TRẦN QUANG NGÂN


Căn Nhà Bên Sông

 
Căn nhà chị nằm trên sườn đồi , nhìn ra phía dòng sông, vào mùa mưa nươc cuồn cuộn tuôn chảy, từ hai thượng nguồn ở hai đầu dãy núi nam băc, dội vào cồn  đá tạo thành dòng xoáy, nửa như chảy lại nguồn, nửa xuôi về biển cả, anh cười nói với tôi :
Kìa chú thấy không ? Hai dòng nước giao nhau như hai con rồng  tranh hòn ngọc ( lưỡng long tranh châu) chị Nguyện chọn nơi này định cư thật tuyệt.
Buổi chiều sau cơn mưa hoàng hôn trong vắt . ánh nắng chiếu xuống dòng nước , dội vào bìa rừng trải ra một màu hồng thẫm, tôi ngồi bên anh trên bộ ván gỗ kê ở đầu hiên nhìn ra phái trước, gần như thói quen đàn chim sẻ từ đâu bay về  nhặt những hạt thóc trên sân do chị tung rải cho chúng mỗi ngày.
Ăn đi chú, món nấm rơm này do anh chị tự ủ rơm làm đấy, rau giá, bắp cải, su hào, cà tím, cà chua, đậu nành, khổ qua đầy vườn ăn sao hết, chị còn đem đi chợ bán, đổi các thứ khác về dùng, rau dưa đạm bạc mà vui, khổ nhọc, rồi cũng đi qua, hơn mười năm chay tịnh tôi mới ngộ ra một điều là hạnh phúc chỉ có ở sự bằng lòng với hiện tại và nên cho qua hết những quá khứ không vui, dĩ nhiên những kỹ niệm đẹp chúng ta phải giữ mãi để làm vui cuộc sống. Từ ngày ăn chay tôi bỏ được rượu, biết chú cũng không hảo thứ ấy nên chị cũng không lo, uống tạm nước cốt dâu tằm của chị hái ở ngoài vườn về dầm đấy. Anh mở nắp keo bằng thủy tinh, nghiêng múc đổ vào ba chiếc cốc, cho anh, cho tôi và một chiếc dành cho chị Nguyện còn loay hoay dưới bếp làm thêm vài món lên sau.
Chú ăn chay được chứ! Chị bảo, từ lúc đem cháu Mỵ về anh Thân nghỉ nghề đánh bắt chim thú, và cả nhà ăn chay luôn.
Cháu Mỵ! Cháu Mỵ nào? Tôi tự ngẫm nghĩ, hơn mười năm trước tôi cùng anh Chiêu đến đây chơi ở lại hai hôm, không nghe anh chị nói gì đến cháu Mỵ bước vào trong nhà chỉ thấy một cháu trai nằm ngồi vặt vẹo, tay chân loèo khoèo, mắt nhìn thao láo trợn ngược, đấu lắc lắc ngoẻo ra phía sau, ấm a ấm ớ, anh thì nát rượu, trong vườn, trong nhà, đầy lồng chim bẫy thú. Qua sự giới thiệu của anh Chiêu về anh chị tôi đến ngỏ ý muốn mua vài cặp chim để nuôi, anh chỉ các lồng chim treo lủng lẳng trong vườn, nào cu cườm, sáo sậu, chích chòe trắng, chích chòe lửa, hoàng yến , hoàng anh, đổ quyên, khướu, vẹt, ríu ra, ríu rít.
          -  Đó! Chú muốn loại nào cũng có, anh xin biếu chú, nói thật, nghề đánh bắt chim thú với anh dễ như bắt gà trong chuồng, chú đừng ngại, kể các loại rắn như hổ mang, hổ chúa, cạp nong, rắn lục… cũng vậy, Anh kể một loạt các thủ thuật đánh bắt chim thú, mỗi loại đều có một đặc tính riêng, chỉ cần biết được đặc tính ấy là bắt được như chơi, chú biết đó! Con người là sinh vật thông minh nhất hành tinh, nên con vật không thể nào có khả năng tự vệ trước đối thủ của nó, vì nó không có trí tuệ, chỉ đối phó theo hành động bản năng mà thôi, vì quá thông minh nên con người không bao giờ hài lòng với cái mình đang có, đẻ ra những học thuyết này, lý tưởng nọ, phủ dụm bắt buộc người khác phải phục tùng, nô lệ, thậm chí đem cả mạng sống đổi lấy những ngoa từ hư danh đó mà không biết, thật với chú loài rắn hổ mang, hổ chúa là loại dễ sợ và nguy hiểm nhất trong các loài nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ thì toi mạng khi bắt chúng mình chỉ cần đuổi theo sau, chọc cho ngẩng đầu lên, đó là lúc nó phun độc ra, tránh đi, một tay nắm đuôi, tay kia dùng cái móc dài ngoéo cổ, không cho quay đầu lại, thế là chận đầu bắt thôi, nhanh như thỏ, lẹ như sóc mà mĩnh vẫn đánh bắt dễ dàng, chim sẻ một mẻ lưới là tôi bắt cả đàn, trải tấm bạt ra, rải ít thóc, trấu lên đó, cột theo vài con chim mồi, đặt hai tấm lưới hai bên, con chim dưới nhảy nhảy, cả đàn sà xuống, vừa đến nơi, kéo ập lưới lại, bắt hết. Có những loại chim đánh lồng, như cu cườm, đỗ quyên, thú rừng, chồn thì đánh bẫy, heo rừng thì đào hầm, trong nhà tôi, có đủ các loại rượu, đầu rắn hổ 360 cái, một mật gấu rừng, bìm bịp, bào tử khỉ mặt người,… mỗi thứ ngâm với mấy vị thuốc bắc riêng trên kệ đó, chú với anh Chiêu dùng loại nào cũng được.
          -  Cho em mật gấu, một ly nhỏ thôi, tôi nói, uống thứ này bớt đau lưng.
          -  Anh Chiêu dùng mỗi thứ một ly nhé!
          -  Vâng.
          -  Chú và anh Chiêu biết không? Anh nói tiếp, loài chim thú nó vẫn biết đó là cái bẫy chứ! Nhìn con trong lồng nó cứ bay lượn nhảy nhót chung quanh kêu chíp chíp, vì muốn cứu thoát bạn nên phải liều thân để sa bẫy, Đỗ quyên là loại chim rất có tình có nghĩa và chung thủy với bạn đời, khi lạc nhau là kêu đến chảy máu mồm chết, tôi nghĩ loài vật chúng cũng có tình yêu và cảm xúc riêng, như loài khỉ chẳng hạn, anh và chú có nghe chuyện kể vào thời kháng chiến một ở buôn Kala huyện Di Linh chưa? có con cọp cái ba móng, rất dữ và tinh ranh như quỷ, người ta nói trong mình nó chứa nhiều hồn ma nên nó mới tinh quái như vậy, hôm có tiểu đội lính Pháp vây bắn, nó lao thẳng vào một anh lính chộp lưng áo lôi chạy chứ không vật chết, anh lính giẫy giụa kêu cứu, thế là bọn lính không dám bắn theo, đến bìa rừng thì quăng anh linh ra rồi chạy thoát, thế nhưng có lần nó ra bờ suối  Darian, buổi chiều chị dân tộc cõng con ra tắm, thấy nó chạy hớt hải rớt con trở lại, hổ mẹ mải đi vòng quanh đứa nhỏ rồi bỏ đi, có lẽ nó cũng thấm tình mẫu tử nên không nở ăn thịt đứa bé. Biết được yếu tố đó, Linh mục Cassey bèn bắt con cọp con, nhốt vào lồng sắt đặt bẫy chung quanh, nó cứ đi thơ thẩn bên ngoài nhìn vào cọp con, đến khi trời sập tối, nó đánh liều nhảy bổ vào cứu, nên bị sập bẫy. Nhiều lần tôi bắt thỏ rừng về nuôi thử, nhốt vào chuồng nó tuyệt đối không ăn, đến khi chết, kinh hãi nhất là lần tôi bắt con gà trống rừng cột một chân trong sợi dây dài trên cây đà ngang, vừa tầm nhảy lên nhảy xuống, mục đích là nhử gà ngoài vào đá để bắt, khi nghe con gà trống kia gáy, chạy tới, ngẩng cổ xù lông khiêu khích, nó có vẻ giận dữ, tức tối, nhảy xuống, bay lên, rồi cuối cùng xoay đầu quấn dây vào cổ lao xuống, máu me tràn ra họng chết ngay, sau này tôi mới nghiệm ra một điều là mọi sinh vật trên đời hầu hết đều thích sống tự do. Nói vậy thì chủ quan và tuyệt đối quá phải không? Kia kìa cặp hoàng yến và sáo sậu kia, tôi nuôi thời gian, thả ra nó bay quanh quẩn, rồi cũng chui lại vào lồng, vì sao chú biết không? Vì tôi nuôi nó bằng nước đường và thức ăn công nghiệp.
          Sau thời gian dài trở lại, tôi thấy gia đình anh chị đời sống có nhiều thay đổi, thấy tôi có vẻ phân vân suy nghĩ về cháu Mỵ, anh chị hiểu ý nên bày tỏ.
          -  Chẳng giấu gì chú, cháu Mỵ là con gái đầu lòng của anh chị, lúc mới sinh cháu đã bị nhiễm chất độc màu da cam, hai chân bị teo tóp bại liệt chỉ nằm ngồi chứ không đi được, nhưng trí não thì vẫn phát triển bình thường, Lên năm sáu tuổi, sinh thêm một cháu trai chẳng may cũng bị nhiễm chất độc vặt vẹo như chú thấy rồi đó, hoàn cảnh thật khốn khó, anh thì tật nguyền, ngày đêm lam lũ cuốc xới nương rẫy, lặn lội dưới sông, dưới suối, vết thương cũ bị nhiễm trùng tái phát. Giai đoạn khổ quá, gia bần sinh trí đoản, con mình khúc ruột rúc ra, nó tội tình gì, tội ác là do chiến tranh gây ra, Hai vợ chồng suy nghĩ mãi, đầu óc quay cuồng, trí loạn, cuối cùng bàn nhau quyết định, và tự an ủi, biết đâu đến đó, ngày mai con mình sẽ được sung sướng hơn.
          Vào một đêm, đêm tối mênh mông và ảm đạm, đợi khi cháu ngủ mê, anh chị rón rén bồng cháu ra đường đón xe về thành phố, mang theo, mấy lọ thịt rừng chà bông, vài hộp sữa. Đến cô nhi viện nuôi dạy trẻ em khuyết tật, đợi mọi người ngủ hết, điện trong phòng tắt, lặng lẽ đặt cháu trước cửa kèm theo tờ giấy (đây là cháu Mỵ giọt máu thương yêu của chúng tôi chẳng may vì hoàn cảnh nghiệt ngã, chúng tôi không có khả năng chăm sóc, xin quý ân nhân rộng long từ tâm thương xót…xin đa tạ) gạt nước mắt ra về mà lòng cứ mãi bứt rứt xót xa, thương con, nhớ con quá, mỗi lần nhắc tới là vợ chồng ôm nhau khóc, tuần nào săn bắt được con thỏ, con chồn, con trăn, con dùi gì thì chị làm ruốc, đóng lọ để anh mang vào thành phố. Giấu mặt, giấu tên nhờ bác Cyclo mang vào, đợi mãi tới khuya nhìn cháu qua cửa sổ mới lên xe về, khi bán được con chim, con thú có tiền thì cũng vậy, dặn bác Cyclo đừng nói ai gửi, thời gian một năm, mười năm, mười lăm năm trôi qua anh theo dõi thấy trí não cháu phát triển rất tốt cháu được cô nhi viện cho học chữ, học vi tính cả đàn piano, organ theo năng khiếu, Lúc  thằng cu Tân em nó mất, gia đình trở nên hiu quạnh anh chị mới xin đưa cháu về.
*
Buỗi chiều miền núi hoàng hôn tắt vội, chuyện đời của anh Thân chị Nguyện như vở bi hùng kịch diễn ra trước mắt tôi, ngọt ngào đau thương tủi hờn và hạnh phúc, chị sinh ra lớn lên ở ven làng bên kia sông, có rặng dừa cao và lũy tre xanh bao bọc, người cha đi tập kết. Từ thuở còn cột tóc đuôi gà, tuổi mười ba, mười bốn chị đã tập bơi thuyền qua sông, theo mẹ làm giao liên, thoát ly theo quân cách mạng. Có một chiều xin phép đơn vị về thăm mẹ thuyền rời bến mới ra giữa dòng, cơn mưa going ào ào ập tới, cơn mưa dứt, tiếng động cơ máy bay ù ù vang vọng, chị ngoảnh cổ nhìn trên bầu trời, bên mé rừng, chiếc phi cơ L.19 lượn vòng như con diều hâu đảo quắt tìm mồi, chị tấp thuyền vào bờ, tìm nơi ẩn mình quan sát, chiếc phi cơ đang lượn lờ trên cao Thân xuống thấp, một loạt đạn AK từ dưới đất bắn lên, nổ giòn, tóe lửa, chị đoán chắc đó là loạt đạn của anh Thân. Vì nơi ấy anh Thân mới đưa chị ra bờ sông. Trật rồi, chiếc phi cơ hốt hoảng lao vút lên không trung, nhả ra làn khói đen mịt mù xuống mặt đất, thoáng chốc hai chiếc phản lực hung hăng rú gầm, gào thét, nhào lộn thoăn thoắt, lên cao, xuống thấp, thay nhau bắn phá nhả ra hàng loạt bom napan, thuốc khai hoang. Tiếc quá, sao anh không bắn hạ chiếc L 19 mỏng manh chậm chạp kia cho xong chuyện. Lúc lâu sau hai chiếc phản lực bay đi để lại bầu trời xám xịt và khu rừng vắng ngắt. Chị thấp thỏm lo âu, không biết anh Thân cùng các anh chị bên ấy có sao không? Có xuống hầm trú ẩn kịp không? Chị tức tốc chèo thuyền trở lại. Sau cơn mưa, nước thượng nguồn đổ về đục ngầu đỏ thẩm, cuồn cuộn nổi sóng, như giận dữ kẻ hung tàn, bắn phá khu rừng tan tác, trên chiếc thuyền lá nhỏ băng dòng nước chảy xiết thật gian nan, chao đảo, nhưng rồi chị cũng qua được, có điều chệch xuống một đoạn khá xa. Cập bờ chị buộc thuyền vào gốc cây đứt ngọn, khu rừng lạnh lẽo, hiu quạnh, không một tiếng chim kêu, chỉ có vài chú chúc rừng rúc rích tìm mồi, xạc xào những chiếc lá rụng, chị hớt hãi chạy băng qua những tán cây gãy đỗ ngổn ngang, cất tiếng gọi to.
          -  Anh Thân ơi! Các anh chị ơi! Có ai đó không? Anh Thân ơi !!!!!
          Chị gọi đến khàn giọng, tiếng chị vang vang âm thanh dội vào vách đá vọng lại, tiến thêm vài bước đứng nín thở lắng long ngơ ngác nhìn quanh, đâu đây có tiếng rên khe khẽ, chị dáo dác kiếm tìm theo dấu lá, kia rồi anh Thân nắm quằn quại dưới lùm cây ngũ sắc, bán chân bị đứt nghiến máu phun lênh láng, bàn tay trái vẫy vẫy yếu ớt, chị vội vàng tìm hái nắm lá cầm máu vò bịt vào vết thương không được, lá trôi máu vẫn chảy, không có cái gì băng lại, chị cởi vội chiếc áo trên mình quấn cột, rồi quàng vai đỡ anh sang thảm cỏ bên cạnh, một tay anh bá vai cổ, mắt vẫn nhắm nghiền tay kia quờ quạng vào ngực chị, chiếc ngực trần để lộ hai vú mới nhú núm cau.
          -  Mẹ ơi! Mẹ ơi!
          Chiếc núi rừng âm u sương giăng mù mịt, chị xấu hổ buông anh ra chạy thẳng một mạch về nhà. Thấy con gái trần trụi, mình mẫy bê bết bùn đất máu me, bà vội vã nấu nước tắm gội và hỏi Nguyện do, chị kể hết những chuyện vừa xảy ra, mẹ chị đăm chiêu một lúc rồi thở dài.
          -  Tội nghiệp! Không phải anh ấy dê đâu con! cái cảm xúc của bản năng tự vệ, trong lúc tột cùng tuyệt vọng người ta thường gọi tên người yêu dấu nhất của đời mình, lúc chạm vào người con anh ấy cứ tưởng là mẹ, và gọi mẹ ơi! Thế thôi.
          Bây giờ chị mới hiểu ra điều ấy, chị nhớ năm rồi cơn số rét ác tính hoành hành, đầu óc quay cuồng, thân thể lúc nóng ran, lúc rét run cầm cập, anh cõng chị, đến bệnh viện dã chiến trên lán điểm, bệnh viện chỉ là nhà tranh, vách nứa che tạm, khi cơn sốt lên đến nguy kịch, người y sỹ lớn tiếng kêu gọi: Có đồng chí nào hiến máu để cứu đồng chí nữ này không? Thì hàng chục cánh tay vén áo đưa ra, anh Thân là người đầu tiên đưa tay ra bảo: “Máu tôi, đồng chí lấy bao nhiêu cũng được, miễn là cứu sống em Nguyện cho đến khi hết bệnh thì thôi” và đêm ấy anh Thân luôn ở bên cạnh chị, khi cơn sốt lắng dịu chị nghe văng vẳng quanh đây những tiếng kêu than đơn độc, những tiếng gọi mẹ ơi! Tổ quốc ơi! rồi tắt nghẹn, liếc nhìn sang giường bên cạnh, dưới ngọn đèn dầu mơ màng người thanh niên nằm trần trụi, cái gì đen trủi như đầu con rắn ngóc lên trên mình anh ấy chị hốt hoảng hét to.
          -  Ố! con rắn! con rắn!..
           Mọi người chạy tới
          -  Ở đâu? ở đâu?..
          -  Trên mình đồng chí kia kìa..
          -  Anh Thân vội bước qua che.
          -  Để anh đuổi con rắn đó đi thôi. - Người y sĩ tiến lại gần kéo tấm chăn đắp. Họ đứng lặng thinh nhìn nhau lắc đầu, cứ như vậy ngày nào chị cũng thấy có người trai trẻ đến đây rét run, rồi ra đi không trở lại. Chiến tranh, đời người đi qua như lằn chớp, mới cách đây vài hôm, trong đợt đi công tác với anh Thân lội qua con suối nước cạn, lúc mới lội nước chỉ ở tầm đầu gối, anh Thân đưa cho chị chiếc gậy dò đường và bảo:
          -  Em lội qua trước đi, chị nhõng nhẽo.
          -  Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, anh đi trước đi
          -  Em dò đường qua trước, nếu bị trượt chân còn có anh theo sau đỡ chứ, đưa cái bồng đây anh cầm cho, quả nhiên mới lội qua giữa suối, nước đâu từ thượng nguồn ào ào tuôn đỗ xuống, chị bị hỏng chân cuốn trôi, anh vứt cái bồng vào bờ, vội lao tới kéo chị lên.
          -  Quần áo ướt hết rồi, vào trong kia thay đi, không bệnh cho bây giờ, anh đưa cái bồng cho chị, bảo:
          -  Không, anh căng tấm tăng, ngoảnh mặt ra sau, nhắm mắt lại, em đừng bên trên bệ đá này thay. Vào trong kia bẩn lắm, thay xong chị đứng dụi mắt khóc như trẻ con.
          -  Cái gì đó nửa?
          -  Ứ. Anh thấy hết của em rồi!..
          -  Thấy gì chứ! Này còn nhỏ đừng nói bậy, vào kia lấy cơm ra ăn rồi đi tiếp, kẻo tối không gặp được đơn vị công tác.
          Tổ công tác của chị có ba người, chị, anh Thân và anh Phương tổ trưởng, anh Phương phải đi trước liên hệ để tối có kế hoạch đột kích vào làng, Các anh chị luôn quí mến và coi chị như một đứa em gái nhỏ tập đi làm cách mạng. Chị đã hai lần hiểu lầm anh Thân rồi, tội nghiệp cho anh quá! Sáng mai chị phải thức dậy sớm, bơi thuyền qua đó, xem anh Thân có sao không? có mẹ đi cùng chị, mẹ hứa, suốt đêm chị không chợp mắt được, chờ trời sáng, vầng trăng hạ huyền ảo mờ xuyên qua cửa sổ, lại thêm tiếng con cú kêu ở đầu ngọn cây thật buồn bã, ngọn đèn dầu vặn lu xuống, rồi vặn sáng lên. Khi tiếng gà rừng gáy, chị mở cửa ra ngoài, nhìn lên trời, ô kìa! Vì sao mai lấp lánh, vì sao siêng năng, lặng lẽ và cô độc. Bình minh ló dạng phía trời xa. Cơm nước mẹ đã dọn sẵn, và gói phần mang theo cho anh Thân, hóa ra đêm qua mẹ không ngủ được, trông mẹ phờ phạc hẳn ra:
          -  Chén bát bỏ ra thau chậu để mẹ về rửa, đi ngay thôi con.
Đời mẹ hy sinh đến thế ư! Chồng đi theo cách mạng lúc tuổi đời còn trẻ, suốt một đời, vẫn lặng lẽ, siêng năng và cô độc. Giờ là mẹ chèo thuyền chứ không phải là chị, chiếc thuyền nhỏ theo đời mẹ bao năm dài trên bến sông, giờ đã cũ, nhưng trông tay chèo mẹ rất vững vàng, bao nhiêu chiến binh cách mạng mẹ đưa đón qua đây, giờ có còn mấy ai đâu, nên mỗi lần qua sông này là thấy mẹ u buồn, khác khoải, không lẽ lại đến lượt anh Thân sao? người con trai cao ráo, nhanh nhẹn, hiền lành như chàng thư sinh ấy, Mẹ chèo qua dòng nước xoáy mà thuyền mẹ lướt đi như trên khúc sông phẳng lặng.
          -  Phải lượn theo con nước thế này con ạ! Đề phòng cơn lũ về bất ngờ, nếu cứ bơi ngang không khéo có ngày ghe bị lật úp, mẹ dạy chị kinh nghiệm để chèo thuyền qua sông. Thuyền cập bờ neo đậu, bình minh sáng rực rộn tiếng chim ca, những con chim hồn nhiên vô tư, sáng nào cũng ríu rít rộn ràng, chị dẫn mẹ tới chỉ chỗ anh Thân nằm hôm qua, chị thảng hốt.
          -  Đâu rồi! Anh ấy đâu rồi! Đúng chỗ này mà, cái vũng máu còn đây, con chắc chắn cái chân anh ấy không thể nào đi được xa, hay là các anh chị đã đưa anh đi rồi, hay là… hay là… mẹ xem thử có dấu anh ấy khát nước lê ra bờ sông không? Không, không có dấu vết mà.
          -  Không! Không biết,.. có lẻ đồng đội đã đưa anh ấy đi rồi- nhìn chị mếu máo khóc, mẹ an ủi
          -  Có tiếng chim lệnh, chắc có cọp đâu đó, mẹ, mình đi thôi.
          -  Không sao đâu con, đâu phải lúc nào có chim lệnh là có cọp xuất hiện đâu! ”Thật tội nghiệp những cuộc đời trai trẻ,!” mẹ thở dài.

          Trong những tháng năm dài chiến đấu, người chiến binh chỉ biết đối đầu với hận thù, cái sống, cái chết, tử tưởng, lý tưởng, nghị quyết, và kỷ cương, nên tình cảm cá nhân đi vào cảm xúc đôi lúc chợt nhớ, thoáng qua, ảo mờ rồi phải nhạt.
          Khi chiến tranh kết thúc, chị trở lại chốn xưa, đừng nhìn dòng sông cũ, con thuyền nhỏ, neo đậu vào gốc cây vẫn lắc lư, dần rã mục, mẹ chị cũng đã ra đi trong đêm xảy ra chiến cuộc ở làng, dư âm ngày cũ bỗng ùa vào, tâm hồn chị lắng đọng, mênh mang nỗi nhớ xót xa, kia chỗ con thuyền neo đâu, này chỗ anh Thân nằm, rồi chị quyết định dựng một căn nhà nhỏ ở đây làm điểm tựa cho đời mình, sáng thức dậy nhìn sương mù giăng tỏa, bình minh lên có nắng vàng óng ánh, chiều xuống hoàng hôn rọi vào vách núi ửng màu hồng ngọc, đêm trăng rừng lung linh huyền ảo. Cảnh tượng làm chị trổi dậy nỗi nhung nhớ xa xôi khi tuổi đời nghiêng bóng, nhiều khi chị thấy trống vắng đơn côi. Thế rồi, có một buổi trưa hè yên ả, nhạc ve sầu râm ran trổi dậy. Chị đứng tựa lưng vào gốc cây sồi nhìn xuống chân đồi, thấy có một người dựng chiếc xe đạp, đừng nhìn quanh quất, rồi khập khểnh bước lên, tiến về phía chị, ngập ngừng hỏi.
          -  Đây…có phải nhà Nguyện không?...
          Chị nhận ra đó là anh Thân, chị không quên, không nhầm, không nằm mơ đấy chứ! Anh Thân đừng trước mắt chị nghẹn ngào bằng xương bằng thịt, lù lù như một pho tượng từ trên trời sa xuống, chị lao tới ôm anh gục đầu vào vai anh nức nở, anh ôm chị xoa lưng vỗ về.
          Tình yêu dâng tràn, anh về sống với chị.
          Chú biết không! ngày đón cháu Mỵ về nhà anh chị làm bữa cơm mời bạn bè, bà con lối xóm, ngồi trên chiếc xe lăn, thấy mẹ nó cắt cổ gà, tôi lột da thỏ nó hoảng hốt khóc thét lên: -  Ba mẹ làm như vậy là ác quá! Con không ăn được thịt đâu!
          Nó yêu cầu ba mẹ thả hết những con vật nhốt ra ngoài, đừng giam hãm, để chúng sống tự do như người. Kể từ ngày ấy chúng tôi nghỉ săn bắt, chăn nuôi, và ăn chay, nhờ chay tịnh chúng tôi thấy long mình nhẹ nhàng và thanh thản lắm chú ạ! Vì tránh được sân si, tham đắm, bon chen hơn thiệt trước cuộc đời,
          Cơm nước xong anh bảo chị tắt hết điện ngoài, nhìn vầng trăng lên vành vạnh tỏa sáng khắp mặt sân, tôi nghe văng vẳng tiếng dương cầm từ trong nhà vọng lại.
          -  Đó tiếng đàn dương cầm của cháu Mỵ đó chú!
 
  Trở lại chuyên mục của : Trần Quang Ngân