TRẦN MỘNG TÚ


Rừng U Minh

(Gửi thi sĩ Nguyễn Tiến Cung và ca sĩ Khánh Ly)
 

Cơn mưa tháng Tư mang theo những cánh hoa  đào bay lả tả, lòng tôi cũng bay lả tả, đây là thời điểm lòng tôi chùng xuống như cái lưới nhện mong manh, bị ai đó ném vào một vật gì, cái mạng không đứt hẳn, nó chũng xuống, rồi lại bật lên. Tôi lao đao cả phận đời mình theo nó.

Khi tháng Tư về tôi nhận được từ các bạn rất nhiều những hình ảnh, thơ văn, nhạc, về cuộc chiến, về quê hương nước Việt. Mỗi bài gửi vào lòng người di tản một nỗi đau khác nhau, với tôi, những câu hát Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ U Minh của Nguyễn Tiến Cung (*) nó ở lại trong tôi lâu nhất, tôi nhớ và hay hát một mình trong những ngày “một mình đi dưới mưa.”(Tôi không biết có bao nhiêu người bạn của tôi biết về bài thơ này) 
 

Ta không thấy em từ bấy lâu nay
Mùa mưa làm rừng đước dâng đầy
Trên cao gió hát mây như tóc
Tràm đứng như em một dáng gầy

 

 

 HÌNH- Rừng U Minh

 

 

Hình- Những Cây Tràm

 

Bài thơ này được phổ nhạc và với giọng hát của Khánh Ly đã làm tôi mỗi lần nghe là một lần ứa nước mắt. Khánh Ly có giọng hát của một người kể chuyện, khi Khánh Ly hát một bản nhạc tình thì nghe như cô kể chuyện tình yêu của cô hay của bạn hữu. Khi cô hát một bài có tiếng đại bác, có hỏa châu thì đúng là cô kể chuyện chiến tranh. Nhưng riêng bài Rừng U Minh này, không hề có tiếng súng, tiếng đạn (có chăng chỉ là tiếng đạn nổ lùng bùng trong cái nòng ướt,) không một ai chết cả, cũng không có cả hỏa châu, khăn tang, máu và nước mắt nhưng bài hát được cất lên, ta được nghe cả tác giả và ca sĩ cùng kể  chuyện chiến tranh. Cả hai kể chậm rãi, bình thản nhưng người nghe thấy xót xa, cảm nhận được cái buồn, cái bất lực của một cuộc chiến và thương cho những con người đang mắc trong cái chuyện kể rất buồn này.

 

Người lính kể chuyện chiến tranh chỉ quẩn quanh về tiếng đạn nổ lùng bùng trong nòng súng ướt, anh than cái quần trây-di( treillis) của anh bị nhuộm vàng vì nước phèn, anh kể lể về những con rạch, những giòng sông anh đi qua, để lại xót xa, nhưng anh không nói rõ cái xót xa từ đâu đưa tới.

Anh nói về mùa mưa làm nước dâng lên ướt ngập cánh rừng tràm anh đi qua.

Anh nói về những cơn gió và đám mây như tóc của một người con gái, những cây tràm gầy gầy như em, chữ em anh thốt lên cho ta biết anh có một người yêu và anh đã không được gặp người yêu trước khi anh đi, rồi anh tự an ủi mình, đừng nhớ nữa về một tình yêu đã xa.

 

Ta không thấy em một lần đi
Nước phèn vàng nhuộm quần trây-di
Đạn nổ lùng bùng trong nòng ướt
Tình đã xa rồi thôi nhớ chi

 

Anh viết những dòng về chuyện chiến tranh nhưng không có hình ảnh chiến tranh, không nghe tiếng khóc, cái vết thương chiến tranh của anh nó lạnh lùng, tàn nhẫn một cách kín đáo. Nó xóa mất những thành phố ồn ào, nó lấy hết sinh lực tuổi trẻ.

Cuộc chiến già nua hay chính anh già nua theo cuộc chiến.

 

Mỗi con lạch là mỗi xót xa
Mỗi giòng sông là mỗi tuổi già
Thành phố đâu đây hình mất dạng
Cuộc chiến già nua theo tiếng ca…

 

Và Khánh Ly đã rời rã, tiếng một, kể chuyện chiến tranh anh ghi chép đó. Chuyện chiến tranh không hề có bom rơi , lửa cháy, mà nó chỉ lạnh lùng xóa đi những thành phố.

 

Bây giờ anh ở đâu sau 43 năm? Cuộc chiến không còn già nua nữa, nó đã chết hẳn, nó đã chôn theo bao nhiêu khẩu súng, bao nhiêu bộ quần áo treillis nhuộm phèn mục nát. Người con gái gầy gầy như cây tràm, người lính trẻ buồn bã đó, cả hai còn sống hay đã chết. Tôi mong là anh đã chết, như thế thì đỡ đau đớn cho anh hơn vì nếu sống sót cái “ rừng U Minh ngập nước những ngày mưa đó không bao giờ ra khỏi anh được. Cái thành phố mà anh nghĩ là mất hình mất dạng đó thì nó vẫn còn, nhưng đã thay xương đổi thịt, anh sẽ chẳng thể nào nhận diện ra và người con gái ngày đó của anh bây giờ cũng bằng cách này hay cách khác không còn hiện hữu nữa. Chiến tranh đã đốn ngã cả những gốc tràm gầy và đẹp nhất.

 

Nếu bằng một phép lạ nào đó anh hãy còn sống, xin anh hãy quên đi, quên tất cả đi.

 

tmt                                                        

Tháng 4/2018

(*) Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung trong Thơ Miền Nam Thời Chiến

 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Mộng Tú