TRẦN QUANG NGÂN

 
Đêm Thì Thầm

Kinh koong…kinh koong…kinh koong… nàng trở mình ngồi bật dậy, xoay mình sờ soạn kiếm tìm, xong bước xuống sàn nhà nhặt chiếc gối bỏ lên giường, và chiếc thập tự ấp vào ngực lẩm nhẩm làm dấu Thánh giá rồi đeo vào cổ, dây đeo cùng chiếc thập tự bằng bạch kim trên có chạm hình Chúa cứu thế, dang đôi cánh tay đóng đinh chịu tội cho nhân loại, đoạn nàng trườn mình qua  người anh chồm lấy chiếc áo ngủ bước sang phòng tắm, mùi da thịt, mùi phấn hương thoang thoảng dễ chịu làm anh dịu dần giấc ngủ. Trên trần nhà con thạch sùng se sẽ vươn mình vồ hụt con mồi, lùi ra góc tường kêu chắt chắt, con vật bé nhỏ vừa thoát khỏi miệng nó, bay vụt ra vướng vào mạng nhện giãy giụa, con nhện nhanh nhẹn bò tới, vươn những đôi chân cuộn tròn con mồi vào cơ thể, con thạch sùng nuối tiếc bò lại đến chỗ cũ nhìn theo miếng mồi đã mất chép chép cái miệng, thè lưỡi liếm quanh vành mép, rồi ung dung phẹt ngay xuống chiếc gối bên cạnh. Bên trong nàng vẫn bình thản tắm gội, tiếng nước chảy re re, êm êm, mơ màng huyền ảo theo ánh đèn màu hồng nhạt trên tường. Đêm nay nàng rất đẹp, đẹp diệu kỳ, đẹp như đóa hoa tinh khôi vừa mới chớm nở. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh cảm nhận được hạnh phúc bên nàng. Chuông điện thoại reo, reo một hồi ngắt quảng, rồi lại reo…mặc kệ, không việc gì đến anh. Anh nhắc ống liên hợp để ra ngoài, một lúc thì chuông điện thoại di động của nàng rung lên khẩn khoản, từ trong phòng tắm nàng nói vọng ra:
       - Anh đưa dùm điện thoại cho em.
       Cuộc nói chuyện của nàng với người ở đầu dây bên kia có vẻ dài dòng và căng thẳng, hết cuộc nói chuyện nàng lau người bước ra ngồi vào bàn trang điểm, và ngoảnh lại nói với anh:
       - Anh dậy chuẩn bị đi nhà thờ với em nhé! Ông Michael Sơn bên Mỹ gọi về đấy:
       - Đi thôi anh, chiếc xe nổ máy di chuyển chưa ra khỏi gara thì người quản gia ở góc nhà phía bên kia cũng thức dậy bật đèn sáng, nàng nói với:
       - Chị ngủ đi để tôi tự mở đóng cổng cũng được.
       Đêm qua anh với nàng về khuya, nàng tự mở khóa cửa vào, người quản gia vẫn bật đèn bước ra nàng cũng nói vậy, có lẽ đây là trường hợp ngoại lệ mà người quản gia cũng tự hiểu, vì việc đóng mở cổng, hầu chủ tươm tất, là việc thường xuyên hằng ngày của họ mà ngay từ buổi đầu vào làm, Ông Cao Sơn và nàng đã giao phó không kể sớm khuya như theo bản hợp đồng bắt buộc. Hơn nữa, ông Cao Sơn và cô chủ rất khó tính luôn nghiêm khắc với kẻ ăn người ở. Khác những lần trước ở nhà hàng khách sạn nơi huyện ngoại ô, lần này nàng dừng xe trước một quán cà phê cạnh công viên và nói:
       - Anh không phải vào Thánh đường với em như những lần trước đâu, vì đây là nhà thờ bản xứ ông Michael Sơn hay cùng em đi lễ, nhiều người biết.
       Anh mỉm cười gật đầu hiểu ý, đêm yên bình và tĩnh lặng, ngọn đèn đườngtỏa sáng vàng mơ xuyên suốt, anh thả bộ vòng công viên, rục rịch, rục rịch vài chú mèo hoang đuổi nhau từ lùm cây băng ra nhìn anh kêu ngoeo ngoeo rồi đuổi nhau chạy tiếp. Kinh koong…kinh koong…kinh koong… hồi chuông ngân vang vừa dứt một quãng, từ trong Thánh đường tiếng kinh cầu, lời rao giảng, và nhạc thánh ca thánh thót vọng ra, một buổi sáng tinh khôi, trong lành, êm ả, và thánh thiện, tự dưng anh cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng, nhè nhẹ, bồng bềnh siêu thoát. Bây giờ anh mới cảm nhận và hiểu sao nàng lại chóng trở thành một con chiên ngoan đạo, đơn giản vì nàng là người nhạy cảm. Lần đầu ở khách sạn vùng ngoại ô, những động tác trước khi vào giấc ngủ, như một quán tính: lẩm nhẩm nguyện cầu, làm dấu thánh giá, và cởi chiếc thập tự đặt trên chiếc gối bên đầu, ở giữa anh và nàng.
       - “Để chi vậy?” Anh hỏi. “Để Chúa chứng giám cho hạnh phúc chúng mình.” Những cử chỉ của nàng rất thật lòng và xúc cảm.
       Không kìm giữ được ý tưởng anh bộc bạch hỏi nàng:
       - Hoài này, Cho phép anh hỏi Hoài câu này nhé, nếu thấy phật lòng xin em thông cảm! Em theo đạo hồi nào? Có sự mầu nhiệm gì mà khiến em nặng lòng với đức tin mạnh đến thế?!
       - Em tên Hoài như anh biết, em gái em tên Hương, ba em là người miền Trung tập kết ra Bắc, lấy vợ và sinh hai người con gái, thì đặt tên như vậy để mong ngày trở về quê hương, chẳng may từ nhỏ chúng em mắc chứng bệnh tim bẩm sinh, Hương mất lúc còn bé tí, ba me chạy thuốc Nam,thuốc Bắc khắp nơi thì em đỡ dần. Học thi đậu vào trường Bách khoa ngành xây dựng, ra trường làm việc mấy năm sau thì được đề bạc lên làm giám đốc công ty, được năm sáu năm một số công trình do công ty em thầu xây cất bị đổ sập, do chất lượng không đúng với thiết kế, thế là công ty bị phá sản, trong lúc chờ xin việc mới, thì ông Cao Sơn xuất hiện đến nhà thăm ba, ông là người bạn học cũ của ba khi còn ở Pháp từ thời kháng chiến, có điều, khi về nước ba em là người Trung theo Cách mạng tập kết ra Bắc, còn ông thì người Bắc lại di cư vào Nam, làm công chức ở chế độ Cộng hòa, ngày đất nước thống nhất ông vượt biên qua Mỹ, đến thời mở cửa thì về lại Việt Nam tìm gặp ba em nói là định về nước đầu tư mở công ty làm hàng xuất khẩu sang Mỹ và có nhã ý mời em làm Giám đốc điều hành, còn ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiếm chức cố vấn kỹ thuật, nói thật làm giám đốc công ty của doanh nghiệp tư bản chẳng qua chỉ là làm con rối dưới sợi dây sai khiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị mà thôi, công việc đè nặng sớm hôm, ít lâu sau bệnh tim  em có triệu chứng tái phát, mỗi lần lên cơn bệnh là tay chân co giật, mặt mày tím tái, có lần em chết lâm sàn trên giường bệnh. Thấy vậy ông Cao Sơn đưa em sang Singapore chữa trị. Đến Singapore trong thời gian an dưỡng chờ đợi để phẫu thuật, ông đưa em đến gặp Cha Chánh sứ người Việt, ông này trông rất điển trai và phong nhã, cung cách xử thế tình cảm và lịch thiệp, nhất là đối với phụ nữ, hằng ngày ông dạy em kinh sách, cách hành lễ, cách xưng tội, nguyện cầu và đàn hát thánh ca, ông nói lúc xưng tội hãy cứ bày tỏ thành thật cõi lòng mình dù trong ý nghĩ và bằng lòng nhận tội trước Thiên Chúa, Chúa sẽ sẵn sàng tha thứ tất cả tội đồ cho các chăn chiên lầm lạc, vì ngài đã chịu tội cho tất cả nhân loại trước đức Chúa cha rồi. Sự thật, những ngày ấy mọi ưu tư lo lắng của em gần như đã trút bỏ tự lúc nào, tiếng Ch ú a…thoát ra từ vành môi của ông sao mà êm ái, thiêng liêng và mầu nhiệm đến thế, khiến lòng em bình an tự tin như đang có bàn tay dang ra che chở, chiếc thánh giá này là của ông Micheal Sơn tặng, trước khi trao cho em và đã được cha Chánh xứ làm phép thánh, nên em tin có đấng cứu thế, hằng cứu giúp cho em lành bệnh và hạnh phúc. Có một điều là lúc bấy giờ em cảm thấy đức tin, tình yêu, là sự nhiệm mầu của cuộc hành trình Thiên Sứ dẫn dắt sự sống cho cuộc đời mình. Mỗi lần quì trước Thánh đường, lúc xưng tội, trong tự đáy lòng thoát ra một tự sự mà mình không thể nào kìm hãm được, em nói em yêu ông ta bằng tất cả tâm hồn trong trắng của mình, thì bên kia bức màn vải ngài vẫn bình thản ngọt ngào nói: Lạy ch ú a,.. nếu yêu là có tội thì cõi trần hoang vắng biết bao nhiêu! Thú thật, đêm về em cứ mơ màng chao đảo, ngày cuối tuần hôm sau, đến giờ xưng tội, em biết điều ấy là điều tội lỗi mà em vẫn cứ nói ra để bề trên rộng lòng tha thứ, và Đức cha cũng vẫn thì thầm với giọng đầy khoan dung ấy: Lạy chúa, nếu yêu là có tội thì cõi trần hoang vắng bao nhiêu! Rồi đến ngày sức khỏe được phục hồi, trước khi chuẩn bị tinh thần để đi vào phẫu thuật, ông Micheal Sơn, Cha Chánh xứ, Masoeur Mẹ bề trên và một số con chiên đông đảo làm một buổi lễ cầu nguyện cho em, cảnh tưởng thật ấm áp, thiêng liêng và cảm động. Bữa ăn chiều hôm ấy do ông Cao Sơn chiêu đãi, có vị bác sĩ viện tim người Pháp, người trực tiếp cầm dao phẫu thuật nói: Bệnh đơn giản, cô không có gì phải lo lắng đâu, bệnh bình thường thôi mà. Em biết đó là lời an ủi, trong thâm tâm em có cảm giác như là buổi tiệc ly mà mọi người chuẩn bị cho em dọn mình vào nước Chúa, dù vậy, đứng trước vị Cha xứ em vẫn thấy tự tin, trong thoáng chốc em đã quên điều suy tưởng, Ơn Chúa nhiệm mầu, ca phẩu thuật thành công mỹ mãn, em thoát khỏi lưỡi hái tử thần và lành bệnh, ông Micheal Sơn vui mừng như sự giải thoát cho chính ông. Những ngày ấy, ông luôn ở bên cạnh em lo âu chăm sóc như một người cha thân yêu, em luôn luôn cảm thấy ơn dày nghĩa nặng của con người cho mình một lần tái sinh, thật nhẹ nhàng và thầm lặng, rồi dần dần em thuộc về ông ta lúc nào không hay biết. Mười năm, mười năm âm thầm trôi đi, có lúc em nhận ra mình chỉ là con chim hót giữa lồng son ăn hạt kê, hạt thóc, nghiêng mình soi anh bình minh lóe qua thềm nhà, nhìn những con chim bên ngoài mà thèm khát bầu trời xanh trong lồng lộng, hòa nhịp cùng đàn chao nghiêng giữa không gian vô tận. Anh có nhớ câu chuyện một người mẹ tặng trái tim con mình trước khi ngừng đập để cứu sống người khác, bà chỉ có một yêu cầu là đến ngày giỗ người mang trái tim này ở đâu cũng phải về để bà áp tai vào lồng ngực nghe nhịp đập của trái tim con mình, lâu ngày người mang trái tim thấy phiền toái và nghĩ rằng, lúc ấy mình không nhận trái tim này có khi lại là hay hơn.
       - Hoài ạ! Đàn chim giữa bầu trời có lúc cũng nếm phải mùi trái ngọt, trái đắng và bão táp mưa sa chứ! Đâu có lúc nào cũng bình yên, chao lượn giữa trời xanh lồng lộng như em nghĩ đâu.
       - Đành vậy, nhưng đôi cánh lúc nào cũng vươn dài thì vẫn thích hơn, và hơn nữa ít ra nó vẫn giữ được bản chất của giống loài nó.
       - Hoài thích làm cánh chim bay theo anh không?
       - Làm đôi uyên ương hả? Có khi thế mà vui hơn.
       - Nhưng Hoài có ăn được trái chua, trái đắng không? Có dám từ bỏ lồng son mà chịu cảnh mưa sa bão táp không?
       - Cùng chịu thì có gì đâu mà ngại.
                                                       * *
       - Khóm dạ quỳnh đêm nay sẽ nở nhiều bông, mình đi ăn tối rồi về xem anh nhé! Nàng điện thoại cho anh và đón anh ở điểm hẹn. Vẫn như những lần trước, nàng đưa anh đến nhà hàng đặc sản ở huyện ngoại ô, cô tiếp viên vồn vã đón khách.
       - Anh chị ngồi phòng cũ nhé! Đó là ô phòng có cửa sổ nhìn xuống mặt hồ, có hướng nhìn trăng lên, nàng mở chai rượu nho rót đầy hai ly và nói:
       - Đây là chai rượu lễ cha Joseph Nguyễn từ Singapore gửi về nhân ngày lễ phục sinh trước, em để dành đãi khách quí, vậy anh cũng là khách quí đấy nhé! Cha Joseph là người làm phép rửa tội, và cũng là người đặt tên thánh cho em, cha rất phúc hậu và dễ mến như đã kể cho anh lần trước, thôi chuyện qua rồi cho qua luôn nghe anh! - Anh hôn nhẹ lên tóc nàng.
       - Đồng ý! - Im lặng một lúc nàng nhìn anh chuyển qua chuyện khác.
       - Anh có thấy hoa Quỳnh nở lần nào chưa?
       - Nhiều lần rồi nhưng vẫn thích, lần nào xem về anh cũng thấy hồn mình xao xuyến và buồn man mác.
       - Ghê vậy hả? Có lẽ ngày xưa anh có yêu cô nào tên Quỳnh Hoa chắc?
       - Không phải vậy mà cũng tương tự như vậy, ngày còn học ở bậc cuối trung học anh có quen thân với một cô bạn (quen thân thôi chứ không phải yêu), cô nàng đẹp lắm, là hoa khôi của trường lúc bấy giờ, nhưng chưa đầy mười năm sau gặp lại, anh không nhận ra hơn nửa giờ ngồi đợi xe ở bến, cô ta nhìn anh chằm chằm rồi gọi tên anh, anh tiến lại gần. Trời ơi! Hoa…anh nghẹn ngào cầm tay cô ấy, bàn tay thon dài, mượt mà măng muốt, bàn tay ngọc năm xưa, nay khô khan thô ráp, như những cái càn cua sạm nắng, chỉ còn chiếc răng khểnh và đôi mắt đen huyền, đứa con trai độ tuổi lên năm gầy gò vặt vẹo đứng bên mẹ, hóa ra cô ấy lấy chồng lúc mới rời ghế nhà trường ở bậc trung học, sau ngày thống nhất chồng đi học tập cải tạo, bồng con về quê làm ruộng lam lũ, may chiếc áo năm năm vẫn còn mới, đời người sao qua nhanh, như đóa quỳnh, lúc mới nở thì kiêu sa lộng lẫy nhưng rồi mong manh sương khói chưa tàn một đêm.
       - Đó là quy luật mà anh, thượng đế đã an bài như thế rồi “Người đẹp vẫn thường hay chết yểu…” anh quên rồi sao?
       - Đành vậy, nhưng làm mình tiếc nuối mãi.
       - Có lẽ nhờ vậy mà con người còn đọng lại cái di ảnh của nó, em nghĩ nếu nó lâu tàn như những loài hoa bình thường khác thì chắc sẽ chóng đi vào phôi phai và quên lãng đó thôi.
       Mặt trăng lên cao, rải bóng xuống mặt hồ lóng lánh, nàng gọi người phục vụ tới thanh toán.
       - Minh về đi anh, còn xem hoa quỳnh nở.
       Chiếc xe di chuyển phóng nhanh, bóng hàng thông hai bên đường như những bức tượng thần bị giật lùi. Đến nhà, người quản gia vội vàng ra mở cổng, nàng bảo họ đốt lửa mang ra bàn đá nơi khóm quỳnh, nhớ pha bình trà và mang ra hai chiếc ly uống rượu vang. Ánh đèn pha từ đầu cây chiếu rọi xuống, mười đóa quỳnh hàm tiếu từ từ hé nở theo nhịp tim đập và theo đôi mắt nhìn của hai người, trong khoảnh khắc từ từ khép lại như ngậm nuốt cả bóng trăng theo đời hoa vào vĩnh hằng, nàng thở dài đứng dậy tắt bóng điện để ánh trăng ảo mờ chiếu rọi.
       - Mình đi dạo một vòng nghe em, trăng đêm nay đẹp quá! Họ cầm tay nhau âm thầm bước đi trên thảm cỏ mịn, đêm lặng lẽ và cô liêu, vạn vật dường như còn thao thức tìm sự sống, vài con dơi đập cánh trên đầu cây bay lượn săn mồi.
       - Anh biết không! Nàng nói, mười đóa quỳnh nở đêm nay trùng hợp với thời gian mười năm em sống nơi này với ông Cao Sơn, mười năm lọt vào vòng tay Bố già, tuổi thanh xuân của em lặng lẽ đi qua như một đóa dạ quỳnh, giờ nhắc lại như vết thương khi có gió thổi vào, se se, êm ái và rát buốt.
       Sương đêm phủ mờ lạnh lạnh, nàng đưa anh vào nhà, căn phòng ấm áp tỏa mùi hương dìu dịu, con thạch sùng hôm trước vẫn rập rình nơi chiếc đèn ngủ, nó lặng thinh rồi bò lui, bò tới miệng không còn kêu chắt chắt, có lẽ nó không còn gì nuối tiếc sự hụt hẫng và đã hồn nhiên quên con mồi, ô kìa nó lại bò ngang trên đầu giường không khéo nó phẹt bậy nữa, nếu có chiếc dây thun  anh sẽ bắn nó đứt đuôi rơi xuống vẫy vẫy, như thời con bé anh đã làm. Ừ, nó cũng khá biết điều đó, bò ra góc tường nhìn vào màng nhện nơi con con nhện đang giăng tơ. Nàng từ trong phòng tắm ra loay hoay sửa lại tấm drap trắng, phun nhẹ nước hoa, thay chiếc áo ngủ, làm dấu thánh giá và cởi chiếc thập tự để lên bàn phấn trước khi lên giường, chiếc thập tự đối với nàng lúc nào cũng thiêng liêng và màu nhiệm, luôn báo trước cho linh cảm những hạnh phúc, niềm vui, nỗi buồn, sung sướng hay đau khổ mà giác quan thứ sáu nàng nhận được, đó là lúc tâm hồn nàng tinh tấn thanh tịnh, nàng nói với anh như vậy, anh hỏi nàng:
       - Thần thức ấy có cho em cảm nhận được ngày mai thế nào không?
       - Mơ hồ thôi chứ làm sao biết được hả anh.
       - Vậy thì phải sống cho trọn vẹn hết ngày hôm nay đi.
       - Thì em đang sống đấy, quá khứ thì đã qua, tương lai chưa tới, từ ngày tiếp xúc với linh mục Joseph Nguyễn em thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, bay bổng hơn, biết trút bỏ những gì cần trút bỏ, biết nhận lấy những gì cần nhận lấy, xưng tội cũng là cách làm mình hỷ xả và đón nhận sự mới mẻ đó anh, nói tóm lại một cách làm mới lại mình.
       - Anh là người ngoại đạo nhưng đứng trước tượng Thánh cũng thấy lòng mình nhẹ hẫng huống chi em là con chiên ngoan đạo.
       - Tình yêu có sự chứng giám của Thiên Chúa đó là niềm phúc lạc cho muôn loài anh biết không?
       - Lạy chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ngự trên trời, xin Chúa hay cho con lấy được người con yêu và ban phúc lạc cho tụi này, A men!
       - Anh quỉ thật, đã là đấng Thánh linh thì luôn bao dung và độ lượng có phân biệt ai đâu. Thôi, khuya rồi ngủ đi! Nàng nghiêng người qua phía anh như con thỏ ôm vầng trăng, hơi thở đều đều ấm áp…
                                                        **
       Kinh koong…kinh koong…kinh koong.. sắp sáng rồi sao anh? Nàng nghiêng người chồm lên vén màn nhìn ra, vì sao mai lúng liếng chòng chọc nhìn qua khung cửa sổ, nàng gọi anh thức dậy để chuẩn bị đến Thánh đường, như mọi lần, họ tắm gội trang điểm thay quần áo xong rồi lên đường. Vừa ra tới hiên nhà thì chiếc Camry màu huyết dụ tiến lại gần, đèn chiếu pha lóa mắt, một người đàn ông cao lớn bước vội như muốn ngã gập, lù lù dừng lại trước mặt. Ông Cao Sơn, mắt trợn ngược trắng dã đưa tay chỉ vào hai người ấp úng: Chúng…chúng mày… rồi ngã quị như bức tượng đổ sập , trong phản xạ tự nhiên, anh cùng nàng lao tới chống đỡ, nhưng nặng quá, nàng hét gọi người tài xế và gia nhân đưa ông vào nhà xoa dầu hô hấp, miệng ông méo xệch, tay chân tê cứng, nàng thu xếp những đồ dùng cần thiết vội vàng, gọi người quản gia cùng đưa ngay ông vào bệnh viện. Ánh trăng tàn xuống núi, ảo mờ xuyên qua màn sương mỏng dưới hàng cây hai bên đường. Kinh koong…kinh koong…kinh koong…tiếng chuông giáo đường đổ dồn, vang vọng, nàng lẩm nhẩm nguyện cầu: Lạy Chúa! Chúng con là kẻ có tội,xin lạy Đức Chứa Trời tha tội cho chúng con, nhân danh Cha, Con, Thánh, Thần A Men… Anh lặng lẽ thả bộ rẽ sang đường bóng anh khuất dần vào đêm tối.
       Vào phòng hồi sức cấp cứu vị bác sĩ trực tiếp cho biết ông bị tai biến, cũng may là kịp thời nên không đến nỗi nguy kịch, vì tuổi ông đã cao (ngoài tám mươi) nên việc chữa trị cũng có phần khó khăn, nếu dùng thuốc đặt trị thì bệnh chóng phục hồi hơn, thuốc này phải mua ngoài chừng khoảng gần ba triệu một mũi. Nàng hỏi Bác sĩ và cô ý tá đứng bên cạnh rồi mở ví rút hai trăm đô là nhờ họ mua giúp, còn bao nhiêu xin biếu lại, nàng cũng không quên gửi người hộ lý một ít thù lao để nhờ những việc lặt vặt cần thiết, Khi mũi thuốc được chích xong một lúc, ông từ từ tỉnh lại, mở mắt nhìn và đưa bàn tay yếu ớt nắm chặt tay nàng, hai dòng lệ dài xuống má, miệng ấp úng:
       - Cảm ơn em đã cứu tôi!
       - Ông nghỉ cho khỏe đi, em thật có lỗi với ông mà! Nàng đưa khăn lau giọt nước mắt cho ông.
       - Không đâu! Mười năm qua tôi đã làm khổ em! Tôi thật có lỗi.
       Mấy ngày sau gia đình ông Cao Sơn từ Mỹ về, người vợ ông, người đàn bà có nước da trắng hồng với mái tóc bạc phơ, uốn ngắn trông vẻ quí phái, bà nhìn nàng mỉm cười thân thiện làm giảm khoảng cách ái ngại của hai người, và nắm tay nàng dẫn lên phòng khách nói nhẹ nhàng.
       - Chị thật tình cảm ơn em đã thay chị chăm sóc cho ông nhà suốt thời gian qua, là cũng phụ nữ với nhau, chị rất am hiểu và thông cảm với em điều ấy, em còn son trẻ lắm, mai này em cũng phải lo sống cho cuộc đời riêng mình, con ông Cao Sơn và chị ở cái tuổi này cũng chóng mai một thôi. Ngồi trước mặt bà, nàng cảm thấy như một con chiên tội đồ nghe những lời bao dung của đấng bề trên. Vài hôm sau đó, nhờ thuốc men và sự chăm sóc, sức khỏe ông Cao Sơn được bình phục, người con trai cả của ông triệu tập cuộc họp Ban trị sự bãi nhiệm chức giám đốc của nàng, thu hồi mọi tài sản về công ty và anh ta thay cha lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, trước sự phủ quyết bất ngờ ấy, ông Cao Sơn chóng mặt nghẹn lời khoát tay phản đối. Nhưng vợ ông thì buộc người con trai phải trả lại chức vị cũ cũng như mọi thứ cho Hoài vì nàng đã có công gây dựng sự nghiệp cho công ty và sự thiệt thòi của Hoài như vậy là quá nhiều rồi. Ngày mai bà sẽ đưa ông về Mỹ. Tiễn ra phi trường Nàng đến chào ông bà, đoạn nâng bàn tay ông trao lại chiếc thập tự. Đêm bình yên và cô tịch nàng trở về phòng thu xếp đồ đạc, bỏ lại tất cả ra đi./.

 
  Trở lại chuyên mục của : Trần Quang Ngân