TRẦN THÙY LINH
Dự Hội Đầu Xuân
Dự Hội Đầu Xuân
Sau một cái Tết tất bật với những lễ nghĩa, phong tục, sau những ngày đầm ấm đoàn viên bên gia đình ở quê hay ở phố, người ta lại có nhu cầu du xuân. Đi để xem đất trời chuyển mình trong một không gian mới, để được hòa mình vào nhịp sống và những lễ hội khác lạ, chỉ một năm mới có một lần.Theo tín ngưỡng ngàn đời của người Việt, những chuyến du hành đầu xuân như một sự khởi đầu mới cho hành trình trong năm, sẽ mang lại cho bạn một năm may mắn và hạnh phúc. Bạn sẽ đi đâu vào những ngày đầu năm này trên đất Việt?
RA BẮC HAY VÀO NAM?
Nếu bạn hướng về phía Bắc, thì vùng núi Tây Bắc trong không khí của mùa Xuân tháng Giêng sẽ là lựa chọn thích hợp. Một tour du lịch năm ngày bốn đêm khởi hành từ thứ sáu từ Hà nội đi Lào cai, Sa pa và các vùng phụ cận sẽ đưa bạn về gần hơn với thiên nhiên, gần hơn với sự đa dạng của các sắc tộc vùng núi. Đường cao tốc mới hoàn tất là một thuận lợi cho chuyến đi của bạn. Nhờ thời gian di chuyển được rút ngắn, bạn sẽ có thêm thời gian cho những "shoot" hình thiên nhiên hùng vĩ bước vào một hành trình mới của cuộc sinh tồn, hay la cà trong chợ phiên chủ nhật tại Bắc Hà.
Nếu bạn là người yêu sông nước và miệt vườn Nam bô, thì có thể một tour du lịch trên sông bằng thuyền trên sông, từ Sài gòn hoặc từ Cần Thơ, Vĩnh Long, sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn một đồng bằng trù phú trong mùa " tháng giêng là tháng ăn chơi". Sẽ là môt cái thú khi đạp xe hay đi đò chèo trên những cồn cây rợp bóng mát, khi đây đó vẫn vàng rực lên màu của cúc mâm xôi, vạn thọ, và xem nắng mới vuốt ve những dàn bông giấy đủ màu phủ đầy trên những hàng rào và cổng tre đơn sơ. Để thấy mùa xuân đã đến bên mình và một năm mới thật yên bình đã bắt đầu.
VÀ KHÔNG THỂ THIẾU LỄ HỘI
Ngày xuân đi chùa, với người Việt là điều quá thường tình. Còn lễ hội ư ? Nhiều người sẽ nói: xin miễn cho! Phải ghi nhận rằng trong năm nay chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị các lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Hội Lim v.v..., nhưng thực trạng chung tại các lễ hội vẫn làm nản lòng du khách vì sự xô bồ và lộn xộn, khiến phần hội (chợ) nhiều hơn phần lễ . Việt nam hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm trong cả nước. Chỉ riêng trong thời điểm tháng 2 và 3 Dương lịch hàng năm sau tết Nguyên Đán là hàng lọat lễ hội đặc sắc : Hội Chợ Viềng (Nam Định), Chợ Âm Dương và Hội, Hội Vật Liễu Đôi (Hà nam), Lễ Hội Cổ Loa (Hà nội), Lễ hội Chùa Bái Đính ( Ninh Bình), Hội Xuân Yên Tử (Quảng Ninh), Hội Chùa Hương (Hà tây), Hội Đầm Ô Loan ( Phú yên), Hội Cầu ngư (huyện Phú Vang, Huế), Lễ hội Kỳ Yên ( cúng đình) tại các làng phía Nam và phía Bắc, Lễ hội bà Đen ( Tây Ninh) v.v.... Đi lễ chùa và dự hội đầu xuân luôn là một phong tục đẹp của văn hóa Việt còn được lưu giữ tới ngày nay. Thôi thì trong lúc chờ có một "phép xuân nhiệm màu" nào đó trả lại đúng tinh thần của từng lễ hội lớn ngàn năm tuổi, vẫn có cách để thỏa mãn thú du xuân tháng giêng của mình bằng những lễ hội nhỏ hơn, nhưng lại đậm nét truyền thống hơn, phải không?
Tour "Rong chơi tháng Giêng" sẽ bắt đầu từ Hà nội, đến làng đào Nhật tân và tìm nghệ nhân Lê Hàm, nghe anh nói về đào Thất Thốn. Thứ đào kỳ lạ này chỉ nở khi muôn loài đào khác đã phai màu, rã cánh vào độ giêng, hai hàng năm. Loại đào này chỉ trồng được ở Nhật tân, và dù cho các nghệ nhân đã tìm ra bí quyết ép đào nở vào đúng dịp tết, nhưng vẫn là một cái thú vô cùng tao nhã khi được ngồi thưởng thức chén trà xanh nóng hổi, ngắm những cánh hoa thắm hồng, khi những trộn rộn của ngày tết đã qua đi. Mùa đông còn như ngập ngừng trước một sắc xuân đang tràn về. Có một mùa xuân đến muộn trên những gốc cây xù xì ấy. Nếu bạn tới từ phương nam của mai vàng và nắng chan hòa, có lẽ bạn sẽ cảm nhận hoàn toàn khác về một mùa xuân phương bắc qua những cánh đào nở muộn.
Chùa Kim Liên, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, sẽ là điểm dừng chân tiếp theo. Chùa được lập từ thời Lý, nguyên để thờ Phật và công chúa Từ Hoa. Sau nhiều lần được tu sửa qua các triều đại Lý, Trần, Lê ... nay là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất mang dáng vẻ kiến trúc cung đình với nhiều hoa văn hình hổ phù, hoa sen, rồng chầu và mây khắc trên vì kèo, đầu cột bằng gỗ. Mỗi mùa tháng Giêng, nhất là vào ngày rằm tháng Giêng - Lễ Thượng tiệu, các chùa Bắc, Trung, Nam, đều đông nghẹt người đi lễ Phật, nhưng chùa Kim Liên , với tôi vẫn là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ lại được sự trang nghiêm và vẻ cổ kính của một ngôi chùa xứ Bắc
Hành trình tiếp theo sẽ dẫn bạn đi xa Hà Nội khoảng 50km, tới với Đền Và, miếu Mèn, chùa Mía và làng cổ Đường Lâm, quê hương của hai Vua Ngô Quyền và Phùng hưng. Từ mùng 8 tới mùng 10 tháng Giêng là lễ hội truyền thống của làng cổ Mông Phụng, thuộc xã Đường Lâm, một địa danh nổi tiếng vùng đất Sơn tây linh kiệt với những ngôi nhà hơn 300 năm tuổi, những bức tường đá ong độc đáo, những giếng nước và những ngôi đình cổ mái đao. Giống như những đình và đền khác thuộc Sơn Tây, tại lễ hội làng Mông Phụng người ta làm lễ tế thánh Tản Viên, cũng là Thành hoàng của làng. Vào ngày này, đình Mông Phụ được trang hoàng cờ phướn đẹp hơn ngày thường rất nhiều. Lễ tế được cử hành bằng bài tế trang nghiêm của chủ tế là các vị cao niên của làng. Sau lễ tế sẽ là lễ rước kiệu Thành hoàng. Nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, đá gà, đập niêu được tổ chức ngay trên sân đình.
Đến Đường Lâm, bạn đừng quên thưởng thức những món bánh cổ truyền đặc sắc của làng như bánh tẻ, bánh nếp và bánh tro. Đến quán không tên nằm ngay khu vực cổng làng Mông phụ nổi tiếng bên một hồ sen, bạn có thể thưởng thức những món đặc sản của Đường lâm như món gà Mía hấp lá chanh, thịt lợn quấn lá lốt, ngô ( bắp) chiên, thịt heo quay dòn kiểu Đường lâm và nhiều món hấp dẫn khác. Chủ quán là vợ chồng anh Vững, một gia đình gốc mấy đời tại Đường lâm, rất vui tính, nhiệt tình và có thể là "hướng dẫn viên" tuyệt vời trong hành trình du xuân của bạn trên vùng đất linh sơn hào kiệt này.
Có thể sắp xếp một lộ trình tour hai ngày một đêm, nghỉ lại homestay hoặc những nhà khách trong làng vào đêm trước hội, để bạn có thể cảm nhận được hết không khí của một hội làng Bắc Bộ trong một không gian truyền thống độc nhất vô nhị, đồng thời để thăm được hết các di tích nói trên. Ở lại thêm một buổi sáng nữa, bạn có thể tiếp tục thăm thú những đình cổ từ thế kỷ thứ 17, những tuyệt tác về kiến trúc, như Đình Chu Quyến và đình Tây Đằng. Bạn cũng có thể thuê xe đạp, đi một tour từ làng Mông Phụ tới những làng lân cận hít thở không khí của đồng quê vào mùa đâm chồi nảy lộc, ghé thăm đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền và Giếng sữa. Đã có một thời, những ngôi đình xứ Bắc là nơi lưu giữ hồn cốt của một vùng, là nơi thờ tự thiêng liêng, là nơi tụ họp, điểm son của nền văn hóa làng xã, là nơi mỗi người con của đồng bằng sông Hồng đi xa luôn nhớ về và nô nức rủ nhau " Tháng Giêng-mùa lễ hội. Tháng Giêng - về hội làng.