TRẦN THÙY LINH


Nhật ký lữ hành Argentina - P.1:
Buenos Aires,
miền đất hứa chào đón kẻ mộng mơ


Đông Đức những năm 80 của thế kỷ trước cũng khan hiếm hàng hoá chất lượng cao, những gì được nhập khẩu từ phương xa là quý lắm và rất được nâng niu. Trong những “chiến lợi phẩm” mà tôi có được sau nhiều giờ xếp hàng, có hai chiếc áo T-Shirt nhập khẩu bằng cotton mềm mại. Một chiếc màu xanh biển có vầng thái dương và hàng chữ Galapagos màu cam rực rỡ, chiếc còn lại màu xanh da trời nhạt có hàng chữ Patagonia màu đen. Ngày ấy nào đã biết gì nhiều, chỉ biết rằng những hàng chữ và chất vải cotton mềm mại ấy đã khơi lên một sự tò mò về những miền đất xa xôi. Để đến một ngày, Patagonia bỗng cựa mình trong tiềm thức, nỗi khát khao năm xưa bỗng trỗi dậy mãnh mẽ hơn bao giờ hết. Galapagos dành cho chuyến đi sau, tôi chọn cho mình cuộc phiêu lưu như “những đứa con của thuyền trưởng Grant” (truyện của J. Verne) tìm về Patagonia ở xứ Nam Mỹ xa xôi.

Và tôi đã đến Argentina...

Ta sẽ yêu nhau và ta sẽ nhảy - Ở nơi Khí lành

Gọi là cuộc phiêu lưu có lẽ cũng đúng, vì ngay từ phút đầu tiên đã thót tim khi chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM qua BKK bị trễ hơn hai tiếng, chuyến kế tiếp đi Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó bay đi Nam Mỹ bị lỡ, không biết chuyến tiếp theo duy nhất có chỗ hay không. Ngao ngán quá khi hãng “ tàu bay 4 sao” nhà mình phủi tay và nói “không thể chịu trách nhiệm" cho việc nối chuyến khác hãng. Họ thậm chí còn từ chối liên hệ với hãng máy bay khác để tìm gỉải pháp cho khách. Mà chúng tôi đâu phải những hành khách duy nhất nối chuyến bị trễ vì chuyện đổi giờ bay. Bạn có thể hình dung khung cảnh rối loạn như thế nào, khi cửa đi liên tục bị đổi, đến thông tin cũng mập mờ, lúc thì 20 phút nữa, lúc lại 30 phút và cuối cùng là không biết bao giờ có thể bay. Vậy là chuyến đi của tôi bắt đầu bằng việc điện thoại điên cuồng, tận dụng mọi quan hệ có thể, và cuối cùng thì cũng may mắn tới được BKK vừa kịp cho chuyến bay cuối cùng đi Thổ, còn chuyến mình đặt thì đã bay từ tám đời nào rồi.

Chuyến đi nào cũng có những điều bất ngờ như vậy và rất nghịch lý là lại kích thích tôi cũng chính ở khía cạnh ấy. Bất ngờ không mong đợi xảy ra chỉ là tình huống cho bạn luyện kỹ năng du hành mà thôi. Nghĩ như vậy, bạn sẽ thấy sự đời nhẹ tênh, và chuyện đi cũng vậy. Không có gì là không thể xảy ra, và kiểu gì thì cũng có cách giải quyết. Du hành mang lại cho bạn một cái nhìn, không, một cách sống lạc quan, nếu bạn để tâm phân tích những chuyện thật nhỏ như vậy.

Sau hơn 48 tiếng đồng hồ bay hết hơn nửa vòng trái đất, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, quá cảnh tại 3 quốc gia, Buenos Aires đã lấp lánh dưới chân. Thật lạ lùng là chiếc áo in chữ Patagonia ngày ấy đã tạo nên chuyến đi, nhưng khi đặt chân lên đất ấy rồi thì bao ký ức mới ùa về, tươi rói. Một giấc mơ nữa từ thời thơ bé đang thành sự thật.

Ngày ấy, nào đã có Maradona hay Messi, cũng chẳng hề biết Juan, Eva Peron, hay Kirchner là ai. Đất nước Argentina xa xôi hiện ra đầy bí hiểm và cuốn hút qua giấc mơ tình yêu của chàng Ichian nửa người nửa cá và cuộc đời bi thương mà diệu kỳ trong chiếc thùng gỗ trong tiểu thuyết viễn tưởng cùng tên của nhà văn Aleksandre Belyaev. Và cũng không biết từ khi nào, những El Gauchos (người chăn bò), những Pampas (đồng cỏ) và miền sông băng Pantagonia giá lạnh cùng thị trấn được mệnh danh là "Nơi Tận cùng của Thế giới"… trong tiểu thuyết của J. Verne đã ở lại trong tâm tưởng. Tôi nghĩ mình đã từng mơ thấy những nơi ấy một cách rất rõ ràng từ rất lâu rồi. Trong giấc mơ của tôi, những khung cảnh lạ lẫm hiện ra trước mắt như những thước phim sống động nhất. Có đôi khi, tôi lại nghĩ mình đã vẽ chúng rất nhiều trong các bức tranh cách đây đã mười mấy năm.
Phải chăng, chính những bức tranh từ miền ký ức đang dẫn lối cho tôi đến những nơi cần đến một cách rõ ràng nhất, cụ thể nhất? Dần một rõ hơn, tôi đang thấy rằng, những chuyến đi gần đây của mình luôn là vậy, dù cho việc quyết định điểm đến, thời gian đi, hay đi cùng ai, lại là cái "Duyên".

Và, cuối cùng thì tôi đã ở đây, Argentina - nơi Pantagonia không chỉ là dòng chữ trên áo. Buenos Aires lấp lánh ánh đèn trong màn đêm, như miền đất hứa dang tay chào đón kẻ mộng mơ. Bienvenido! Sonador en mundo de fantasia! Welcome to dreamer in dreamland!

Nhưng bạn đừng hỏi tôi Buenos Aires thế nào, tôi không nói được đâu. Ấn tượng ban đầu rất không rõ ràng. Tôi đã không cố tình tạo cho mình một hình ảnh bất kỳ nào về những quốc gia Nam Mỹ như người ta thường nói: hoang dã, nóng bỏng hay cuồng nhiệt,..., dù trước khi lên đường tôi đã đọc khá nhiều. Tôi luôn muốn đi như tờ giấy trắng, để những nơi ấy tự ghi dấu lên mình. Đọc để quên. Và khi đi lại từ từ nhớ. Đó là cách đi của tôi. Đi với một tâm trạng khá thoải mái và sẵn sàng đón nhận bất kỳ điều gì. Nhưng phải nói rằng, cảm giác lẫn lộn trong những ngày đầu tại đây là rất thật và cũng hiếm khi xảy ra đối với tôi khi tới một vùng đất mới. Tôi khá bối rối trong cảm xúc của mình về Buenos Aires. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy, nơi này đáng để khám phá.

Có lẽ, rõ nhất là sự pha trộn giữa hài hoà và nghịch lý, giữa chậm và nhanh, giữa cũ và mới, giữa cảm giác thoải mái và sự dè chừng…, cả trong diện mạo phố lẫn người. “Argentum” (tiếng Latinh) có nghĩa là “bạc” đã mang cho đất nước rộng tới 2,7 triệu km2 này cái tên Argentina. Truyền thuyết có Núi Bạc (Siera de Plata) nhưng nước này lại chẳng có bạc.
 


 
Khung cảnh Buenos Aires yên ả với đại lộ thênh thang và những hàng cây xanh mát - Ảnh: Lonely Planet
 

Buenos Aires nằm bên cửa Sông Bạc (Rio de la Plata) đổ ra vịnh biển ngăn cách với Uruguay. Và cũng trái ngược với những hình dung qua cảnh báo về an ninh tại những quốc gia Nam Mỹ, con đường từ sân bay về khách sạn ngang qua những khu phố sầm uất với nhà hàng, các quán bars nhộn nhịp trong đêm, mà kỳ lạ thay vẫn thấy thật yên ả, dễ chịu. Đại lộ mênh mông gần chục làn xe, rộng 125m, dẫn về trung tâm thành phố xanh ngát màu cây, “rộng nhất thế giới” như người Buenos Aires tự hào nói. Đi một city tour bằng xe buýt từ bắc xuống nam thành phố, ngang qua khu nhà chung cư có căn hộ Maradona từng trú ngụ, ngang qua nhà hát, bảo tàng, những khu vườn có tượng và đài phun nước lấp ló sau hàng rào sắt, những con đường xanh có vỉa hè rộng.
 


 
Nhà Hồng nổi tiếng Casa Rosada

Buenos Aires có nhiều công viên với những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi buông rễ lòa xòa, lá dày bóng loáng. Cây xanh và những con đường làm nơi này có cái gì đó thật gần gũi, thấy giống Hà nội ở khu Ba Đình và Hoàn Kiếm ở thời thơ ấu của tôi. Những hàng hoa phựơng tím đựơc trồng dọc theo nhiều con đừơng, vài cây lác đác trổ bông.

Thỉnh thoảng lại bật lên trên nền xanh của trời của lá là một sắc hồng rực rỡ của hoa Ceiba (cây bông gòn - ceiba/ capok trees), loài cây từng mọc rất nhiều trên vùng đất Sài gòn- Gia định xưa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loài hoa này, dù tôi không xa lạ gì với những cây gòn hiện còn nhiều ở miền Tây Nam bộ. Hoa gòn nhang nhác hoa ban hồng mà cũng giống hoa gạo, nhưng cánh xẻ lả lứớt hơn. Thực sự là điều bất ngờ thú vị khi thấy thành phố này có nhiều điểm chung với quê nhà đến vậy. Có một không khí kiểu thuộc địa cứ bảng lảng nơi đây, chỉ mơ hồ thôi, không rõ rệt lắm nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận. Những dinh thự, toà nhà cổ có cổng vòm, lan can sắt, mặt tiền và cột đá theo phong cách kiến trúc Pháp, Ý, Tây Ban nha...của thế kỷ trước mang lại cho thành phố này một vẻ đẹp khá giống các thành phố Âu châu. Cũng không lạ gì khi biết, việc qui hoạch Buenos Aires diễn ra vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19 dưới sự chỉ đạo của Kiến trúc sư tài ba người Pháp Pierre Benoit và Argentina từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong hàng trăm năm kể từ 1580. Buenos Aires đã luôn được mệnh danh là “Paris của Nam Mỹ”.
Khách sạn nơi tôi ở trong trung tâm thành phố là một toà nhà cũ được “tân trang” lại cho phù hợp tiêu chuẩn 3 sao. Ngay khi mới bước chân vào tôi đã thấy bàng hoàng không thể tin được, vì nó quá giống với một trong những khách sạn phong cách Pháp cổ nhất Sài gòn, khách sạn Grand trên đường Đồng Khởi khi chưa được mở rộng. Từ vị trí ở góc hai con phố, từ mặt tiền toà nhà, tới quầy lễ tân, những bố trí trong sảnh và phòng ăn có cửa sổ kính dài nhìn ra con phố nhỏ. Ngồi đây mà ngỡ như nghe được những lao xao ngoài kia từ đường Ngô Đức Kế. Bao mệt mỏi sau chuyến bay dài bỗng tan biến.
Có một Sài gòn luôn bên tôi trong những chuyến đi. Có một quá khứ dội về, làm nơi chốn xa lạ nơi nửa vòng trái đất hôm nay bỗng thành thân quen như chốn xưa ngày nào. Nghịch lý có lẽ ở trong tôi, mà hài hoà có lẽ cũng nằm sâu đâu đó trong tôi. “Khí lành” hay “Ngọn gió lành” là nghĩa của từ Buenos Aires trong tiếng Tây Ban Nha. Ngay từ những giờ đầu tiên, Ngọn gió lành ấy đã cho tôi một dòng hồi tưởng đầy thương yêu lên trang giấy trắng.

 

Và… “Ta sẽ yêu nhau. Ta sẽ nhảy. Ôi, đó là đời !”Así son las cosas!

(Lời bài hát “C’est lavie” - On va s’aimer. On va danser. Oi c’est lavie !)

Những ngày tiếp theo tại “Paris của Nam Mỹ” là những ngày đi bộ tới phồng rộp đôi chân. Cảm nhận ban đầu của tôi được khẳng định và trở nên ngày một rõ nét hơn khi lang thang trên những con đường ngang dọc kiểu bàn cờ trong khu trung tâm và cả ngoại vi thành phố. Cảm giác bối rối ban đầu được lý giải một cách chủ quan rằng, nơi đây có gì đó giống như sự pha trộn giữa New York và Washington, giữa một kiểu đầy ắp văn hoá bản địa mà vẫn không thiếu cái “multi-culti” của nền văn hoá giao thoa. Những đại lộ thênh thang được xây dựng cách đây khoảng một thế kỷ ở vào thời vàng son của kinh tế Argentina gợi nhớ tới Paris hay Madrid. Sự pha trộn còn thể hiện trong diện mạo kiến trúc của thành phố, khi những toà nhà chọc trời skycapers đặc sệt kiểu Mỹ đã và đang mọc lên như nấm bên bờ Rio de Plata, đối diện với những toà nhà cổ bằng đá uy nghi kiểu Anh trên những con đường trong khu trung tâm thành phố.

Trong những ngày tại đây, tôi đã đi thăm những điểm Must-Do mà bất kỳ du khách nào cũng phải tới: Floralis Generica - biểu tượng của Buenos Aires, bông hoa Ceiba lớn nhất thế giới bằng kim loại, khép nở theo ánh mặt trời, Toà nhà Thượng Viện Plaza de Congreso nguy nga lộng lẫy với đài phun nước và khuôn viên xanh mướt, Nghĩa trang La Recoleta, Toà thị chính Cabildo, Nhà Hồng nổi tiếng Casa Rosada, nơi làm việc của Chính phủ, nhà sách trong nhà hát cổ ....

Từ quảng trường Plaza de Mayo có thể ngắm vòm cửa nơi Eva Peron thường diễn thuyết trong thời gian lừng lẫy của bà. Những sự kiện chính trị một thời hiện ra trong khung cảnh ấy như những thước phim quay chậm trong bộ phim “Evita” có Madona thủ vai chính. Một thời xung đột lịch sử tại đất nước của những El Gauchos đã diễn ra đầy kịch tính chính tại nơi tôi đang đứng đây.
 


 
                                  Toà nhà Thượng Viện Plaza de Congreso nguy nga lộng lẫy với đài phun nước và khuôn viên xanh mướt ở phía trước

Có lẽ người ngoài cuộc sẽ khó lòng cảm nhận được hết tầm quan trọng của nơi chốn gắn liền với vận mệnh một dân tộc như người Argentina. Và dù có đọc kỹ về lịch sử chính trường đất nước này tới đâu thì tôi vẫn thấy mình như một du khách, chỉ có thể chạm vào mảng nổi của tảng băng chìm. Quảng trường Plaza de Mayo, sân khấu chính trường một thời, vẫn chất đầy những hàng rào thép di động ngăn những người biểu tình vào ngày tôi tới.

Tình hình kinh tế Argentina sa sút trong những năm gần đây, đồng Peso xuống dốc không phanh hàng ngày, thuế tăng, giá điện tăng...., tất cả đều là nguyên nhân để những cuộc xuống đường diễn ra và người ta vẫn đổ về quảng trường này như hàng thế kỷ trước.

Nhưng vào ‪sáng Thứ Sáu của tuần Lễ Phục sinh này thì Plaza de Mayo yên bình với du khách và thị dân, những người tới đây chụp hình Selfie, Check-in dưới bóng hàng cọ Brazil và thảm hoa đang khoe sắc trong nắng thu. Phía Nam quảng trường này là Nhà thờ Chánh Toà Catedral Metropolitana. Được xây dựng qua nhiều thập kỷ và cuối cùng được hoàn tất vào năm 1862, nhà thờ nổi bật nhờ 12 cây cột đá tại mặt tiền theo phong cách neo-classic được cho là tượng trưng cho 12 vị Tông đồ. Với những người dân nơi đây, nhà thờ này mang một ý nghĩa đặc biệt vì đây là nơi có lăng mộ của Đại tướng Jose de San Martin.


 
Bên trong nhà thờ Chánh Toà Catedral Metropolitana​
 

Một ngọn lửa vĩnh hằng được đặt tại đây để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc đã giải phóng Argentina, Chile và Peru. Tôi may mắn được chứng kiến cảnh đổi gác đầy uy nghi khi tới thăm nhà thờ này, nghi lễ cũng tương tự như cảnh đổi gác tại Vatican mà tôi từng xem. Nhưng may mắn nhất đối với tôi có lẽ là cơ hội được ngắm những tuyệt tác của danh hoạ người Flemming P. Rubens (‪TK 16) và những tác phẩm điêu khắc gỗ của nhà điêu khắc người Bỉ M. Coyto de Couto. Cảm xúc khi đứng trước những tác phẩm ấy, trong không gian linh thiêng và trang trọng của nhà thờ cổ, thật không sao tả nổi.

Nhưng phải thú thật là không phải nơi nào ở Buenos Aires cũng đủ hấp dẫn với tôi. Thất vọng xảy ra ở chính nơi tôi đã đọc về nó nhiều nhất và (dường như) nổi tiếng nhất Buenos Aires: La Boca và Caminito. Những bức hình trên các trang mạng quảng cáo những ngôi nhà ở La Boca đầy màu sắc, đẹp long lanh. Anh bạn đi trước về mô tả đây là phố kê đùi, hàm ý là Tango ở mọi góc, vậy mới xứng danh cho Buenos Aires, quê hương của điệu Tango. Đúng hết, không có gì sai.

Những ngôi nhà tôn sơn đủ màu tuyệt đẹp chạy dài theo con đường nhỏ lát đá. Ánh nắng hắt lên những góc sân, bảng hiệu phủ đầy dây leo mang lại cho nơi này một sự duyên dáng riêng. Motive ảnh có ở khắp nơi. Chỉ có điều, không ai nói với tôi rằng nơi này cực kỳ “touristy”. Người đông tới độ không còn biết là kê đùi, kê vai hay kê cái gì nữa. Chụp một tấm hình thật khó nhọc trong cảnh vừa tìm cách né người Selfie, vừa mắt trước mắt sau lo giữ túi, giữ máy. Không ít lần khi đi trên đường, tôi đã được chính những người dân tốt bụng cảnh báo: đừng giơ máy ảnh, đừng giương iphone ra, bị giật như chơi đó. Trời ạ, dân chụp chẹt, bảo đừng chụp nữa, vậy còn niềm vui gì nữa không trời ?? Và tới La Boca vào ban ngày thôi nhé. Chiều vừa buông, thì nên khẩn trương nhấn nút, nếu không muốn gặp rắc rối. Đó là lời dặn dò dành cho tôi...
 


 
Trong nhà sách của nhà hát cổ El Ateneo
  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh