TRẦN QUANG NGÂN

Rừng Thông Lặng Lẽ

         
“Một, hai, ba, bốn… đàn quạ đủ, đàn chim đội mũ huýt huýt 8 con, đủ, đàn két không đếm được, bầy cò lúc nào cũng về muộn, kệ nó, còn bầy cu cườm, sao lại chỉ ba con, còn một con, chắc là bị thằng cha đánh lồng kia bắt rồi ! Không biết con giọng thổ hay giọng kim đây?”. Hồi trưa lão nằm nghe tiếng chim gáy ở cụm rừng bên kia, chắc là nó bẫy được con giọng kim, giọng thổ gì rồi. Nếu bắt con giọng kim thì có ngày lão sẽ bắt lại thôi, vì con chim giọng thổ của lão có giọng gáy, giọng túc gù, sa cầu nhịp cánh mê ly khó có con nào thoát được. Có lần thằng cha ấy treo lồng chim trên cây sầu đông bên dưới chân dốc đá, phía chân đồi thông của lão. Nghe tiếng cu gáy đối nhau, lão xuống xem. Gã bẫy chim thách thức khi lão phản đối việc đánh bắt chim trong khu rừng của lão. Gã cũng có cái lý ương ngạnh riêng của gã: "Chim trời, cá nước, chứ đâu của ai”. Cãi vã một lúc đôi bên cùng chấp nhận một điều: “Nếu con chim ngoài thua dĩ nhiên bị sập lồng cho anh bắt về. Còn nếu con chim trong lồng thua im tiếng gáy thì phải đưa cho tôi thả ra rừng”. Con chim trong lồng treo ở cành cây say sưa gáy dõng dạc, con chim giọng thổ ngân dài thúc dục “cúc cu, cúc cu, cúc cu cu cu…”. Lão đứng gật gù khoái chí hơn, đứng nhịp chân gật đầu theo tiếng hót của con chim trong lồng. Hồi sau, đàn chim rừng bay đến cành cây, đôi bên túc gù, túc gù… sa cầu nhịp cánh. Đang lúc sôi nổi con chim trong lồng gù rút rồi ngưng bặt, đập cánh phành phạch đá con chim ngoài. “Thật tuyệt, thật tuyệt”. Đó là dụ con chim ngoài nhảy vào đá lại. Con chim ngoài nhảy vào đá lại là sập lồng ngay.
- Nếu con chim trong lồng không gáy thì phải thua.
- Đợi đấy.
Con chim rừng không vừa. Nó không vào cửa trước mà leo lên phía sau lồng thúc gù khiên con chim trong im bặt. Thế là lão thắng. Lão bước tới giật cây sào thọc lồng rơi xuống, mở cửa thả chim ra rừng. Bầy chim hoang dã của lão thêm được một con. Còn tay chơi chim kia mất toi năm triệu, một cây vàng mua con chim. Tay nhà giầu ở phố ấy, năm triệu đổi lấy một cuộc chơi thì chẳng thấm vào đâu. Một lần vất vào canh bạc hoặc truy hoan gấp mấy lần thế vẫn không tiếc kia mà. Nhưng mất một con chim hay thì có khi với gã tiếc hơn mất bồ chứ chẳng chơi. Hãy đợi đấy! Có khi gã về bỏ tiền mua con chim hay hơn đánh bắt lại! Gã thuộc loại chơi chim cũng sành điệu. Nghe tiếng chim cu gáy hồi trưa có khi gã giành phần thắng mất rồi. Lão ngồi phía thạch động nhìn vọng về phía chân trời xa. Những tảng mây trắng là đà xuống thấp, sương lãng đãng rơi. Bỗng dưng gã thấy lòng mình trống vắng xa xăm. Lão quay lại phía đàn chim đậu. Một hai ba… lão đếm lại. Vẫn thiếu một con, con chim màu xám gấm, tiếng gáy thật đáng yêu, trên cổ điểm màu lông cườm bạc, trông rất đài các. Một, hai, ba, lão đếm lại. Hoàng hôn còn sót lại phía chân trời xa một tia nắng óng ả, có tiếng chim giọng thổ gáy từ phía chân đồi. Lão dừng ý nghĩ và kiểm tra lại thính giác của mình. Đúng rồi, con chim giọng thổ gáy dưới đấy, rồi con chim giọng đồng, giọng kim trước mặt lão cất lên tiếng gáy, gọi con giọng thổ bay về, cúc cu, cúc cu, túc gù, túc gù, cả đàn gáy gù sôi nổi, lại thêm tiếng ục ục của đàn bìm bịp, tiếng chích chích của đàn chim sâu và những tiếng râm ran ngân dài, gãy vụn của lũ ve sầu kêu muộn. Thật là sôi nổi của một bản hợp xướng hoàn vũ.
Một luồng gió nhẹ thổi qua. Tâm hồn nhẹ hẫng, lão lấy trong túi ra chiếc acmonica thổi hòa điệu. Một âm hưởng tự nhiên phóng túng hòa cùng tiếng chim hót, tiếng cu gáy, tiếng gió thổi vi vu qua rừng thông và tiếng róc rách thì thầm của dòng suối chảy. Một thứ âm điệu hoang dã không theo cung bậc nào cũng chẳng có nốt đồ, rê, mi, fa, sol thứ tự nào ở trong đó cả, chỉ có tiếng ru của gió, nhịp rung của cây, tiếng hót của chim muông và vũ điệu của hoa lá, lão cứ thổi, thổi say mê. Chú khỉ nghe tiếng kèn vang của lão, theo thói quen từ trong thạch động chạy ra và nhảy phóc lên tảng đá trước mặt kêu é é, cầm khúc đoản côn nhảy múa, con chó ngồi phía trước cũng bắt chước sủa gâu gâu.
Bóng chiều sập xuống, sương phủ lành lạnh, khúc nhạc hoàn vũ chấm dứt khu rừng trở nên yên lặng, chỉ nghe rõ tiếng phành phạch của bầy quạ đập cánh ở đầu ngọn cây, chú khỉ nhảy tới ngồi bên cạnh, mắt tháo láo nhìn lão đưa tay vỗ vỗ vào tay lão và gãi bụng sồn sột, con chó cũng nhảy chồm lên đánh đuôi eng ẻng - Tao biết rồi, đói bụng, lão nói như nói với đứa bé thân yêu. Lúc trước, làm trò xong, nó đến trước mặt người ta ngạo mạn gãi háng sồn sột rồi đưa tay xin. Khi về ở với lão, những lúc như vậy lão đập vào tay nó nói: không được, kỳ lắm. Dần dần rồi cũng quen, có lẽ mọi loài vật trên thế giới này đều có một giác tính riêng, nhưng không nói được bằng lời. Khỉ là một trong những loài tinh khôn ấy nên rất dễ gần gũi và tập luyện. Ngày lão đến khu rừng này, tới mùa bắp, xuất hiện một bầy khỉ có bốn con, một con khỉ cái trên tay lúc nào cũng bồng con, một con khỉ đực tơ, và con khỉ này. Lão nhớ mãi dáng láu lỉnh với nửa cái đuôi cụt và cánh tay phải hơi loèo khèo của nó. Chúng bẻ bắp vườn lão buộc quanh người. Thấy lão ra chúng nhảy phốc lên cây, rút bắp chọi xuống. Khi lão hái trái ổi chọi lên, chúng nhảy chuyền qua cành cây khác ngồi gãi háng cười khèn khẹt. Hàng ngày có chúng bỗng nhiên lão cảm thấy vui vui. Được một thời gian, nghe tiếng súng săn dưới chân núi, đàn khỉ không thấy đến nữa. Rồi có một gã thợ săn xuất hiện kể khoe tài với lão :
- Tôi bắn được con khỉ mẹ. Khi bị thương nó ném khỉ con cho bố. Lạ thật, đáng lẽ khỉ đưc già tóm được con rồi bỏ chạy, nhưng nó lại ném cho khỉ kia rồi thoát thân. Ghét con khỉ đực bội bạc, tôi lần theo nhưng nó chạy thoát mất. Giống khỉ là vậy bác ạ. Nó biết đến lúc già rồi thì khỉ vợ sẽ phản bội nó, theo con khỉ đực tơ kia và con khỉ đực tơ ấy thanh toán  nó để cướp vợ duy trì nòi giống khỉ. Rồi bác xem có ngày tôi sẽ bắt hết chúng nó.
Nghe gã thợ săn nói, bỗng nhiên lão thấy động lòng và giận dữ nói :
- Chú ác lắm, con vật có lỗi gì với chú. Từ nay cấm chú vào khu vực này săn bắt chim thú. Tôi sẽ bảo vệ chúng. Nếu chú vi phạm tôi sẽ có cách đối phó với chú. Lão đuổi gã thợ săn đi và sau đó treo bảng cấm săn bắt chim thú khắp khu rừng.
Suốt mấy ngày sau con khỉ không trở lại. Lão bỗng thấy trống vắng. Lão đi vòng quanh khu rừng thông, thơ thẩn ra bờ suối, nghe tiếng chim kêu, nhìn dòng nước chảy, canh chừng bọn thợ săn. Chợt nghe tiếng kêu é é. Nhìn sang bên bờ kia, nơi có khúc trầm khô ngã dôi ra bờ suối, con khỉ một tay với lấy trái bắp treo lủng lẳng ở trên đầu cây, bị mắc vào dây thòng lọng, tay kia ôm con khỉ con. Thấy lão nó ném con cho khỉ bên cạnh ôm chạy, rồi cố vùng vẫy nhưng không sao thoát được. Lão đến gần. Đôi mắt nó thao láo nhìn, nửa như van xin, nửa vẻ căm phẫn. Lão nhẹ nhàng gỡ bẫy. Cánh tay trái con khỉ bị gẫy, hai chân trầy trụa, máu me ướt đẫm. Đúng là con khỉ cụt đuôi đây rồi, thật tội nghiệp. Lão bồng con khỉ về băng bó, chăm sóc cho đến khi các vết thương lành hẳn. Nhưng cánh tay trái nó vẫn còn loèo khoèo. “Được rồi”. Lão thả nó ra rừng. Quen ở với lão nó quanh quẩn trên cây sao, cây sồi, nhảy lên cây ổi, hái trái, đuổi két, bẻ bắp, tối đến chui vào thạch động nằm bên lão, được một thời gian rồi bặt tăm. Từ ngày ấy, gã thợ săn cũng không bén mảng vào nơi này. Lão nghĩ,  có thể khỉ đi tìm con nơi xa cũng có thể đã bị gã thợ săn kia hạ sát đâu rồi. Tự nhiên lão thấy thương nhớ nó.
Bẵng đi mấy năm liền, nay những người thơ chẻ đá đến báo tin với lão rằng có đoàn bán thuốc quảng cáo đến chợ xóm Đèo có mang theo con khỉ cụt đuôi để làm trò hát xiệc, con khỉ rất giống khỉ của lão. Lão lập tức xuống núi, đến chợ rẽ đoàn người vào xem.
“Xem đây, xem đây, Tôn Ngộ Không, đuôi cụt sẽ trổ tài bắt côn trùng, múa côn với một võ sĩ, thuộc môn phái nổi tiếng Hồ Ngạnh ở Tây Sơn Bình Định, cắc, tùng, tùng, cắc, tùng, tùng, tò te tò… tò, te, tò”.
Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng loa phóng thanh kèm theo tiếng vỗ tay reo hò của đám trẻ con vây quanh. Một thanh niên mặc võ phục cổ truyền màu đen viền trắng, thắt đai lưng đỏ, cầm khúc đoản côn nhảy theo tiếng trống đệm và tiếng hô của người quản trò. Con khỉ đứng dang hai chân với tư thế chuẩn bị.
- Chấp thủ tiên ông – Bái tầm loan thể – hoành khai hổ khẩu phục địa lôi… tùng, tùng, tùng.
Con khỉ nhanh nhẹn chắp hai tay, bắt gậy, chân trái bước tới, chân sau làm trụ quỳ xuống, kéo đối phương về phía mình rồi co chân đạp tới rút gậy về.
- Hay, hay. Tiếng vỗ tay nổ ra giòn dã.
- Chưa hay, chưa hay, còn nhiều trò hay nữa.
Tiếng loa ngắt quãng, tiếng trống quản trò dừng lại dành cho phần bán thuốc quảng cáo của đoàn. Sau vài phút nghỉ ngơi, đến phần Tôn Ngộ Không đi bài quyền côn bằng thiết bảng. Một chiếc đoản côn quăng ra từ người võ sĩ. Con khỉ cũng mặc bộ võ phục cổ truyền thắt đai lưng đỏ nhảy ra lẹ làng bắt lấy đoản côn mà người quản trò giới thiệu, là thiết bảng múa theo tiếng đệm trống và tiếng hô của người quản trò.
- Thủ thấp đoản côn – khinh công kế xuất – bái tổ lập bộ thần đồng, lưỡng chiến công quá, thiên mã viện hoành đả long xà, thoái bộ phong ba, phung đầu tang chấp.
Con khỉ chấp ngang gậy trên đầu, đánh tới, đâm lui, thấp bộ đứng lên, loan gậy ngang dọc lẹ như con rắn lượn mình, đâm bên tả, đâm bên hữu rồi bước lui đưa gậy lên chào rất điệu nghệ: “Cắc, tùng, tùng. Cắc, tùng, tùng” tiếng trống kèn dừng lại. Nó chống gậy nhảy phốc lên chiếc ghế cao đặt ở giữa sân tròn, ngồi chơ hơ hướng về phía khán giả gãi háng sột sột, rồi đưa tay ra xin. Lão theo dõi, đúng là con khỉ thân thiết của mình trước đây. Cái đuôi cụt một nửa, cánh tay trái bị gãy bó lại loèo khoèo trông tội nghiệp. Thầm khen tay Sơn Đông mãi võ này huấn luyện khỉ thật tài. Lão đến gần hỏi thăm và xin chuộc lại.
- Tiền mua con khỉ thì chẳng bao nhiêu, nhưng tiền thuê tập luyện đến khi làm trò để đi làm ăn được thì nhiều lắm, tốn đến bạc triệu, chưa kể khoản tiền nó làm ra, vì nhờ nó tôi tụ tập được nhiều khách và bán được nhiều thuốc. Ông biết rồi chứ ? Vậy ông có thể trả tôi được bao nhiêu ? Tên bầu nói.
- Theo ông thì bao nhiêu ? Tôi chỉ mua về cho có bạn thôi chứ không phải làm ăn.
- Bạn gì với khỉ. Nếu ông đồng ý thì đưa đây ba cây vàng. Nói cho vui chứ người nhà quê như ông sao dám bỏ ba cây vàng mua con khỉ để chơi.
Con khỉ nhìn về phía lão, đôi mắt chớp chớp, mũi khìn khịt, miệng nhép nhép. Dường như nó cũng nhận ra những điều quen thuộc ở lão.
- Nó khôn gần như người. Tên chủ bầu nói tiếp: ông thấy đó. Nhưng không được lâu đâu, đến lúc hết xài bán cho quán óc khỉ, xương nấu cao cũng đủ tiền.
Nghe nói đến quán óc khỉ, lão bỗng rùng mình, lão liên tưởng đến đêm ra mắt cuốn tiểu thuyết của một người bạn. Tan cuộc họ mời ra quán có tên “Ngũ Hành Sơn” để thưởng thức món óc khỉ. Những chiếc hộp gỗ kín, dặt dưới những chiếc bàn con, chú khỉ ngồi thu lu ở dưới nhô lên chiếc sọ dừa cạo trọc úp. Trên bàn của thực khách có đủ dao, muỗng, nỉa, chanh, muối tiêu, ớt, tỏi ….những ly rượu Whisky loại mạnh, rót ra, nâng lên, nói cười, chúc tụng. Tên bồi bàn lạnh lùng cầm dao phớt nhanh qua, lấy đi phần trên của hộp sọ: “Mời qúy khách dùng nóng hổi cho ngon”. Dưới bàn, lẫn trong lời chúc tụng ấy con khỉ đau đớn kêu é é.., có lẽ nỗi đau đớn đến tột cùng, nhưng bị trói chặt giam trong hộp kín, như người tử tù bị trói trên chiếc cọc ngoài pháp trường đến giờ hành quyết. Có thể hơn thế nữa, vì cái chết của nó đến từ từ trong nỗi đau quặn lên từng giây phút. Nó vô tội như một đứa con nít bị hành quyết bởi một lũ quái nhân, quỷ ám. Lão đứng phắt dậy, uống cạn ly rượu, lòng đau nhói bước ra ngoài, xé tước quyển tiểu thuyết vất vào thùng rác bên lề đường, lặng lẽ gọi xích lô đi thẳng về nhà, khóa chặt cửa phòng lấy chai rượu nốc cạn và tắt đèn. Nhưng men rượu không lấp nổi sự ám ảnh của cơn ác mộng vừa qua.
“Rồi sẽ bán cho quán óc khỉ… nấu cao”. Lão xót xa nhìn con khỉ.
- Ông nói chắc chứ ! Ông còn ở đây bao lâu ? Lão hỏi.
- Ba hôm nữa.
- Rồi ông đi đâu ?
- Đi Đồng Nai ba hôm, lần qua Long Khánh độ một tuần, rồi trở về thành phố.
Ba cây vàng đào đâu ra? Lão ngẫm nghĩ: cắt đất dưới chân đồi? Không kịp ! Bán cây sao cổ thụ trong vườn, bán thêm cái tủ sách, tài sản duy nhất góp nhặt cả đời người gửi cho người bạn dạy ngôn ngữ học ở thành phố giữ, mà trước đây ông ta hỏi mua, thôi được, đành vậy!  Ngày lão bán cơ ngơi ở thành phố lên đây sang nhượng lại khu rừng của một nhà sư già sắp đến ngày viên tịch, khu rừng lúc ấy bị tàn phá nham nhở. Một phần vì chiến tranh, một phần vi dân kinh tế mới sau này. Chỉ còn một số cây quanh thạch cốc. Lão dùng hết sức mình phát cỏ, đi lên tân Di Linh, Đà Lạt, Đơn Dương tìm mua từng cây thông con về trồng, không kể mưa gió, bão táp. Bây giờ lão hân hoan nhìn những cây thông vươn mình lớn lên như những ngọn tháp rẽ mây đâm thẳng lên trời xanh. Gia đình cho lão đã đến lúc lên cơn khùng. Bạn bè cho lão gàn dở, tốc kê, lập dị. Còn lão, lão nghĩ không biết trên thế giới này người ta tìm gì trong những thành phố chật chội, xô bồ, oi bức và ô nhiễm ? Sự ô nhiễm lẫn vào tâm thức con người mà họ vẫn vô tình chấp nhận một cách kiêu hãnh. Những buổi trưa hè, khi chiều xuống, lúc trăng lên, lão ngồi trên thạch động, nhìn trời đất bao la, sương khói vi vu, tạo hóa đã ban tặng cho lão kho sách uyên thâm, vô tận mà suốt cuộc đời lão có lẽ chưa bao giờ đọc hết.
Tiếng trống quản trò nổi dậy. Phần bán thuốc quảng cáo tạm dừng, chuẩn bị cho lão Tôn tiếp trò. Bọn trẻ lao nhao ném thức ăn về phía con khỉ. Nó đớp lia lịa, nhét vào miệng, nhét hai bên má phồng to, nhét dưới chỗ ngồi, rồi gãi háng sột sột, mắt láo liên. Những trái thị, trái ổi tới tấp ném vào mặt nó. Đau đớn, nó lao thẳng vào đám đông, chạy băng qua đường trèo lên cây chuyền thoăn thoắt. “Lão Tôn trúng đòn Hồng Hài Nhi”, bọn trẻ đuổi theo hò hét… Lão cũng chạy theo, cũng hò hét và xui bọn nhỏ cản đường đám người bán thuốc, ném đá, huơ cây đuổi con khỉ chạy nhanh hơn và mất hút. Khi tới cửa rừng, lão rẽ vào cái quán đầu dốc, móc nắm tiền đưa cho bà chủ và vẫy bọn trẻ lại lấy hết đống cây mía. Lão còn lấy cả bánh kẹo đưa cho chúng.
- Còn thừa tiền lão Thân này.
- Khỏi.
Lòng lão rộn lên. Lão reo to cùng lũ trẻ:
- Lão Tôn tẩu thóat rồi. Lão Tôn tẩu thóat rồi !
Lão thở phào nhẹ nhỏm. Đám Sơn Đông mãi võ chạy vào cửa rừng. Lão cùng bọn nhỏ mỗi người một cây mía làm côn cản đường. Tên chủ bầu xông tới gây sự, túm lấy cổ áo, bị lão quật ngã lộn nào. Bọn trẻ vây quanh dùng mía đập túi bụi, tên khác nhảy vào cũng bị lão xoay người đánh cú rờ-ve ngã lăn. Biết lão cũng là tay võ nghệ không vừa nên chúng đành rút lui.
- Hoan hô lão Thân! Hoan hô lão Thân! Bọn trẻ reo hò khoái chí.
Lão mỉm cười sung sướng. Một luồng gió thoảng qua. Lão bước đi dưới hàng cây râm mát như có gió đẩy. Về đến thạch động, lão ngả người trên chiếc nệm cỏ đánh một giấc đến lúc chiều ngả bóng.
Lão lững thững lên núi, đến vũng nước. Vũng nước trong vắt, bọc quanh là những tảng đá dựng. Thiên nhiên thật tuyệt diệu, thật hoàn hảo, trên núi vẫn có nước trong  và không bao giờ cạn, ngay cả những ngày nắng hạn, oi bức, cũng chẳng bao giờ đầy dù mưa dầm hay bão lũ, chứng ấy thôi, múc hết rồi lại ra. Lão cúi xuống vốc nước lên uống một ngụm. Mát lạnh, ngọt lịm. Lão cúi thấp xuống phất nước lên rửa mặt. Lão cởi luôn áo quần rồi ngồi lên tảng đá bên cạnh lấy chiếc gáo dừa múc tắm “A ha ! Thiên địa chi chu du”. Lão mặc áo quần rồi đi một vòng lên đồi. Tựa lưng vào gốc cây sồi, lão lầy armonica ra thổi. Con khỉ ngồi trên cành cây cao ném trái xuống kêu é é rồi gãi háng sột sột. “Nó về rồi, nó đây rồi”. Trong hồn lão như có tiếng reo. Lão bỏ chiếc armonica vào túi rồi đi nhanh về thạch động lấy mấy củ khoai ném lên. Con khỉ bỏ chạy. Lão chợt hiểu nó không đớp ăn vì những cú ném ban sáng làm nó còn sợ hãi. Lão bèn lấy dây xâu các củ khoai vào treo lên cây để nó trở lại lấy ăn. Ba hôm sau đó ngày nào con khỉ cũng đến lấy thức ăn. Qua ngày thứ tư, lão không thấy nó trở về nữa. Lão đi vòng quanh thổi armonica, vẫn bặt tăm. Lão xuống núi, ra bờ suối chỗ có cây trâm nước ngã dôi ra, thấy chiếc bẫy của ai đặt vẫn còn nguyên, lão quanh lên đồi. Có tiếng rục rịch trong lùm sim, lão nhìn thấy con khỉ đau đớn, ngồi run cầm cập, máu be bét. Lão vạch cây, bồng nó ra, cởi áo quấn lấy thân hình tiều tụy của nó. Con khỉ bị bắn gãy chân trái đâu từ chiều hôm trước, may mà thoát được lủi về. Tội nghiệp, lão đốt lửa sưởi ấm và cho nó ăn. Dần dần con khỉ trở nên người bạn thân thiết. Ban ngày khi con chó chạy rông ra vườn, khỉ trèo lên cây canh chừng. Khi có đàn két tới bẻ bắp thì nó giựt dây rung những cái lon leng keng đuổi đi. Tối về trong thạch động nó ăn ngủ bên cạnh lão trên chiếc nệm cỏ, lúc rét lạnh, sương phủ thì cùng ngồi bên gốc cây giữ lửa sưởi ấm. Dưới rừng thông lặng lẽ, ngày lại ngày, lão với con khỉ và chó sống bên nhau như những người tri kỷ.

Cuối năm 2005

 
  Trở lại chuyên mục của : Trần Quang Ngân