TRẦN THÙY LINH


Hồn Chợ Việt

 

Buổi sáng đọc báo Tuổi trẻ thấy tin, chợ Đầm tròn Nha Trang sẽ không còn nữa. Vậy Nha trang sẽ ra sao? Tự nhiên lại nhớ những tấm hình đã chụp ở nơi xưa-kia-từng-là-chợ-Mơ (Hà nội), nhớ tới biết bao mái lều chợ dọc theo chiều dài chữ S đã bị phá bỏ để những khối bê tông „chợ“ mọc lên, hoang vắng, lạnh ngắt vì bị chối từ. Lại cứ miên man nhớ về những ngôi chợ dọc theo những chuyến đi….

Những ngày mới đưa những ông tây bà đầm đi dọc ngang thăm xứ mình, tôi cũng không chú ý nhiều về những ngôi chợ trên đường đi hay ở nơi mình tới. Đã nghĩ rằng văn hóa vật thể là thứ gì đó phải thật lớn lao, phải thật hòanh tráng, như những công trình kiến trúc cổ, như những đình, những chùa, những lăng tẩm vua chúa. Hoặc ít ra phải là những lọai hình văn hóa phi vật thể trong những buổi biểu diễn nhạc dân tộc. Cứ nghĩ rằng, khách du lịch muốn tới những địa danh nổi tiếng, nhìn ngắm những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoặc lạ mắt với họ. Ấy vậy mà thật ngạc nhiên khi thấy tần suất đưa lên của những chiếc máy ảnh trước một cảnh đẹp thiên nhiên lại thua xa những khi xe đi ngang qua một ngôi chợ nhỏ bên đường. Chợ Việt nam có gì mà thu hút thế ?

Nếu bạn là phụ nữ, có lẽ một trong những công việc hàng ngày, một trong những thói quen của bạn chắc chắn là đi chợ. Ngày nay, phụ nữ nói „ chạy ra chợ một tí“, ngay cả khi nơi họ tới là siêu thị, sáng choang, hàng hóa ngồn ngồn, ngay hàng thẳng lối trên kệ, với những chiếc máy tính tiền và những cô nhân viên mặc đồng phục sẵn sàng phục vụ bạn. Bấm tiền có khi không một lời nói, và trả tiền cũng chẳng một câu thưa. Tôi cũng gọi đi siêu thị là đi chợ, nhưng cái „ chợ“ ấy thật khác xa cái „ chợ“ trong tiềm thức của tôi. Nhớ ngày xưa, bà nội có một cái sạp báo ở ngay gần chợ K.L, Hà nội. Mỗi sáng đi lấy báo ở phố Đinh Lễ về cho bà bán, có một cô bé cứ nấn ná ngồi không chịu về. Ngồi để nhìn ngắm người ta đi chợ buổi sáng, để nghe người ta chào hỏi bà: cháu gái lớn thế, và nghe bà cười hiền hậu đáp lời hỏi thăm lại. Trong mắt trẻ con ngày ấy, cái chợ cóc K.L đó như một thiên đường của sự tươi rói và các sắc màu với cá bơi và tôm quẫy, với rau củ xanh non, rổ ớt đỏ au, mớ hành trắng nuột nà, và củ khoai nâu tím..., của mùi vị tỏa ra từ các lọai bánh gói lá chuối lá dong, của ngào ngạt đường từ những chảo bánh rán, và của những âm thanh lao xao hỏi giá hỏi tiền….

Vào một ngày tháng mười cách đây đã lâu, chúng tôi khởi hành lúc 5 giờ sáng từ Qui Nhơn ra Đà nẵng. Trời thì mưa lâm râm, còn người thì gà gật. Tự nhiên, chòang tỉnh, nghe ồ à ầm ĩ, thế là dừng xe. Một rừng nón lá trắng xóa hiện ra bên ngã ba sông. Một cái chợ nhỏ dưới chân cầu, lầy lội bùn. Cả đòan ông Tây bà đầm tràn ra cầu, lia lịa bấm. Mưa phùn như một tấm màn mỏng khóac lên những chiếc nón lá và phủ lên những lao xao của bình minh còn ngái ngủ. Nón trắng nổi bật trên xanh đỏ áo mưa tạo nên một quang cảnh thật lạ mắt. Chợ đấy, chợ ven sông.

Vào một ngày tháng mười năm trước, chúng tôi đi lễ chùa và dừng lại thăm một ngôi đền có tiếng là linh thiêng ở gần Lạng Sơn. Ngay lối vào của đền là một cái chợ nhỏ, bán toàn đặc sản địa phương: măng rừng tươi và muối chua, những phản thịt lợn đen, trái mắc mật, trái vả, rau rừng các loại, những trái gấc đỏ rực, linh tinh những đồ hàng xén, rất nhiều loại bánh quê làm từ bột gạo và đặc biệt thật là nhiều dao và thớt gỗ nghiến. Một cái chợ tỉnh lẻ, họp ngay ngã ba đường, một không khí gì đó đầy chất núi rừng và có gì đó tâm linh khi việc mua bán sinh hoạt của người trần đều diễn ra dưới sự chứng giám của thần linh. Chợ đấy, chợ đường cái.

Những cái chợ lớn nhỏ như vậy, ở nứơc mình nhiều lắm. Bạn đã đi những chợ cá ở vùng biển, họp ngay trên bờ cát, khi thuyền vừa cập bến ở Lộc An, Quảng Ninh, Qui nhơn, Phú Yên hay Sa Hùynh? Hay những phiên chợ vùng cao ở miền tây Bắc, Đông bắc và cao nguyên Trung bộ, đẹp chói lòa với những váy áo thổ cẩm và má ai trắng hồng ? Hay những chợ nổi vùng sông nước Cửu Long với những ghe xuồng đầy cây trái ? Bạn đã bao giờ nghe tên Chợ Rồng ở Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Nghệ An, Hà tây…? Những chợ ven sông lớn phía Bắc thường mang tên chợ Rồng, phải chăng vì luôn gắn với nứơc? Chợ miền Bắc thường họp ở gần cầu, trước cửa hoặc gần đình làng, cổng làng – những nơi tâm linh, gắn liền với văn hóa làng xã của người Việt. Đi chợ còn là đi giao lưu, là đi „chơi chợ“, là đi chào hỏi nhau „ từ đầu chợ tới cuối chợ“. Ai đã từng tới những phiên chợ nón làng Chuông, hay chợ quạt làng Vác (Hà tây) ắt hẳn chẳng thể nào quên được khung cảnh và không khí đặc biệt của những ngôi chợ làng nghề xứ Bắc. Có vài ngôi chợ ở những thành phố lớn cũng để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách: Chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, chợ Hàn, chợ Đầm và chợ Bến Thành là những ngôi chợ mang tính biểu tượng của từng thành phố. Mỗi ngôi chợ đều là chứng nhân lịch sử của từng địa danh ấy. Là nơi mà bạn thấy rõ nhất một xã hội thu nhỏ với những con người, tập tục và cả sự phát triễn của địa phương ấy. Và dù lớn dù nhỏ, dù là có nhà lồng chợ hay không, là chợ có lịch sử xây dựng lâu đời, kiến trúc cổ kính hay chỉ là chợ chồm hổm, mỗi ngôi chợ đều là những thực thể sống không thể thiếu được trong đời sống của người Việt xưa và nay.

Ở mỗi vùng, mỗi miền, các chợ đều mang đậm tính bản địa như vậy, không chỉ là vì những sản vật khác biệt, mà là vì mỗi chợ đều mang trong mình cái hồn của vùng đất đó. Cái linh khí của đất, cái hồn của người làm nên hồn của chợ. Đó chính là điều mà cái gọi là „chợ siêu thị“ kia không thể nào sánh được với những ngôi chợ mà tôi đã từng đi qua.


  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh