Nhật ký lữ hành Argentina - P.3:
Khi cà phê là phong cách sống
Ngày ngày đi trên đại lộ Avenida de Mayo, gần khách sạn “Grand Sài Gòn” của tôi, luôn thấy có một hàng người đứng xếp hàng dài trước một ngôi nhà cổ cửa gỗ kính có tay nắm đồng. Buổi chiều cuối cùng, đi tìm quán cà phê cổ nhất Buenos Aires, “ tự nhiên” tìm thấy mình trong dòng người đang xếp hàng trước cánh cửa kia. Hai bên tường là những bảng đồng, chứng nhân lịch sử ghi lại những lần kỷ niệm đáng nhớ của quán: 1858, 1959, 2008….Từ hơn 150 năm qua, quán Café Tortoni đã là linh hồn của Buenos Aires.
Mở cửa vào cuối năm 1858, Café Tortoni, cũng giống như quán Café đồng tên tại Paris, nhanh chóng trở thành nơi tụ tập của giới văn nghệ sĩ tên tuổi của nền văn hóa và lịch sử xứ Tango. Họ thành lập Hiệp hội Nghệ Thuật và Văn chương tại đây với chủ tịch chính là Hoạ sĩ Benito Quinquela Martin, người sau này đã “thay hình đổi dạng” cho khu phố nghèo La Boca.
Năm 1926, ông chủ người Pháp cho phép các nghệ sĩ và nhà văn sử dụng tầng hầm của quán cho các hoạt động nghệ thuật, Café Tortoni lại càng thêm danh. Tới đây, lại xin bạn đọc tha thứ cho thói đa sầu đa cảm hay liên tưởng và hoài cổ của tôi, khi tôi không thể không nhớ tới Café Givral đối diện khách sạn Continental cổ xưa nhất Sài thành năm nao. Nơi ấy đã từng có một thời nào khác gì Tortoni, cũng là nơi gặp gỡ của các tên tuổi, là một trong những nơi chốn góp phần nhận diện bản sắc của một đô thị, của một thời kỳ lịch sử không thể chối bỏ. Tôi nhớ những giờ ngồi đồng bên cửa sổ kính, nhìn ra Nhà Hát thành phố, ngắm người qua xe lại. Những giờ ngồi đồng - sống chậm, để cái thần thái của không gian cũ, cái hồn của phố cứ tự nhiên ngấm vào người. Giờ thì Givral đã biến mất rồi, bị chôn sâu dưới lớp bê tông hào nhoáng, dưới chân Hermes hay Omega? Đứng trong dòng người xếp hàng hôm nay, bỗng thấy mưa rơi trên má trên môi. Ngước lên cao, vẫn thấy trời thu xứ nam bán cầu xanh trong vời vợi và lá vàng đang gọi gió lao xao. Người nơi nhiệt đới xứ mưa không cảm được mùa, nghe được vị, hay bởi lá không vàng, cà phê Việt không đủ đắng để Thu tới, Thu ơi? Thu không tới và Givral đã hoá thành hoài niệm ở nơi quê nhà.
Sau gần 30 phút xếp hàng, cuối cùng cánh cửa đóng im lìm cũng được mở ra. Quán quá đông nên phải có khách ra thì khách bên ngoài mới có thể vào. Cậu thanh niên gác cửa cười rất thân thiện “Where are you from?”. Và khi nghe thấy “ Vietnam”, nụ cười dãn ra thành dấu hỏi to tướng trên khuôn mặt điển trai: “Là gần Nhật, Hàn quốc phải không? “ Tôi cười: “Ừa, không sai. Nhưng là ở Đông Nam Á”. Dấu hỏi bỗng còn to hơn: “Đông Nam Á? Thái Lan?” Và không chờ tôi trả lời, cậu thành thật nói luôn: “Tôi chẳng biết ở đâu”. Cũng may là lúc đó người bồi bàn tiến tới mời tôi vào bàn, chứ không biết sự vô vọng trong giải thích sẽ còn tới đâu. Nỗi buồn qua nhanh nhờ sự háo hức với không gian xung quanh. Nhìn những tranh vẽ và ảnh đen trắng treo trên tường có thể thấy không gian nay đã không thay đổi bao nhiêu so với cách đây cả thế kỷ.
Căn nhà cổ có bề ngang khoảng chừng 10-12m, nhưng dài và sâu hun hút với một sảnh chính và vài phòng nhỏ phía sau. Tường, cột và bàn ghế đều bằng gỗ, mặt bàn bằng đá marble, nệm ghế bọc da đỏ sậm, tượng đồng và những chi tiết chạm khắc trên trần, tranh kính trên mái, tranh chân dung người Argentina nổi tiếng trên tường... tất cả đều toát lên không khí của thế kỷ 19. Rất Retro, rất Jazzy, mà rất Eclectic (chiết trung). Quá khứ không chỉ như một nửa giấc mơ được nhớ lại. Một nửa là quá khứ, là không gian hiện hữu nơi đây pha trộn cùng một nửa là hiện đại, là những lữ khách đang trong quán thời nay. Tôi bỗng hiểu, tại sao người ta nói nơi đây là linh hồn của Buenos Aires. Trong tiếng trò chuyện rầm rì của khách, tưởng như ta đang lạc vào một buổi gặp gỡ của high society (tầng lớp thượng lưu) của những năm đầu thế kỷ trước. Người bồi bàn lớn tuổi mang thực đơn tới. Phong cách nhã nhặn đúng kiểu lớp người phục vụ ngày xưa, ông cho biết đã làm ở đây hơn 40 năm.
Đến lúc đó tôi mới để ý, những người phục vụ tại đây phần lớn đều là những senores luống tuổi. Lịch lãm, điềm đạm trong comple, nơ đen và sơ mi trắng, họ là một phần không thể thiếu trong cái không khí thế kỷ 19 đọng lại nơi đây. Ở Tortoni không chỉ có cà phê và đủ loại đồ uống cùng bánh ngọt, mà còn có các món mặn, cả món Argentinien Steak trứ danh nữa. Cô bạn đi cùng chọn Submarinos (sô cô la nóng) cùng churro (bánh nướng hình que ngào đường tẩm quế), còn tôi chọn món Antillano, là Cà phê pha cùng Tia Maria (liqueur), cream và bột quế. Món bạn chọn là đồ uống khá đặc trưng của người Nam mỹ, Tây Ban nha, Bồ đào nha. Còn cà phê pha liqueur thì ngon không kém gì món cà phê đốt rượu Ruhm tại thị trấn cổ Ruedesheim tôi từng uống bên bờ sông Rhein nước Đức.
Ngoài cà phê và đồ ăn, quán còn có một nhà hát nhỏ phía sau với những tối diễn show Tango vào suốt tuần. Tôi những muốn ngồi mãi trong không gian ấy. Để thời gian đi thật chậm, để ngắm từng bức hoạ đủ mọi phong cách, xem thật kỹ những tấm hình đen trắng. Để những tấm gương trên tường soi ngược lại một thời quá khứ với những senores mũ đen trên đầu, khăn trắng trên cổ, cùng những sennoras xinh đẹp mũ voan váy dài yểu điệu, xoay tròn và đá chân điệu nghệ trong điệu Tango Criollo gợi cảm. Ai đó đã từng nói, Cà phê là phong cách sống. Café Tortoni thực sự là một phong cách sống. Kiểu rất Tango. Kiểu rất Buenos Aires.