TRẦN MỘNG TÚ


Chờ Bão Tới

Ngoài đường hàng phong vòng những cánh tay vàng úa, cố ôm chặt lấy thân thể mình, đứng thật sát vào nhau. Những cây thông xanh cũng nghiêng ngả những chiếc đầu cao ngất ngưởng, mở to những đuôi mắt lá nghe ngóng gió như những tiếng thì thầm vọng tới từ xa.
Trong nhà, những cây nến nằm cạnh hộp diêm, đăm đăm nhìn về phía cửa sổ chờ tiếng động.
Người đàn bà đi tới đi lui từ phòng khách vào bếp, rồi lên lầu, xuống lầu. Bà cầm lên, bỏ xuống mấy cây nến, mấy bao diêm, bao nhiêu lần vẫn không yên tâm là liệu mình sẽ nhớ chúng ở đâu khi cần. Bà mở tủ lạnh nhìn xem thức ăn trong đó có những món nào để lâu được nếu bị cúp điện, suy nghĩ một lúc bà mang hộp trứng ra luộc. Cái món này để được cả tuần, không sợ hư và đủ chất bổ dưỡng. Có thêm mì ly, mì gói nữa là an tâm.
Đã xong đâu, bà còn gọi sang nhà các con nữa, mặc dù bà biết là tụi trẻ có con nít chúng phải lo, nhưng nhắc nhở hình như lúc nào cũng là việc của bà.
Tất cả đang chờ một cơn bão tới. Cơn bão mấy ngày hôm nay được thông báo là sẽ tới, với dự đoán gió chạy 72 dặm /1 giờ
    Nó được thông báo với những lời nghiêm trọng vừa đe dọa vừa hướng dẫn, thế là mọi người sửa soạn một cuộc tiếp rước long trọng cẩn thận. Nhà nhà lo thức ăn, đèn dầu, đèn pin, đèn cày (nến), máy phát điện, củi cho lò sưởi, áo ấm, giầy ủng, áo mưa và thêm cả thức ăn cho súc vật……không thiếu một thứ gì.
 
Từ người lớn tuổi nhất cho đến đứa bé bỗng dưng quên mất mình hiện hữu, chỉ bỏ hết tâm trí nhìn qua cửa kính ra ngoài đường quan sát sự chuyển động của cây cỏ, nghe từng tiếng động khẽ trên mái nhà và tập chung vào chờ đợi.
Cả thành phố như ngưng lại. Đời sống như ngưng lại, lòng người bỗng dưng trống rỗng, mọi vấn đề riêng tư như không còn hiện hữu. Cơn bão thiên nhiên chưa tới đã dập tắt được tất cả những cơn bão trong lòng người của thành phố này.
Trong mươi tiếng chờ bão, người ta bỗng dưng quên hết những tính toán đời thường. Mọi mơ mộng, yêu đương bỗng dừng lại để nghe ngóng cơn gió thổi, mọi tính toán thiệt hơn bỗng được đóng lại, một cây đèn với bình dàu kerosene bây giờ quan trọng hơn con số trên thị trường trứng khoán niêm yết. Mọi hờn giận cá nhân xếp lại vì phải tịnh tâm đối phó với một đối thủ vô hình mà không lường trước được hậu quả.
 Những người già cả trong viện dưỡng lão có bận tâm với bão không nhỉ? Chắc là có, họ cũng ngồi im trên ghế nghe ngóng tiếng chân lăng xăng của nhân viên phục vụ, những tiếng bàn tán về cơn bão đang sửa soạn vào thành phố với tất cả tò mò, họ cũng ngó mông lung vào một cánh cửa hay hành lang nào đó bâng khuâng hỏi thầm: liệu khi bão tới, con cháu mình có bình an, chúng có nghĩ đến mình trong này không?
Trong các bệnh viện, mặc dù có máy phát điện sẵn sàng khi cần, nhân viên y tế cũng vẫn lo lắng khi bão tới. Không ai muốn tiến hành một ca mổ trong bệnh viện song song với cơn bão ngoài trời. Cũng ở trong bệnh viện, không ai muốn thân nhân của họ ra đi trong một ngày có bão, vì như thế họ phải nhận một lúc hai cơn bão: trong lòng và ngoài trời.
Gió ngoài đường thổi mạnh, mưa rơi, lá mùa thu trải thảm mặt đường, xe cộ vắng ngắt. Người ta lo chạy thật nhanh về nhà trước khi bão tới. Những người vô gia cư phải tìm ngay một bức tường dầy, một mái hiên rộng để tránh bão thổi tốc đi.
Cứ thế người ta mở truyền hình, truyền thanh, điện thoại theo dõi gió đi từng bước.
Từng bước, từng bước chân gió, ướt sũng, lạnh….. nhưng chưa phải bão. Bão hẹn 5 giờ, rồi 6 giờ. Cuối cùng bão thất hẹn, bão không tới.
 
Hôm sau trời quang, mưa tạnh, rồi nắng ửng trên các ngọn cây. Bão thật sự đã thất hẹn với thành phố này. Mọi người lại trở về ngay với cuộc sống bình thường. Lại yêu, ghét, cạnh tranh, tính toán những dự án to nhỏ, lao đầu vào bánh xe đời. Những người vô gia cư chui ra khỏi mái hiên, cầm một chiếc bìa viết nguệch ngoạc vài chữ, đứng ở ngã tư, họ đang cần tiền để mua một bao thuốc lá hay bất cứ cái gì đó giúp cho họ vui, mừng bão không tới.
 
Người ta không còn lo bão tới bên ngoài trời, họ vội vàng quay lại với chính những cơn bão đời mình. Họ bắt đầu phải đối phó với chính mình còn khó hơn bão tố của Trời mang tới.
 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Mộng Tú