TRẦN THÙY LINH



Ký Ức Mùa NOEL

1. 
Sắp hết năm dương lịch rồi. Từ nhiều năm nay cứ mỗi khi Giáng sinh về đường phố Sài gòn càng thêm lộng lẫy với đen hoa, nhất là về đêm. Giáng sinh ở xứ nhiệt đới vẫn có cái lạnh se se, đủ để cảm nhận rằng mùa đã về. Tình hình kinh tế khó khăn đã làm sức tiêu thụ của các mặt hàng trang trí cây thông và hang đá giảm sút rõ rệt theo từng năm. Người Sài gòn rõ là đã thắt lưng buộc bụng hơn trước nhiều lắm, dù tại các trung tâm thương mại người ra vô vẫn nườm nượp mà các gian hàng thì vẫn đìu hiu. Người ta vào đó chụp hình với những cây thông giả, với những trái châu khổng lồ và các vật trang trí Noel là chính. Đuong phố trở nên đông đúc hơn hẳn, mà có lẽ ấn tượng nhất vẫn là dòng xe trên đường Đồng Khởi vào các tối cuối tuần. Dưới đuong, xe hơi các loại, xe máy chở ba, chở bốn, ken nhau nhích từng mét, gợi nhớ lại cái thời Sài gòn chẳng có chỗ chơi, đám thanh niên chạy "lòng dòng" hóng mát khi xưa. Trên hè, tấp nập khách du lịch, mà sao thấy khách Á đông hơn khách Âu? Mấy cô áo dài mời chào cho các spa; hàng trái cây, hàng thiệp bán rong ngồi đầy trên phố. Kể ra mấy cái thiệp cắt tỉa công phu cũng đẹp, vậy mà không thấy ai mua, cũng không thấy ai dẹp lòng lề đường như trước. Giá mà có thêm vài anh hoạ sĩ ngồi vung bút múa chân dung và thêm vài ca sĩ sinh viên đàn hát, thì chắc phố Sài gòn mùa Noel chẳng khác gì phố Tây...những ngày hè. Con gái nhận xét: Noel ở nước ngoài, người ta ở trong nhà, còn Noel ở nước trong, người ta ra ngoài Biểu tượng cảm xúc smile!
2.
Nói theo ngôn ngữ của thời đại mới: Có một "cái sự" nhớ mùa Giáng sinh nước Đức không hề nhỏ, dù rằng năm nào cũng bệnh, viêm amidan sốt đùng đùng, đúng dịp nghỉ Noel. Noel đầu tiên tại nứờc Đức ngập trong tuyết trắng. Chẳng thể nhớ nổi tên cái thị trấn nhỏ thuộc vùng núi Erzgebirge ấy, nhưng lại nhớ như in cái mùi gỗ thông ấm sực, khi đang từ tuyết lạnh bước vào phòng tiếp tân của khu nhà nghỉ nằm trên quả đồi cao ấy. Nhớ mãi những tiếng cừơi lanh lảnh, vô tư, lan mãi trên quả đồi tuyết, khi đám thanh niên lần đầu ngồi xe trựơt và má con gái hồng rực khi lạnh cũng như khi nóng. Tiếng lép bép của những cành thông, tiếng reo của ngọn lửa trong lò sưởi kiểu cũ, cùng mùi gỗ, mùi củi và mùi đặc trưng của thứ hương hình quả núi...đã làm nên một ký ức mang tên gọi Giáng sinh. Ở những khách sạn, nhà nghỉ hay cả trong nhà riêng tại Đức, người ta thường hay treo trên cửa hoặc bày trên bàn những vòng tròn kết từ lá thông được trang trí rất đa dạng với những trái thông, trái châu hay cả những cành khô, hoa khô. Nhà nào cũng có một cây thông thơm phức. Và cũng không thể thiếu được những vòng bán nguyệt bằng gỗ, bằng bạc hay bằng đồng, là những chân nến hay đồ trang trí, giúp cho ngọn lửa thêm lung linh rực rỡ. Những ông già ngậm tẩu- người cạo ống khói- bằng gỗ, sản phẩm thủ công tinh xảo của vùng núi nứơc Đức, không ngừng tuôn ra những luồng hương quyến rũ, mà tôi luôn không thể định nghĩa chính xác là mùi gì. Chỉ biết có cái nồng ấm trong đó, có mùi cỏ cây trong đó, có mùi của tuyết tan, của những bứơc chân tuần lộc...có sự mời gọi đoàn viên trong đó. Đã có bao mùa Noel, tôi đi học về khi trời đã tối từ lâu trong cái lạnh tê cóng, khi nhiệt độ đã xuống âm. Ngang qua những khung cửa sổ sáng đèn vàng ấm cúng, hắt lên những cây thông, những tuần lộc kéo xe, những vòng tròn lá treo trên cửa sổ hay những vòng bán nguyệt treo trên tầng áp mái như những con mắt hấp háy nhìn xuống đường. Đôi khi còn nghe mùi bò hầm ( Gulasch), mùi bắp cải tím nấu nhừ, mùi của sốt mù tạc vàng (Senf) hay mùi của rượu vang đỏ nấu quế và chanh (Glühwein) nóng hôi hổi bay trong gió. Đã có biết bao mùa Noel sau đó, trong những ngày hiếm hoi khi không bị cái amidan hành hạ, tôi mặc thật ấm và đi ra ngoài. Đắm mình trong cái lạnh của mùa. Chỉ để đứng ngoài, ẩn mình dứới những cành cây phủ đầy tuyết, nhìn vào ánh đèn vàng từ cửa sổ của bao ngôi nhà ấm áp. Để cảm nhận cái lạnh đưa bàn tay buốt giá của nó chậm rãi luồn vào tóc, vào tai, vào cổ và lan khắp người. Để bùng lên trong tim một ngọn lửa mang mùi lá thông, một khát khao lúc mang một màu đỏ thắm như bông hoa Sao giáng sinh ( Weihnachtsstern, tên Việt: trạng nguyên), lúc lại long lanh như một bông hoa tuyết trong những câu chuyện cổ của Anderson đọc từ thời thơ bé. Trong vài dịp như thế, có những lúc bứơc chân đưa tôi đến nhà thờ. Ngồi giữa những con chiên của Chúa, nghe lời giảng của cha xứ vang vang, lắng nghe tiếng đọc kinh trầm bổng, lắng nghe những giai điệu thiên thần từ dàn thánh ca trên cao vọng xuống. Và dẫu không phải là ngừơi theo đạo Thiên Chúa, thì câu chuyện về Đức chúa trời cũng như Mẹ Maria không hề xa lạ đối với tôi. Để sau này, mỗi khi nghe dàn Orgel ở bất kỳ nhà thờ nào vang lên, tôi lại nhớ về những đêm trứơc Giáng sinh ở Đức.
Kể từ ngày đó, Giáng sinh luôn mang một ý nghĩa thật đặc biệt với tôi. Trong ký ức của tôi về một mùa đông nước Đức luôn có những cánh rừng thông phủ đầy tuyết trắng trên dãy núi chúng tôi từng đi bộ hàng giờ, có mùi của cỏ, hương của gỗ, ánh sáng của lửa và âm thanh của thiên thần. 
Một mùa Giáng sinh nữa lại đang tới trên xứ tuyết và nơi miền nhiệt đới.
Chúc cả nhà một Giáng sinh an lành!
Thuỳ Linh
  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh