TRẦN THÙY LINH


Rong Ruổi Theo Dấu Chân Hoa

Hàng năm cứ sau tết dương lịch lại thấy cồn lên một nỗi bồn chồn khó đặt tên. Một sức hút vô hình mang tên HOA, kéo mình trôi đi, không sao cưỡng lại được. Vậy là dù bận đến mấy cũng phải thu xếp về với xứ hoa mỗi khi xuân về.

Hoa miền sông nước
Có nhiều nơi chốn mang lại cho ta một sự gắn bó không thể lý giải nổi, một sự mong nhớ như từ trong tiềm thức, làm ta luôn muốn quay về. Sa đéc là một nơi như thế. Tân Qui Đông, Sa Nhiên.., những cái tên đã quen đến độ chỉ nghe thoáng qua thôi là đã nhớ cồn cào. Là như hiện ra trước mắt cả một vùng bến thuyền sông nước, trên là trời, dưới là cỏ cây hoa lá, lung linh trong nắng.
Hoa ở Sa đéc không được trồng trong vườn hay ruộng, mà được trồng trên giàn, soi bóng xuống mặt nước lung linh. Để chăm sóc hoa người ta dùng những chiếc ghe nhỏ, len lỏi giữa những rẫy hoa cao ngang ngực hoặc gần lút đầu người. Có lẽ vì vậy mà làng hoa Sa Đéc luôn mang một vẻ quyến rũ và duyên dáng rất riêng biệt. Hoa ôm người và người ôm hoa. Hình như chỉ khi được "chìm" trong cái không gian ngát hương nhiều màu sắc đó, người ta mới thấu hiểu một cách đầy đủ rằng hoa là những gì tinh túy nhất trong kết tinh của đất trời và nắng gió với cỏ cây. Có lẽ vì gần nước, nên những cánh hoa nơi đây luôn đẫm hơi sương. Có lẽ vì gần gũi với nắng vàng phương nam, nên hoa ở đây luôn mang một vẻ rực rỡ và sung mãn, một vẻ đẹp chẳng hoa nào nơi xứ lạnh có được. Người xứ nào, hoa xứ ấy. Những loài hoa phương nam đầy nắng, dù được nuôi trồng, cũng chẳng thể mất đi chất hoang dã, phóng khoáng trong từng đường gân kẽ lá và dòng nhựa sống tràn trề trên từng cánh hoa. Trong những hướng dương, hồng, cúc, vàng anh, hồng anh, huỳnh đệ đang khoe mình dưới nắng vàng kia, có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả những tình yêu không thể diễn đạt bằng lời dành cho hoa, cho đời. Mùa nước về và mùa nước đi, đời hoa theo đời người lênh đênh theo con nước. Hoa nuôi người và người nuôi hoa.

Hoa trên phố
Nhớ những ngày đầu lang thang tại vườn đào Nhật tân cách đây gần hai chục năm, rồi nhiều lần trở lại sau đó. Những ruộng đào ngày càng thu hẹp qua bao cơn sốt đất, để bây giờ những gốc đào cổ thụ chen chúc trong một không gian chật hẹp. Lại nhớ những cánh rừng mênh mông ngút ngàn màu sắc từ phớt hồng, đỏ đậm tới tím của hoa anh đào ở Úc, ở Mỹ, Hàn quốc hay Nhật bản. Nhưng không thấy những nơi đó có tục trưng cành đào trong nhà vào dịp tết giống người Việt mình. Tương truyền xưa kia ở vùng phía đông núi Sóc Sơn linh thiêng, có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, là nơi trú ngụ của hai vị thần luôn che chở cho dân chúng và dùng cành đào để trừng phạt ma quỷ. Vào dịp Tết, hai thần lên thiên đình chầu Ngọc Hòang, nên để trừ tà và những điều không may mắn, dân chúng đã hái những cành đào về cắm trong lọ. Từ đó thành phong tục, nhà nào cũng có một cành đào trong dịp tết. Có phải vì mang theo sinh khí của thần linh, nên cánh hoa đào Việt thật huyền ảo và lung linh không? Có phải vì thế mà những cánh hoa luôn đầy sức sống và như trong miền cổ tích không? Phương bắc có đào và phương nam có mai. Những cánh hoa thắm tươi xếp lớp, trổ ra từ những thân gỗ mộc mạc khẳng khiu. Đào thì cho hoa trước khi cho lá. Mai thì phải mất lá mới cho hoa. Hoa có khác gì người, phải chịu dấn thân mới được viên mãn. Từng bông hoa kết tinh từ sự giao thoa giữa trời và đất, là những nốt nhạc màu rạng rỡ sinh ra trong một sự chuyển mình, hòa nhịp trong dàn Giao hưởng của đất trời tiết Xuân. Cứ thử tưởng tượng những con phố không hoa, không cây, phố sẽ buồn biết mấy. Và Tết có còn rộn rã vui tươi? Xuân có về không?
Tôi thích ngắm phố những ngày giáp tết. Những ngày ấy, hoa đã thay màu áo cho phố. Cái xám xịt của bê tông dịu lại, những con phố bỗng trở nên mềm mại. Và dòng người xe - dẫu vẫn hối hả - nhưng đã hóa thành dòng sông, mang theo những cánh hoa bồng bềnh trong gương mặt rạng rỡ của mùa xuân.Vẫn còn đó, những nỗi lo cơm áo, gạo tiền không bao giờ dứt nổi. Vẫn còn đó, những ham hố bon chen của kiếp người, chẳng thể hết. Nhưng vẫn trào dâng một niềm vui nho nhỏ. Bừng lên một tình yêu phố, yêu người, từ hoa. Bỗng muốn nghe quá, tiếng hoa cười trong nắng, giữa bê tông. Như muốn nghe một lời chào vĩnh cửu cho một khởi đầu mới.

Hoa nơi núi rừng
Hoa đào giờ có ở khắp nơi, không chỉ trong những làng hoa Hà nội. Mỗi mùa giáp tết, đào rừng nở bạt ngạt trên những cung đường Tây Bắc. Đào đậu dày đặc trên những con lộ miền Đông, bên những gốc tràm cổ thụ vùng biển Long hải hay trên những sườn xưa núi lửa Bảo lộc, La Ngà. Mai anh đào, thứ đào phớt hồng cánh đơn, khoe sắc trên những triền đồi phố núi Đà Lạt, Pleiku. Ai đã từng đặt chân trên những cung đường hiểm trở của đại ngàn Tây Bắc, Hà Giang, Mèo Vạc hay Mộc Châu, Sapa những khi năm hết tết đến, không thể quên những ngọn đồi phủ đầy đào hồng và ban trắng. Cái màu trắng hồng tinh khiết luôn mời gọi, dập dờn nồng ấm trong cái lạnh mùa đông, trong trập trùng xanh, rồi mất hút trong màu chàm vô tận của núi. Những nếp nhà tường trình như nép theo cành, nương theo hoa, làm khung cảnh rừng núi mất đi vẻ uy nghiêm trầm lắng thường ngày, rừng trở nên gần gũi hơn, „đời“ hơn và „người“ hơn nhờ hoa Nhưng rừng Tây Bắc, Đông Bắc không chỉ có ban và đào. Muôn vàn loài hoa dại có tên và không tên điểm tô cho bức tranh thiên nhiên đã quá toàn bích. Nhớ những lần lang thang trong rừng thông bản Áng, chợt mừng vui quá khi thấy hoa reo theo từng bước chân, hoa vờn bay theo ánh mắt ai cười. Những cánh hoa hồng, trắng, xanh, trong, tinh khiết như những ngôi sao băng rớt trên thảm cỏ. Cứ mỗi mùa hoa nở, người người lại rủ nhau lên rừng ngắm hoa. Và mỗi mùa Tết về, chân người lại đi, rong ruổi theo những dấu chân hoa.

Hoa xứ người và hoa xứ ta
Đã có ít nhất gần chục mùa Tết không ở phố, chẳng núi cũng chẳng sông, phiêu bạt những phương trời xa xôi. Ngắm một Hà Lan thu nhỏ thôi cũng đã thấy ngút ngàn hoa. Hay những ngày hè với Lễ hội hoa trên đất Đức hay Mỹ, Floriade, Tulip Top Garden tại Canberra..., luôn là những kỷ niệm khó quên mỗi khi nghĩ về hoa. Đi. Và thêm thương hoa xứ mình.
Những lễ hội hoa ở nước ngoài cũng có rất nhiều sự kiện văn hóa đi kèm như ở ta. Nhưng có lẽ điểm khác biệt dễ thấy nhất là: Hoa là vua, là nữ hoàng, là tối thượng được tôn vinh với tất cả mọi sự trân trọng nhất trong không gian và môi trường của hoa, chứ không hẳn chỉ để phục vụ người. Lễ hội hoa Weißensee ở Berlin có truyền thống từ những năm 60 tới nay và đã trở thành một lễ hội đường phố với hàng trăm ngàn người tham gia mỗi kỳ tổ chức. Ấy vậy nhưng hoa luôn có một không gian xứng đáng, nhờ sự tham gia và hỗ trợ của hàng trăm nhà trồng hoa và các công ty hoa và dịch vụ hoa khắp nơi. Hoa không bị " đè nén" trong những chậu, những bình, những không gian rườm rà, rắc rổi lỉnh kỉnh từ giấy, sắt, nhựa, từ ....mọi thứ như trong một số lễ hội hoa tại Việt Nam. Hoa trên phố và dưới chân người, mọc như trên đồng cỏ và những góc vườn nơi chúng sinh ra.
Tulip Top Garden Canberra chỉ là một vườn hoa, nhưng ta có cảm giác như lạc vào động hoa tiên, ngay từ con đường quanh co uốn khúc, sắp đặt mà như không. Những gốc hoa anh đào hồng thắm được trồng rất tự nhiên không gò ép kiểu ngay hàng thẳng lối như vườn hoa xứ mình, xen qua những cây cầu, con suối và những bụi cỏ dại, dẫn lối đưa chân du khách vào với thế giới hoa. Không thể không so sánh với những vườn hồng Đà Lạt, vườn hoa Suối vàng hay những sắp đặt hoa bên hồ Hoàn kiếm Hà nội mỗi dịp xuân. Vẫn một câu hỏi luôn trở đi trở lại: Vì ta thiếu tiền hay thiếu tư duy? Dường như còn thiếu cả sự hiểu về hoa và tôn trọng hoa nữa.
Floriade là lễ hội chào đón mùa xuân lớn nhất tại thủ đô nước Úc, đã có từ 27 năm nay, trung bình mỗi năm đón 400.000 du khách trong và ngoài nước và kéo dài suốt một tháng trong công viên Commenwealth. Tại đây người ta có thể chiêm ngưỡng hàng triệu đóa hoa tới từ khắp nơi trên đất Úc khoe sắc trong không khí của mùa xuân. Tự nhiên thấy Floriade sao mà gẫn gũi với Sa Đéc mình quá. Cũng trên trời dưới hoa, mênh mông bát ngát. Cây và hoa đến với người nhưng vẫn được sống một cuộc đời tự thân, không bi can thiệp thô bạo. Có chăng chỉ là sự qui hoạch về màu sắc và hình khối, đầy tính mỹ thuật, để người được mãn nhãn khi bước chân vào thế giới hoa. Tự nhiên có một mong ước như thế cho một Hội hoa xuân Tao đàn, cho một đường hoa Nguyễn Huệ/ Hàm Nghi hay bên hồ Gươm thơ mộng. Một mong ước về một "cuộc chơi thật" của hoa, không cờ phướn, không vòm sắt đèn hoa giả nhấp nháy, hoa nhựa xanh đỏ, làm phố trở nên đỏm dáng và lòe loẹt. Mong ước chỉ có hoa- nụ cười của cây, của mùa xuân – đến bên phố và bên người.

Tour ngắm hoa ngày Tết
Nhớ Tết năm nào, đã thiết kế một tour dọc theo đất nước theo những dấu châu hoa, chủ đề " Ngắm hoa ngày Tết". Bắt đầu từ những ngày giáp tết trước khi đưa ông táo về trời , chúng tôi lênh đênh bằng ghe trên sông nước miền Tây. Ngắm những rẫy hoa bạt ngàn ở Sa Đéc, Bến Tre, thăm thú làng hoa và la cà với nông dân. Ăn hoa và ngủ giữa những cánh đồng hoa. Rời sông lên núi, chúng tôi đi La Ngà thăm làng chài, ngắm đào đậu, lên Đà lạt, về với Thái Phiên, Hà đông, dạo trên con phố đầy ban trắng và sững sờ trước những đỗ quyên lung linh bên sườn đồi. Hai tuần dong duổi theo những dấu chân hoa: qua Hội An và nhà vườn Huế, đến với đào và quất Nhật tân, đến với đồng tiền, cúc, thược dược Tây Tựu,Từ Liêm, violet tím, hoa bướm mỏng manh Tây hồ và những chợ hoa tờ mờ sáng trên đê sông Hồng, thăm nhà nghệ nhân xem cắt tỉa bonsai, xem trình diễn nghệ thuật cắm hoa kiểu Việt và Ikebana trong một buổi trà chiều, nghe thuyết trình về Hoa trong Hội họa trong một triển lãm tranh hoa, và thưởng thức những đặc sản chế biến từ hoa của bếp Việt. Tất cả đều là là những trải nghiệm thật khó quên về một Tết, một mùa Xuân Việt. Chuyến đi kết thúc vào đêm giao thừa trong không gian linh thiêng của một ngôi chùa bên sông Hồng, khi một năm mới vừa tới bên thềm .
Chuyến đi năm đó làm dấy lên một ước mong được chào một sản phẩm tour du lịch " Theo dấu chân hoa tết" cho du khách yêu hoa trong và ngoài nước. Tôi còn nhớ mãi lời của bạn năm đó: Không ngờ chỉ là hoa thôi mà cũng nhiều điều thú vị đến vậy.

Vâng, chỉ là hoa thôi. Nhưng đẫm hồn đất, hồn Người và ẩn chứa biết bao điều về Văn hóa của một dân tộc.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh