TRẦN MỘNG TÚ
Chân Con Trong Giày Mẹ
Chân Con Trong Giày Mẹ
Cô con gái tôi, cười khúc khích, cầm cái muỗng súp múc một muỗng đầy thịt vào bát, nói:
Con tìm mãi chẳng thấy có miếng nào vuông cả, không lẽ không gắp, mẹ lại kêu lên là ăn ít quá không được.
Tôi cũng cười theo con, đấy chỉ là một cách nói thôi con ạ, không nhất thiết phải không gắp miếng thịt đó nếu không cắt vuông vức.
Năm nay, vợ chồng chúng tôi xuống San Diego ăn mừng Lễ Giáng Sinh với con gái và con rể. Con gái tôi có mang con so, từ hôm cái bụng cô bắt đầu to, tôi chưa được nhìn thấy, chưa được đặt tay lên bụng con để nghe ngóng cháu đạp. Cha mẹ chồng cô từ bên Úc qua chơi một tuần vào dịp lễ Tạ Ơn, cô đã lấy hết ngày nghỉ của năm nay rồi, nên Giáng Sinh không về Seattle được nữa.
Từ ngày con đi học xa, ra trường, đi làm, lập gia đình, trong cả hơn mười năm, tôi chưa bao giờ có dịp ở với con nguyên một tuần, dù ở chỗ của chúng tôi hay ở nơi cô trọ học. Chỉ trừ trong những dịp giỗ, tết, cô về nhà cuối tuần, có khi ba, bốn hôm là lâu nhất. Trong ba bốn hôm đó, thì cô cũng bận vui với mấy người chị em họ, bạn học cũ của cô. Thời giờ riêng tư giữa hai mẹ con không có là bao nhiêu.
Dịp này, tôi ở trong nhà cô nguyên một tuần. Tôi đến một mình, trước chồng tôi, anh ấy đến sau. Trong một căn nhà của cặp vợ chồng trẻ, nhà con gái tôi, nhà của riêng cô, cô là chủ nhà, tôi là khách. Dù là mẹ, tôi vẫn là khách, và dù là chủ nhà, cô vẫn là con. Nhưng đôi khi tôi quên tôi là khách, và cô quên cô là con. Tôi quên cô thuộc thế hệ trẻ, thế hệ của văn minh khoa học, cô quên tôi là bà mẹ già Việt Nam. Chúng tôi phải mất hai ngày, cả hai phía mới ý thức lại được vị trí của mình.
Hôm đầu tiên, tôi để ý thấy cô coi phim có ầm ầm tiếng súng, tôi can thiệp ngay.
Con đang có mang em bé, không được xem phim bạo động.
O.K mẹ, con đâu có sợ
Thấy cô khi làm bếp, cứ với lấy bát, đĩa trên cao, tôi nói ngay:
Con không được với cao quá, phải gọi chồng con, với cao dễ hư thai.
O.K mẹ, con sáu tháng rồi, em bé lớn rồi.
Buổi sáng tôi còn đang lơ mơ nghe tiếng chim hót bên ngoài cửa sổ, bỗng nghe những tiếng động thình thịch, đều đặn ở dưới garage, chạy xuống:
Trời ơi, đàn bà có mang sao lại hai tay cầm hai quả tạ, đi trên máy thế này, nhỡ con hụt chân một cái thì làm sao với kịp.
Cô khua khua tay.
- Mẹ lên nhà đi, ở dưới này lạnh. Con không sao cả, con sẽ đi mỗi ngày 30 phút như thế này, cho đến khi sanh.
- Con có hỏi bác sĩ chưa? Mẹ sợ quá, đôi giầy của con có an toàn không?
- Bác sĩ của con nói, ngày thường con làm gì, thì bây giờ con cứ làm tiếp tục. Đôi giầy này con đặt mua, đế rất balance, mẹ yên tâm.
Tôi yên tâm sao được, chỉ sợ cô đang chạy máy, điện cúp, cô sẽ bước hụt, sẽ ngã, sẽ làm tổn thương em bé trong bụng. Tôi nhìn đâu cũng không thấy an toàn, nhưng không dám nói. Cô đi đôi giầy nào, tôi cũng thấy hơi cao cho một người bụng to, nhà của cô tôi thấy hơi nhiều bực thang cho một người có mang, quả trứng cô ăn, tôi thấy chưa luộc chín hẳn cho cái bao tử của người thai nghén, nên tôi thỉnh thoảng lại cho ý kiến.
Tôi ở với con đến ngày thứ ba, thì thấy rõ ràng là mình can thiệp hơi nhiều. Tôi tập giữ yên lặng. Chỉ đi chợ, nấu ăn, những món con rể thích. Con gái tôi chắc cũng thấy trong hai ngày cãi lại ý mẹ hơi nhiều, cô bắt đầu nhỏ nhẹ lại. Cô gọi tôi đặt tay vào bụng cô chờ nghe ngóng thằng bé đạp.
Con hồi đó đạp nhiều lắm, mẹ cứ tưởng lại con trai. (Hồi đó tôi đã có anh cô, và siêu âm chưa dùng cho sản khoa).
Cô cười, nhìn mẹ với ánh mắt ấm áp.
Tôi muốn kể cho cô nghe, thời xưa người ta “Thai Giáo” như thế nào. Các bà mẹ tương lai thời trước được dậy: lúc có mang không được đọc truyện buồn, tránh chứng kiến những cảnh bạo động, không nghe âm nhạc ủy mị, không đọc tiểu thuyết trữ tình; xa xưa hơn nữa còn được dậy: Người đàn bà có mang, miếng thịt cắt không vuông, không gắp, chiếc chiếu trải không ngay, không ngồi. Cái này thì tôi thấy có hơi quá đáng, tôi tin chỉ là một cách dậy dỗ con cháu của các cụ đặt ra để lấy làm chuẩn mực răn đe, chứ không quá gò bó như thế. Chiếu trải, thì ngay cả khi ta không có mang thai chăng nữa, thấy lệch ta cũng kéo lại cho ngay ngắn mới ngồi, còn miếng thịt thì làm sao mà cắt miếng nào cũng vuông cả, không lẽ những miếng không vuông thì mình lại nhường cho chồng ăn. Chồng ăn miếng thịt không cắt vào khuôn phép, rồi lại “Đi ngang về tắt”, còn nguy hiểm hơn nữa.
Sát ngày lễ Giáng Sinh, tôi đi mua quà cho cháu, món quà đầu tiên em bé sẽ nhận được. Là một người yêu chữ , tôi nghĩ ngay đến sách. Tôi vào Barns and Noble mua mấy tập sách Ru Con (Lullaby) tiếng Anh cho cô. Khi cô mở phần quà của mẹ cho đứa con còn trong bụng mình, cả hai vợ chồng cùng reo lên,vui lắm, chúi đầu vào nhau mở sách, xem hình, đọc những đoạn ru cho cả nhà nghe:
Frere Jacques, Frere Jacques,
Dormez-vous? Dormez-vous?
Sonnez les matines, sonnez les matines
Ding ding dong, ding ding dong
Are you sleeping, are you sleeping?
Brother John, Brother John?
Morning bells are ringing, morning bells are ringing
Ding ding dong, ding ding dong.
Tôi dặn:
Vợ chồng con có thể bắt đầu đọc những bài ru cho em bé nghe mỗi tối, ngay từ bây giờ.
Cô cảm động lắm, hỏi:
Tại sao mẹ biết mấy cuốn này, mẹ có phải là bà mẹ Mỹ đâu ?
Bà mẹ nào cũng giống nhau con ạ. Mẹ mở sách ra thấy hình ảnh con cò, con cóc, con ngỗng, con chó y như những bài ru của mấy bà mẹ Việt Nam vậy. Khi mẹ có các con, bà nội con cũng hay gửi sách ru con cho mẹ. Nhưng dĩ nhiên mẹ ru các con bằng tiếng Việt nhiều hơn.
Rồi cô khoe với chồng, trong những cuốn sách mẹ mua, cô tìm thấy cả những bài cha cô đọc cho cô lúc cô lên năm, lên bẩy nữa.
Chúng tôi có một đêm Giáng Sinh giản dị, thánh thiện và tràn ngập tình thương gia đình trong căn nhà nhỏ, đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ.
Hôm trước khi rời nhà cô, tôi tỉnh giấc giữa đêm, bỗng thấy nhớ mẹ tôi quá đỗi. Tôi nhớ mẹ cũng đến nhà tôi, khi tôi bụng mang, dạ chửa. Trong bóng đêm mờ mờ, tôi nhìn lên trần nhà, nghe đêm thở, nghe tôi thở, nghe thời gian cũ đi qua trong một không gian mới. Thấy những sợi tóc trắng phau của mẹ ngày ấy, quấn quít vào những sợi tóc hoa râm của tôi hôm nay, bay bay trên trần nhà. Dĩ vãng kéo dài, thật dài, nối vào hiện tại. Tôi với mẹ không còn khoảng cách nữa.
Mẹ ngày đó, chắc cũng nửa đêm thức giấc nhớ đến một quê nhà xa lắc của mẹ, nhớ ông bà ngoại, đã mất lâu lắm rồi.
Một đoạn thơ của Kiên Giang bỗng chạy ngang mắt tôi trong bóng tối:
Lâu quá con thèm ăn gạo giã
Thèm mùi sữa ngọt sữa con so
Thèm đêm trăng sáng chày khua cối
Làm rụng hằng nga xuống vũng thơ.
Ôi, nhớ ôi là nhớ! Tôi thấy nước mắt mình bỗng ứa ra, chẩy xuống hai bên thái dương. Những giọt nước mắt buồn và đẹp.
Tôi thương cha mẹ tôi, phải rời bỏ quê hương lúc tuổi đã già, ở từ nhà con này, đến nhà con khác. Tuy các con có yêu thương mình đấy, nhưng lúc nào mình cũng là khách cả. Cha mẹ tôi, từ khi sang Mỹ, cho đến khi qua đời cũng trên đất Mỹ, có bao giờ ở riêng, làm chủ một gia đình như lúc ở Việt Nam đâu. Tôi xoay mình nằm nghiêng, để cho nước mắt mình rơi xuống. Tôi không thấy buồn nhiều, chỉ thấy lòng nao nao nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê hương đích thực của mình, với những tập quán, phong tục tốt đẹp truyền từ ông bà, cha mẹ, xuống cho con, cháu.
Tôi nhớ có một lần, trong dịp ở với tôi, mẹ tôi nói: “Tuần trước giỗ ông ngoại” . Tôi tròn mắt hỏi:
Cả tuần rồi, sao mẹ không nhắc con?
Mẹ, tôi trả lời, giọng mang một vẻ vừa chịu đựng, vừa tủi thân.
Giỗ bố tôi, nhưng có phải nhà tôi đâu.
Tôi như muốn khóc, kêu lên:
Trời ơi, mẹ phải nói con mới biết chứ. Con bận với mấy đứa nhỏ cả ngày, làm sao con nhớ giỗ ông ngoại được.
Từ đó, tôi phải ghi vào lịch, và sắp đến ngày giỗ tôi lo nhắc khéo mẹ là, con đã xin lễ ở nhà thờ cho ông rồi. Sau đó để tùy mẹ tôi quyết định có làm giỗ hay không và làm giỗ ở nhà con nào.
Khi mẹ tôi về ở với con gái này, hay con gái kia, phụ con khi có mang, hay phụ trông cháu nhỏ, chắc mẹ tôi cũng có nhiều ý kiến “thai giáo” lắm. Tôi không nhớ mình đã nghe mẹ được bao nhiêu, và đã “chê” mẹ lạc hậu, đi lùi về thủa xa xưa bao nhiêu? Bây giờ nằm trong nhà con gái mình, cô con gái duy nhất, đang có mang con so (chỉ đến chơi thôi) đã thấy thấm thía, thương mẹ xót xa.
Tôi biết, một ngày nào đó, tôi già như mẹ già xưa, tôi ở với con, tôi cũng sẽ nhớ ngày giỗ của cha mẹ mình trong lòng, không nói ra. Tôi chắc sẽ coi sự việc nhẹ nhàng hơn một chút, vì biết mình đang đi vào đôi giầy ngày xưa của mẹ.
Chao ôi! “Miếng thịt cắt không vuông không gắp/Chiếc chiếu trải không ngay không ngồi.”
Mẹ ơi, bây giờ người ta hay ăn thịt xay và không còn ngồi chiếu nữa. Nên câu nói này con chỉ đọc trong tâm, mỗi khi nhớ mẹ, cho một mình con biết mà thôi.
Tháng 12/2/2010