phần phước đến cho ta thì còn gì bằng. Tiếng mang “tác tác” đồng âm với “tát nước”, ở đây không có việc tát nước vào ruộng, chỉ có tát đìa, tát vũng bắt cá, suy diễn là năm nay được mùa cá đồng, cá sông, thực phẩm quan trọng nơi miền núi xa biển.

Thật ra cũng chẳng mấy ai tin về cái điềm báo của “con ra đời”, người ta bàn đi luận lại, gọi là “nghiễn ra”, trước hết cho vui mà thôi. Sau đó, trong năm có chuyện gì xảy đến, tốt hay xấu, nếu thấy trùng hợp, người ta sẽ nhắc lại với nhau, để bày tỏ thêm lòng tin, vui vẻ hay tiếc buồn. Chẳng khác gì cùng nhau luận về sấm Trạng Trình về những “mã đề dương cước – thân dậu niên lai”, bao nhiêu năm vẫn vậy.

Cuối năm Quý Tỵ – đã qua đầu năm 1954 dương lịch – quân Liên hiệp Pháp mở chiến dịch Át-Lăng từ Tây Nguyên, Khánh Hòa và Biển Đông ba mặt đánh vào Nam Ngãi Bình Phú. Huyện Sơn Hòa năm trên đường hành quân từ Pleiku, Đắc Lắc xuống duyên hải. Đồng bào Đá Bàn tản cư vào khu rừng già Hố Cám. Cổ thụ cao vút giao ngọn trên không, bên dưới mặt đất bằng phẳng, lá ủ rụng đầy, không có một bụi cây nhỏ, không có con chim con bướm nào. Ở đây thỉnh thoảng mới có người thợ rừng đi qua tìm gỗ. Dân Đá Bàn chưa biết gì về chiến tranh, sợ lắm, ban ngày mỗi gia đình còn người già, phụ nữ và trẻ con vẫn lánh vào các hốc đá, co ro lạnh lẽo. Chiều xuống mới đưa nhau ra bên bờ suối. Con suối không tên, chẳng mấy ai rõ từ nguồn nào chảy về đâu, nhập dòng nào. Nước suối chỉ sâu đến đầu gối, trong vắt, nhìn thấy dưới lòng đầy đá cuội bị bào mòn tròn trịa. Lều dựng dọc theo bờ suối, cả dãy bếp lửa đốt lên, khói tỏa mù mịt rồi cùng bừng sáng. Ai nấy cũng thấy vui vẻ, rộn ràng câu chuyện.

Chúng tôi đón giao thừa năm Tỵ năm Ngọ ở đây. Qua giao thừa vẫn còn thức, “nhà” này qua “nhà” kia “đạp đất” nói lời chúc nhau năm mới. Chợt từ trên ngọn cây cao nào đó có tiếng chim thong thả ngân dài như hồi chuông đổ. Và trên ngọn cây cao khác có tiếng chim đáp lại. Nhiều người không biết tiếng con chim gì, vài cụ già bảo rằng đó là đôi “chim chuông” gọi bạn, tiếng kêu của nó đều đặn, trầm trầm nhưng vang vọng thật xa. Ai đó “a” lên mấy tiếng reo mừng. Năm nay con chim chuông “ra đời”. Tiếng chim khác nào tiếng chuông chùa, rộng lòng nhân ái, biểu lộ tình thương, báo hiệu một năm mới yên vui. Ai đó lại chạnh lòng bảo rằng, một năm sau, năm mười năm sau hay hơn nữa… chắc chẳng người nào có dịp trở lại đây nhìn dòng suối trong mỗi chiều cuốn màu nước vo gạo trắng đục và nhớ dãy bếp lửa rực hồng đêm giao thừa này.

Độ tuần lễ sau, đã qua năm Giáp Ngọ, chúng tôi trở về xóm. Quân Liên hiệp Pháp chỉ đi trên đường lớn, ngày trước là đường quan báo từ huyện lỵ xuống tỉnh thành, không rẽ vào Đá Bàn. Nhà cửa, vườn tược vẫn y nguyên, không bị phá phách. Trong niềm tin được Ông Bà Xứ Sở bảo trợ, Đá Bàn vẫn vững như bàn thạch.

Bây giờ đã bảy mươi năm. Những người đón giao thừa nơi thung lũng Hố Cám năm ấy qua đời gần hết, chỉ còn lại mấy cụ già trên dưới 80, ngày đó vào hạng nhóc con. Không có ai, không có một ai trở lại chốn xưa.

Trần Huiền Ân


  Trở lại chuyên mục của : Trần Huiền Ân