Hoa Nắng
Tôi sinh ra ở ngõ Hà nội, gần chùa Vua và phố Huế, trong một ngôi nhà kiểu Pháp của bà nội, có thiên tỉnh, có giếng nước trong mát lạnh và một sân thượng với những tán ổi xum xuê. Gọi là ngõ, nhưng rộng như những phố cổ ở Hà nội thời đó. Ngôi nhà đó đã lưu giữ biết bao kỷ niệm gia đình và cho tôi những cảm nhận đầu tiên về thiên nhiên mỗi mùa cây bàng thay lá và khi cây ổi đơm trái thơm lừng. Một sự cố gia đình đã đưa đẩy chúng tôi rời xa phố, đưa thời niên thiếu của tôi tới một căn hộ chật hẹp 28 m2, tuốt trên tầng 4 của một khu tập thể thuộc ngoại ô thành phố lúc đó. Chúng tôi may mắn có được căn hộ đầu hồi, với một khung cửa sổ rộng hết mảng tường, nhìn thẳng xuống khu vườn giữa hai dãy nhà. Và may mắn làm sao, nơi đó người ta trồng toàn bằng lăng và phượng vỹ, cây nào cũng cao và to, để khung cửa sổ nhà tôi luôn tràn ngập màu xanh và ánh nắng mỗi khi hè về. Có cảm giác, thò tay ra là chạm được vào màu xanh, và vươn người tới là hòa mình được vào đỏ, vào tím…
Những ngày tháng thời bao cấp và hậu chiến tranh, người lớn thấy khổ quá. Trẻ con chẳng bao giờ thấy khổ. Người lớn chắc cũng không thấy khổ, khi họ còn trẻ con. Ngày ấy, xuân cũng như thu, đông cũng như hè, có một cô bé dậy từ 4 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở đứng xếp hàng ở vòi nước công cộng dưới tán cây phượng, rồi hai tay hai xô nước leo lên tầng tư. Lần nào cũng vậy, cứ đến tầng hai, nơi có cái sân là mái che cầu thang, bao giờ cô bé cũng dừng lại, để nghỉ mệt, và để ngắm những cành phượng sà vào tận bên trong. Những cành phượng mềm mại uốn cong, mang theo những mắt lá xanh li ti, xếp lên nhau từng lớp như lông chim. Quanh năm suốt tháng một màu xanh, xanh non ở ngọn và xanh già ở gần thân, xuân hạ thu đông. Một loài cây không bao giờ rụng lá, mang tên “đuôi con chim phượng” đã ở lại mãi trong ký ức hồn nhiên của cô bé ấy.
Bà tôi nói rằng, người Pháp mang cây này vào trồng từ khi bà còn bé tí. Ngày chạy loạn giặc Pháp, bà đưa bố tôi đi trốn ở trong một cái hang trên núi, đã thấy có cây phượng đỏ ối ngoài cửa hang. Bà nói, thời đó người ta gọi là Điệp tây. Bố tôi vốn thông thạo tiếng Trung, thì nói tên của nó là Phượng hoàng mộc. Sau này khi học ngoại ngữ, tôi được biết tên của nó là Flamboyant trong hầu hết các ngôn ngữ, nhưng xuất phát từ “ ngọn lửa” của tiếng Pháp. Đã có biết bao bài thơ, những áng văn và nhiều bài hát ngợi ca hoa phượng của tuổi học trò áo trắng. Thời của chúng tôi ở Hà Nội, nữ sinh chưa được mặc áo dài trắng. Để sau này, mỗi khi chờ đón con gái tan học ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (SGN), nhìn những tà áo trắng tung bay, chợt như thấy những cánh phượng hồng đang sà xuống như năm nao trong ký ức. Và khi thăm lại trường xưa, nhìn cây phượng già đã thành cổ thụ trong sân trường, không một nhành hoa, đứng yên lặng lẽ, chợt như nghe lao xao lũ con trai con gái trong dãy hành lang rộng với những ô cửa sổ đón những cánh phượng đỏ ối ngày xưa. Thời gian như dừng lại. Cây phượng của chúng tôi đã ngừng nở hoa. Để những cây phượng mới mọc lên, lại đỏ rực trên những tà áo trắng và những chiếc xe đạp học trò hôm nay.
Mùa hè năm 1986, tôi đặt chân trở lại Việt nam sau một thời gian xa quê hương trong một chuyến về thăm gia đình. Không thể tưởng tượng được rằng mọi thứ lại lạ lẫm với mình đến thế. Những con bò ung dung gặm cỏ ngay cạnh đường băng khi máy bay hạ cánh. Một biển người tóc đen, xe đạp và còi xe máy inh ỏi. Khói và bụi. Vui mừng và thất vọng. Những hàng cây bên đường như xơ xác hơn và như khoác một lớp áo màu xám tro. Đêm đầu tiên trằn trọc trên sàn gạch đá hoa mát lạnh mà vẫn thấy nóng hừng hực, nhìn ra khung cửa sổ, nơi có ánh trăng vằng vặc của đêm rằm, chợt thấy một sắc đỏ, rực lên trong trăng. Tự nhiên thấy lòng dịu lại. Và biết rằng mình đã về nhà. Phượng vỹ ơi, mình đã về nhà!
Sau này, tôi đã gặp lại phượng vỹ ở nhiều nơi với nhiều sắc độ khác nhau của màu đỏ. Màu đỏ của phượng vỹ “nói” lên biết bao điều. Có biết bao nắng gió, có biết bao kỷ niệm và cảm xúc của mỗi người chúng ta trong cái màu đỏ ấy. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh hoa phượng, nhưng vẫn chưa cảm thấy “đã”. Màu đỏ hồng của phượng Sài gòn, màu đỏ cam của phượng Hải phòng, Ninh Bình, những cây phượng cổ thụ trên đường đi Đà Lạt, những cây phượng trên đường đi Bà Rịa-Vũng tàu và nhất là những tán phượng đỏ rực rỡ như mâm xôi gấc mẹ nấu trên đường phố Hà nội những ngày hè tháng Năm này. Một màu đỏ hiếm thấy, sâu thăm thẳm mà vẫn đầy đam mê, đầy ánh sáng. Như cây hoa Nắng. Tôi đã gặp phượng vàng, được trồng nhiều ở khu Nam Sài gòn. Tôi cũng đã gặp cây phượng trắng, cây phượng duy nhất trổ bông màu trắng ở Việt nam, trong một villa tại đường Phù Đổng Thiên Vương ở Đà Lạt. Tôi đã vẽ những cây phượng tím, được trồng nhiều ở quảng trường chợ Đà Lạt và bên hồ Xuân Hương. Những bông hoa phượng tím và trắng cũng mọc thành chùm, nhưng có cấu trúc hình chuông, và mang màu đơn sắc, khác hẳn hoa phượng đỏ. Cây hoa nắng của tôi có những cánh hoa như những chiếc lông chim mượt mà nhất với những vệt màu, vàng, hồng, trắng…vô cùng ngẫu hứng. Và đài hoa với 5 cánh dài thanh mảnh, bên dưới màu vàng, bên trên thì màu đỏ, như một ngôi sao, đỡ lấy những chiếc cánh lông vũ đỏ mềm mại kia. Một màu đỏ rực rỡ của loài chim lửa, nổi bật trên những sắc xanh của lá, không thể lẫn.
Với tôi, loài phượng đơn sắc kia, dẫu có mang trong mình những dịu dàng, những mềm mại, dẫu cũng là vẻ đẹp lạ, vẫn không thể thu hút bằng phượng đỏ. Thế mới biết, cái gì cũng cần có thời gian. Để hiểu và cảm được một loài hoa, cũng cần phải có thời gian. Và để hiểu được “hồn”của hoa, cần phải có một tình yêu.
Và, muốn vẽ được vẻ đẹp đặc biệt của loài hoa mang màu nắng ấy, cần phải có nắng trong tim.