Nhật Ký Hoa
"Những ngừơi gối đầu lên hoa cỏ, sẽ có giấc mơ xanh“(Ngạn ngữ Đức)
Trong chuyến đi vừa qua tôi có dịp gặp lại một người bạn tuổi thơ. Xa lắm rồi, và lâu lắm rồi, những tưởng chẳng bao giờ còn gặp lại nữa. Vậy mà mùa xuân năm nay, khi đang lang thang giữa ruộng đồng và rừng núi, bỗng gặp lại bạn, trong một hương sắc dịu êm đến nao lòng.
Chẳng hiểu tại sao lại nhớ những ngày sơ tán đến thế. Những tháng ngày ác liệt của đạn bom chiến tranh hồi đó hầu như không để lại gì trong trí óc non nớt của một đứa trẻ 7 tuổi chập chững tới trường. Hằn sâu trong trí nhớ chỉ còn là con đường đất sét lầy lội chạy giữa đầm sen, mà sáng nào đi học cũng trượt chân ngã, mếu máo quay về gọi ngoại thay quần áo. Là vườn cây ăn trái đầy cá quẫy đành đạch sau mỗi cơn mưa. Là những trưa trốn ngủ, đi chọc bọ dừa cùng lũ con trai trên những cây xoan. Ngày ấy đã biết kêu tụi nó bẻ giùm những cành hoa xoan, kết thành bó hoa tim tím giữa những chùm lá xanh non và xanh già để chơi trò bán hàng và làm hoa cô dâu. Trò chơi của con trẻ miền quê thời chiến tranh đầy non nớt và dại khờ, gắn liền với những mắt hoa hấp hé màu trắng tím mang hương thơm phảng phất. Nụ của hoa xoan khi mới trổ mang màu trắng ngà, khi hoa nở mới bung ra màu tím. Những lúc có gió và nhất là sau những cơn mưa, cánh hoa mỏng manh, li ti ấy như những hạt sương tím phủ khắp đất trời. Hương của hoa quyện cùng hương của cơn mưa và mùi của những hàng rào ô rô, bụi cúc tần, hàng bông bụp…tạo thành mùi vị của tuổi thơ một đời mang theo. Hoa xoan tím và dâu da xoan trắng đã cùng đi suốt những năm tháng đầu đời ấy.
Khác với hoa dâu da xoan màu trắng cũng mọc thành chùm thon nhọn giống hoa xoài, hoa xoan ta (Melia azedarach) có năm cánh tím nhỏ, mọc thành chùm tròn xen lẫn giữa đám lá. Hương của hoa xoan ta nồng hơn hoa dâu da xoan nhiều, và không phải ai cũng „nghe“ ra được cái vị cay cay, đắng đắng ẩn trong cái thanh tao của mùi hương ấy. Trái xoan thuộc loài quả hạch, khi chín thì có màu vàng nhạt và không rụng. Chúng cứ thế trắng dần và héo khô đi trên cành suốt mùa đông, âu cũng là một sự lạ so với cái loài hoa trái khác. Thân cao, thẳng, vỏ trơn nhẵn, nên những cây xoan bên bờ rào thời đó đã từng là điểm định hướng cho đứa trẻ ham lang thang là tôi, biết tìm đường để trở về nhà. Ngày xưa, cây xoan ta là loài cây rất phổ biến trong các làng mạc Bắc bộ và cũng rất dễ trồng. Đôi khi chỉ cần quả rơi xuống đất là cây mọc lên. Người ta hay trồng xoan để lấy gỗ, vì gỗ xoan không bao giờ bị mối mọt nhờ tính độc dược có trong cây xoan. Tôi còn nhớ, ngoại cứ dặn đi dặn lại lũ trẻ trong nhà sơ tán ngày đó là không bao giờ được hái trái xoan ăn sẽ bị say ngay. Có lẽ chính cái mùi hăng hăng trong hương thơm của hoa được tiết ra từ nhựa của cây xoa. Nhưng ngoại lại cũng hay bắt lũ con trai đi hái lá và hoa xoan về dưới lót dưới chiếu để ngừa rệp. Có phải những năm tháng được nằm gối đầu lên hoa ấy, đã làm tôi không bao giờ quên được hoa xoan chăng ?
Sau này khi đã sống tại miền nam, tôi không còn gặp cây xoan ta nữa. Đôi khi đã mừng rỡ khi thấy những cây sầu đâu có lá ăn được và hao hao giống, đã lầm tưởng là xoan ta. Tìm hiểu kỹ mới biết, có nhiều cây cùng họ, nhưng khác chi, hoặc nhiều cây trông giống hoa xoan nhưng lại thuộc họ khác, để phân biệt thật khó. Ký ức chỉ có hình ảnh cây xoan ta thân nhẵn, cao và thẳng, luôn cho hoa màu tím vào mùa xuân. Những cây họ xoan khác hoặc tương tự như xoan phổ biến ở Nam bộ hoặc Nam Trung Bộ ,với những tên gọi khác nhau tùy theo vùng, như sầu đâu, xoan đào, xoan nhừ (hay được dùng làm cọc trồng tiêu), hay bồ hòn, neem ….chẳng thể phân biệt nổi. Cây xoan ta thật đặc biệt khi chứa những tinh chất độc dược trong cái vẻ mềm mại của hoa, lá và thân như vậy. Nhưng ngay cả những điều đó cũng không thể ngăn cản những cánh hoa tím dịu dàng này đi và vào thơ ca, nhiếp ảnh và ký ức của những đứa trẻ như tôi thời đó.
„Đường tình đã nở hoa xoan.
Lao xao gió gợn, hân hoan lá chờ.
Trên cao ngan ngát hương đưa.
Em ơi, tim tím mơ mờ chùm hoa..“ (Thơ Xuân Diệu)