TRẦN QUANG NGÂN
 
LÃO SĨ
 
 
   Trời mới tảng sáng, cơn mưa bão vừa mới dứt hạt, tôi đã nghe tiếng lão sĩ từ ngoài sân gọi vào giọng cà lăm:

- Cho…cho mình nghe bản nhạc “ Dừng bước giang hồ” của Hoàng Trọng, mà do Khánh Ly hát nhé… Một bản thôi, rồi đi ngay…khỏi, khỏi nước non gì hết. 
   Lão cởi vội áo mưa treo mép hiên và dắt chiếc xe đạp dựng vào chỗ giọt nước của máng xối. Chiếc xe đạp dính be bét bùn đất, không chắn bùn, không chắn xích, chỉ hai bánh trơ trụi và một chiếc thắng tay, một chiếc thắng chân đạp lùi đều nằm ở bánh sau, lão không dùng thắng trước vì nhiều lúc xuống dốc quên bóp thắng sau thì nó hất hỏng lộn nhào đầu, ấy thế mà nhiều lúc xuống con dốc dưới chân đồi còn bị đứt cả hai thắng, hốt hoảng lão phải lấy hai chân cà xuống mặt đường để giảm tốc độ, “ không khéo có lúc nào đó lao xuống vực như chơi’’  người ta nói với lão như thế. Lão chỉ cười khà khà khà, “ Nhờ chiếc xe đạp ấy đôi chân tôi dài cũng đở hơn”. “ Lúc mưa đường trơn tụt thì sao?”. “ Thì lụi vào đống sình”

  Hôm nay lão tươi tỉnh đến mình sớm, ắt hẳn có tin vui. Đã hơn hai tuần rồi, tôi ngồi đợi tin chị Phụng –  vợ lão – bệnh nặng chuyển vào thành phố để mổ não, mưa bão chưa kịp đến thăm thì lão đã về đến. Biết tính lão, tôi mở nhạc cho lão nghe nhưng khổ nỗi, lão chỉ nghe mỗi bản nhạc lão thích thôi rồi bảo tắt ngay, nếu không lão đứng phắt dậy rồi phủi đít đi ra ngoài. Muốn giữ lão lại để hỏi han chỉ bằng cách chế ly cà phê để trước mũi thì lão mới ngồi ráng lại được, tôi một tay xách bình thủy nước còn nóng đổ vào ấm găm điện hăm lại cho sôi, một tay lấy phin cà phê để trước mặt cho lão tự chế, rồi đi lấy bình pha trà, vừa dứt bài hát “ Dừng bước giang hồ” thì đến bản “Tiếng xưa” giọng Thái Thanh ngân lên, tôi đứng dậy thì lão đưa tay gàn bảo để nghe luôn.
  Hay lắm! - Lão nói - bản này Thái Thanh hát hay tuyệt, mình rất thích. Giọng Khánh Ly mình không thích mấy nhưng ả hát “ Dừng bước giang hồ” nghe được.
  Trong lúc nghe Thái Thanh hát, lão ngồi nhịp nhịp chân, gật gù và miệng chắp chắp cà phê vẻ sảng khoái, vừa dứt bản là lão ra hiệu tắt máy. 

- Ông biết không, mấy tuần rồi mình thèm nghe nhạc kinh khủng. Hôm Phụng mổ xong, tối về nhà họa sĩ Đức Thành, hắn dành cho mình căn phòng ngủ ở lầu hai, cửa sổ nhìn ra quán Karaokê, mẹ kiếp suốt cả đêm nó gào như mèo động đực, cái nhạc quỷ quái gì mà nó dinh tai nhức óc chịu không nổi, mình bảo hắn cho mượn chiếc ghế bố qua phòng vẽ ngủ, nhưng âm thanh quái dị ấy cứ đuổi theo không làm sao chợp mắt được đành xuống dắt xe đạp ra ghế đá công viên nằm, không biết sao mình ngủ mê lúc nào không biết, lúc giật mình tỉnh dậy thì chiếc xe đạp khóa vào chân ghế đá đã mất đâu một bánh trước, sáng phải vác về nhà Đức Thành, hắn đem tới tiệm sửa xe đầu hẻm thay cho mình bánh khác.
- Cũng may chứ nó lột luôn quần áo cho anh ở trần giống như ông Quí say rượu như năm trước thì hết biết.
- Bộ quần áo ông Qúi còn mới, chứ bộ quần áo mình ngay cái phermetuya cũng không kéo được thì nó lột làm chi, ăn mặc thế này mà nằm ghế đá công viên thì nó tưởng, nếu không ăn mày, thì cũng là kẻ bần hàn, ai thèm trấn lột.
   Chuyển sang hỏi chuyện chị Phụng thì ông cười ha hả.

- Ngày xưa ở trong trường đại học, nếu có ông thầy bói nào hạng giỏi nói sau này có lúc cậu nhận được cái quần dơ của đàn bà và cậu mừng ghê lắm, có lẽ mình nhảy xuống lầu chết quách cho xong, chứ không đợi sống đến ngày hôm nay đâu, đời mình sống với vợ có lẽ hạnh phúc nhất là lúc ấy ông ạ! Lúc bả ở trong phòng mổ, bác sĩ phẫu thuật lại là ông bạn của mình, mình ngồi tựa lưng vào vách hành lang chờ đợi, nín thở nghe từng tiếng động khẽ ở bên trong, con muỗi vo ve bên tai cũng không muốn đuổi, con muỗi chích cũng kệ mẹ nó không thèm đập, một lúc lâu sau có tiếng gọi, mình giật thót người lên, nước mắt tự nhiên chảy ràn rụa, mình thoáng nghĩ thế là xong một kiếp người, nhưng cô hộ lý đưa cái quần ra bảo: “ giặt dùm cái này đi, lẹ lên!” “ Không sao hả?” “Mổ xong rồi, tốt, không sao!’’ Hú hồn, mình vui quá cầm đồ xuống vòi nước bỏ xà phòng, dội, đạp, vò  xối xả, vì bỏ xà phòng nhiều quá nên xả hoài không hết, nước văng tung tóe, bị người ta mắng, mình cứ xin lỗi, xin lỗi thế thôi.
-  Nếu họ biết già rồi còn ham… thì họ mắng cho nhiều nữa.
-   Khà…khà… quy luật tự nhiên, ai chửi ai được, cái lộc của tạo hóa ban tặng mà không tận hưởng thì đắt tội với đời, được nhiều mà mất đi một cái ấy cũng vất đi thôi. Như cánh Trịnh, cha Bùi thì còn gì để sống nữa, đành uống rượu quên đời đến chết, thế thì nhiều tiền có sướng gì đâu, sống còn hơn chết nữa là.
   - Còn cha thì mất hết mà được một cái là được hết chớ gì?
   - Ông không biết đó chứ tôi có mất cái gì đâu.    
Vẫn cái giọng ương bướng, láu lỉnh ấy còn mãi. Nói dứt câu, lão đứng phắt dậy quay lưng, mặc áo mưa, mang ủng dắt xe đạp đi ngay.
   - Còn tám đứa nhóc ở nhà, “ moa’’ phải đi mua gạo nấu cơm cho tụi nó ăn.
  Tôi đứng nhìn  lão dắt chiếc xe đạp cộc cạch đi vào cơn mưa bão.

   Lão là vậy, tàng tàng, ương ngạnh, bướng bỉnh và liều lĩnh, những việc lão làm gần như bằng bản năng hơn là lý trí, điều lão muốn làm thì không ai ngăn cản được, lão là người có học hành căn bản, có trí thức, biết nhiều ngoại ngữ, tinh thông kim cổ, nói đúng hơn là con mọt sách thời đại.
  Tôi quen lão tính đến nay gần bốn mươi năm, từ lúc tôi còn mụn trứng cá trên mặt, còn lão bước sang tuổi trung niên, có lẽ tôi là người thân lâu dài và duy nhất còn lại đối với lão ở xứ này. Những người bạn khác vì không chịu nổi với lão nên phải bái bai thôi. Lão bị dị tật đầu từ lúc còn trong trứng nước, cuộc sống cái gì cũng trái ngược với người khác, người ta thích sống ở nơi bằng phẳng, thì lão sống ở nơi gồ ghề trên núi cao, người ta thích trồng cây lương thực, cây công nghiệp để kiếm sống thì lão thích trồng cây hoang tạp, tre nứa, người ta thích đi trong trời yên gió lặng, thì lão cứ đi trong mưa to, gió lớn, nhiều người để tóc dài thì lão cạo trọc đầu… Vậy nên thiên hạ cứ gọi lão sĩ cuồng… Lão cũng sáng tác được nhiều thơ văn và được nhiều người biết đến tên tuổi những năm ở thế kỷ trước. Lão nổi tiếng với cái giọng điệu lạ lẫm ngông ngông, ngồ ngộ ấy, một cõi tàng tàng ấy mà nhiều người nói lão khùng, dại chữ. Ban chủ nhiệm Hợp Tác Xã cùng với chính quyền sở tại thời bao cấp thấy lão có học hành mà sống đọa đầy như vậy bèn gọi đổi cho lão 3 ha chè đông đặc thuộc loại giống tốt để cho lão có thu nhập và 1 ha đất mặt tiền, nhưng bị lão từ chối phăng phắc. Lão nói cái mà lão thích không phải là cái bỏ vào mồm chạy xuống bụng, mà cái đập vào con mắt chạy lần đầu kia kìa. Lão thích những tảng đá, những bóng cây, con suối chảy, có tiếng chim ca, có trời cao đất rộng. Cái thích thì dễ, còn cái dám để xả thân chấp nhận mới khó. Ở cái nơi đèo heo hút gió, tiền không, gạo thiếu, tìm một ngọn lửa nhóm bếp, một vòi nước sạch để uống cũng khó, huống chi là nuôi sống cả đàn con gần chục đứa lóc nhóc với sức lao động còi cọc của lão. Hằng ngày lão phải vào rừng sâu để hái rau, bẻ măng, đốn củi… để đem xuốnng chợ đổi lấy gạo, dầu, tương, muối… Có những đêm tôi lên chơi với lão trên một cái chòi tre bên thạch động, nghe tiếng mưa rơi, dế kêu, hoằng tác, cú rúc… thật ảo não nhưng trông lão thật thích thú.
   - Đó con hoẳng nó về rồi đó, cậu nghe không? Có lẽ nó tìm bạn lạc đâu đó.

   Cũng có những đêm trăng rừng trong vắt, khi tiếng gà rừng vừa cất tiếng gáy là lão đã thức dậy như từ hồi nào, đánh thức tôi ra ngồi ngắm trăng, gần như lão ít ngủ vào ban đêm. Lão nói vạn vật hầu hết đều sống dậy lúc về đêm, và tôi nghĩ ngay đến lão hồi sinh trong những lúc này. Ngày xưa, lão thường nói với tôi – “ Cậu còn trẻ lắm đừng nặng lòng với miếng cơm manh áo như vậy, không khéo biến thành kẻ nô lệ tầm thường, nô lệ một cách vô thức, tức là nô lệ mà không biết nô lệ, nếu thiếu cơm thì đi ra ngoài nghĩa địa ngồi chờ ai chết thì đào huyệt thuê, hoặc vào tiệm cơm rửa chén bát còn hơn đi dạy thuê cho mấy trường đạo ấy, sáng ê a kinh thánh, tối gõ mỏ tụng kinh Phật, tôi chắc chắn là cậu không mấy hứng thú làm việc ấy, đó là kẻ bán rẻ linh hồn cậu biết không? Cậu nên nhớ đời người có ba cái mất: mất tài sản là không mất gì hết, vì mình có thể làm lại được, bị thương tật chỉ mất một phần thân thể, nhưng mất chí khí là mất hết’’. Lão nói mà quên rằng cái chí khí của người cố hữu thì chỉ mang lại sự độc tôn, cố vị và ích kỷ mang lại sự tham vọng của riêng họ, nhiều lúc bị lạc lõng giữa lòng đời. Chí khí của kẻ gian hùng thì dẫn đến sự rối loạn trong xã hội, mà chí khí của nhà khoa học mới mang lại sự tươi mát cho nhân sinh. Như vậy cái chí nó cũng cần phải theo cái trí tuệ (sáng suốt) và tình thương thì mới thành công được.

   Tôi nhớ một đêm trong thời tao loạn, lão ngồi nổi máu anh hùng mắng chửi tên sĩ quan dưới chế độ Cộng Hòa, vì lừa lão nửa bao gạo trong lúc gia đình lão thiếu thốn. Qua đêm sau, hắn tấm tức dẫn quân tới vây nhà lão bắt lính, hắn cứ nghĩ lão phải lẫn trốn hoặc tẩu thoát thôi, vì lão đang mang tội đào binh, nếu bắt được thì sẽ bị đưa đi lao công chiến trường, không sớm xanh cỏ thì cũng thân tàn ma dại. Lúc bấy giờ lão đang ở nhờ ở cái lò bánh mì của người quen, cái lò này lão phải mất hàng tuần lão mới dọn dẹp tương đối, gom tro than lên rừng trồng khoai lang. Dây khoai mới bắt đầu đâm rễ củ thì hắn ta đến chỉ tay ra lệnh cho đàn em :

- Nhổ hết khoai cho tao.Không ngờ từ trong bóng tối, lão mặc cái áo ba lỗ rách lưng, cái quần đùi rách đít cầm thanh củi lù lù chạy ra, hươ tay thách thức:
- Đứa nào dám nhổ đi ta xem!Cả toán lính đứng ngẩn ngơ nhìn lão, tên thiếu tá chỉ huy nói với tên thiếu úy kia:
- Một trí giả thế kia mà xem mạng mình thua mấy củ khoai lang thì hãi lắm, tâm hồn điên loạn thế đó thì mình nỡ nào. Đi về thôi! Hú hồn, lão thoát nạn lần ấy.

Sau không biết thế nào mà lão bị bắt lính trở lại, ra tòa án binh, đầy đi lao động chiến trường tận vùng biên giới Tây Nguyên. Trời cho lão cái tài ranh vặt, lão thuyết phục vợ tên tiểu đoàn trưởng để dạy kèm cho các con hắn, rồi mụ vợ thuyết phục thằng chồng để cho hắn trốn thoát. Lão đến một ngôi chùa sư nữ dưới chân núi, vị sư bà này cũng biết tên tuổi của lão, cho lão tạm trú qua đêm, còn cho lão mượn chiếc áo tràng và giấy tờ của một sư cô trong chùa, kể cả bình bát đi khất thực, tướng mạo nhỏ thó và gương mặt trái soan, mặc áo tràng trùm khăn trông cũng giống như nữ tu thật. Thế là lão lầm lũi đi khất thực, ai hỏi gì lão cũng ậm ừ, giả câm giả điếc không hề hé môi. Ra tới đường nhựa, lão đón xe về nhà binh xin đi quá giang về thành phố ẩn nấu trong nhà xuất bản Quả Dưa Hấu. Suốt ngày lão ở trong căn phòng toàn sách với sách tận trên lầu bốn, lão chất sách tứ bề, chừa cái lỗ vừa đủ người ngồi, khi có sự cố thì lão chui vào ngồi đó lấy sách bịt tai lại. Có lần bị động, lão chui vào chỗ an toàn thì chị vợ cứ đi theo mấy tay cảnh sát nói:

- Chồng tôi đi rồi, chồng tôi không có ở đây đâu.
Nghe vậy nó thêm ngờ vực lục soát hăng lên. Lão ngồi trong vừa sợ, vừa tức vãi đái ra quần, ngu ơi là ngu, sao mà nó dành hết cái ngu của thiên hạ thế chứ, thương chồng kiểu đó giết tôi có ngày. Kiên trì đợi lúc cảnh sát đi rồi, lão xô chồng sách xông ra tát vợ túi bụi, một hai đòi ly dị tức khắc, vợ chồng ông Tuệ Thanh chủ nhà xuất bản can gián mãi lão mới chịu tha.

   Nói tới chia tay với vợ, từ lúc mới cưới đến giờ lão đòi chia tay không biết bao nhiêu lần. Lịch sử cưới vợ cũng ly kỳ như cuộc đời lão, không có lấy một sính lễ, một tờ hôn ước, hôn thú nào cả, ngay tờ giấy sống chung cũng không. Không cần phải họ hàng, cha mẹ, anh em họ hàng nào chứng kiến. Mặc dù lão xuất thân từ một gia đình khoa bảng, cha là giảng viên tiếng Pháp trường Đại Học Văn Khoa, mẹ là con nhà danh giá, anh em học hành đàng hoàng, làm công chức hạng khá đương thời. Nhưng lão cóc cần gì hết, mới vừa lớn là lang bạt kỳ hồ, vào Nam xin dạy cho một trường trung học Bồ Đề, thấy cô học trò lai Tây xinh đẹp phơi phới tuổi dậy thì, lão đăm mê tít xin cưới cho bằng được, vị sư trụ trì không chịu vì cháu cụ mới học chưa hết chương trình trung học đệ nhất cấp (cấp 2), trômg cao lớn nhưng ai gả đi lấy chồng tuổi 15 – 16 như vậy.

- Mẹ kiếp lão hòa thượng này suốt ngày tụng kinh gõ mỏ, niệm Phật, niệm chú làm gì biết yêu đương mà xen vào chuyện của nhân sinh thế thái!

  Lão chạy quanh cái giếng nước chùa, đòi nhảy xuống tự vẫn. Lão hòa thượng sợ thằng cuồng làm liều mang tiếng, thôi đành gả quách nó cho rồi. Thế là ba ngày sau, lão ra chợ mua một xe xích- lô hoa hồng, kèm theo cỗ bánh kem và hai chai rượu về chùa xin làm lễ cưới. Đó là ngày giáp Tết, thầy trụ trì nói là ở chùa vào ngày này bận trăm công nghìn việc, làm sao coi ngày định tháng mà làm lễ, để sang năm ngày dài tháng rộng sẽ tính. Lão lý sự : “ Sau ngày 23 tháng Chạp, đưa ông Táo về trời, các chư tiên, chư thần cũng về chầu Ngọc Hoàng hết rồi, ngày 25 đền chùa đều dựng nên, sau ngày ấy là thuộc ngày chung, tháng chung của nhân gian, nên không có ngày tốt xấu gì nữa. Còn bận rộn hả, cụ chỉ ngồi chứng giám, ăn nhậu lễ lộc linh đình gì đâu mà lo’’. “ Thật, trời đất không có ai giác giác hỷ, giác giác tha, thôi ta tu hành chẳng chấp pháp, cấp tướng làm gì…’’, lão hòa thượng thầm nghĩ chốc lát rồi cũng phải gật đầu để cho lão làm lễ cưới. Cưới xong, lão ra ngoài thuê nhà đưa vợ về ở, vài ngày đầu lão sống rất sòng phẳng, từ miếng đậu phụ, quả cà hấp lão đều chia rõ ràng không hơn không kém, “ theo luật công bình’’, nhưng sau ba ngày thì lão tống cổ vợ về chùa ở lại. Sư ông thấy vậy gật gù an ủi: Con à! Cũng như con qua một kiếp nạn, coi như đi đêm bị quỷ dữ hiếp thôi. Về đây tu hành gọt bớt bụi trần tục, dưới tuyền đài mẹ con chắc cũng cạn lòng thấu hiểu cho cậu.

     Phải nói rằng chị rất đẹp, chị tên thật là Hélen. Mẹ chị trước đây là con của một gia đình  quan lại, có nhan sắc nhất vùng, được cơ sở cách mạng cài vào để quan hệ với Louis Branche – một tên quan ba Pháp, chỉ huy đồn Măng Đen. Khi Hélen vừa tròn hai tuổi, sau một đêm ân ái, Branche bị các đồng sự cơ sở của mẹ chị mai phục, đâm chết lúc còn lõa thể trên gường, máu me phun tràn trên cơ thể hai người… Chứng kiến cảnh hãi hùng ấy, tâm thần mẹ chị hoảng loạn. Hàng ngày bà mặc áo đẹp đi thơ thẩn bên dòng sông và rồi một hôm bà nhảy luôn xuống dòng nước cuồn cuộn, nơi quẳng xác của Branche để tự vẫn. Hélen được người cậu chủ trì chùa Niết đưa về nuôi dưỡng, ở môi trường tu học dưới sự giáo huấn nghiêm khắc của người cậu hòa thượng, nàng ít để tâm đến đời sống bên ngoài, nên Hélen rất giản dị và chơn chất, đến nổi gần như rất khờ khạo, làm sao hiểu hết người chồng ranh ma quỷ quyệt kia. Chị về chùa đã được ba ngày thì lão ta đến đòi trả vợ, sư ông không cho đi nữa. Đợi hôm sau, sáng mồng một, Phật tử viếng chùa đông đúc thì gã đến giở chứng, xách tới một can xăng thị nộ: “ trả không thì bảo, đốt chùa rồi tính sau’’, ông vua cũng thua đứa cùng, hoảng quá sư ông bảo người đem Hélen ra giao cho lão và dặn dò cháu, “ A di đà Phật, âu cũng là nghiệp chướng của một kiếp người, dù trong nghịch cảnh nào con cũng phải giữ cho tròn đạo hạnh’’. Thế rồi lão đưa vợ lên  cao nguyên Lâm Viên, sống nhờ vào căn hộ tập thể của trường dạy nghề, lão cũng xin dạy hợp đồng ở đó.

    Một lần, nhân lúc vợ bỏ về chùa vì giận hờn lão, lão để ý cô giáo xinh đẹp nhà bên cạnh, thiết tha yểu điệu dáng vẻ đài các kiêu sa, cũng có viết lách dịch thuật chút đỉnh và cũng biết tiếng tăm của lão. Lão dùng con dao nhọn rạch theo khe hở xuyên bức tường gỗ, để nhìn thân thể lúc nàng tắm, hoặc thay quần áo. “ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà’’, đầu óc lão quay cuồng mê  mẩn, dần dà rồi đến lân la bắt chuyện, và rồi cũng làm quen được nàng. Mưa dầm thấm đất, dần dà ngày qua tối lại người phụ nữ kia cũng nằm gọn trong vòng tay lão lúc vắng chồng. Chồng nàng cũng là một giãng viên trường đại học, thỉnh thoảng mới về. Vào một đêm mưa bão, ông trở về nhà bắt gặp vợ mình đang ân ái với lão, ông âm thầm dọn quần áo ra đi dẫn theo đứa con gái lớn vào chùa tu, ngày sau nàng cũng dẫn đứa con gái nhỏ đi biệt xứ, cuộc ly hôn thật lặng lẽ, hai người không ai nói với ai nửa lời hờn dỗi trách móc, không một lời từ biệt nhau, không cần ai phân xử.

   Ngày đất nước bình yên, với kiến thức và văn lực của lão đáng lẽ lão phải du sơn ngoạn thủy để cho ra đời những tác phẩm hay để lại hậu thế, nhưng lão lại dẫn vợ lên núi cho ra đời một đàn con lóc nhóc. Từ một tấm hồng nhan mặt hoa da phấn mắt nâu môi hồng, vợ lão biến thành người da xanh nanh vàng, môi thâm mắt, mắt bạc. Những cơn sốt rét đã hành hạ gia đình lão chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, thế mà đàn con cứ sồn sột ra đời ba năm một đôi. Mỗi lần thấy bụng chị to, người ta cứ trêu ‘’Năm nay mưa nhiều không? Chẳng có việc gì làm phải không? Nơi ấy không có điện buồn lắm phải không?” Lão cười khà khà “ Nhân sinh thích chỉ thế thôi’’.

  Lúc vợ trở dạ đứa con thứ chín, đêm  sâu thăm thẳm, sương rừng dầy đặc, trong nhà tối thui, tối thùi, lão mò mẫm ra góc thạch động, nơi gốc cây ủ lửa, lão lấy que khều thổi phù phù, không có tăm hơi lửa củi gì hết lại phát lên mùi khai nồng nặc, té ra bầy tiểu quỷ của lão hồi chiều ra đó thi nhau đái, đứa nào đái nhiều hơn thì thắng cuộc, hết nước trong bụng thì vào lu kéo gáo xuống uống ra đái  tiếp, tiếng nước dội vào lửa nghe xèo xèo chúng khoái chí làm hung. Lão sực nhớ trong bếp tro lão còn ba cây diêm giấu trong hộp quẹt, lão lôi ra và thấy còn có hai cây, lại lũ tiểu yêu lấy mất một cây rồi, không chắc, vợ lấy nấu cơm hồi chiều thì đúng hơn, lão thận trọng để cái đèn một bên, vừa quẹt sáng lên thì chị vợ tựa lưng thở cái phào, tắt mất. Còn một cây làm sao đây “ ấn tầm phú, ấn tầm phù’’, lão kéo tiêm đèn lên cao, rồi quẹt cháy mới được đèn sáng, lấy đồ đạc sắp sẵn treo lên ghi -đông xe, bảo vợ ngồi đẩy đi bệnh viện. Xuống khỏi dốc thì chị vỡ ối bên khe nước, cả hai thấm mệt, lão đặt vợ tựa lưng vào vách đá, “ Chà chà kiểu này sinh con gái ta đặt tên Tiểu Khê, bảy đứa con trai rồi nó phá như giặc sinh đứa con gái là đạt yêu cầu’’, vài phút nghĩ trôi qua, nhớm đít đi thì mụ vợ lại thở cái phào, đèn tắt tối thui. Làm sao đây? Lão lùng vào xóm xin lửa, chó sủa gầm trời, người ta tưởng kẻ trộm vác gậy ra thì lão la lên: “ Vợ đẻ, vợ đẻ… Cho xin mồi lửa’’. Mồi được đèn đưa vợ đi sinh, sinh xong, sáng ra cô y tá hỏi lão sinh đứa thứ mấy, lão ầm ừ hình như đứa thứ tám ( lão cố giấu một đứa ) thì phải.

-  Chị có sinh đôi đứa nào không?
-   Không! 
-   Anh có nhớ hết mấy con anh không? Chị nói đứa thứ chín mà!
-  Ừ… ừ… Chắc là vậy!   Nhân sinh hệ lụy, xong một việc trần ai, mấy ngày sau đưa vợ về nhà nuôi dưỡng. Nhìn trong nhà tương chao, gạo, muối hết sạch. Lũ tiểu quỷ lại một phen ở nhà tự do hành tung nữa rồi. Thôi, thôi nhổ khoai, hái rau rừng ăn tạm, ngày mai tính tiếp.
  Qua ngày sau, lão đạp xe lòng vòng xuống phố, tới chỗ Công ty Thương mại thấy đổ một đống nghệ, có bản ghi thu mua nghệ, lão về hỏi rồi bàn với vợ:

- Ngày mai tôi đào nghệ rừng chở xuống bán.
- Tụi nó ranh lắm, ông coi chừng ở tù mọt gông.
- Tôi có cách.
- Cách gì?
- Tôi coi tụi nó chẳng có kiến thức gì về nghệ lắm đâu, cứ làm không được thì thôi, thuận muavừa bán chẳng làm gì được nhau. 
  Thế là sáng dậy sớm, lão đào được một bao hơn năm mươi củ ngải nghệ è ạch đẩy lên.

- Nghệ giống gì mà to thế này? – Người mua hỏi lão. 
- Giống hoài sơn cổ, tức giống trồng trên núi lựu niên đất tốt mới được vậy… - Được trớn lão chài tới - Nghệ này củ to hơn, giá phải cao hơn chứ.
- Cũng một giá thôi!
- Thôi cũng được!
- Ngày mai còn đem mua tiếp cho.
- Ư… ừ để xem đã.  
Cân nghệ trả tiền xong là lão nhanh chóng nhảy lên xe dọt.
   Lão xuống chợ mua nào tương, chao, gạo, muối, đường, bánh bún, đậu phụ, cà rốt, trái cây… Đến hàng cà chua, lão cầm tờ giấy bạc năm chục ngàn đưa cho chị bán hàng rồi ngồi lựa mua bao nhiêu còn thối lại. Nhưng khi cân xong chị ta đòi tiền lần nữa vì… “ Chưa lấy hàng thì làm sao mà đưa tiền’’. Lão chẳng biết làm sao, chỉ còn có mỗi giấy năm mươi ngàn đồng cuối cùng đó, mà cãi thì không lại. Lão bèn lập kế bày trò, tìm ba cây nhang tới soi theo điệu tứ tung ngũ hành, hai tay đan lận ấn đầu heo, rồi bắt ấn bấm tí chận ngọ, miệng đọc lảm nhảm câu thần chú bằng tiếng phạn: “Ấn  ba ni bát di hồng… Ấn ba ni bát di hồng. Miệng lão méo xệch, mắt trừng lên lúc đỏ ngầu, lúc trắng dã, trông nét mặt vừa buồn cười vừa bí mật, chị bán hàng sợ xanh máu mặt. Những bà xung quanh xúm lại nói vào:

- Chết bà trả lại cho ổng đi, không ổng thư chết bà đấy, ổng là phù thủy trên núi Bối Phương mà bà không biết ổng sao?
   Bà khác nói:

- Tôi thấy ông ấy làm người khác chết đi sống lại ở dưới miếu Ba Cô năm ngoái kìa.   Ông làm phép thuật ma mị kỳ quái rất huyền bí mà không ai hiểu được!
   Bà bán hàng dữ dằn nổi tiếng ở chợ Cây Bùi thế mà cũng phải xuống nước:

- Thôi, ông nói vậy thì tôi trả lại cho ông.Lão lại làm già:
- Bà nói bà không lấy là tùy bà, qua thế giới bên kia sẽ có âm binh, âm hồn, Nam Tào Bắc Đẩuxử
- Tôi lỡ lầm, thôi ông tha cho tôi, để tôi trả lại cho ông. Tôi còn nuôi chồng nuôi con tộinghiệp. Đây tiền của ông cho tôi trả. Còn cà chua, đậu phụ thì tôi biếu ông. 
    Nhũng người xung quanh nói vào:

- Ông tu hành ăn chay niệm Phật, vậy ông nên tu tâm tích đức tha cho bà ấy đi…
- Được tôi tha cho bà ! Số cà chua, đậu phụ bao nhiêu bà tính tiền lấy, còn thối lại cho tôi, chứtôi không lấy không của bà.
- A di Đà Phật! A di Đà Phật! Cảm ơn  thầy!   Lão đốt ba cây nhang, miệng lẩm bẩm, tay bắt ấn soi soi.
- Giải cho bà rồi đó
- A di Đà Phật! Adi Đà Phật! Cảm ơn thầy, cảm ơn thầy đức độ.  Lão nhận các thứ, bỏ vào bao cột lên xe đạp, thả dốc chạy ù về tới chân núi, lão hú hú các con: “ Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi’’. Bầy tiểu quỷ cũng hú hú nhau chạy xuống núi  đẩy xe cùng lão lên. Bày các thứ ra làm một bữa trần gian no nê.
    Khi kiếm được thực phẩm để trong nhà cho vợ con rồi, lão đi ngao du vài bữa tìm giống cây rừng về trồng.

    Đã mấy ngày rồi mà lão mãi mê công việc, khi về tới nhà thì thằng con trai của lão ăn nấm rừng bị ngộ độc, bụng sình chang bang, hàng xóm tới đầy nhà, kẻ thì lấy lá mít ướt non đốt cho uống, ngưới thì bắt cóc vàng làm thịt nấu cháo cho ăn để giải, thằng bé ăn chay lâu ngày nên mới tiếp xúc với mùi thịt vài muỗng đã nôn ọe lộn ruột, tuôn các thứ trong bụng ra ngoài. Lão thì lăng xăng, hốt hoảng phần vì đã bị một đứa do ăn trái cây rừng trúng độc chết cách đó mấy năm, phần vì rợn gai óc thấy chặt đầu lột da con cóc. Chẳng biết làm gì, lão chạy lên gác nơi bàn thờ Phật. Cốc, cốc, cốc, cốc… Gõ mỏ tụng kinh: “ Nam mô hắc ra dat na da na dạ da… Nam mô a rị da bà lô kiết đế… Đệ tử. chúng con vô thỉ gây bao tội ác bởi lầm mê. Đắm trong sinh tử bao lần, nay đến trước đài Vô Thượng giác. Biển trần khô lâu đời luân lạc, với sinh linh vô số điêu tàn, sống u hoài trong kiếp lầm than, con lạc lõng nay tìm phương hướng. Cốc, cốc, cốc, cốc… Đang lúc tụng kinh, chị vợ chạy lên:

- Giờ này mà còn tụng kinh, ai chứng cho ông mà tụng!?
- Nó…nó…sao rồi? – Lão quay lại hỏi.
- Người ta đưa đi bệnh viện rồi.
- A di Đà Phật… A di Đà Phật…  Lão lật đật dắt xe chạy, mấy thằng tiểu quỷ nhìn theo kêu:
- Cha… cha… cha chưa mặc quần! Lão nhìn xuống, ừ… ừ… rồi chạy vào nhà mặc thêm cái quần dài, tụi nhỏ nhìn theo cười:
- Tụng kinh mà mặc xà lỏn rách đít!  Lại thêm một kiếp nạn đi qua, một buổi chiều sau cơn mưa, bầu trời trong vắt, vạn vật như hồi sinh, khi ánh nắng hồng rải đều trên đồi thông cao vút, đàn con lão cũng khôn lớn, chúng tản đi tứ phương tám hướng cầu thực, một đàn cò bay qua kêu cọc cạc. Lão nhìn đàn cò và nhìn tôi:
- Tóc cậu chớm bạc.   Đầu anh cạo trọc nên có lợi thế hơn, không ai biết – Khà, khá ngoài tuổi cổ lai hy rồi.
   Đêm về, tôi ngồi với lão bên gốc cây ủ lửa, lão khều khều những củ khoai lang thơm phức lùi dưới tro nóng. Dưới  ánh trăng khuya cơn gió thổi qua lành lạnh, mang theo mùi hương nhựa thông ngào ngạt, lão khẽ đọc bài thơ mới viết cho tôi nghe:
            Sướng quá đời ta sắp tuổi già
            Bao nhiêu học thuyết bước đều qua
           Nay về dắt bóng chơi am vắng
           Ấu trĩ vườn trăng một tiếng gà
  Tôi bỗng thấy nhẹ nhàng, nắm bàn tay nhăn nheo thô ráp của lão, thầm cảm ơn rừng cây giữa một đêm mang mang sâu thẳm.
  
Trần Quang Ngân


  Trở lại chuyên mục của : Trần Quang Ngân