Đồng Tháp Có Cỏ Vàng Nở Hoa
Chúng tôi thực hiện chuyến đi ngắm loài hoa cỏ này ngay vào đầu mùa xuân Bính Thân. Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là một trong 2.220 khu Ramsar trên thế giới .Vườn quốc gia Tràm Chim với khoảng 7.500 ha rừng đặc dụng, là nơi có hệ sinh thái động thực vật phong phú nhất trong vùng Đồng tháp mười.
CHUYẾN XUYÊN RỪNG KỲ THÚ
Diện tích các trảng cỏ ngập nước theo mùa thuộc quần thể đồng năng rất lớn, trong đó có tới khoảng 50ha Hoàng đầu ấn tại chốt Chiến Thắng A4 và A5. Đây là một loài thuộc gia đình cỏ vàng (Xyridaceae) có tên khoa học là Xyris indica L. Mùa hoa hoàng đầu ấn bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 2 âm lịch hằng năm, tùy theo con nước. Mỗi ngày Hòang đầu ấn chỉ bắt đầu nở hoa duy nhất trong thời gian từ 11 giờ tới 14 giờ, nên du khách cần tính toán lộ trình để kịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa cỏ này.
Từ hai năm trở lại đây, Vườn quốc gia Tràm Chim đã bắt đầu chào tour thăm cánh đồng hoa Hoàng đầu ấn. Số lượng du khách ngày một tăng. Dịp tết Nguyên Đán Bính Thân vừa qua đã có hàng ngàn du khách thăm đồng hoa mỗi ngày, dù hoa chưa thực sự nở rộ. Mỗi cuối tuần tháng hai năm nay, trung tâm đón khoảng 500-600 khách một ngày, theo thông tin từ Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim. Có hai cách để tới vùng bưng biền khu A5 nơi loài cỏ này đang trổ bông. Du khách có thể di chuyển bằng đường bộ (khoảng 10Km) hoặc đường thủy (35 km, bằng ba phương tiện: xe điện, tắc ráng và đò chèo).
Chọn con đường thủy xuyên qua Vườn quốc gia hóa ra lại là một quyết định sáng suốt của chúng tôi. Thấp thoáng sau hai hàng cây tràm bông vàng là con kênh uốn lượn với những đầm sen hồng đặc trưng không thể thiếu của vùng ngập nước này. Con đường mới làm chạy dọc theo những cánh đồng lúa thơm ngát đang kỳ trổ bông ánh lên một màu xanh biếc dưới nắng. Thi thoảng, lại có những đồng lúa chín sớm, điểm xuyết màu vàng mặn mòi trong bức tranh yên bình và toàn bích của vùng sông nước. Sau khoảng 4 km xe điện, chúng tôi lên tắc ráng. Con đường thủy xuyên qua vườn quốc gia dài khoảng 30 km vô cùng kỳ thú. Đã nhiều lần tới Tràm chim vào mùa nước nổi, nhưng chưa lần nào chúng tôi gặp nhiều chim và cò như trong chuyến đi vào mùa khô này. Từng đàn cò trắng, cò ma, cò ốc, cò quắm, giang sen… những loài chim không thể biết hết tên bay rợp trời theo chiếc tắc ráng. Hai bên bờ, những con cúm núm, choi choi, còng cọc, diệc lửa, bìm bịp và chiền chiện…. bình thản đậu trên những ngọn cây hay lò dò kiếm ăn trên những cánh đồng cỏ ống, cỏ năng. Vào mùa xuân (từ tháng giêng tới tháng 6) khi nước rút, là mùa chim sinh sản và về trú ngụ tại Tràm chim.
KHI CỎ NỞ HOA
Sau một tiếng đồng hồ thỏa sức ghi lại những shoot hình về các loài chim trên cánh đồng cỏ, chúng tôi rời tắc ráng và lên một chiếc đò chèo qua một dòng kênh nhỏ, trước khi đi sâu vào vùng bưng biền mênh mang hơn 5 ha đang mở ra trước mắt. Thoạt nhìn, tưởng như đó chỉ là một đồng cỏ năng kim thuần túy một màu xanh và màu cỏ cháy dưới ánh mặt trời. Những lối mòn trên cánh đồng cỏ thân cứng cũng tạo ra sự chuyển động rất thú vị về hình dáng và màu sắc mà không phải cánh đồng cỏ nào ở Việt nam cũng có được. Sau khi lội bộ khoảng 1 km- nhìn đồng hồ đúng 11 giờ - màu của cánh đồng bắt đầu chuyển sắc. Hoa hoàng đầu ấn đang nở. Đó là một loài cỏ có hình rẻ quạt, thân hình ống khá cứng dài khoảng 10-20cm, gốc màu đỏ, thân màu xanh và trên đầu mang nhiều búp hoa màu nâu. Cảm giác rất thú vị khi quan sát ba chiếc cánh vàng nhỏ xinh, trong veo, nở xòe ra từ khối búp như một chiếc ấn. Trên mỗi búp, chỉ có khoảng từ một tới hai bông nở cùng một lúc. Khi các búp hoa đã nở hết, cỏ sẽ khô và lụi dần. Trong vòng một giờ đồng hồ, cả cánh đồng cỏ đã nhuộm một màu vàng rực. Không gian đầy tiếng chim, tiếng rì rì của những đôi cánh ong về lấy mật và màu thơm của cỏ phảng phất, vấn vương. Anh Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Vườn quốc gia Tràm chim, cho chúng tôi biết, khi hoa hoàng đầu ấn tàn sẽ là lúc cỏ năng kim sinh sôi nảy nở. Củ năng kim là thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ, loài chim biểu tượng của Vườn Quốc Gia Tràm Chim và đang có nguy cơ ngày càng hiếm đi trên thế giới. Hiện nay, các đề án bảo tồn và phát triển đang được thực hiện tại Tràm chim đã góp phần làm Vườn quốc gia này phục hồi đầy ấn tượng trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên nhiên, dân số .v.v. trong thời gian qua. Theo đó, cùng với việc phục hồi lại nhiều diện tích những cánh đồng cỏ tự nhiên và rừng ngập mặn, sẽ có thêm nhiều loài hoa khác đặc trưng của miền bưng biền Đồng tháp để khám phá như: Nhĩ cán tím, nhĩ cán vàng, thủy nữ,v.v… Trung tâm Du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim cũng xây dựng nhiều tuyến điểm thăm quan đa dạng như: tour thăm quan bãi chim sinh sản, tour trải nghiệm cuộc sống ngư dân, hay tour thu hoạch lúa trời… tùy theo mùa.
Chúng tôi tiếc nuối rời cánh đồng cỏ vàng khi những bông hoa Hoàng đầu ấn đã bắt đầu thu cánh, kết thúc hai giờ ngắn ngủi mang sắc hương đến cho đất trời. Lòng du khách như còn mãi vấn vương về một trản hoa cỏ vàng kỳ lạ giữa những cánh rừng tràm. Vào mùa xuân trong bưng biền Đồng tháp, có một loài cỏ vàng nở hoa.
Box:
Để có thể ngắm những đồng lúa đang mùa ra bông, du khách có thể chọn cung đường dài 150km từ TPHCM- Đức Hòa - Thạnh Hóa - Trường Xuân - Tràm Chim. Trung tâm Du lịch và và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện nay có 7 chiếc xe điện, 17 chiếc tắc ráng và 6 chiếc xuồng kéo phục vụ du khách. Tour đi thăm hoa có giá 300.000,-đồng một người, bao gồm tàu và hướng dẫn viên. Chỗ dừng chân nghỉ ngơi và phục vụ ăn uống trong rừng tràm hiện nay tương đối đơn sơ, nhưng rất phù hợp với môi trường cảnh quan, không nên thay đổi. Tuy nhiên, bến bãi lên xuống tắc ráng và nhất là bờ đê trước khi lên đò nhỏ vào cánh đồng hoa còn quá sơ sài, ẩn chứa nhiều nguy cơ té trượt, nhất là đối với các du khách lớn tuổi. Việc phát triển du lịch khám phá như hiện giờ vườn quốc gia Tràm Chim đang thực hiện là hướng đi đúng. Nhưng giữ cho sự tăng trưởng du lịch ở mức độ nào, để sự phát triển là bền vững và du khách không trở thành những „nhân tố“ tàn phá thiên nhiên hoang sơ vẫn còn là bài toán hóc búa. Theo thiển ý của chúng tôi, không nên tổ chức quá nhiều loại hình tour trong giai đoạn thử nghiệm này.Vườn quốc gia cũng không nên đón khách du lịch đại trà. Trên đường vào cánh đồng hoa, chúng tôi cũng thấy nhiều lối đi do du khách tạo ra, khiến hoa và cỏ bị gãy nhiều. Rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu của các địa phương khác như Lễ hội hoa Tam giác mạch ở Hà giang, hay khu „ hoa vàng trên cỏ xanh“ tại Phú Yên v.v...,có lẽ Trung tâm du lịch cần vạch ra lộ trình nhất định cho du khách di chuyển trên cánh đồng hoa, cũng như cần có thêm những bảng thông tin thân thiện với môi trường về Vườn quốc gia cũng như loài hoa Hoàng đầu ấn tại điểm thăm quan. Tour du lịch vào vườn quốc gia nên là tour mang tính giáo dục cao đối với mọi tầng lớp du khách, vậy nên đội ngũ hướng dẫn viên cần là những người có kiến thức và hiểu biết về Vườn quốc gia.