TRẦN THÙY LINH

Nước Mắt Của Rồng

 

Thửa hồng hoang, trái đất còn chưa có người, Ngọc Hoàng lấy một nắm đất và nhỏ vào đó một giọt nước thần hóa thành một chàng trai. Người dạy chàng săn bắn, hái lượm, tạo ra lửa, làm nhà và sau đó đưa chàng xuống trái đất. Nhưng chàng trai không biết trồng trọt, thế nên Ngọc Hoàng lại cử một nàng tiên là con gái của Thần Mưa và thần Gió xuống để mang lại màu xanh cho trái đất. Hai người yêu nhau say đắm, khiến Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình và bắt tiên nữ về trời. Nàng tiên nữ thà chết, quyết không rời người thương. Ngọc Hoàng tức giận biến chàng trai thành hàng trăm triệu hạt nhỏ xíu mà nay ta gọi là cát. Thần Mưa và thần Gió ngăn cản con gái cũng không được, nên cũng từ mặt nàng tiên. Nàng chỉ biết ôm những hạt cát mà khóc. Ngày qua ngày, tháng qua tháng và năm qua năm, tới khi thân thể nàng khô cứng lại, chỉ còn toàn gai nhọn- như để không ai có thể chạm vào, và hai chân thì biến thành bộ rễ, cắm sâu trong cát- để không xa rời người yêu. Nàng đã hóa thành một loại cây mà ngày nay ta quen gọi là cây xương rồng.
Nơi họ ở biến thành sa mạc mênh mông cát trắng và chỉ những cây xương rồng gan góc mới có thể mọc lên. Thần Mưa thề không bao giờ viếng thăm con gái, còn thần Gió vẫn nguyên cơn tức giận ngàn năm, đôi khi nổi trận lôi đình, thổi tung những hạt cát và vùi dập những cây xương rồng. Khi đêm xuống, sa mạc lạnh ngắt tái tê như mối tình không trọn vẹn. Để rồi khi ngày sang, những hạt cát lại lấp lánh dưới ánh mặt trời, như những gì tinh túy nhất chàng trai dành cho người yêu. Và nếu ta có lỡ chạm vào một cành xương rồng, thì một dòng nhưa trắng sẽ tuôn ra lặng lẽ, như dòng nước mắt của cô gái khóc người thương, luôn ngầm chảy trong thân cây xương rồng. Dù thế nào đi nữa, họ vẫn mãi mãi bên nhau.

Lần đầu tiên tôi phát hiện ra vẻ đẹp của hoa xương rồng là vào một chuyến đi làm dự án tại tỉnh Bình Thuận cách đây đã lâu. Thực ra, trước đó tôi đã không ít lần nhìn thấy hoa xương rồng. Xưa kia người ta nói rằng, xương rồng cả năm mới ra hoa một lần, và ở nhiều giống xương rồng, cây ra hoa xong thì cũng yếu hẳn; nhưng bây giờ trong các vườn ươm, các công viên, sở thú, luôn có đủ loại xương rồng khoe sắc quanh năm. Nên tôi cũng thấy thật bình thường khi nhìn loài hoa ấy, cũng như muôn vàn loại hoa khác mà thôi. Trong chuyến đi bằng xe hai cầu vào những làng xa tít trong những trảng cát mênh mông, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào xứ sở nào thật xa lạ. Trên là trời dưới là cát, đồi cát nối đồi cát, cát trắng và cát đỏ, thi thoãng mới có vài hồ nước ( dân địa phương gọi là “bàu”) và những tán cây lúp xúp trong những làng người Chăm. Dự án “trồng nho trên cát” do một tổ chức của Đức tài trợ được thực hiện trên vùng đất ấy. Suốt mấy ngày “ ăn cùng cát, ngủ cùng cát” tôi cũng đã hình dung ra cuộc sống vô cùng vất vả và thiếu thốn của những người dân nơi đây. Nắng xói vào da thịt, làm người ta luôn có cảm giác như sắp bị biến thành lửa bất kỳ lúc nào. Lạ một điều là những tán cây lúp xúp kia vẫn đứng yên, im lìm như chẳng hề bị ảnh hưởng bởi lửa mặt trời và những ngọn gió như táp vào mặt. Những cái gai chĩa ra tua tủa, mãnh mẽ và kiên cường cùng nắng gió, xương rồng bền bỉ dựa vào chính mình để tồn tại. Trong cái nắng chói chang đó, tôi như hóa đá khi thấy một bông hoa run rẩy xòe những cái cánh tròn nhỏ, màu xanh vàng trong suốt, mỏng manh và những cái nụ be bé trên những cành xương rồng gan góc. Một loài cây mang đầy “xương” trên người và có “rồng” trong tên, ứa ra những giọt nước mắt của sự sống. Có cảm giác những cái gai kia đã dùng hết những tinh túy tích tụ trong cát để nuôi những cái nụ ấy. Như những giọt nước hiếm hoi trên cát, giản dị, thanh khiết và làm dịu đi cái gai góc, mạnh mẽ vốn có của cây. Dù gió cát có thổi mạnh tới đâu thì cánh hoa mỏng manh kia vẫn bám chặt, kiên cường như chính xương rồng không chịu rời xa cát. Khi hoa tàn, nó vẫn cứ dính vào thân cây mà héo đi, cho tới khi tan biến hoàn toàn. Có những vẻ đẹp thú hút bạn ngay từ bên ngoài và ngay lập tức. Nhưng có những vẻ đẹp bên trong, mà bạn chỉ có thể thấy cùng với thời gian. Hoa xương rồng là một loài hoa như thế.

Kể từ ngày ấy, tôi không còn thờ ơ với xương rồng được nữa. Có hàng ngàn loại xương rồng khác nhau và mỗi loại đều có một vẻ đẹp khác nhau. Những cây xương rồng trong chậu, dù có được chăm sóc thế nào đi nữa, cũng vẫn thấy quá chật hẹp, quá ít đất và đôi khi được tưới tắm quá nhiều, tôi không thích. Với tôi, xương rồng thuộc về miền gió cát. Mỗi khi nhìn thấy loài hoa ấy, tôi đều nhớ tới chuyến đi năm xưa của mình, tới những người nông dân lam lũ trong vùng nắng gió miền Trung, tới những vùng cát trắng miên man nơi có những cây xương rồng lặng lẽ. Luôn đứng vững cùng khó khăn và vươn lên từ bão cát, như bản tính của người Trung bộ, như huyền thoại về tình yêu của đôi trai gái tới từ thiên đường đã nguyện suốt đời bên nhau trên trái đất.

Trả lại sự sống và niềm tin cho đời, với những giọt nước mắt của rồng

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh