TRẦN THÙY LINH


Sài Gòn Có Những Mùa Yêu


Tôi là người ghét cay ghét đắng những đám đông. Không phải vì mất lòng tin nơi con người mà tôi như vậy, mà vì, trong đám đông tôi luôn thấy ngợp, thấy thiếu không khí, thấy bị nhấn chìm và thấy mọi cảm xúc luôn tan tành như bong bóng xà phòng trong hỗn độn của âm thanh, trong tả pí lù của mùi người và chật chội của không gian. Vì thế, tôi cũng ghét lễ hội, khi đám đông tụ tập.

Có lẽ con số hơn 9,000 lễ hội tại Việt Nam đã làm ta mất đi khái niệm về sự háo hức đón chờ. Với tôi, lễ hội phải là một không khí thật khác biệt thường ngày, mang nhiều ý nghĩa hơn những con số thống kê khô khan hay những đám đông và cờ quạt, trống rong cờ mở thuần tuý. Mà không chỉ mình tôi không ưa những cái mà người nay hay gọi là “lễ hội”. Có một ngày, tôi đã thử làm một cuộc “nghiên cứu xã hội” mini, bắt bạn bè mình nhận xét về lễ hội chỉ bằng một hoặc hai từ. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên: Những tính từ, thán từ đầy tiêu cực về lễ hội là điều đa số nghĩ tới đầu tiên: hình thức, xô bồ, đông đúc, lỗm chỗm, lễ chợ, bát nháo, cơ hội, món bở…Những tính từ tích cực như: lung linh, hoành tráng, lộng lẫy, màu sắc, rực rỡ… chỉ là số ít. Hình như mọi người chỉ nhớ tới những lễ hội có tổ chức, và cảm nhận về hình thức nhiều hơn? Hầu như rất ít người bày tỏ cảm nhận về bản chất của những dịp ấy. Phải chăng chúng ta đang bị “nhiễu” vì chính từ “lễ hội”? Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên, lại là điểm chung của những tính từ đẹp ấy: Chúng bắt nguồn hầu hết từ những người ở xa, những người không đang sống tại Sài gòn. Người ta hay nói, “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, vậy thì phải chăng lễ hội ở Sài gòn chỉ “long lanh” với người ngoài hay sao? Mà thôi, tản mạn quá, người Sài gòn không lang bang đến vậy. Người Sài gòn nói: Chiện nhỏ, tới luôn bác tài! Ra Sài gòn coi đèn hông?

Sài gòn - Mùa trăng

Khi mùa thu đang chậm rãi lướt những ngón tay ngọc ngà trên những mái nhà rêu phong phương Bắc, bầu trời thành phố phương Nam vẫn cứ lúc trong, lúc đục. Những cơn mưa mùa hạ dường như còn luyến tiếc phố, lưu luyến người, nên vẫn rào rào đổ. May mắn thay, Tết Trung thu năm nay không mưa như thông lệ mấy năm nay, để lũ trẻ vẫn có được niềm vui ngắm trăng, vui phố và chơi đèn. Tôi luôn yêu cái không khí trước giờ G ấy của Sài gòn. Khoảnh khắc tuyệt vời nhất luôn là những ngày ngắn ngủi, nhanh như tên bắn trước khi lễ tới và chậm rãi thong dong khi hội đi ngang. Xạo ke! Sài gòn có gì chậm đâu? Nghĩ vậy cũng đúng thôi, vì giờ đây ở Sài gòn, chẳng còn thể nào phân biệt được đâu là khu dân cư, nơi nào là khu buôn bán nữa. Không còn giống ngày xưa, khi tôi ngơ ngáo đặt chân tới Sài gòn, mê mẩn ngắm những căn nhà lầu im lìm có giàn hoa giấy văng vẳng tiếng dương cầm trong những con hẻm vắng, lang thang bên những villa kín cổng cao tường dưới những hàng me, hàng dầu rợp bóng trên phố nơi quận 3. Ngay cả trong hẻm, Sài gòn nay cũng không còn những khu dân cư thuần tuý như xưa nữa. Người ta kiếm sống bằng mọi nghề, cửa hàng khắp chốn,“ thợ đụng” khắp nơi. Cái sự bán buôn ấy đã tạo nên một guồng xoáy chóng mặt, thay đổi căn bản diện mạo phố, làm biến dạng mùa và mang những nhã nhặn, thong dong của phố và người Sài gòn xưa vào ký ức. Vậy thì khi lễ tới, hội đi, nhanh hay chậm có nghĩa lý gì? Nhưng mỗi năm vào tháng tám âm lịch, tôi vẫn thấy một Sài gòn- mùa thu, mùa trăng tròn thật khác. Có bao giờ bạn thử chia cái hối hả của mình làm năm làm bảy, và dành một phần cho Tết Trung Thu chưa? Bạn sẽ thấy nhiều thứ mà bạn không thấy, nếu cứ gom những hối hả đó thành một cục và đau đầu với nó. Dành một chút hối hả cho con cái, hay cho chính mình trên con đường “lồng đèn” Lương Nhữ Học, quận 5. Thả bước giữa những lung linh cá, chim, hoa, thú dập dờn trong xanh, đỏ, vàng tím. Hay ghé mấy xóm làm lồng đèn Phú Bình, để hiểu thêm tại sao người Sài gòn gọi lồng đèn nơi đây là “báo đáp”. Đừng ngạc nhiên khi thấy không khí những nơi ấy thật khác xa với cái gọi là lễ hội do đám người đông đúc chen vai thích cánh ngoài kia tạo nên. Ở những nơi như vậy, tôi đã hiểu và chắc chắn rằng bạn cũng sẽ thấm cái gọi là “lễ” và cái gọi là “hội” thực sự là gì. Để thấy rằng, cuộc đời thật khác khi mùa đi ngang. Và đánh rơi đâu đó những hối hả đã sẻ chia trong lung linh ánh trăng đêm rằm.Ngày còn sống trong con hẻm nhỏ ngoằn nghèo, tôi luôn thấy mình bị cuốn theo niềm vui con trẻ trong ngày đón chị Hằng. Nào bưởi, nào cam, nào hồng nào quýt, bánh và đèn cầy, những chiếc đèn giấy đủ loại thắp lên, sáng bừng con hẻm. Mùi nhang phảng phất mời đất, gọi trời. Hương bánh nướng, bánh dẻo lan theo gió, tinh lắm mới thấy. Những cô bé mắt tròn ngơ ngác, luýnh quýnh bám đuôi lũ trai thùng thình gõ trống. Người lớn dựa cửa, hò nhau làm lân làm rồng, làm ông địa chọc tụi nhỏ, ngặt nghẽo cười. Cũng có khi Sài gòn sống chậm, ngay cả khi lễ tới, hội đi. Cũng có khi, Sài gòn – mùa trăng về, mang theo mùa nhớ.

Sài gòn – Mùa yêu

Tháng mười qua đi, tháng mười một sồng sộc tới, rồi tháng mười hai nữa là hết năm. Sao mà nhanh đến vậy? Hay ở Sài gòn thời gian đi mau hơn? Cũng không biết, nhưng cứ càng tới cuối năm lại càng thấy thành phố khác hơn. Theo kiểu, “có gì đó đang lửng lơ trong không khí”. Phải rồi, cuối năm còn là mùa cưới. Thiệp xanh, thiệp đỏ, thiệp hồng thơm ngát. Thời buổi bây giờ, nhìn thấy thiệp mời cứ như gà thấy cáo. Có những ngày cuối tuần, chạy “sô” đám cưới bạc cả mặt. Không đi không được, con bạn, cháu bè, em người quen…, thôi thì đủ cả. Riết rồi, rành luôn, chỗ này ăn được, chỗ nọ nhạc hay, chỗ kia múa đẹp, cũng đủ cả. Tay bắt mặt mừng, nộp xong bao thư, chờ ăn hàng tiếng, trước lạ sau quen, ngồi ăn rổn rảng, dzô dzô nhiệt tình. Cũng là một trải nghiệm, rất Sài gòn. Đám cưới nay ở Sài gòn thường là vậy.Nhưng cũng có một Sài gòn – Mùa cưới rất khác. Tôi thích ra đường vào những ngày cuối năm, khi những hàng cây rụng lá. Khi bầu trời chuyển sang xanh trong và cao, đầy dịu dàng, không còn sắc xanh sung mãn của mùa hè nữa, đó cũng là lúc giao mùa. Cũng là khi rất nhiều cặp đôi xuống phố, ghi lại những khoảnh khắc khó quên của một đời người. Áo dài trắng, xoa rê hồng, giản dị trong trang phục đời thường, hay cầu kỳ cùng voan và cà vạt, tay trong tay, họ đi bên nhau sáng ngời góc phố, lấp lánh công viên. Còn có một không khí nào nhiều “lễ“ hơn thế, và “hội” vui đến vậy? Có những ngày cuối tuần, tôi đếm được hàng chục cặp đôi như thế, bên góc công viên Nhà thờ Đức Bà và trước cổng toà nhà bưu điện thành phố. Những mắt lá me vàng li ti vương trên tóc xanh thiếu nữ, cánh hoa sao hoa dầu lăn tròn theo tiếng cười trong như thuỷ tinh, cuốn theo bao ánh mắt si mê. Tôi thấy Sài gòn cười trong mùa yêu. Giòn tan, với thiệp xanh, thiệp đỏ, thiệp hồng. Thơm ngát.

Mỗi khi tháng mười, tháng mười một về trên phố phường đông đúc, tự nhiên cứ thấy một nỗi bồn chồn khó lý giải. Một sáng nọ, chợt thấy những đoá hoa vàng rực cắm trong xô nứơc của ngừơi bán hoa bên đường, mới hiểu tại sao. Giữa những ồn ào và người xe nườm nượp không dứt, cái vạt vàng ấy cứ rực lên. Nhưng vẫn lặng lẽ, không phô trương, không chút ganh đua cùng người cùng xe. Như một khỏang lặng của dấu chấm sau một câu dài. Một nốt si trầm, giữa những la, son, rê, mí. Cúc vàng thu giữa nắng cuối năm Sài gòn.
Ngày xưa, hoa cúc chỉ bắt đầu xuất hiện khi tiết trời đã se và cái nắng đã nhuốm màu hanh hao. Những bông cúc xưa thật khác xa với những bông cúc giống „tây lai„ thẳng đuồn đuỗn thời bây giờ. Ngay bên lề đường gần chợ Tân Định, thưở ấy có một bà bán hoa cúc vàng trong quang gánh. Một bên là những bông cúc đại đóa còn ngậm sương, một bên là những bông cúc cánh trắng mỏng tang, thân xanh mềm mại và vài lọai cúc kim li ti khác, thọat nhìn cứ tưởng hoa dại. Chưa tới nơi đã nghe thoang thỏang mùi thơm từ những cánh hoa và những chiếc lá hình chân vịt. Ai bảo hoa cúc không thơm? Mùi thơm ấy tới từ nơi mình không ngờ nhất, nó bắt mình phải “nghe“ mới thấy. Có cố gắng tới mấy thì cũng không thể so sánh được với mùi gì khác. Chỉ biết rằng, hương của cúc là hương của mùa thu. Có hương mưa, hương nắng, có hương của đồng lúa vào mùa, có cả hương gió heo may của mùa lá rụng Sài gòn. Mùi hương của sự gắn bó, của sự nhớ nhung.

Có liên quan gì không, hoa cúc và đám cưới? Dù rằng không ai kết hoa cúc thành một bó hoa cưới bao giờ, nhưng tôi vẫn cứ như nghe tràn đầy hương thơm của cúc trắng, cúc vàng, cúc xanh, khi thấy những cặp đôi môi kề môi, má kề má bên bức tường gạch cổ Nhà thờ. Hương thơm ấy lan đi trong không gian của một Sài gòn đang vào mùa yêu.Có những điều chỉ nên cảm nhận, mà không thể, và không nên diễn tả thành lời.

Sài gòn- Mùa thông

Sài gòn và thông, thật hoang đường! Tại sao không? Chẳng phải thông tràn ngập trên đường đó sao? Mỗi khi thấy thông là biết Giáng sinh đang về. Dù đó chỉ là những gốc cây giả, được khoác áo thông. Bạn tôi nói, lễ hội bây giờ chỉ còn là cơ hội làm ăn. Làm sao khác được chứ, Sài gòn? Nhưng Giáng sinh không chỉ có thế. Tôi vẫn thấy những con đường và nhiều hẻm lớn, hẻm nhỏ thuộc xóm đạo Tam Hà, Tân Phú (Thủ Đức), Gò Vấp, Chợ Lớn, nhiều con đường chính ở trung tâm thành phố, được trang hoàng lung linh, rực rỡ với hang đá, đèn sao, trái châu, cây thông, ông già Noel, và bà chúa tuyết trong mùa Giáng Sinh. Chỗ nào bán cứ bán, chỗ nào mua cứ mua, vẫn có những nơi người thay áo cho phố, chỉ để biết rằng Giáng sinh đang về. Tháng mười hai, thêm một lần nữa, phố phường xúng xính áo khăn đi hội.
Cũng có nhiều năm, thấy người Sài gòn áo ấm, khăn len trên phố, tưởng như mùa đông phương bắc đang tràn về trên những ngõ hẻm phương nam. Cái lạnh của xứ ôn đới rõ ràng đã làm dịu đi cái nắng nhiệt đới, làm dịu đi bao tất bật, xô bồ của những cái đầu quanh năm nóng. Khí lạnh tràn qua những đại lộ và những con đường rực rỡ đèn hoa Giáng sinh. Nhà thờ Đức bà, Bưu điện thành phố, những dinh thự cổ xen với những tòa nhà hiện đại cao tầng…,hiện ra mờ ảo trong làn khói se sương lạnh, bất thường mà quấn quít. Cái lạnh miền nhiệt đới chẳng đủ để xua đi những muộn phiền tất tả, mang khuôn mặt nắng chở đầy khói bụi. Nhưng cái lạnh đủ để những tâm hồn khô cứng mềm lại, để những ký ức xưa đẹp đẽ bay về, trả lại thời khắc của những trong trẻo, của những ước mơ, giữa lung linh sắc màu ngày Chúa sinh ra đời. 
Có người nói, giờ đây “ phú quý sinh lễ nghĩa”, với hơn 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài, giới kinh doanh tha hồ mà hốt bạc. Giáng sinh cũng không là ngoại lệ. Vậy thì sao chứ? Khác đi sẽ không còn là Sài gòn, không còn là lễ hội tại Sài gòn nữa. Ở nước ngoài, Giáng sinh là lễ hội của gia đình, là sự quây quần đầm ấm bên bàn ăn, bên lò sưởi, thì ở Sài gòn, Giáng sinh là lễ hội của đường phố. Đi chơi Giáng sinh- từ lâu đã là một cụm từ thông dụng với mọi người. Người người gặp nhau trên đường, trong quán. Về một phương diện nào đó, âu cũng là sự đầm ấm theo kiểu rất Sài gòn, khó mà có được ở nơi khác.
Xét cho cùng, bất cứ dịp gì khiến người ta có được những phút giây vui vẻ và hạnh phúc với nhau, vui với chính mình, đều có ý nghĩa, đều xứng đáng là lễ hội, phải vậy không?

Bạn thấy không, có một Sài gòn – Mùa lễ hội đang lấp ló bên thềm.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh