Hoa Tre
Loài hoa 60 năm mới nở
Vẫn chưa bao giờ hết ngạc nhiên vì những gì gặt hái được qua các chuyến đi. Không chỉ vì sự bí ẩn của thiên nhiên là không biên giới và hiểu biết của con người là hạn hẹp, mà còn vì những điều ngẫu nhiên, những đưa đẩy tình cờ mà ta hay gọi là „duyên“ nữa. Trong những chuyến đi gần đây, đã có được những trải nghiệm mà đôi khi có đốt đuốc lên cả đời đi tìm cũng không thấy: Thoát khỏi mối nguy hiểm bị rắn cắn, thăm được một trong những ngôi chùa tuyệt đẹp thuộc loại cổ nhất Việt nam ít được biết tới... Và, gặp loài hoa
chưa từng thấy, loà hoa từ 60 đến 100 năm mới nở một lần.
Không phải ai cũng biết rằng tre cũng có nụ, ra hoa và kết trái. Những lũy tre làng ở đồng bằng Bắc Bộ hay vùng Trung Bộ đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc với đa số người Việt. Mà thói đời, những gì quen thuộc thì hay bị coi thường và bỏ qua. Dù trước kia tôi cũng hay giới thiệu cho bạn bè quốc tế về các loài tre tại Việt nam, ý nghĩa hình tượng và các đặc tính ứng dụng của chúng. Rằng trên thế giới có khoảng 1.200 loài tre, và Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về diện tích tre nứa với 194 loài tre trúc thuộc 26 chi đã được phát hiện và xếp loại. Rằng đây là loài thực vật thân gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh nhất trong số các thực vật cùng loài trên thế giới: trong vòng 5 năm chúng đã trưởng thành và có thể tồn tại đến 100 năm. Rằng một cây tre thông thường mỗi ngày „ lớn“ lên 10 cm; rằng có một số loài tre cứ hai phút lại cao lên một milimet. Với một người không chuyên như tôi, nhớ được tên những chi cơ bản của cây tre đã là một cố gắng lớn lắm rồi : nào là Tre gai, Trúc, Luồng, Vầu, Nứa, Sặt, Mây, Le, Tầm vông, Lồ ô v.v và v.v. .
Nhưng trước đây, tôi chưa từng thấy hoa tre. Phải từ 60 đến 100 năm, cây tre mới trổ hoa một lần duy nhất. Đó cũng là lúc loài cây can trường này kết thúc vòng đời của mình.
Từ cung đường trên núi cao nhìn xuống, mặt nước hồ xanh biếc và rừng tre mềm mại nổi bật trên những doi đất đỏ rực rỡ đã thu hút sự chú ý ngay lập tức. Theo một lối nhỏ, tôi dừng chân bên ngôi nhà sàn đơn sơ ngay bên bờ hồ sông Đà. Theo quán tính, tôi lao ra bến sông, và lập tức dừng ngay lại bên rặng tre. Không thể tin vào mắt mình: từng chùm nụ tròn lạ mắt, kết thành một dây dài, đang đong đưa trong tiếng xào xạc của rừng. Hoa Tre. Những dây hoa nở ra từ mắt tre già cỗi buông dài xuống từ trên cao, có chỗ như một tấm màn. Những nụ hoa này giống những búp măng thu nhỏ, xù xì màu nâu xen lẫn màu xanh. Tôi chụp hình những chùm nụ đang treo mình trên những cành tre gai tua tủa và thật sự tiếc khi đã không mang theo ống macro để có thể chụp gần hơn nữa.
Chỉ tới giây phút bấm máy những tấm hình ấy, tôi mới cảm nhận được một cách đầy đủ nhất cái gọi là „ thần thái“ của tre, sự can trường và quả cảm của loài cây quá đỗi quen thuộc này. Quá trình tụ bông, kết trái của tre có gì đó giống như truyền thuyết về con phượng hoàng lao mình vào ngọn lửa, đầy khắc khoải và đau đớn. Sau vụ hoa duy nhất này, những cây tre sẽ khô kiệt dần, tàn úa dần, lá sẽ khô đi và cây sẽ chết. Khi nụ kia bung ra, và những cánh hoa hình sợi màu vàng, rồi quả tre xuất hiện, đó là lúc rặng tre này sẽ thôi rì rào. Bao nhiêu tháng nữa? Cần bao nhiêu lâu để những bông hoa đặt một dấu chấm cho cuộc đời trăm năm của rặng tre bên hồ ? Cho tới nay, câu trả lời cho câu hỏi tại sao tre lại lâu ra hoa đến thế, và tại sao sau khi bừng nở cây lại chết, vẫn còn là một bí ẩn.
Tôi nghe nói, tre ra hoa là một hiện tượng rất hiếm, và sự nở hoa của tre cũng nhuốm màu bí ẩn khi các nhà khoa học khẳng định một hiện tượng kỳ lạ rằng: tre luôn nở đồng loạt ở tất cả các nơi trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý và khí hậu, nếu được nhân giống từ cùng một cây mẹ. Cấu trúc gene tương tự nhau, đã dẫn tới hiện tượng đặc biệt của cây tre mà họ gọi là "trổ hoa theo bầy". Tự nhiên tôi nhớ tới truyền thuyết mẹ Âu cơ trăm trứng của người Việt. Đâu phải ngẫu nhiên mà có huyền thoại về Thánh Gióng cầm cây tre đuổi giặc?
Người ta nói, phải là người rất may mắn mới được nhìn thấy tre ra hoa. Tôi mới chỉ thấy vô vàn những nụ hoa tre nhỏ bé như những đôi mắt hấp háy từ trên cao đang hé nhìn, nhưng đã thấy mình là người vô cùng may mắn khi được ở đúng nơi, đúng thời điểm, ngay khi cây tre đang bung hết sinh lực của mình sau hàng chục năm tồn tại nơi vùng hồ ấy.
Âu đó cũng là cái duyên cho bức tranh tre trúc đã hứa với một Thiền sư. Và là cái duyên của một chuyến du hành.