TRẦN THÙY LINH

Người Sài Gòn Đi Chùa

 

Buổi sáng nào đi trên đường thấy nhiều người cầm hoa, các bà, các chị đi chợ về trong giỏ có một bó cúc vàng, những sạp hàng trên đường vàng rực màu vạn thọ, vậy là biết đã tới rằm hay mùng một. Ngày còn nhỏ ở Hà nội, cũng hay để ý thấy nhà nhà mua hoa về cúng Phật và gia tiên vào những ngày rằm, mùng một. Nhưng hoa cúng ngoài bắc thời đó là hoa tươi gói trong lá chuối xanh: ngọc lan, hoàng lan, mẫu đơn (miền nam gọi là bông trang đỏ). Gói hoa đầy màu sắc và hương thơm được đặt trên chiếc đĩa sứ trắng muốt để trên bàn thờ. Những gói hoa toả hương quyện lẫn mùi trầm phảng phất ấy đã theo những người xa xứ và ở trong tâm tưởng gần hết một đời. Khi trở về, sống tại Sài gòn, lại dần quen với hai lọ lục bình song đôi trên bàn thờ với bông cúc, bông huệ, bông ly, và những vòng nhang đỏ sáng đêm .
 

Và rồi từ khi nào không biết, cứ chiều ngày rằm và mùng một là thấy mình đôn đáo việc nhà việc cơ quan cho xong sớm, còn đi chùa. “Đi chùa” đã thành khái niệm không chỉ của riêng ai, mà là của rất nhiều thế hệ người Sài gòn. Theo thống kê dân số năm 2009 thì số tín đồ Phật gíao ở Việt Nam là gần 7 triệu người, nơi tập trung đông nhất chính là Sài gòn với hơn 1 triệu tín đồ. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu Phật tử, là những người đã quy y Tam bảo. Nhiều công trình nghiên cứu về Phật giáo đã chỉ ra rằng, Phật giáo là một tôn giáo có sức hút lớn với nhiều tầng lớp dân cư, nhưng việc thống kê con số Phật tử chính xác đến nay vẫn là việc khó khăn. Trên thực tế, không chỉ ở Sài gòn mà cả ở nhiều tỉnh thành khác, số người thường xuyên thực hành nghi lễ tại chùa, tin vào đạo Phật, hoặc thờ Phật tại nhà…. chắc chắn hơn gấp nhiều lần so với con số thống kê chính thức nêu trên. Phật giáo có nhiều tông phái khác nhau, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các nhóm dân cư. Do vậy, có rất nhiều cách hành Phật khác nhau, có người thì thờ Phật tại gia, có người tin và nghiên cứu về đạo Phật, có người chỉ đi lễ chùa. Nhiều người rất am hiểu về đạo Phật nhưng lại ít đi chùa và ngược lại, có những người thường xuyên đi lễ chùa nhưng lại không biết nhiều về đạo Phật.
 

Thời ở gần quận 1, tôi hay đi lễ tại một ngôi chùa nhỏ, chùa “căn phố”, theo cách nói của người thời nay. Đó là một ngôi chùa thuộc phái Bắc Tông có trụ trì là một vị sư gốc Bắc. Có lẽ nhiều người sẽ không cho rằng đây là một ngôi chùa đẹp, vì chùa nằm trong một con hẻm xưa vốn yên tĩnh, ngày càng trở nên xô bồ hơn khi nơi này biến thành khu phố Tây. Những người đã quen và ghi dấu trong đầu về một không gian chùa chiền tĩnh lặng, với những mái đao cong vút, cột gỗ thâm trầm trong những không gian kiến trúc kiểu chữ Đinh, chữ Tam, hay nội công ngoại quốc của chùa miền Bắc, có lẽ sẽ không bao giờ bước chân vào những ngôi chùa bê tông 5 tầng lầu như vậy ở Sài gòn. Nhưng, ở những ngôi chùa “phố” như vậy (khá nhiều khắp các quận tại Sài gòn), lúc nào cũng vẫn thấy đông nghẹt người vào những ngày rằm mùng một hay những khi có khoá lễ. Có lẽ, khó mà có được câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi, tại sao bạn không đi chùa này, mà lại thích đi chùa kia? Mười mấy năm trời với không biết bao nhiêu ngày rằm, mùng một, tôi đi lễ Phật, dự những khoá lễ tại đó, như một thói quen đương nhiên của một Phật tử, dẫu cho, - cũng giống như rất nhiều người Sài gòn khác – mục khai về tôn giáo luôn được đề chữ không. Ngôi chùa nhỏ ấy từng gắn bó với tôi hơn rất nhiều những ngôi chùa mang tiếng đẹp và lớn khác như chùa Vĩnh Nghiêm, Xá lợi hay Giác Lâm. Không hẳn chỉ là vì gần nhà. Cũng không hẳn chỉ vì vị sư trụ trì là một người rất uyên bác, luôn gần gũi trao đổi mọi để tài với những người đến lễ Phật. Cũng không vì chùa luôn có những buổi trưng bày hoa rất xuất sắc, cắm theo phong cách Thiền tông và Ikebana theo chủ đề vào mỗi dịp lễ lớn, ít thấy tại các chùa khác. Có lẽ chỉ vì một chữ Duyên, nói theo ngôn ngữ của nhà Phật.
 

Chính những giờ khắc được tĩnh tâm trong không gian thanh tịnh của ngôi chùa đó đã giúp tôi hiểu ra rằng, người Sài gòn đi lễ chùa nhẹ nhàng lắm. Họ không đòi hỏi gì nhiều ở không gian nơi cửa Phật. Họ không nhất thiết phải hiểu biết quá nhiều về đạo. Chỉ cần được ngồi trước tam bảo, lắng nghe tiếng kinh tiếng mõ, chìm trong hương hoa luôn có xung quanh, hay tựa lưng vào vách tường đá mát lạnh, là đã thấy những ồn ào phố xá xa lắc sau cánh cổng chùa, đã thấy tâm hồn dịu lại và gánh nợ cuộc đời dường như vơi nhẹ đi rất nhiều dưới những bậc thang lên tam bảo kia. Mỗi khi chùa có khoá lễ, người tới làm công quả cũng nhiều và người công đức cũng nhiều, là công sức, là tiền, là gạo hay chỉ rau củ hoa trái. Sau đó bao giờ chùa cũng có bữa cơm chay rất ngon dành cho bá tánh. Cũng không giống như những vùng miền khác, việc hành lễ trong chùa Sài gòn đơn giản hơn. Người Sài gòn đi chùa không nhất thiết phải mang theo lễ vật, nếu có cũng chỉ là chút hoa trái chứ không phải những mâm lễ vật ngồn ngộn như ở nhiều vùng khác. Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ, ước gì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ hay thuê mướn người khấn thay. Cũng không bao giờ có cảnh nhét tiền (giả hay thật) vào tay tượng Phật hay bày tiền lẻ trên trang thờ. Hầu như ai cũng cúng dường bỏ vào thùng công đức khi đi lễ tại chùa.

Không biết có là quá không khi nói rằng, những ngôi chùa tại Sài gòn không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của Phật tử và không Phật tử, mà còn luôn được coi như chốn trú ẩn linh thiêng cho tâm hồn người Sài gòn. Đi chùa không nhất thiết chỉ ngày rằm, mùng một. Đi chùa cũng không nhất thiết phải theo đạo tràng, theo hội, mà nhiều khi chỉ cần một mình, bằng sự thôi thúc của tâm, cũng không nhất thiết là phải cầu xin điều gì cụ thể. Bao lần tôi đã thấy những người đàn ông, đàn bà và không ít những người trẻ, một mình ngồi thiền, hoặc chỉ đơn giản là ngồi tĩnh lặng trong không gian tam bảo rộng lớn của các ngôi chùa Sài gòn. Họ nghĩ gì trong những giây phút ấy? Họ đi chùa để làm gì?

Người ta đi chùa để lễ Phật, thưa hỏi đạo lý, hay chỉ để tìm sự thanh thản trong tâm hồn mình. Phải chăng người Sài gòn đã hiểu rất rõ về đạo Phật khi đi lễ chùa: Họa hay phúc là do chính mỗi con người tạo ra, “gieo nhân nào, sẽ gặt quả nấy”. Khung cảnh chùa trang nghiêm và thanh thản, là nơi cho mọi người thành tâm cầu mong những điều tốt đẹp và bình an đến với mình và những người xung quanh, chứ không phải là nơi cầu tiền tài, danh vọng, phát danh phát tướng. Đi chùa, không đơn thuần chỉ là đến một ngôi chùa nào đó, cắm một nén nhang và cầu nguyện, mà là giữ cho mình một sợi dây liên kết tâm linh tình cảm giữa người và ngôi chùa mà mình hay lui tới. Khi đó, ngôi chùa đã trở thành một nơi thiêng liêng duy nhất để ta gửi gắm tâm linh và nguyện cầu bình an.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh