Nhật ký lữ hành Argentina - P.2:
Điều bất ngờ ở La Boca
Caminito - con đường màu sắc nhất La Boca, là tác phẩm của hoạ sĩ Benito Quinquela Martin. Năm 1960 ông và các đồng nghiệp đã “rủ rê” dân thợ thuyền nơi đây sơn màu lên những ngôi nhà ở vùng cửa sông Riachuelo này, biến cả khu phố thành một sàn diễn nghệ thuật.
Không chỉ ở Caminito, những con phố khác của La Boca cũng có những ngôi nhà đầy màu sắc, dẫu cho khu vực phía nam này của Buenos Aires thực ra là phố nghèo. Trên vỉa hè người ta đặt nhiều tượng của các nhân vật hoạt hình được người Argentina ưa thích. Những nơi đó cũng thu hút không ít du khách tới check-in và chụp ảnh. La Boca nhanh chóng thu hút du khách thập phương và trở thành một trong những điểm đến đặc sắc nhất Buenos Aires từ đó.
Caminito ngày nay là cỗ máy kiếm tiền từ khách du lịch. Người ta dạy nhảy Tango trên phố, những vũ công tạo dáng cùng khách kiếm ít Peso, những họa sĩ ngồi vẽ chân dung du khách, rất nhiều sạp hàng bán đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ cùng những bức tranh “du lịch”. Ở đây, bạn còn có thể chụp hình cùng Maradona (mới nhìn không khỏi giật mình, vì quá giống). Khi tôi đưa máy ảnh lên thì trong khuôn hình của tôi là một trái bóng rõ to: “không trả tiền thì đừng mong chụp hình nhé”, Maradona hay vũ công Tango thì cũng vậy thôi.
Mặt trái của du lịch không chừa nơi nào, dẫu là Sapa, Hội An hay Caminito. Dù sao thì nơi này vẫn có một không khí riêng không thể phủ nhận và ai đến Buenos Aires rồi thì cũng phải đặt chân tới, dẫu cho danh tiếng khu phố này cũng đã mai một nhiều.
Nhưng, tôi luôn thích thú, khi trong cái rủi (cứ cho là vậy đi), hầu như khi nào cũng có chữ "Nhưng" to đùng. Đôi khi chữ "Nhưng" ấy dủ kéo lại một cảm giác sung sướng cho một chuyến đi hay chuyến thăm thú. Cũng ở La Boca có một khu chợ cổ hoạt động từ năm 1895, không nằm trong lộ trình định tới mà lại cuốn hút tôi nhiều hơn Caminito đặc nghẹt du khách. Ở đâu cũng vậy, dẫu là ở Việt Nam hay từ Đông sang Tây, và bây giờ là tại quốc gia châu Mỹ cực nam của trái đất này, thì chợ vẫn là nơi cho ta sự cảm nhận rõ nét nhất về văn hoá, phong tục và tập quán một vùng. El Vijeo Mercado de la Boca cũng nằm trong một nhà lồng chợ giống như nhiều chợ tại Việt Nam. Nhưng khác biệt là không gian mái vòm bằng kính và sắt tại đây vẫn được giữ lại sau nhiều lần sửa chữa. Không gian thoáng và sáng cho tôi cảm giác như đang đi trong một Passage rộng rãi, chứ không phải một lồng chợ kín mít, được chiếu sáng bằng đèn.
Lại chạnh lòng nhớ tới Eden Passage xưa kia giữa lòng Sài Gòn. Không hằn là chợ, nhưng nơi ấy ngày xưa cũng từng là mô hình tương tự. Đó từng là nơi hầu như mỗi sáng tôi đều ăn cơm tấm ở hàng chị Năm, lê la hàng giờ trong các tiệm sách cũ và mua váy áo tơ tằm trong gian hàng em gái người Hà Nội. Giờ thì phải đi tới nửa vòng trái đất mới lại được thấy cái khí xưa đầy quyến rũ ấy. Những chuyến đi luôn luôn mang lại sự liên tưởng như vậy. Lúc này là sự tiếc nuối, lúc khác là sự hy vọng, và nhiều khi là những cảm xúc khó gọi tên, như dấu lặng trong một bản nhạc buồn. C’est la vie ! Đời là thế ! Biết vậy, để lại tiếp tục ba lô lên đường.
Khác với các chợ Việt, các gian hàng ở đây được bố trí khá rộng rãi với những phong cách rất riêng biệt. Rau củ và trái cây tươi rói, dù rau là thứ thật hiếm hoi trong thực đơn của người Argentina, như nhận xét của tôi sau vài ngày lê la quán xá tại đây. Cũng phải thôi, thịt bò Argentina là số một thế giới, lại là thứ thịt đặc biệt nhiều Vitamin, không làm tăng cholesteron, lại rẻ như bèo. Ăn thịt nhiều rồi, khỏi cần rau cũng vẫn khoẻ. Hàng thịt cũng bán đủ thứ kể cả nội tạng và dồi huyết bò (chorizo) như ở Việt Nam. Hàng lưu niệm, hàng quần áo, đồ gia đình…, gì cũng có.
Tôi ấn tượng với những quán cà phê trong chợ, hầu hết được bài trí rất đơn giản, nhưng đặc biệt phong cách. Khi là kiểu nhẹ nhàng thư giãn với cây xanh, bàn ghế gỗ nhạt màu, lúc lại kiểu factory-công nghiệp với sắt thép, gỗ mộc theo kiểu nhà kho, công xưởng. Lúc chỉ hai màu đen trắng, khi thì carô đầy cá tính. Dù theo phong cách nào thì những không gian ấy cũng đều mời chào, đều ấm cúng theo cách của riêng mình. Tiếc là thời gian không có nhiều để tôi có thể ngồi đó bên ly cà phê và ngắm dòng đời xứ Tango trôi, theo cách như đời vốn thế.