Nhà là Nơi Hồn Ta Ở Đó
Nghỉ Tết, bọn trẻ lục tục kéo nhau trở về nhà. Trên các trang mạng xã hội, tràn ngập những hình ảnh vui vẻ, những bộ mặt hớn hở của các ông bố bà mẹ bên những xe đẩy hành lý, những cái ôm xiết chặt, và ánh mắt rạng rỡ trong niềm vui ngày đoàn viên. Nhà đã từ lâu không còn chỉ là một nơi chốn nữa. Nhà là một khái niệm thật rộng lớn, mà cũng thật là cụ thể, và có khi là một trong những khái niệm hiếm hoi mà triệu triệu người trên trái đất này - không phân biệt, màu da, ngôn ngữ, văn hoá hay tôn giáo-, đều có cảm nhận giống nhau. Nhà cũng từ lâu không còn là ngôi nhà bị bó gọn trong không gian của những bức tường. Không phân biệt sang giàu hay nghèo khó, nhà luôn gắn liền với ký ức, hiện tại và cả tương lai của mỗi người, và là điều thuộc về phạm trù cảm xúc của con người, khó ai có thể không có hoặc chối từ. Về nhà, là về lại với những gì thân quen, về với “nếp nhà”, những thói quen, quan điểm, ứng xử có từ bao thế hệ trong gia đình, dù không phải “nếp” nào cũng đúng, cũng còn giá trị trong xã hội ngày nay. Nhìn bọn trẻ nay, lại nhớ những năm tháng đầy lạ lẫm xưa, khi trở về sau thời gian bôn ba xứ người. Quê hương bỗng như thành khác. Phố lạ, ngừơi không quen. Vật đổi sao dời. Điều duy nhất có thể bấu víu vào trong những ngày đầu tiên ấy, chính là căn nhà quen thuộc trong ký ức và những ngừơi thân.
Ký ức của tuổi thơ tôi gắn chặt với ký ức về bà ngoại và bà nội. Tôi còn nhớ như in những tháng năm đầu đời, khi sống cùng bà ngoại tại phố Bạch Mai, Hà nội. Ai bảo là trẻ con hay quên? Ngày đó, bố mẹ ở cùng bà nội tại ngôi nhà nơi tôi sinh ra ở ngõ nhỏ Trần Cao Vân. Bố mẹ phải đi làm, bà nội cũng đi đan len suốt, nên bà ngoại trông nom tôi suốt những ngày trong tuần, cuối tuần bố mẹ mới đón về với bà nội. Những tháng ngày ấy đã in đậm bao dấu ấn trong ký ức non nớt của tôi. Ngôi nhà 2 tầng kiểu Pháp, có những cái cửa sổ kính và chớp hình chữ nhật cao và dài. Từ tầng một lên tầng hai là cái cầu thang gỗ cũ kỹ uốn lượn, luôn kêu cót két khi có người đi. Tầng hai có một ban công rộng với hàng lan can sắt uốn, màu xanh lá cây đậm - chỗ ngồi yêu thích nhất của tôi-, nơi tôi luôn thòng hai chân xuống, hai tay ôm lấy lan can và ngồi hàng giờ ngắm phố phường người xe qua lại.Thật quá lạ so với tuổi của một đứa trẻ lên 5. Nhà mặt tiền đối diện Chợ Mơ, gồm hai khối, sâu hun hút. Bên ngoài là nhà của ông bà ngoại tôi, bên trong là những hộ gia đình khác. Hai khối nhà được nối với nhau bởi một thiên tỉnh như bao căn nhà cổ Hà nội thời đó, là một cái sân chung có một giếng nước và cây khế cổ thụ. Tầng trệt là nơi ở của gia đình các bác của tôi, bà chỉ giữ cho mình một căn phòng nhỏ trên gác. Căn phòng đã nhỏ lại còn được chia hai bằng một bức ván gỗ mỏng. Bên phía bà ở chỉ có một bộ trường kỷ khảm trai tuyệt đẹp và tấm phản gỗ lim làm giường. Phía bên kia, bà dành cho ông thông gia đã gần trăm tuổi ở. Ông không còn ai, con trai ông là chồng của bác tôi cũng đã mất, nên bà chia nhà ra, mời ông về ở để con dâu dễ bề chăm sóc. Cho tới tận sau này, tôi vẫn luôn nhớ những buổi sáng tinh mơ, đông cũng như hè, cứ đúng 6 giờ sang là vang lên tiếng nước dội trong phòng tắm. Và ông luôn hát rất to khi tắm. Không biết có phải là một kiểu luyện tập hay không, nhưng sáng nào bà cũng căn theo tiếng hát của ông để gọi tôi dậy đi học, chẳng cần đồng hồ. Hàng năm vào dịp Tết, luôn có một đoàn người nhà nước mang quà đến mừng thọ ông. Sáng mùa thu năm ấy, khi 6 giờ sáng không nghe tiếng hát vang lên, mọi người trong nhà đều biết rằng, ông đã ra đi. Khi ấy ông đã 103 tuổi và từng là một trong những người sống thọ nhất Việt Nam. Sau này khi lớn lên, tôi đã từng ở rất nhiều ngôi nhà, nhưng ký ức về Nhà của tôi luôn gắn với ngôi nhà của Bà ngoại như thế. Những buổi chiều đi học về, tôi hay nằm lăn ra, áp mặt vào sàn gỗ lim đen bóng lóang, nghe mùi ai ai của gỗ, nghe tiếng những con mọt nghiến kẽo kẹt theo năm tháng và đôi khi tôi thiếp đi trong mùi bữa cơm chiều bà nấu, mùi tôm rang thịt và canh cua rau đay. Thịt thà là thứ xa xỉ thời ấy nên bà chỉ làm cho tôi trong chiếc chảo nhôm tí xíu, còn bà chỉ cần lùa vài miếng cơm chan canh và nhìn tôi ăn ngon lành là đã thấy no rồi, tôi luôn nghe bà nói thế. Căn gác gỗ đậm mùi bếp núc ấy đã mãi mãi là ngôi nhà tuổi thơ của tôi, không chỉ là nơi tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ mà mọi người dành cho nhau, mà còn là nơi cho tôi một nếp nhà. Không gian sống ấy từng cho tôi những điều không sách vở nào dạy được, những điều mà sau này những đứa con tôi, dù có ở trong những không gian sống hoàn toàn khác, vẫn cảm nhận đựơc và hy vọng chúng cũng gìn giữ được. Căn nhà ấy, cùng những người anh chị em họ sàn sàn tuổi nhau cùng sống chung thời đó, đã theo tôi suốt cả cuộc đời, luôn trở về trong những giấc mơ nơi xứ người và biến thành niềm say đắm bất tận của tôi đối với kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp.
Tôi cũng nhớ ngôi nhà của những tháng ngày niên thiếu. Sau một biến cố, gia đình tôi phải chia tay với ngôi nhà trong phố và dọn về một căn hộ 28m2 tại một khu tập thể ở vùng ngọai ô. Khi ấy cả nhà gồm 6 người là bố mẹ, hai chị em tôi, bà nội và bà ngoại cùng ở chung một nhà. Không phải là tứ đại đồng đường, nhưng cũng khá là hiếm, khi dâu rể và thông gia cùng ở chung như vậy. Nhưng nếp nhà tôi có lẽ là thế, bà ngoại khi ấy bị bệnh và được bố mẹ tôi đón về chăm sóc. Hai bà đã chung sống rất yên bình bên nhau như vậy cho tới khi bà ngoại qua đời. Căn hộ của chúng tôi nằm trên tầng tư, dù chật hẹp nhưng luôn có không gian cho hoa và cây. Phía trước, mẹ trồng một giàn hoa cẩm cù bên ngoài khung cửa sổ, quanh năm hoa nở thơm dịu nhẹ. Bên trong là những cây hoa đá, vài cây hồng tỉ muội, những bụi tóc tiên. Chỉ là hoa trong chậu thôi, vậy mà chúng tôi đã có một vườn treo xinh xắn. Ở ban công phía sau, tôi gieo vài hạt dưa lê hú hoạ, vậy mà ngày tôi đi thi đại học đã có mấy trái dưa lúc lỉu treo trong đám lá, cả nhà đều vui và cho rằng đó là điềm lành. Bà và tôi làm sạch cỏ ở mảnh đất hoang ven sông Tô lịch rồi trồng rau và nuôi thỏ ở đó. Đó là khu vườn đầu tiên trong cuộc đời tôi. Mảnh đất tí xíu ấy từng là thiên đường của tôi. Những cẩm cù, hồng tỉ muội, rau lang, thỏ trắng và cả những hàng cây tràn ngập màu đỏ hoa phượng, màu tím bằng lăng mỗi khi hè về trong khu tập thể ấy, đã cho tôi một tình yêu bất tận với thiên nhiên và hoa lá đến suốt cuộc đời. Nếp nhà thân yêu luôn lớn mãi trong tôi.
Nhớ nhất là cái Tết trước khi xa quê hương, tự tay tôi đã gói rất nhiều bánh chưng cho cả nhà theo sự hướng dẫn của bà nội. Căn hộ nhỏ ngập trong màu lá dong, tràn đầy mùi gạo, đỗ, mùi thịt ướp tiêu, - một mùi Tết. Bà cầu kỳ làm bánh mảnh cộng, thứ bánh tuy dân giã mà rất mất công vì phải giã gạo nếp thành bột rồi mới đem xay. Rồi phải giã lá rất lâu, lọc kỹ lấy nước cốt để hương của lá đẫm trong hương của bột, thì mới ra chất của bánh. Sau đó làm nhân đậu xanh đánh nhuyễn, trộn với dừa sợi, đường trắng, gói lá chuối và đem hấp chín. Mẻ bánh dỡ ra xanh mướt màu lá, hương thơm và khói ngào ngạt của nếp, của lá và của đậu tỏa ra khắp nhà. Cây mảnh cộng thuộc họ ô rô (miền nam gọi là cây xương khỉ hoặc bìm bịp), thường mọc hoang ngòai bờ rào, là một cây thuốc nam rất tốt. Lá của nó dùng để chữa được nhiều bệnh và luôn có màu xanh thẫm. Khi làm bánh có vị thanh mát, và còn có thể nấu canh như rau, nhưng giờ thì chắc chỉ còn rất ít người biết. Bánh mảnh cộng giờ cũng đã thất truyền và thời buổi này cũng chẳng ai mất thì giờ giã bánh hết nửa ngày giống như bà tôi nữa. Nhưng với tôi, bánh mảnh cộng đã là một biểu tượng thiêng liêng của “nếp nhà”, của tình thương, của sự trìu mến mà bà dành cho tôi. Suốt đời không thể nào quên.
Những nếp nhà của người Việt nay đã thay đổi quá nhiều cả về hình thức lẫn nội dung cùng với sự đổi thay của xã hội. Ký ức về không gian sống của thế hệ tôi là những căn hộ tập thể, những ngôi nhà trong hẻm chật chội, hay nhà lá miền quê đơn sơ, nhưng ký ức của thế hệ sau chúng tôi đã là những ngôi nhà lầu, những toà biệt thự, hay căn hộ cao cấp tráng lệ. Thay đổi là cần thiết để xã hội ngày càng tiến lên. Nhưng có quan trọng lắm không, khi nhà thì ngày một hoàng tráng, mà “nếp nhà” thì đã ra đi? Chỉ mong sao, mỗi người trẻ ngày nay vẫn luôn lưu giữ được những ký ức đẹp về nơi mình đã sinh ra và trưởng thành, nhất là luôn biết nuôi dưỡng những “nếp nhà” yêu thương và sẻ chia, tạo nên nhân cách tử tế cho chính mình. Và như người ta thường nói, mọi thứ đều bắt đầu từ chính ngôi nhà của bạn, không bao giờ là quá muộn!