TRẦN THÙY LINH
CHOẢN THÈN
Ngày Trở Lại
Ngày Trở Lại
Mới có ba năm mà bản nhỏ biến đổi tới không còn nhân dạng.
Mỗi khi nhớ về Y tý là trong tôi luôn hiện lên những ngôi nhà trình tường, mái rạ phủ đầy rêu xanh tựa vào núi ẩn hiện trong mây. Bản ở trong thung lũng, hay bản ở lưng chừng núi, đều là những nếp nhà như thế quây quần bên nhau và bao quanh bởi những ruộng bậc thang cũng hàng trăm năm tuổi . Nơi đây là quê hương của những người Hà nhì.
Những ngôi nhà được làm từ đất nện tường dày, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, cho vào khuôn gỗ dày, giã nhuyễn tới khi khô thì gỡ khuôn. Từng lớp dày khoảng 40cm được chồng lên nhau theo cùng một cách làm như vậy, cho đến khi chúng kết thành một khối tường vững chắc, cao khoảng 4 - 5m, cứng như bê tông và bền vững tới hàng trăm năm. Mái nhà của họ thường được lợp bằng nhiều lớp rạ nên rất dày và là lớp cách nhiệt rất tốt. Tuy nhiên giờ đây, phần lớn những mái rạ truyền thống đã được thay thế bằng mái tôn. Để làm được một ngôi nhà trình tường rộng chừng 50 - 70m2 phải mất tới năm, sáu tháng với rất nhiều nhân công.
Vào mùa lúa chín hay mùa nước đổ những bản Hà nhì ở Y tý đẹp như những bức tranh. Choản Thèn là một bản cổ đã hơn 300 năm tuổi, quê hương của gần 60 gia đình người Hà Nhì đen. Con đường đất xuyên qua bản quanh co uốn lượn. Những cây đào đẹp cả khi trơ cành khẳng khiu. Những bức tường trăm năm tuổi, hàng rào tre và những đống củi khô cho mùa đông, ngô treo trên mái và chó chạy trên đường...tất cả đều là một vẻ đẹp tự thân, không cần tô vẽ. Kể cả bằng ngôn từ.
Trở lại Choản Thèn khi biết nơi này đã trở thành 1 trong 6 phân khu trọng điểm của Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đã được phê duyệt. Đường làng đã được bê tông hoá, toàn bộ mái rạ đã đựơc thay bằng mái Phibro xi măng. Bản nhỏ giờ đã có vài Homestay. Nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp đến ngỡ ngàng. Choản Thèn đã là điểm du lịch cấp tỉnh. Và con đường để bản cổ trở thành làng đồng bằng chắc sẽ không còn xa nữa.
Con đường xuyên bản của tôi hôm nay vắng lặng. Không còn những đứa trẻ tôi từng say mê ngắm qua ống kính năm nào. Những cây đào đã lác đác trổ bông nhưng tôi không chụp nổi tấm hình nào. Màu xám lạnh lẽo của phibro xi măng lấn lướt cái nồng ấm của những bờ tường đất. Những người đàn ông đi phượt ồn ào trong Homestay, ồn ào cả trên con đường duy nhất dẫn về phía cuối bản, nơi có hai cây Kháo rừng đã thành huyền thoại. Vài người đàn bà đứng bên giỏ Kiwi,mời tôi mua. Họ nói Kiwi hái trong rừng. Những trái Kiwi nhỏ như đầu ngón tay cái, chua loét.
Tôi đuổi theo một bà cụ mặc đồ Hà nhì rất đẹp đang mải miết bước. Tới cái cổng có mái rạ duy nhất trong bản, cụ xua tay khi tôi vừa cất lời : “Bà ơi... “,“ Mày cho tiền đi” - rồi chỉ vào cái máy ảnh tôi đang đeo. Mái tóc đen nhánh lúc lắc trên đầu bà. Những lọn tóc dày được kết thành hai bím lớn quấn vòng quanh và kết thúc bằng một chùm bông ngay giữa đỉnh đầu, khiến bộ tóc trông như chiếc vương miện. Một chiếc khăn màu chàm có đường viền thổ cẩm nhiều họa tiết được phủ lên trên và buông hờ xuống vai.
Tôi bỗng nhớ da diết chuyến thăm bản Lao Chải cũng ở Y Tý năm trứơc. Những trang sách trong cuốn du ký “ Đi như tờ giấy trắng” tôi viết bỗng hiện về, như mới ngày hôm qua. Trong ấy có những đứa trẻ và những con mèo, có người đàn bà Hà nhì hiền hậu cho tôi đội bộ tóc lễ hội trong căn nhà đất tối um mà ấm sực, cho tôi ăn cơm - vì nhà chỉ có cơm, có chàng trai áo chàm cho tôi quá giang trên con xe cà khổ...
Bầu trời cuối thu đầu đông nhuốm màu bàng bạc. Giữa mùa mây mà mây đi vắng. Mặt trời cũng không long lanh trên bản nhỏ như năm nào. Tôi chơ vơ giữa những luống rạ lởm chởm trên các bậc thang. Chợt nhớ lại những dòng đã đọc đâu đó trên mạng trước ngày tới đây : Để trở thành điểm du lịch cấp tỉnh, thôn Choản Thèn cần tiếp tục được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, xây dựng các tuyến trekking, điểm check-in, tạo ra các sản phẩm du lịch, thành lập ban quản lý du lịch cộng đồng... vân vân và mây mây.
Mây còn đâu nữa, hỡi phù vân?
Tôi đến bên hai cây Kháo rừng trên con đường bề bộn vật liệu xây dựng. Người ta đang xây một bờ kè bằng bê tông xung quanh gốc cây, chắc là chuẩn bị làm điểm Check-in cho “ điểm du lịch cấp tỉnh”. Rồi mai đây, chiếc đu với những sợi dây rừng vốn chỉ xuất hiện trong Lễ hội của người Hà Nhì, chắc sẽ thường trực ở nơi này.
Tôi đã cầu xin Thần cây: Hãy cứu lấy Choản Thèn.