TRẦN THÙY LINH

Những Ghi Chép Trong Nhà Chúa

" Nếu tôi biết, ngày mai thế giới sẽ sụp đổ, hôm nay tôi vẫn trồng một cây táo"
( Martin Luther)

1. Hamburg, mùa hè 1992

Vào một chiều cuối hè không mặt trời, như muôn vàn ngày hè khác tại nước Đức, sau khi thả bộ trong khu phố cổ, dọc theo những ngôi nhà từ thế kỷ thứ 17 và rất nhiều bảo tàng thực sự ấn tượng, tôi mệt rã rời và chỉ muốn tìm một chỗ dừng chân. Cho tới giờ, tôi đã quên tên của nhà thờ ấy. Một nhà thờ cổ kính như nhiều nhà thờ châu âu mang phong cách Gô tích. Khi tôi bước vào, chỉ có một vài người đang cầu nguyện và vài khách bộ hành đang ngồi nghỉ mệt. Không gian thật yên ả, nhưng mang chút gì đó u tịch và trầm tư, kể cả những bức họa cổ nhiều màu sắc trên những khung cửa sổ kính cao vời vợi trên trần. Thật dễ chịu khi nhắm mắt lại. Dường như có một luồng khí lạnh thoát ra từ đâu đó dần dần bao quanh, như muốn ru ta vào giấc ngủ. Thế rồi một tiếng gì đó, mơn man như tiếng gió, mà lại rì rào như tiếng suối lan qua những khe đá, cứ rõ dần, rõ dần. Lúc đó tôi mới để ý tới một dàn orgel thật lớn, cao cao phía trên bệ thờ. Âm thanh phát ra từ đó và ngày một lớn dần. Chỉ vài phút sau, những giai điệu trong vắt vút cao như những cánh chim thần đang sải cánh theo gió. Cảm giác có một vòng tay vô hình nào đó nâng bổng mình lên, rồi thả mình trôi theo những hòa ca của âm thanh trong vắt như pha lê đó. Như được trôi về một xứ nào xa lạ, đầy cỏ hoa, đầy một thứ ánh sáng trắng trong và tinh khiết. Thiên đàng.

Sau này, tôi đã thăm rất nhiều nhà của Chúa tại nhiều quốc gia khác: Pháp, Ý, Áo, Vatican, Luxemburg, Hà Lan, Singapore...Nhưng ấn tượng về những âm thanh tuyệt vời và ánh sáng pha lê của chiều hôm đó vẫn không bao giờ mờ phai. Đôi khi, những âm thanh trong nhà Chúa vẫn vang vọng như trong một cuốn phim quay chậm, đưa ký ức trở lại, để hiện tại được thấy rõ hơn.

" Việc của ngày mai, hãy để mai lo" , là lời Người dạy trong Kinh thánh.

2. Đường Lâm, Giáng sinh 2013

Có một mùa Noel thật kỳ lạ. Vào mùa Noel, ở Việt Nam, người ta hay đổ về những thành phố lớn, vì đèn hoa lộng lẫy, vì những điệu nhạc Jungle bell rộn rã trên khắp phố phường, vậy mà tôi lại về quê. Mà về một miền quê cổ kính của phương bắc, một nơi có quá ít sự dính dáng tới Chúa và ngày Chúa sinh. Vậy mà ở Đường lâm, tôi đã có một mùa Noel không thể nào quên. Đêm Giáng sinh được tổ chức tại nhà thờ trong thị xã Sơn tây. Nhà thờ nằm giữa phố, đối diện thành cổ Sơn Tây. Một ngôi nhà Chúa kiểu mới, hơi lòe loạt một chút trong đêm Giáng sinh. Nhưng có hề gì, cũng được nghe Đức Cha giảng về ngày Chúa sinh, đựơc ăn bánh thánh, và hòa vào dòng người không có đạo hay có đạo xem hang đá và cầu nguyện trứoc tượng Đức mẹ trong vườn. Nhưng sáng ngày lễ đầu tiên sau đêm Giáng sinh mới thực sự là đặc biệt. Tôi dậy từ năm giờ sáng và đi lòng vòng trên những con đường gạch đỏ không một bóng ngừoi trong cái se lạnh của mùa đông phương bắc. Một cảm giác vừa dễ chịu vừa lạ lùng, khi bạn ở một nơi thật xa máng cỏ, thật xa những nghi lễ của ngày Chúa sinh, nhưng lại vẫn cảm nhận đựơc - bằng cách nào đó không thể lý giải nổi - không khí của mùa Giáng sinh Âu châu. Đình Mông phụng sừng sững uy nghiêm không một bóng người. Đi ngang những cánh cổng, bờ tường cũ kỹ, băng qua những giếng nước cổ như những đôi mắt thần đã khép, đến với ngôi nhà thờ bé nhỏ nơi cuối làng. Chuông nhà thờ ngân dài trên những mái ngói rêu phong, lan theo gió tới tận những mái đình đao cong vút. Khóa lễ bắt đầu lúc sáu giờ. Vẫn là một không khí khó diễn tả mỗi khi được bức chân vào những ngôi nhà của Chúa, dù là đơn giản hay cầu kỳ, cổ kính hay tân thời. Chỉ biết rằng người ta luôn được bao bọc bởi một sự nhẹ nhàng, thanh thản mà gần gũi hiếm thấy trong những xô bồ phố thị. Xung quanh tôi, là những ánh mắt thành kính và những gương mặt sáng ngời. Ít ở đâu tôi bắt gặp những gương mặt nông dân ngời ngời như thế.
Tôi tin rằng, vào buổi sáng ngày lễ thánh ấy, trong ngôi làng cổ, tôi đã đựơc thấy ánh sáng của Thiên Chúa.

3. Cồn Én, 2014

Cũng là một cơ duyên khi một người " bên lương" như tôi có được nhiều cơ hội làm việc cùng và có nhiều bạn bè "bên giáo" đến vậy. Vẫn giữ nguyên ấn tượng đầu tiên về " những người nhà Chúa " từ chuyến đi sáng tác cùng nhóm họa sĩ tại Cồn Én, Đồng tháp, cách đây đã hơn 10 năm. Những đức cha, các soeur ở khắp mọi nơi tôi từng gặp, giống như cha Thưởng ở Cồn Én, luôn toát lên một vẻ uyên bác, nhẹ nhàng và hơn hết là một sự ân cần và tin cậy, cả trong giao tiếp lẫn trong những hành xử với người có đạo cũng như người không có đạo. Những dự án từ thiện với các "nhà Chúa" trên khắp mọi miền đất nứớc đã khởi đầu từ những ấn tượng đầu tiên tại Cồn Én. Xây trạm y tế - từ sự đồng cảm với những hoàn cảnh nghèo khó của người dân nơi cồn đất chơ vơ trên bờ sông Tiền, tiếng là thuộc về Đồng tháp mà lại gần xịch An Giang, nơi nào cũng gần quá mà hóa chẳng thuộc về đâu. Làm đường - vì đến mùa nước, chẳng còn đường mà đi, nhà cửa nước ngập tràn đầy. Lập thư viện, vẽ tường nhà trẻ - từ quan điểm giống nhau giữa những người " lương" và người "giáo", giữa họa sĩ và giáo dân, rằng giáo dục phải được đưa lên hàng đầu mới mong thoát nghèo. Mà cũng có khi những dự án ấy được hình thành từ những hào quang Thiên Chúa, từ những lời nguyện cầu ngày đêm dưới những mái nhà lá, những ngôi nhà "điên điển", hay nhà " mướp" như cách chúng tôi thường gọi, luôn rợp một màu vàng bên triền sông cát hồng rực rỡ. Ngôi nhà thờ giản dị nhỏ bé, nép mình trong vườn xoài vẫn thế, sau bao lần ghé thăm. Cha Thưởng đã đi một vùng đất khác theo hiệu triệu của Đức Giám mục, vì nơi đó giáo dân cần đến cha hơn. Và một ngôi nhà Chúa nữa lại được xây.
Lại nhớ tới câu nói của Đại Đức Thích Kiến Nguyệt tại Trúc lâm Tây Thiên vào những ngày cuối năm cũ " Thày đã xây xong rồi, phải biết buông. Để cho người khác còn làm", khi có Phật tử bày tỏ sự tiếc nuối, tại sao thày sẽ nhập thất khi bức tượng Phật ngồi cao 98m được xây xong tại Tây Thiên.

Có gì chung giữa những ngôi nhà của Chúa và những ngôi chùa của Phật ? Có quá nhiều điều. 
Mà bạn phải đi thật chậm. Và ở lại trong tâm. Bạn mới có thể thấy được. Dù là bạn đi trên con đường nào.


 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh