Hương Mùi Già
Tặng những ngừơi mẹ, ngừời cha và những người con xa xứ...
Vào ngày đầu tiên của năm mới, những ngừơi trẻ lại kéo nhau đi hết. Sau kỳ nghỉ đón Giáng sinh và năm mới, rồi thì ai cũng phải đi làm và đi học. Người mẹ ngồi bên cây thông Noel và thắp lên một ngọn nến. Hương tinh dầu mùi già lặng lẽ, chầm chậm lan toả khắp căn phòng. Ngọn nến đặt trong chiếc bình thuỷ tinh, hắt ánh sáng lên thành bình tráng bạc, làm lay động hình vẽ những cành hoa tuyết trắng giữa hai lớp bình. Nhấp nháy, nhấp nháy, chỗ vàng, chỗ trắng.
Những bông hoa tuyết bạc gợi nhớ bao mùa đông đã xa của người mẹ. Một thời vô tư lự, một thời cũng từng hăm hở ra đi như những người trẻ bây giờ. Một thời chưa hoặc ít khi nghĩ rằng mình là “của để dành” của ai. Mà tại sao lại coi con cái là của để dành được? Cho đến bây giờ đầu đã hai thứ tóc, nhưng chị vẫn thấy mình không giống số đông, không thể coi con cái là của để dành. Nhớ khi xưa chị vẫn luôn được người nhà “dạy dỗ”: “chăm cho con đi, rồi sau này nó báo hiếu”, hay “ con lớn rồi, mẹ tha hồ mà nhờ nhé”. Nghiên cứu văn hoá Việt cũng nhiều, chắc cũng đủ để hiểu những quan điểm ấy đến từ đâu và tại sao lại thế. Nhưng chị không nghĩ và sống như vậy, để đôi khi đã thấy mình thật lạc lõng, thật đơn độc giữa đám đông. Dù cho có là người mang lại sự sống cho những đứa con, không bao giờ thể coi một người khác như “của cải” của mình được, chị luôn nghĩ thế. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cũng như tất cả những người mẹ khác, chị không bao giờ quên giây phút đầu tiên khi thấy sự sống mang hình hài nhỏ xíu trong vòng tay mình. Không người mẹ nào có thể diễn tả được cảm giác đó một cách đầy đủ nhất, nhưng người mẹ nào cũng cảm nhận được điều đó một cách trọn vẹn nhất. Điều đó cũng là quá đủ, là đặc ân mà tạo hoá ban cho phụ nữ rồi, đủ biết ơn rồi. Sao phải tham lam giữ cuộc đời người khác làm của mình? Và xa hơn nữa là lấy quyền làm cha mẹ, can thiệp vào những quyết định trong cuộc đời con cái, hay tệ hơn nữa là đòi hỏi chúng báo đáp cho những gì thuộc về bổn phận của người tự nguyện sinh ra chúng. Chị biết quan điểm của mình không được nhiều người đồng tình. Nhưng chị vẫn tin rằng, những đứa trẻ có nên người hay không , chẳng phải do chúng nhận thức được mình là “ của để dành” của ai đó, mà là do nhiều yếu tố khác, trong đó “nếp nhà”- cách hành xử, thái độ, quan điểm sống của cha mẹ, ông bà- và sự giáo dục mà chúng được nhận ở tuổi vị thành niên, là quan trọng nhất.
Những người trẻ đã đi xa, nhưng họ sẽ còn trở về. Chị thấy mình phải cám ơn trời đất vì điều đó. Vì ngoài kia có những người mẹ đã vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại con họ nữa. Những ngày giáp năm mới 2019, có những ngừời trẻ đã ra đi mãi mãi, vì tai nạn, vì khủng bố, vì bệnh tật, vì nhiều lý do không ai muốn. Những ngày đầu tiên của 2019 có những nỗi đau mang hình hài Mẹ. “Của để dành” là gì, khi rõ ràng là sự sống mới là điều đáng kể. Và con người - liệu phải tự nhắc cho mình nhớ điều đó bao nhiêu lần mới đủ, để có thể trân trọng từng phút giây khi còn thở, khi còn bên nhau?
Những người trẻ đã bay về nơi họ sống. Nhưng người mẹ biết, Việt nam luôn là nhà của họ, và họ luôn trở về khi có thể. Không phải vì nghĩa vụ làm “ của để dành”, mà vì sự yêu thích thực sự, vì sự gắn bó với nơi chốn và nếp nhà mà họ đã sinh ra, cho dù thời thế có đổi thay, cho dù “nhà” có thể chỉ mang nghĩa tương đối. Không đòi hỏi gì, không bắt “ phải về nhà ăn cơm” mỗi ngày, nhưng người mẹ biết, những người trẻ ấy luôn thích những bữa cơm mẹ nấu, luôn biết cách sắp xếp thời gian cho những người mà họ quan tâm. Và nếu như trong sự sắp xếp những ưu tiên ấy, có sự thua thiệt ở một khía cạnh nào đó, thì cũng là điều người mẹ biết, mà không buồn. Vì các con chị đã vui. Vì chị là mẹ. Đơn giản vậy thôi. Con cái không bao giờ là của để dành, mà có chăng cha mẹ nên để dành sự tự do cho con cái, để dành những “nếp nhà” phù hợp với thời cuộc cho con cái, chứ không phải dùng những “ nếp nhà” duy ý chí của mình áp đặt lên con cái. Một ngày nào đó những người trẻ ấy cũng sẽ là cha là mẹ, và với nếp nhà mà chị đã được thừa hưởng từ gia đình cha mẹ chị, đã dày công gìn giữ và xây dựng cho những người trẻ ngày nay, chị tin rằng họ sẽ cảm nhận và hành xử y như chị hôm nay.
Căn phòng đã ngập tràn hương mùi già, nhắc người mẹ nhớ về những mùi giáp Tết ở nơi chị sinh ra. Năm nào chị cũng cùng mẹ đi chợ, mua một bó mùi già khổng lồ về nấu. Chị đã yêu biết bao những buổi đi chợ như thế. Hương mùi già luôn gợi cho chị nhớ về mùi đông Tết lạnh, luôn đưa chị về với không gian căn nhà cũ, về với mẹ và bà nội. Hương mùi già cùng hương hoa sữa, màu hoa nắng phượng hồng và hoa tím bằng lăng đã làm nên ký ức gọi là nhà nơi chị. Với chị, tình yêu quê hương bắt đầu từ nếp nhà và những gì giản dị mà chị luôn thương nhớ như vậy; những bài đạo đức hay được rao giảng đã trôi theo gió như lá mùa thu không ký ức. Chị luôn tin rằng có rất nhiều người giống chị. Điều có thể làm để giữ cho tình yêu quê hương, vốn dĩ nghe rất trừu tượng và có chút giáo điều, thực ra lại rất đơn giản, nhưng không bao giờ có thể làm được, nếu người ta không ý thức và cố gắng. Giống như một ngôi nhà, không giữ được những “nếp” tử tế, liệu con người trong đó có đựợc hạnh phúc hay không ? Những người trẻ của nhà chị hôm nay không có ký ức về hương mùi già. Họ có những ký ức khác. Ký ức về những sáng thứ bảy hàng tuần trên xe máy, khi người mẹ chở họ đi lòng vòng qua nhà thờ Đức Bà, ngang qua công viên, Bảo tàng rợp bóng cây xanh, để giúp họ học thuộc từng tên đường, địa danh. Ký ức ngộ nghĩnh như khi ra đường nhìn bảng số xe chạy để học môn tính cộng. Giờ khi nghe họ nhắc lại, người mẹ lại thấy cuộc đời như chưa từng trôi đi cùng năm tháng. Những buổi sáng như thế trong nhiều năm trời, đã giúp họ nhận diện nơi chốn họ sinh ra và làm nên ký ức của riêng họ hôm nay. Vô vàn những ký ức như thế đã hiện diện trong hai mươi năm đầu đời của những người trẻ. Không phải ký ức nào cũng là niềm vui, không phải thời kỳ nào cũng suôn sẻ trong cuộc sống gia đình, trường lớp và xã hội. Mỗi thế hệ phải và có quyền có ký ức và những trải nghiệm của riêng mình. Ngừời mẹ luôn hy vọng rằng, những gì đọng lại, phần lớn sẽ là những ký ức đẹp đẽ, dù cho khung cảnh, môi trường, cuộc sống và con người ở quê hương họ có đổi thay đến thế nào. Một khi họ còn lưu giữ được những điều đó, một khi trong họ còn sống mãi những nếp nhà tử tế, hướng thiện, thì dù họ có đi xa tới đâu, họ sẽ vẫn trở về.
Người mẹ thắp lên một ngọn nến. Hương tinh dầu mùi già lặng lẽ, chầm chậm, lan toả khắp căn phòng. Chị nhấc điện thoại : “ Chúc mừng năm mới, Mẹ!”
(Mùa Tết Kỷ Hợi- 2019)