TRẦN THÙY LINH
NINH BÌNH
Chốn Bình Yên
Chốn Bình Yên
Ngày....
Giã từ Nam định với nhiều quyến luyến, tôi đi Ninh bình. Dù là hầu như năm nào cũng tới vùng Hạ long trên cạn này, nhưng mỗi chuyến đi luôn khác biệt. Ấn tượng quá đặc sắc của miền thung- núi hoang dại trong cơn bão năm nào vẫn hằn sâu trong tôi, đến độ tôi đã nghĩ rằng sẽ không có chuyến đi nào về nơi này đẹp được hơn thế. Nhưng lần này, mục đích của tôi là những làng quê Bắc Bộ; để xem Ninh bình có gì sau những dãy núi và đường quốc lộ.
Chuyến đi lần này tôi cố gắng né những đường lớn. Những ngày trước, từ Hưng yên đi Hải Dương, Hải phòng, Thái bình rồi Nam Định, chúng tôi chỉ đi đường làng, thì hôm nay cũng vậy. Những con đường hẹp (ngày xưa đi xe trâu, đánh xe bò, cần gì đường rộng) nhưng đã lát bê tông nhờ chương trình nông thôn mới, nên rất dễ đi và sạch sẽ. Màu xanh mướt mải của ruộng đồng và đặc biệt là những hàng cây và hoa dại hoa trồng hai bên đường, thêm không khí quá dễ chịu của mùa thu, làm những tâm hồn “phố” có bức bối cũng trở nên bay bổng và lãng đãng hơn.
Chúng tôi dừng chân ở huyện Yên mô, Ninh Bình, một huyện nằm bên dãy núi Tam Điệp, có địa hình khá đa dạng, từ đồng bằng, chiêm trũng tới vùng bán sơn địa. Nơi đây có tới 12 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, trong đó có đền Hậu Trần, đền Năn, đình Phù Sa, Đình Làng Nộn Khê, đê Hồng Đức Yên Mạc và nhiều chùa cổ.
Con đường ngoằn nghèo xuyên qua những ruộng lúa đã gặt đưa tôi vào xã Yên lâm thuộc cực nam huyện Yên mô, cách thành phố Ninh Bình 30 km, cách Phát Diệm 6 km. Nơi đây xưa là cửa biển Thần Phù, một cửa biển hiểm yếu nằm trên tuyến đường thủy Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Vùng cửa biển nay đã bị phù sa bồi đắp và nằm cách bờ biển hơn 10 km. Sử sách kể rằng, Vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến đánh Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được, đã nhờ một đạo sĩ phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Trên đừơng trở về, đạo sĩ gặp bạo bệnh qua đời. Nhà Vua cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là "Áp Lãng Chân Nhân Đại Vương" (người giúp nhà vua dẹp yên được sóng dữ) và đặt tên nơi đây là cửa biển Thần Phù.
Tôi thả bộ dọc theo đường làng đến đền Áp Lãng thờ Vị Đạo sĩ xưa, di tích quan trọng nhất trong vùng. Đền thuộc thôn Yên Phẩm, xã Yên lâm. Ngôi đền cổ có kiến trúc đơn giản, giống một ngôi nhà cổ mái ngói trầm nâu, khuất sau một bờ tường gạch và vườn cây xanh. Những cây cau cao vút in hình lên nền trời xanh. Xung quanh đền là những ngôi nhà nông dân cùng một phong cách như thế. Hình ảnh những ngôi nhà quê Bắc bộ “ trước cau sau chuối” như thế đã in dấu lên tuổi thơ tôi, dẫu cho tôi quê tôi là những con phố Hà nội. Ai có thể ngờ được rằng, những năm tháng tuổi thơ về những vùng quê qua hai lần sơ tán có thể để lại dấu ấn sâu đậm đến thế. Những bức vẽ nguệch ngoạc của thời ấu thơ luôn là những đầm sen, những con đường thôn quê uốn lượn, mái nhà ngói và những cây cau như thế. Từ thời xa xưa người Việt Bắc bộ đã tuân thủ sự hài hoà trong kiến trúc cả nội thất lẫn cảnh quan trong xây dựng nhà ở. Những mái ngói nằm ngang bên hàng cau thẳng đứng, ao hay giếng nước tròn, sân phơi chữ nhật, mảnh vừơn vuông và những hàng rào gạch hay cây, tất cả đều mang lại cho con người một không gian hài hòa, thoáng đãng trong sự cân bằng với thiên nhiên. Thật may mắn khi hôm nay thấy lại được những không gian truyền thống như thế, khi mà làn sóng nhà tầng bê tông, nhà mái bằng ở khắp nơi, hay những “lâu đài” ở Ninh bình, đang dần vùi lấp những gì thuộc về truyền thống nhà ở Bắc bộ khi xưa.
Cách Đền Áp Lãng khoảng 1 km là Đình Phù sa, ngôi đình cổ ở cửa biển Thần Phù xưa đã được xếp hạng Di Tích Văn Hóa Lịch sử Cấp Quốc gia. Đình Phù Sa thờ Áp Lãng Chân Nhân và Triệu Việt Vương. Vị đạo sĩ xưa đã được phong thần và được thờ cúng như Thành hoàng tại nhiều làng thuộc xã Yên lâm. Những ngôi đình ở các vùng quê Bắc bộ luôn là trái tim của làng xã, là nơi tụ họp của cả làng vào những dịp lễ Tết, là nơi những người con đi xa luôn nhớ về. Trên con đường dẫn vào đình có một giếng nước đặc trưng vùng quê châu thổ sông Hồng với những bậc đá dẫn sâu xuống mặt nước. Một cây gạo cổ thụ cùng tuổi với ngôi đình soi bóng bên dòng sông chạy xuyên qua làng và những cánh đồng. Đình Phù sa thật đẹp và yên ắng ngày tôi tới. Chiều thu trời nắng mà sân đình vẫn mát rượi. Trong sân đình chỉ có vài đứa trẻ đang chơi đùa dưới bóng cây đa trăm năm tuổi. Rồi mai đây, khi lớn lên, có thể các em sẽ rời làng xóm đi xa, nhưng tôi tin rằng, những buổi chiều như hôm nay sẽ theo suốt cuộc đời các em.
Như mái đình làng cổ ở nơi tôi không sinh ra, nhưng đã mãi mãi in dấu trong suốt cuộc đời tôi, đã đưa lối cho tôi tìm về trong chuyến đi này ở vùng châu thổ sông Hồng.
Ngày...
Hầu như năm nào cũng tới Ninh Bình, nên tôi luôn muốn đi tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới, đôi khi cũng đi lại những nơi đã nhiều lần đi,để xem “vật đổi sao dời” tới đâu.
Chuyến đi đò ở Tam cốc là nỗi thất vọng xen lẫn sự phẫn nộ toàn tập. Thất vọng vì những bờ kè lạc lõng hai bên dòng sông và những ngôi nhà homestay loè loẹt bảng hiệu hoặc tre nứa giả dối san sát ngay lối vào. Phẫn nộ vì không hiểu sao ( hay quá hiểu ??) khu resort mười năm chưa xong án ngữ thô bạo ngay bến đò duyên dáng khi xưa. Dòng sông Ngô Đồng đang bị “hấp diêm” vẫn gồng mình uốn lượn xuyên qua ba động đá. Tam cốc mùa thu mà tôi từng biết không có lúa cũng chẳng có sen, nhưng vẫn thừa sức hớp hồn du khách bởi làn nước trong leo lẻo, bởi rong rêu lặng lờ trôi, bởi sắc hồng hoa súng, và trên hết bởi sự tĩnh lặng ngập tràn trong làn gió và bầu trời mát rượi của mùa thu. Tam cốc thu nay trơ trẽn và già nua, cáu bẳn như cô bán vé ngồi ngáp ruồi, buông sõng 1 câu : 180 ngàn đồng.
Vân long mùa thu toàn cỏ vẫn đẹp một vẻ đẹp rất riêng. Mùa này chim bay rợp trời trên đồng cỏ ngập nước và bến thuyền vắng khách. Vân long vẫn luôn cho tôi sự thư thái và yên bình dù là mưa hay nắng, hè hay thu. Bắt đầu vào mùa lau trắng ra nụ, chỉ vài tuần nữa thôi, những cánh đồng trong thung lau sẽ bạt ngàn cờ trắng. Còn giờ thì đang là mùa sậy nở hoa. Những cánh đồng hoa sậy hiện diện trên khắp các nẻo đường, trong các thung và trên những triền đê.
Tôi chọn ngủ lại thôn Hải Nham để dễ bề khám phá một chốn quê mà theo tôi là vẫn còn chất “ thung-núi” đậm bản sắc Ninh Bình. Con đường từ Tam cốc vào thung Nham chạy dọc một con kênh nhỏ đầy hoa súng và rong rêu. Sau con kênh là những nếp nhà. Bên phía đối diện của con đường là những thung nước trong veo in bóng hình những ngọn núi đá vôi triệu năm tuổi. Bất giác nhớ tới chuyến chèo thuyền dọc ngang con kênh nhỏ ở làng Luebenau ( Đức) vào mùa thu năm ngoái. Cảnh quan tôi nhìn thấy hôm nay hoang sơ và thơ mộng hơn ở xứ trời Âu kia nhiều, vậy mà ở Ninh bình, những con kênh thật buồn bã, chúng không cạnh tranh nổi với những “ hoành tráng” do bàn tay con người tạo dựng ra ở nơi này, những Tràng An, Bái Đính, phim trường luôn tấp nập khách thăm. Nhưng hôm nay vào giữa tuần của mùa-không-lúa, thì cả Ninh bình vắng khách. Con đường nhỏ đìu hưu với hầu hết hàng quán đều đóng cửa. Covid đang để lại dấu ấn nặng nề nơi đây.
Hải nham là một thôn nhỏ chỉ có chừng vài chục nếp nhà dọc theo con đường duy nhất xuyên qua thôn. Nơi đây có những cánh đồng ngập nước, có lau, có nhà, có cỏ cây và núi non - như Ninh bình phải thế. Tôi đã có những sáng ngồi nhìn đàn vịt bơi lội tung tăng trong đầm bèo, đầm súng, nghe tiếng gà gáy trưa, xem chó mèo chạy trên đường. Tôi đã có những chiều ngồi bên bờ nứơc, ngắm mặt trời khuất dần sau dãy núi thật nhanh, để rồi thấy cả khu vừơn chìm dần vào bóng tối, chìm vào hương hoa dạ lý thì thầm lan toả. Mang tôi chìm vào tôi. Thì thầm.
Trong những chuyến đi, luôn cần có những phút giây như thế. Trong đời người, luôn cần có những tháng ngày như thế. Để những vòng quay mà ai cũng phải trải qua, có lúc nhanh thì cũng có lúc chậm, có lúc cần quên đi và có lúc phải nhớ về. Và cho dù có đau lòng trước những biến đổi ( biết là không ngăn nổi) của cơn gió kim tiền đang thổi trong thung trong nắng, thì cũng biết rằng đâu đó vẫn còn những thôn xóm làng quê - rất đẹp và rất thật -, thật như ký ức một thời yêu thương chưa từng trôi qua.