TRẦN THÙY LINH

Sài Gòn Mùa Hoa Nắng


Bài viết này dành tặng những người Sài gòn nơi xa, đặc biệt là chị L!
**********************************
Từ phương xa, chị điện thoại về: Sài gòn mùa này có gì không em? Nghe giọng chị đầy khắc khoải cồn lên nỗi nhớ. Mang câu chị hỏi đi khắp Sài gòn và nhận được vô số câu trả lời: Xời, mắc làm thấy mồ, ai biết Sài gòn có gì; Sài gòn mùa nào cũng đẹp; Sài gòn có gì mà đẹp, v.v và v.v... Tự hỏi, Sài gòn mùa này hấp dẫn gì ta? “Đặc sản” phương nam chắc chỉ có nắng. Nắng thôi là nắng, trốn được là mừng. Khí hậu biến đổi đang lan nhanh trên từng hang cùng ngõ hẻm, đâu chỉ là hạn hán khô cạn ở đồng bằng sông Cửu long,hay lạnh bất thường nơi núi rừng Tây Bắc. Dân ngày một tăng, phố ngày một phình. Nhiều nhà, ít cây. Phố ngột ngạt, người ràn rạt. Và bây giờ, tháng 3, tháng 4 lại mang nắng về đổ đầy trên phố, mùa khô xào xạc bước vào kỳ giao mùa. Sài gòn mùa này còn có gì ngoài nắng? Vậy mà vẫn nghe như hơi thở của mùa xuân đang lan trên phố, đâu đó giữa cái nắng đầu hạ. Ấy là nhờ những sắc hoa báo hiệu mùa về: bằng lăng tím hồng trên những con đường quận 4, Phú nhuận, trong những khu dân cư mới vùng ven; Bò cạp, Điệp vàng duyên dáng quận 1, quận 3, quận 7, quận 8; Sò đo cam, Sử quân tử rực rỡ nồng nàn bên những cây cầu nối các con kênh và bờ sông. Sài gòn mùa này, có nhiều loài hoa mang màu của nắng.

 

 

Cơn mưa vàng trong gió

Đầu tháng ba, đi trên đừơng thấy nắng dịu dàng dõi theo trên đầu. Nắng chiếu xuống từ ánh vàng của một loài hoa mọc thành từng chùm có cánh mỏng, mang cái tên ngồ ngộ: Bò cạp vàng. Cùng với Lim sẹt, Bò cạp vàng chỉ nở rộ duy nhất một lần trong năm vào thời điểm giao mùa, giữa mùa khô và mùa mưa, cũng là thời kỳ được coi là khó chịu nhất và khắc nghiệt nhất trong năm.

Những chùm hoa vàng này còn mang tên Osaka, khiến người lần đầu nghe cứ nghĩ hoa xuất xứ từ Nhật. Nhưng hoa này có gốc từ Ấn độ, Srilanka và còn là quốc hoa của Thái lan, tượng trưng cho vương quyền với màu vàng vua chúa. Tên tiếng Anh không có gì đặc biệt, nhưng tên tiếng Đức thì thật là tuyệt vời: Goldregen – Cơn mưa vàng. Có lẽ người ta gọi như vậy để phân biệt với cây hoa cùng họ Cassia nhưng hoa có màu xanh tím (Blauregen – cơn mưa xanh) chăng? Không biết rõ, nhưng từ đó mê tít những chùm hoa vàng treo cao ấy.
 

Đó là một màu vàng trong đến lạ lùng. Không phải là cái vàng rực rỡ mang màu nắng của hoa lim sẹt tuốt trên ngọn cây. Cũng không phải màu vàng chanh pha trắng như nhiều người lầm tưởng. Đó là một màu vàng trong suốt, nguyên sơ đến lạ kỳ nếu bạn nhìn sâu vào từng cánh hoa. Những cái nhụy màu xanh non ánh lên dưới nắng, và phản chiếu vào màu vàng làm những cánh hoa nhuốm một sắc xanh nhưng vẫn không mất đi độ trong của màu vàng ấy. Một màu vàng có lẽ chỉ được sản sinh ra nhờ cái nắng trong veo, chưa gắt của đầu mùa hạ phương nam. Nắng phương nam màu gì? Tôi tin rằng có rất nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi ấy. Tôi luôn thấy nắng đỏ vào mùa hè. Nắng trắng vào mùa đông, nắng cam vào mùa thu và nắng xanh vào mùa xuân. Tùy vào từng thời điểm của mùa mà sắc độ những màu ấy khác nhau. Cùng với Lim sẹt, những cánh Osaka báo hiệu mùa hè phương nam đang đến. Những chùm hoa dài lả lướt buông mình giữa không trung, mang theo một sắc xanh non mượt mà, khiến cho màu vàng trở nên trong suốt. Cái màu vàng ấy không giống bất kỳ màu vàng của hoa nào khác. Từng chùm, từng chùm, những búp hoa nhẹ nhàng thả mình rơi xuống, như những dòng nước vó nhiều những giọt tròn lấp lánh.
 

 

Mỗi lần nhìn thấy những chùm hoa ấy, tôi luôn nhớ tới một truyền thuyết của thần thoại Hy lạp về nàng Danae xinh đẹp đón cơn mưa vàng của thần Dớt và bức tranh cùng tên của danh họa người Ý Tiziano Vecelli. Có rất nhiều họa sĩ lừng danh thời Phục Hưng khai thác đề tài này. Hàng ngàn giọt mưa vàng lấp lánh mang sinh lực và tình yêu tưới lên nàng công chúa xinh đẹp bị vua cha giam giữ trong căn phòng tối. Cuộc giao hoan với thần Dớt dưới hình hài của một cơn mưa vàng đã sinh ra Perseus, người mang sức mạnh phi thường của thần linh, người đã giết chết phù thủy biển Medusa và giải cứu công chúa Andromeda khỏi con quái vật của thần biển Poseidon.

Có một tuổi thơ trong trẻo mê say những áng văn bi hùng, đỉnh Olympia và con thuyền của chàng Odysee, những vị thần dũng mãnh và những nàng công chúa xinh đẹp, đã luôn gắn với màu vàng huyền thoại. Có một tuổi thơ đã đi xa. Nhưng cũng có một cơn mưa vàng ở lại. Để hôm nay, mưa vàng bay trong gió Sài gòn, treo những giọt nước lung linh giữa bầu trời mùa hạ. Những chùm hoa kia có là những cơn mưa vàng mang theo tinh túy của vị thần cao quý nhất đỉnh Olympia đến với muôn loài? Mỗi năm một lần, thần Dớt lại gửi lời chào trên những con đường Sài gòn, rải những cánh hoa trong gió, nhuộm vàng từng bước chân trong âm thầm. Trên phố đông, ngừơi vẫn vô tình đi và xe vẫn vô tình lứơt. Những giọt vàng có đủ mạnh để nhuộm màu cho sự thờ ơ? Có đủ mạnh để mang lại một tinh thần và sức mạnh Perseus cho ngừơi, vựơt qua những Medusa và quái vật ẩn mình trên dòng sông cuộc sống vẫn đang ào ạt trôi?

Những cánh chim yêu kiều

Chị kể, ngày còn nhỏ, chị hay lượm những cánh hoa vàng rơi trên con đường lớn sau lưng nhà thờ Đức Bà. Tuổi thơ của chị gắn với những cánh điệp vàng mà chị gọi là cườm thảo và những cuốn sách Tuổi hoa. Tuổi thơ tôi cũng gắn bó với sách Tuổi hoa, là vài cuốn sách hiếm hoi của miền Nam ở Hà nội thời bao cấp, mượn của bạn người Sài gòn ra thủ đô ở chung với bác kế bên nhà. Những cuốn sách mở ra một vùng trời thật lạ lẫm. Kể từ đó cái tên „điệp vàng“, cùng những cung đường trải đầy những cánh hoa vàng nhỏ xinh, mộng mơ của tuổi học trò áo trắng đã ở lại trong tâm tưởng mấy mươi năm trời.
 

 

Những ngày đầu hè, nhiều con đường Sài gòn tràn ngập sắc vàng. Quận 4, quận 1, quận 3, quận 7, Phú nhuận, đếm không hết, đi không xuể. Những thân cây họ đậu tán tròn, vốn khiêm nhường trên phố, đã lặng lẽ bung những đóa hoa vàng từ giữa tháng 3, khi mà những cơn mưa bò cạp vàng ngừng rơi. Có một buổi chiều lang thang bên bờ sông quận 7, chợt thấy sững sờ khi bắt gặp hàng cây đồng loạt rực lên màu của nắng lung linh trên thảm cỏ, nơi có những ngọn lau non tơ trắng muốt đang rung rinh trong gió. Điệp vàng hay Muồng kim phưọng, Lim sẹt hay Lim xét gì thì cũng là tên của loại cây có nguồn gốc Malaysia này. Một số người gọi là Phượng vàng, dễ gây nhầm lẫn với cây phượng vĩ vàng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là loài khác (hiện Việt Nam chỉ còn duy nhất một cây tại Đà Lạt). Hoa Lim sẹt/ Điệp vàng năm cánh có lông màu hoe đỏ, chỉ lớn khoảng 2-3 cm và mọc thành chùm tụ tán ở đầu cánh. Nhìn từ xa, những chùm bông như những con sóng, tầng tầng lớp lớp, ôm lấy những tán lá kép lông chim xanh sẫm. Những đóa hoa mang theo chùm nụ màu gỉ sét luôn vươn lên trời cao, khi gặp gió, tung bay như những cánh chim yêu kiều. Gió mang những cánh hoa vàng thả lên cỏ xanh, phủ lên mặt đường nhựa xám một màu vàng tươi tắn, như mang nụ hôn tinh tế của mùa gửi cho người. Nếu như những chùm hoa Osaka có màu vàng long lanh trong suốt, thì màu vàng của hoa Điệp lại lấp lánh như những hạt cườm thủy tinh dưới ánh mặt trời khi mới nở, rực rỡ và nồng nàn khi đã bung hết cánh. Trong trung tâm thành phố, khó lòng mà với tới được những chùm hoa cao tít trên những cây điệp vàng cổ thụ . Nhiều khách bộ hành còn chẳng thể biết rằng, nơi tàng lá xanh cao trên đầu họ có những vòm hoa vàng rực rỡ. Loài hoa ấy không quá lãng mạn, không đẹp phô trương mà vẫn đầy gợi nhớ. Và cũng khó mà có thể biết được rằng, loài hoa ấy lại tỏa ra một mùi thơm êm dịu đến thế. Mùi hương của hoa Điệp vàng, phải lại gần mới thấy rõ. Dường như hương ấy, hoa ấy, không phải dành cho tất cả mọi người.

Những buổi sáng đầu hè, đi trên con đường „của chị“, ngang qua ngôi nhà thờ cổ kính luôn có những bóng nắng in trên mái ngói đỏ rêu phong, chợt thấy như có hàng ngàn cánh chim vàng yêu kiều nhảy nhót phía trên đầu. Thấy phố mềm hơn, người dịu hơn. Say gió, say nắng, say hương thơm quấn quít của hoa nắng. Để thấy những xô bồ, hối hả, mà người đời hay gắn lên thành phố quê hương chị - nay cũng là quê hương tôi -, như đang lùi xa, xa mãi. Để lại cho Sài gòn một khung trời hạ vàng, bình yên, như trong quá khứ của chị, trong hiện tại của tôi, và trong tương lai của bao người.

Chị ơi, Sài gòn- Mùa hoa nắng đang chờ.


  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh