TRẦN THÙY LINH


Ký Sự Xuôi Dòng Cửu Long

 

1. Chợ nổi Cái Bè - Cửa ngõ của hành trình

Vào một ngày cuối tháng tư 2016, chúng tôi theo tàu xuôi theo dòng Cửu long giang. Sau nhiều năm chưa có dịp lênh đênh trên dòng sông này, nay thực hiện chuyến đi trong bối cảnh nhiều vùng thuộc châu thổ đồng bằng sông Cửu long đang bị giặc mặn và nạn hạn hán hoành hành. Miền Trung thì đang sôi lên như trong chảo dầu, vì biển bị nhiễm độc, lượng cá chết ngày một nhiều, ngư dân lao đao khốn đốn. Chưa bao giờ mà vấn nạn về môi trường lại tác động lên cuộc sống người Việt cụ thể đến thế, trực tiếp đến thế và kinh hoàng đến thế. Trôi trên dòng Mekong rộng lớn và thấp thỏm mang trong mình một mối lo cho những địa danh vốn nổi tiếng trù phú một thời. 

Chợ nổi Cái bè dù chưa khi nào được đánh giá cao bằng chợ Cái răng, Phong Điền hay Phụng Hiệp về độ sầm uất bán buôn và hấp dẫn, nhưng vẫn luôn là cửa ngõ cho du khách bắt đầu một hành trình khám phá dòng Mekong và những cù lao nức tiếng vùng châu thổ. Chợ nổi Cái bè của tháng tư 2016 đìu hiu hơn hẳn những năm trước. Nhưng những căn nhà sàn hai bên sông ở khu vực này thì lại hầu như không mấy thay đổi, ngoại trừ sự biến mất của những làng nghề mà tôi từng đặt chân tới : làng gốm Vĩnh Long đã mất tên, những lò gạch bông theo phương pháp cổ truyền từng được du khách rất say mê cũng đã không còn. Thay vào đó là những điểm dừng chân giống hệt nhau: Lò làm kẹo dừa, bánh tráng, làm cốm, nấu rượu, những quầy lưu niệm bán tranh chép, thổ cẩm, lưu niệm Trung quốc…Những quầy hàng san sát nhau trong cái nóng hầm hập, dù là ngay bên bờ sông. Những em bé níu kéo du khách mua thiệp, những người dân ngồi bên sạp hàng thờ ơ nhìn khách qua lại. Dù không có cảnh nườm nượp như đi chảy hội mà tôi luôn thấy tại các điểm tương tư tại Mỹ Tho, Bến Tre, nhưng quang cảnh đó cũng làm bất cứ người nào đã biết một Cái bè, Vĩnh Long mộc mạc, hồn hậu khi xưa phải nhói lòng. Không thể phủ nhận, du lịch đã mang lại nhiều thứ. Nhưng du lịch cũng đã lấy đi quá nhiều.Phát triển hoàn toàn không có nghĩa là phải phủ nhận bản sắc. Nhưng để phát triển mà vẫn giữ được bản sắc, cần phải có tầm nhìn, cần phải có đủ lực, đủ kiến thức và hiểu được sức mạnh của sự liên kết trong phát triển chung của vùng. Hay nói một cách chán ngắt: Phải có tâm và có tầm. Nghe vậy ai cũng hiểu. Nhưng để thấm và để làm được, dễ có mấy người?? Và suy rộng ra, thì cũng có khác gì đề tài thời sự đang nóng hôi hổi : cá hay thép?

2. Chạm vào quê hương, thật gần...

Tương truyền, từ thời khẩn hoang tới khi người Pháp đặt chân tới đây, vùng Cái Bè là nơi sinh sống của hai dòng họ đầy quyền lực và và danh tiếng là PHAN và TRẦN. Vì vậy, đa số các ngôi nhà lớn, cổ kính được xây dựng trước 1945 hầu như đều thuộc về hai dòng họ này, tập trung tại Hòa Khánh và Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Nổi tiếng nhất có ba ngôi nhà của Ông Cai Huy ( 1868), Ông Út Kiệt (1838) và nhà ông Ba Đức (1938).

Thuyền chúng tôi cập bến tại Đông Hòa Hiệp, một ngôi làng cổ hình thành từ thế kỷ 18. Có hơn 3.000 hộ dân đang sống tại 6 ấp, chủ yếu nhờ vào những vườn cây ăn trái: Những mái nhà thấp thoáng giữa vườn cây . Nhà nào cũng có hàng rào bông bụt trổ bông đỏ rực và khu vườn lớn. Con đường nhỏ men theo sông, đón gió mát rượi. 

Ngôi nhà gỗ của ông Trần Tuấn Kiệt, một trong những ngôi nhà cổ nhất làng, là nơi chúng tôi chọn ghé thăm. Được biết, trong khuôn khổ của một dự án trùng tu nhà cổ Nam bộ do tổ chức JICA của Nhật tài trợ, ngôi nhà có niên đại 1838 này đã vượt qua 355 ngôi nhà cổ khác tại Tiền giang và là một trong 9 ngôi nhà cổ trên toàn quốc được dự án này chọn trùng tu vào năm 2003. Toàn bộ kiến trúc kiểu chữ Đinh , 5 gian 3 1. Chợ nổi Cái Bè - Cửa ngõ của hành trình

Vào một ngày cuối tháng tư 2016, chúng tôi theo tàu xuôi theo dòng Cửu long giang. Sau nhiều năm chưa có dịp lênh đênh trên dòng sông này, nay thực hiện chuyến đi trong bối cảnh nhiều vùng thuộc châu thổ đồng bằng sông Cửu long đang bị giặc mặn và nạn hạn hán hoành hành. Miền Trung thì đang sôi lên như trong chảo dầu, vì biển bị nhiễm độc, lượng cá chết ngày một nhiều, ngư dân lao đao khốn đốn. Chưa bao giờ mà vấn nạn về môi trường lại tác động lên cuộc sống người Việt cụ thể đến thế, trực tiếp đến thế và kinh hoàng đến thế. Trôi trên dòng Mekong rộng lớn và thấp thỏm mang trong mình một mối lo cho những địa danh vốn nổi tiếng trù phú một thời. 


3. Về "Nhà Người tình" ở Sa Đéc

Rời Cái bè tàu đưa chúng tôi xuôi dòng sông Tiền về Sa Đéc. Không thể phủ nhận rằng, thành phố nhỏ bên bờ sông Tiền này có một sức cuốn hút ghê gớm ở sự duyên dáng mà hiếm có thành phố nào thuộc châu thổ đồng bằng sông Cửu long có được. Sa Đéc hấp dẫn không chỉ vào mùa Tết với bạt ngàn rẫy hoa đầy màu sắc, mà còn vì, đây còn đang là một „phố-làng„ giữ được bản sắc tốt nhất tại đồng bằng sông Cửu Long. Những con đường làng xưa cũng đã được bê tông hóa gần hết, nhưng nhà, vườn, người và khung cảnh vẫn như xưa. Mỗi năm tôi đi Sa Đéc tới 3-4 lần, vào những mùa khác nhau, mà vẫn luôn thấy có nhiều điều để khám phá. Lần này là một tour xe đạp hơn 10km, vòng vèo trên những con đường phía nam làng hoa Tân Qui đông, tránh khu trung tâm của làng luôn đông đúc du khách. Con đường làng không một bóng người, mát rượi với tre trúc, những cổng hoa và cây trái um tùm, chạy dọc theo một con kênh có những cây cầu tre lắt lẻo bắc ngang. Gà, vịt, chó chạy chơi trên đường .Trên những giàn tre phía sau hàng rào thưa, là những vườn ươm cây kiểng, những cây lá màu còn non, rực rỡ trong nắng. Thỉnh thoảng màu vàng của hoa bò cạp lại nổi bật lên trên nền xanh ngắt của vườn cây ăn trái.

Đến Sa Đéc, không thể không ghé thăm ngôi nhà cổ nổi tiếng của ông Huỳnh Thủy Lê mà giờ đây du khách quen gọi là „Nhà Người tình“, dựa theo câu chuyện tình diễm lệ và tiểu thuyết của nữ văn sĩ người Pháp M. Duras. Ngôi nhà được thương gia người Hoa tên Huỳnh Cẩm Thuận, cha của ông Huỳnh Thủy Lê, xây bằng gỗ theo kiểu Quảng Châu vào năm 1895, Năm 1917 ông cho sửa mặt tiền theo kiểu Pháp, nhưng bên trong vẫn giữ lối kiến trúc và nội thất kiểu Hoa với những bao lam sơn son thiếp vàng và án thờ quan công ngay giữa nhà. Gạch lát nền nhà được nhập từ Pháp vào năm 1917, đến nay vẫn còn như mới. Khác với những ngôi nhà cổ ở Cái Bè hay Bến tre, Bạc Liêu, có lẽ nhà cổ của „ Người tình“ hút khách chủ yếu nhờ cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên. Nhiều người còn đặt phòng qua đêm tại đây với hy vọng thưởng thức được không khí như trong tiểu thuyết, dù nhân vật chính hầu như ít sống trong ngôi nhà này. Ấn tượng nhất với tôi trong ngôi nhà là những chi tiết của bao lam, những chạm khắc tinh xảo motive chim, hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng và sự kết hợp đẹp của cách trang trí Đông - Tây trên những cánh kính. Ngoài ra thì ngôi nhà cổ này toát lên một ể oải và trễ nải, vì thiếu sự chăm sóc và đã khá xuống cấp, nhất là phần la phông trần, khu vực sân trước (làm chỗ để xe), logia (dùng để bàn nước) và toàn bộ khu vực phía sau nhà có phần lộn xộn. Cũng là tình trạng chung trong khá nhiều di tích tại Việt Nam. Đây đó vẫn thấy thiếu một bàn tay chăm chút cho những gì cần được trân trọng và giữ gìn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng là " trình" quản lý di tích của nhà cổ Ông Kiệt tại Cái Bè hơn đứt di tích nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê tại Sa đéc về nhiểu phương diện.

4.Long Xuyên

Long Xuyên được biết tới như một thành phố phát triển chủ yếu về mua bán lúa gạo và chế biến thủy sản (nuôi cá basa). Nằm bên bờ Tây sông Hậu, Long Xuyên không phải là một điểm đến hấp dẫn của tỉnh An Giang như Châu Đốc, nơi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và tôn giáo nổi tiếng. Có lẽ chúng tôi cũng sẽ chỉ ghé ngang Long Xuyên kiểu „ cưỡi ngựa xem hoa“ nếu thực hiện chuyến du hành này bằng đường bộ. 
Đi tàu trên sông, chuyến đi mang một sắc thái và cho ta những góc nhìn khác hẳn.

Bình minh rực rỡ trên Sông Hậu

Rời Sa đéc và sông Tiền, tàu lênh đênh trên sông Hậu, ngang qua nhiều ngôi làng và thị trấn nhỏ trong ánh chiều tà của buổi hoàng hôn. Gió phần phật thổi trên bong, trái ngược hẳn với cái nắng nóng gay gắt như khi chúng tôi còn trên bờ. Nếu như không trải qua những thời khắc trên sông, khó có thể hình dung ra một cuộc sống đường thủy sôi động đến vậy. Rất nhiều sà lan lớn trở cát, nhiều tàu chở đầy trấu và nhiều ghe xuồng chở hàng liên tục ngược xuôi trên sông. Qua ống kính tele, cuộc sống ven sông dân giã như những thước phim quay chậm hiện ra trước mắt. Từ ngàn đời nay, con sông trở đầy phù sa vẫn là nguồn sống của người dân nơi đây. Người ta đánh cá, làm lúa và trồng rau, tắm rửa và giặt giũ bên bờ sông. Những bến sông với những cây cầu tre dưới bóng si già um tùm, tưởng như chỉ còn trong những câu chuyện kể, nối đuôi nhau chạy dài theo dòng sông. Những ngôi làng chìm dần vào bóng đêm khi mặt trời dần khuất, tiếng côn trùng nỉ non trên bờ hòa vào tiếng ì ì của con tàu, khiến dòng sông bỗng trở nên đầy bí ẩn. 

Sau một giấc ngủ không mộng mị trong những cabin nhỏ hẹp, chúng tôi vừa thưởng thức bữa sáng trên bong tàu vừa đón bình minh trên sông. Ngay lúc mặt trời vượt lên trên rặng cây phía xa, cả bầu trời đang từ màu xanh xám pha hồng cam bỗng nhuốm vàng ngày một nhanh. Sắc độ của màu vàng ngày càng mạnh hơn. Nhưng điều cuốn hút hơn cả lại là dòng sông chứ không phải bầu trời. Mặt nước lóng lánh trong một sắc vàng rực rỡ ở nơi ánh mặt trời đi xuyên qua. Buổi bình minh trên sông thật quá khác so với bình minh trên biển. Cứ nghĩ rằng mặt nước nâu xám kia chẳng thể nào đủ hấp dẫn. Vậy mà quá bất ngờ khi được chứng kiến giây phút của bình minh vàng. Thiên nhiên quả thật diệu kỳ, và nếu như không đi, cả cuộc đời ta sẽ không bao giờ có được những giây phút rực rỡ, lộng lẫy đến vậy.

Bình yên ở chợ nổi Long Xuyên

Chúng tôi rời tàu, lên ghe nhỏ đi thăm chợ nổi Long Xuyên nằm tại phường Mỹ Phước cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 2km. Điểm khác biệt với những vùng khác là ở Long Xuyên, chợ nổi họp suốt cả ngày và vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ của sinh hoạt vùng sông nước miền Tây. Những thuyền hàng đậu dài hàng km trên sông, chủ yếu bán các mặt hàng nông sản như bí, khoai, cà, rau, củ và trái cây, nhiều nhất là dừa và chuối. Cũng giống như ở các chợ nổi miền Tây khác, những sản vật này được treo trên cây sào cao mà người địa phương gọi là „cây bẹo“, giúp thương lái nhận biết mặt hàng từ xa. Rất nhiều những ngôi nhà-thuyền san sát bên các thuyền hàng. Nơi đây có gần 400 hộ dân sống trên thuyền, tạo thành một làng ghe trên sông. Hầu hết những cư dân này từ Châu đốc tới đây lập làng hơn 10 năm trước, khi các nhà bè ở Châu Đốc phá sản. Họ sống bằng nghề lột dừa, bốc hàng mướn và buôn bán nhỏ. Quần áo phơi đủ màu, đủ kiểu dọc theo mạn thuyền. Không thuyền nào là không có ít nhất một chậu cây xanh. Những chiếc đò chèo nhỏ bé của mấy bà mấy chị chở theo đủ loại đồ ăn thức uống, từ nước giải khát, cà phê tới những nồi hủ tíu, bánh canh, bánh tầm…len lỏi giữa khối thuyền lớn, phục vụ người mua kẻ bán trên sông. Ở chợ nổi Long Xuyên, tôi vẫn có y nguyên cảm giác từng có tại mọi chợ nổi ở vùng sông nước Nam bộ: là chợ, nhưng không có cái xô bồ, hối hả của chợ trên bờ, không có trả giá, và cũng ít lao xao hơn. Dường như dòng sông đã làm dịu đi nhiều thứ. Nhưng không vì thế mà chợ nổi mất đi những thanh âm và sắc màu hấp dẫn. Cuộc sống sông nước diễn ra qua bộ mặt chợ thật nhẹ nhàng và bình yên.

Những toan tính ganh đua đã lùi lại rất xa

Điểm dừng chân tiếp theo của hành trình là Cù lao Ông Hổ, với hơn 20km đạp xe trên đường làng. Cù lao này do phù sa sông Hậu bồi đắp mà thành, nay thuộc địa phận xã Mỹ Hòa Hưng. Tại miếu Ông Hổ chúng tôi được những người dân kể cho nghe câu chuyện cảm động về một con cọp trung thành với gia đình người nông dân đã cứu mạng từ thửo khẩn hoang xưa. Dân làng mến thương con cọp tình nghĩa nên đã đặt tên cù lao này là Cù lao ông Hổ.
Chúng tôi ghé thăm một làng se nhang, nơi mà công việc đã được cải tiến đáng kể nhờ một loại máy se thô sơ tự chế. Nhang ở đây được làm từ lá của cây gòn. Người ta dùng luôn đường làng làm sân phơi lá. Sau khi khô, lá gòn được xay nhuyễn và pha thêm bột quế để tạo hương. Không xa làng se nhang là một cơ sở dệt lưới theo phương pháp cổ truyền với những chiếc máy có lẽ đã hàng chục năm tuổi. Trước kia Long Xuyên – cũng như nhiều tỉnh châu thổ sông Cửu long khác – nổi tiếng về những làng nghề như se nhang, làm bánh tráng, làm lưỡi câu, làm dầm chèo, chằm nón, dệt lưới, đóng ghe xuồng…, nhưng ngày nay các làng nghề cũng đang vào hồi thoái trào trước cơn lốc của thời hiện đại.

Con đường đưa chúng tôi đi ngang qua nếp nhà chạy dọc theo những con kênh chằng chịt và những con đường đầy cây ăn trái đang vào mùa. Vào mùa nước nổi, nước sông Hậu tràn vào những con kênh, mang theo tôm cá và phù sa cho cù lao này. Xoài lúc lửu bên những bờ rào và những cây mít trĩu trịt trái dưới gốc và cả trên cành. Không ở đâu mà tôi nhìn thấy những cây mít có nhiều trái đến thế. Ngay cả những ngôi nhà ở đây cũng khá đặc biệt. Rất nhiều nhà sàn, có lẽ để chống ngập mùa nước nổi. Nhà không có cửa, mà chỉ có một lối vào và tường mặt tiền là những lam gỗ đan chéo hoặc thành ô vuông, vừa lấy sáng vừa lấy thoáng. Hầu như nhà nào cũng có một ban công-logia ở phía trước. Dù là buổi trưa, vẫn có nhiều người nhàn nhã ngồi bên hiên nhà hay trong những quán nhỏ ven đường. Cuộc sống nơi đây giản dị và quá đỗi yên bình. Có cảm giác như bao sôi động ồn ã của chốn thị thành, những mối quan tâm nóng bỏng về thời cuộc, những toan tính ganh đua....đã lùi lại đâu đó, rất xa.


  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh