TRẦN THÙY LINH
Người Ngồi Đếm Nắng Đong Mưa
Người Ngồi Đếm Nắng Đong Mưa
1.
Có những lúc, ngày như không muốn đến, còn đêm thì trằn trọc kéo dài, vạn vật như tan biến trong màn đêm u tối, dù đèn vẫn sáng, gió vẫn lay và ti vi vẫn ra rả bản tin thời tiết. Chị ngồi mung lung nhìn qua ô cửa sổ, chẳng biết mình mong chờ gì. Mặt trời nặng nhọc nhô lên phía sau tòa cao ốc đối diện, như người đau khớp kinh niên, khó nhọc từng bước trên bậc thang cao ngất. Bên dưới tòa nhà khổng lồ là một bãi cỏ, một khu đất đã qui hoạch đang chờ đầu tư như ngàn vạn khu đất khác ở thành phố đang ngày đêm vật vã thành đại đô thị này. Những lúc như vậy, tưởng như cái thời khắc ánh sáng nhô lên sau tòa nhà kia kéo dài hàng thế kỷ. Vậy mà chỉ tích tắc chìm trong lơ đãng, chị đã thấy mình ngồi trong nắng.
Cái nắng sớm mai là nắng màu gì? Trong những giờ phút đầu tiên của ngày mới, chị thường thấy nắngmang vẻ xanh xao lặng lẽ. Một màu trắng xanh thật nhạt, pha trộn giữa màu xanh lá non và xanh lam sương khói, nhuốm thêm sắc non tơ yêu kiều của màu hồng đào. Cái nắng đó luôn làm chị nhớ tới thời xưa lắc lơ, mỗi sớm thức dậy rúc mặt và hít hà trong đám tóc non tơ của con gái để nghe tiếng nó cười khanh khách. Không hiểu sao, chị luôn thấy những tia nắng đầu tiên của ngày mới trong đám tóc tơ mềm mại ấy. Dường như theo năm tháng, đêm ngày càng trở nên dài hơn, và chị hóa thành người đàn bà mênắng từ bao giờ không biết.
Sáng nào cũng vậy, nắng chậm rãi và uyển chuyển men theo những tầng ban công của tòa nhà đối diện. Tầng 25, 24, 20,15,10,8, 6.... không theo một qui luật nào cố định, khiến trò chơi mà chị đặt tên là "đếm nắng", trở nên đầy cuốn hút và khác biệt mỗi ngày. Khi nắng sà xuống bãi cỏ đầy những bông lau trắng và ẩn mình trong đó, thì chị biết rằng nắng sắp đổi màu. Với riêng chị, chẳng có nơi nào nắng mang nhiều sắc màu như nắng Sài gòn. Và "đếm nắng" riết rồi thì chị thấy nắng như một người bạn không thể thiếu trong cuộc đời. Người ta nói " Sài gòn hai mùa mưa nắng", nhưng với chị, phải nói là "Sài gòn muôn màu nắng, vạn màu mưa" mới đúng. Người ta có Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì Sài gòn cũng có nắng hồng, nắng xanh, nắng vàng và nắng đỏ. Mà nhữngsắc nắng ấy, chẳng cần phải chờ mùa như ở nơi khác. Một ngày có khi có tới ba màu nắng, để rồi lại có những tháng, nắng chỉ duy nhất một màu. Không biết đằng nào mà lần. Đếm xong rồi quên. Quên rồi lại đếm.
Ở Sài gòn, nắng đi trên phố như người quen. Lúc thân thiết, gặp nhau thì chào hỏi tưng bừng,"tình thương mến thương" cùng nhau một đoạn vu vơ. Khi giận hờn thì ngoảnh mặt ngó lơ, hay gióng diết, sỗ sàng. Đôi khi nắng Sài gòn giống hệt "tiểu thơ" Sài gòn, chân chất đó mà cũng „đỏng đảnh như con cá cảnh“ ngay được. Nàng khoác áo vàng, nàng thay áo trắng; chẳng hài lòng với vàng với trắng, nàng mặc áo xanh, nàng đổi áo tím. Rồi cũng chẳng hài lòng với tím với xanh, nàng diện đầm hoa, long lanh, trong suốt, như tơ, như khói, mang theo chút lãng đãng của trắng, rực rỡ của vàng, nồng nàn của tím và tươi mới của xanh. Bóp đầm, giày cao gót, tự tin trên phố. Là nắng đó. Nắng Sài gòn.
Những ngày gần đây, chẳng hiểu giận gì, mà nắng đỏ chao chát từ sáng tới tối. Người cứ loay hoay trốn nắng, né trời. Dù là mây vẫn bay, gió vẫn lượn, vậymà nắng vẫn cứ ngày ngày châm chích nỗi giận hờnvào thịt da người. Mà đâu phải chỉ có nắng Sài gònđổi sắc. Bản đồ thời tiết hình chữ S cũng rực một màu đỏ. Ở cả xứ trời tây xa xôi, nắng cũng đùng đùng nổi giận. Người đổi màu áo cho rừng, cho sông, cho phố và đổi luôn màu của nắng. Thênh thangtrong xứ sở loài người, nắng bỗng trôi về đơn côi.
"Những buổi sáng rách làm đôi
Loài người bọn họ bỗng ngồi xa nhau
Nắng trườn lên phố nằm đau
Đôi bàn chân nọ về lau bóng mình" (**)
Nhưng người và nắng nào có bỏ được nhau? Nắng - dù mang sắc nào -, và người - dù ở thời nào -, vẫn bên nhau song hành trong mối nhân duyên tiền kiếp.
Đếm hết được không, những sắc màu nắng phương Nam?
2.
Sự biến đổi khí hậu giờ đã lan tới thành phố này một cách rõ rệt mà ai cũng cảm nhận được. Cái gọi là đặc trưng, giờ cũng chẳng còn đặc trưng nữa. Nắng mưa Sài gòn cũng vậy. Những ngày của mùa-đáng-ra-nắng, thì trời lại đổ mưa. Không khí đi vội qua những tán cây, lúc thì ầm ào như dành giật bon chen với đám người xe lúc nhúc trên đường, lúc như giận dữ cuốn theo những chiếc lá vàng, tung hê đám bụi mù mịt, thả lên đòan người đang ôm những bình xăng hối hả chạy. Con người vốn dĩ luôn thế, hay trời đất cuốn họ theo? Có phải cái hối hả của không khí đi vội kia làm họ cũng cuống cuồng đi, cuống cuồng sống? Có những hôm trời đang chang chang nắng, những hạt nứơc to tròn ở đâu đột ngột rủ nhau rào ràotrút xuống những vòm me xanh trên đường. Những hạt nứoc rơi vội trên mặt đường nhựa như đang rơi vào một cái chảo khổng lồ và bốc hơi tắp lự, ngay sau khi được nấu chín. Đi đâu mà vội quá nước ơi? Mặt trời vẫn chễm chệ trên cao như chẳng liên quan. Có khi, bên này cầu chói chang nắng, bên kia cầu lại sầm sập mưa. Rồi cũng đột ngột như lúc tới, những hạt nước ngừng rơi. Ngừơi đi đường lại lục tục dừng xe, cởi áo mưa, đội lại mũ bảo hiểm. Lại tiếp tục trôi. Lại tiếp tục sống.
Nhớ ngày nhỏ ở quê, mỗi nhà đều có một cái lu sành hứng nước mưa đầu hè. Tôi thích ngồi trong giọt gianh nhìn "nắng khóc" - theo cách gọi của tôi -, nhìn những giọt nước mắt của nắng như những vũ công tí hon tung những cái bong bóng nhiều màu sắc trong cái lu sành nhỏ hẹp hay trên mặt ao hồ. Khí quyển tràn ngập một mùi đặc trưng tổng hợp từ họat chất của cây cối, xạ khuẩn và khí ozone. Ở Sài gòn rồi, hiếm khi mà có được thời gian ngồi "đong" mưa như vậy. Càng ngày những cơn mưa hiền lành trên phố càng hiếm, những cơn mưa rào đặc trưng Sài gòn càng ít đi, những cơn giông lốc ngày một dữ dằn hơn. Có ngày, trời nổi trận lôi đình. Nắng chiều ném những mảng mây đen sì và đỏ quạch lên bầu trờiđang xanh trong. Tưởng như cả một chảo kim khí lạnh lẽo, đằng đằng sát khí, sắp đổ ụp xuống trái đất trong ngày tận thế. Giông gió ào ào, quật cây nhỏ chết như ngả rạ, bẻ cành của cây lớn một cách không thương tiếc. Rồi mưa ập xuống như dòng kim loại đang sùng sùng sôi, như muốn nhấn chìm phố, nuốt chửng người. Nước nhảy tưng tưng trên đường nhựa trong vũ điệu bất tận của vòng tròn; như trêu ngươi, như hả hê, khi hệ thống cống rãnh bất lực và phố lập tức biến thành sông trong phút chốc. Thừơng thì những vũ điệu mưa như thế bao giờ cũng chọn đúng giờ tan tầm, như một sự trả thù lòai người đã „cưỡng bức“ thiên nhiên, khiến nắng mưa cũng phải thay tính đổi nết. Người tíu tít và xe rối rít. Trốn mưa và tránh nứơc.
Cũng có ngày, trời sầm sập từ sáng sớm. Cả bầu trời như khóac một tấm áo xám nghiêm khắc, trong một sự ngưng đọng đầy phán xét và đe dọa. Thế rồi gió nổi lên. Ngồi trong nhà mà nghe đầy mùi hơi nứơc, mùi của đất ai ai, mùi của cỏ nồng gắt, mùi của những nguyệt quế, ngọc lan… vội vàng tỏa hương như thể sẽ không bao giờ còn tỏa hương được nữa.Và ô kìa, lạ chưa, nứơc nhẹ nhàng rơi. Chẳng giống gì với vẻ mặt cau có của bầu trời trước đó. Không khí cũng không còn vội nữa. Mưa Sài gòn mà nhẹ thếsao? Những bàn-tay-lá lật qua lật lại trong gió, những tường vy, dâm bụt, hoa giấy, đăng tiêu… mảnh mai vươn cánh tay dài níu kéo. Níu kéo gió hay níu kéo người ? Một giọt, hai giọt..., „đong mưa“, đong đầy ký ức. Loang loáng mưa, loang loáng người. Nắng khóc, mang ánh vàng rơi rớt của mặt trời dát lên mặt đường, khóac cho đất trời một tấm áo mỏng tang, trong suốt. Và cứ thế có người ngồi „đong“ từng giọt nứơc mắt của nắng, từ chiều tới tối, từ tối tới đêm. Mưa Sài gòn. Mưa đong ký ức.
Đong hết được không, những hạt mưa Sài gòn ?
(**) Thơ Nguyễn Đăng Khoa