TRẦN THÙY LINH

 

TANZANIA Du Ký

ARUSHA
 

Sau chuyến bay dài gần 14 tiếng với ba lần đổi chuyến tại 3 quốc gia, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên đất Tanzania. Phi trường quốc tế Kilimanjaro thuộc thành phố Arusha là điểm dừng chân đầu tiên của đa số du khách muốn thăm Khu công viên thiên nhiên hoang dã lớn nhất và nổi tiếng nhất Tanzania. Arusha là thành phố lớn thứ ba tại Tanzania với 1,5 triệu dân ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, nhưng với tôi, thành phố này chỉ như một thị trấn nhỏ nào đó vùng núi phía Bắc Việt Nam. Trải dài theo con lộ chính và những con phố nhỏ, là dãy nhà 1 tầng, đa phần sơn màu rực rỡ. Lác đác có vài toà nhà kính cao 5-7 tầng, nổi bật trên nền những mái nhà tôn. Khu trung tâm có một toà nhà Hội nghị có vẻ hiện đại nhất và một tháp đồng hồ cao khoảng 4m, mà người lái xe của chúng tôi giới thiệu đầy tự hào: “Chưa tới đây thì coi như chưa tới Arusha”. Đó là một khối chữ nhật đứng ốp gạch men, có một chiếc đồng hồ cũ kỹ, đặt giữa vòng xoay giao thông của một ngã tư. Gần đó là một khu chợ bản địa đầy màu sắc bán mọi thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.
 

Thật kỳ lạ là tôi không hề có cảm giác lạ lẫm. Mọi thứ dường như quá quen thuộc, từ những cây điệp vàng đang trổ bông, những bụi cỏ, mái nhà hay hàng quán bên đường. Phố và chợ ở Arusha mang một vẻ gì đó nhang nhác Việt Trì, Thái Nguyên cùa những năm 80, hay Ban Mê, Gia lai, những phố núi của Việt Nam những năm đầu của thập kỷ 90. Một vẻ ngái ngủ. Một vẻ nguyên sơ, hoang dã của núi rừng và cao nguyên. Một nhịp sống chậm và nghèo, nghèo lắm. Một vẻ gì đó có thể chỉ có trong hồi tưởng của người tới từ những quốc gia phát triển hơn. Một sự hồi tưởng có hai vế, như người ta thường nói: “thời đó nghèo, mà....”. Có thể ai đó sẽ thấy dơ, bẩn nữa. Nhưng tuyệt nhiên không có sự xô bồ và nhếch nhác. Ở đâu chúng tôi cũng được chào đón. Trên những khuôn mặt đen bóng, luôn là những nụ cười. Những dè dặt trước một nền văn hoá xa lạ, một chủng tộc xa lạ, dần theo gió bay đi. Phải chăng những rào cản nào đó đã ở ngay trong tâm mình, hình thành từ sự thiếu hiểu biết về thế giới bao la? Những chuyến đi không chỉ cho ta thấy những điều mới lạ. Chúng cho ta cơ hội nhìn lại bản thân và trả lại cho ta những trong trẻo đã mất.
 

Ở Arusha, bạn có thể thăm những trang trại trồng và rang xay cà phê thủ công, thưởng thức những tách Arabica thơm lừng bên những gương mặt hồ hởi và thân thiện. Cũng không thể bỏ qua một bảo tàng Mỹ thuật tư nhân khá ấn tượng cả về kiến trúc lẫn bộ sưu tập đồ sộ với tựơng và tranh đặc trưng Phi châu của các hoạ sĩ địa phương. Bảo tàng còn có một phòng trưng bày loại đá xanh ánh tím lừng danh thế giới chỉ có tại Arusha và mang tên quê hương sinh ra nó: Tanzanite.
 

Với một nước nghèo như Tanzania, Bảo tàng này thực sự gây ấn tựơng về cả kiến trúc lẫn bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm điêu khắc và mỹ thuật đặc trưng Phi châu của các nghệ sĩ địa phương. Khai trương năm 2010, bảo tàng do chính vị giám đốc Kiến trúc sư đồng thời là chủ doanh nghiệp khai thác đá Tanzanite thiết kế. Nội thất bảo tàng do một công ty Kenya thực hiện. KTS chọn hình tượng Trống, Khiên và Lưỡi Mác, là những biểu tượng trong tín ngưỡng Phi châu để kiến tạo nên hình dáng của toà nhà 4 tầng này. Trống là hiện thân của sự sinh sản, của mối quan hệ cộng đồng và giao tiếp. Khiên là biểu tượng của sự an toàn, lòng dũng cảm và bản sắc. Lưỡi mác tượng trưng cho sức mạnh, nam tính, lòng kiêu hãnh và tự hào. Bảo tàng nằm trong khuôn viên rộng lớn của Di sản Văn hoá Arusha cũng thuộc sở hữu của vị doanh nhân Tanzanite kia. Ngoài khu trưng bày tranh, nơi đây còn có khu triển lãm, khu trưng bày đồ thủ công và các shops bán đồ lưu niệm đầy màu sắc, các loại đá thiên nhiên và Tanzanite. Chúng tôi thực sự choáng ngợp với trình độ chạm khắc thủ công và số lượng các mặt hàng lưu niệm có tại đây.
 

Ngay lối vào Bảo tàng mỹ thuật là những tác phẩm điêu khắc ấn tựợng tạc trên những thân cây (thừơng là Keo) có nhiều gốc mà đường kính có khi rộng hàng mét. Người, thú, chim muông, cây cối..., dường như những nghệ sĩ ở đây đã gói gọn cả thiên nhiên trong những bức tượng ấy. Có những bức ( phải gọi là cột tượng mới đúng) cao 4-5 m và phải mất vài chục năm mới có thể hoàn tất. Không gian triển lãm trong bảo tàng chạy vòng theo những đường lượn hình xoắn ốc, tạo nhịp điệu và chuyển động theo biến chuyền linh hoạt của ánh sáng hắt xuống từ mái vòm và khu giếng trời hình tròn đặt tại vị trí trung tâm toà nhà. Khu trưng bày đề tài History (Lịch sử) bao gồm mặt nạ, tượng nhiều chất liệu, đồ vật thờ cúng của các tộc người Phi châu thuộc nhiều niên đại. Ở Khu Wildlife (Thiên nhiên hoang dã) có rất nhiều tranh đề tài phong cảnh và các loài thú, chủ yếu theo phong cách hiện thực, hiện thực ảnh và ấn tượng. Khu Soul (Linh hồn) là những bức hoạ đề tài sức mạnh Phi châu - đất nước và con người, đời sống và tín ngưỡng, bút pháp và ngôn ngữ tạo hình khá đa dạng, từ hiện thực, ấn tượng tới trừu tượng, siêu thực. Những bức tranh chân dung vô cùng sống động, bút pháp mạnh mẽ để lại rất nhiều cảm xúc cho người xem, mang lại một không khí Phi châu hoang dã, cuồng nhiệt, lộn xộn nhưng cũng vô cùng quyến rũ và đầy sức sống. Một châu Phi với vẻ đẹp không giống bất cứ lục địa nào trên trái đất này.
 

SERENGETI
 

Để tới được Khu Công viên quốc gia rộng lớn này, cách nhanh nhất là đi máy bay. Những chiếc máy bay cánh quạt Chesna nhỏ 12 chỗ ngồi, bay ở độ cao 3.000 tới 4.000m được sử dụng như xe buýt dùng để đưa đón khách. Từ Arusha khách có thể tới nhiều địa điểm khác nhau để tới nơi cắm trại chỉ trong vòng 1-2 giờ bay. Cũng có chút bất an khi thấy chiếc máy bay quá nhỏ mà lúc bước lên phải cúi đầu và lách người để vào chỗ ngồi. Nhưng cảm giác đó tan biến khi thấy sự điềm tĩnh, dày dạn kinh nghiệm của những phi công người Âu. Cảm giác lo sợ biến thành háo hức ngay, khi mà máy bay vừa hạ thấp độ cao là đã có thể nhìn thấy hàng đàn thú đang di chuyển trên những cánh đồng cỏ mênh mông. Với ống tele, thậm chí tôi còn chụp được cả đàn hà mã đang bơi lội trên sông.
 

Cánh đồng bất tận
Địa hình nơi đây gồm ba loại chính: Vùng cỏ thấp, vùng cỏ cao và vùng rừng. Serengeti là một bình nguyên có diện tích 14.763 km2 ở cao độ 1.800m so với mực nước biển, địa hình chủ yếu là cỏ thấp và cỏ cao với hệ sinh thái đa dạng và hệ động vật cũng hết sức phong phú. Nơi đây trước kia là địa bàn của bộ tộc du mục Maasai, một trong số 120 bộ tộc của Tanzania. Công viên quốc gia chính thức được thành lập vào năm 1951 và nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới nhờ những nỗ lực của nhà nghiên cứu động vật hoang dã người Đức Bernhard Grzimmek, Giám đốc Hiệp hội động vật Frankfurt. Cả cuộc đời ông đã gắn cùng Serengeti, ông cũng là tác giả của cuốn sách và bộ phim đoạt giải Oscar cùng tên “ Serengeti never die” ( Serengeti không bao giờ chết). Tên gọi Serengeti bắt nguồn từ ngôn ngữ của thổ dân Maasai và có nghĩa là “Cánh đồng bất tận”. Theo thông tin từ 2014, thì đây là quê hương của sư tử (2 ngàn), báo gấm, báo Je-pa, voi (8 ngàn), linh dương đầu bò xanh (Blue Wildebeest, khoảng 2 triệu), linh dương sừng cong (Coke’s Hartebeest, 250 ngàn), linh dương sừng cao (Grant Gazelle, 30 ngàn), ngựa vằn (500 ngàn), linh dương Thomson, linh dương sừng móc, hươu cao cổ, hà mã, tê giác, sơn dương, lợn rừng và hàng ngàn loại thú khác, cùng các loài chim và bò sát với mật độ dầy đặc khác thường. Serengeti nổi tiếng nhất nhờ mùa thú di cư. Hàng năm, vào khoảng tháng 6-7, hàng triệu con linh dương đầu bò, ngựa vằn và các loại linh dương khác vượt sông Grumeti và Mara sang Kenya và quay trở lại vào tháng 9, tạo ra một khung cảnh có một không hai của cuộc di cư hoang dã và khốc liệt trong sinh tồn lớn nhất thế giới.

 

Cắm trại trên đồng cỏ
Khu lều trại di động của chúng tôi nằm trên sừơn đồi, bên một con suối nhỏ giữa thung lũng cỏ mênh mông có hàng cọ xanh và núi xa xa bao quanh. Có rất nhiều lều di động trong mùa thú di cư tại Serengeti, từ 2-5 sao, tuỳ theo giá tiền, bạn sẽ có dịch vụ tương ứng. Phải đặt trước rất lâu mới có được chỗ trong những lều tốt. Những trại này thường được bố trí ở mỗi vị trí khoảng 2 đến 3 tháng, sau đó lại được dời đi theo đường di chuyển của thú.Trại của chúng tôi khá rộng rãi với một lều chung là nơi ăn uống và 16 lều riêng với số lượng tối đa là 22 khách. Điện dùng từ năng lượng mặt trời và nước phân bổ 20 lít một người mỗi ngày. Các lều được làm bằng bạt khá chắc chắn và rộng khoảng 30m2, đều có giường, đủ tiện nghi, phòng vệ sinh và phòng tắm riêng. Một hệ thống đổ nước thủ công được thiết kế bên ngoài mỗi lều và khi bạn tắm sẽ có một anh Tanzania đứng ngoài lều dội nước giúp bạn. Đi ra ngoài khi trời tối luôn phải có người cầm đèn pin dẫn đường. Đồng cỏ lúc nào cũng đầy bí ẩn, không thể biết có bao nhiêu đôi mắt đang dõi theo bạn từ xa kia, nếu không thương xuyên lia đèn.

 

Ai đã từng trải qua những chiều hoàng hôn Phi châu đều không dễ quên được sắc màu rực rỡ ấy, những sắc màu nguyên sơ lộng lẫy của thiên nhiên mà khi chỉ được nhìn qua những bức tranh, tôi đã vội vã cho là sến xúa. Chiều hoàng hôn châu Phi đã dạy cho tôi một bài học thấm thía về sự cẩn trọng trong nhận định. Phải chăng sự thơ ngây bản năng của ta đã nhanh chóng mất đi khi ta ngày một lớn khôn? Tâm hồn ta đã nhuốm bao nhiêu bụi trần để rồi luôn hoài nghi mọi thứ và quen dần với cuộc sống đầy những kết luận chủ quan vội vã? Khi ngồi trước khu lều chung, nhâm nhi tách Arabica thơm lừng trong tiếng chim hót ríu ran trên đồng cỏ, tôi đã không tin nổi những gì đang diễn ra. Một vầng thái dương rừng rực đỏ, vùn vụt trôi trong không trung, mang theo những áng mây màu cam, hồng, vàng, rồi nhanh chóng biến mất sau rừng cây bên lều. Gần như cùng lúc đó, trên bầu trời xuất hiện một vầng trắng, cứ lớn dần, lớn dần, vùn vụt dâng cao, cũng nhanh không kém. Mặt trăng. Một vầng trăng khổng lồ lơ lửng ngay trên đầu, hắt luồng sáng huyền hoặc đầy bí ẩn xuống cánh đồng cỏ nơi tôi đang ngồi. Toàn bộ quá trình ấy có lẽ chỉ diễn ra trong vài phút, nhanh tới nỗi tôi không kịp bấm tấm ảnh nào trong một nỗi bàng hoàng đến ngây dại. Ngay sau đó, những đám mây vội vã kéo tới che khuất vầng trăng, trên bầu trời đen chỉ còn lại vài ngôi sao lấp lánh. Những con thú nào ngoài kia đang cùng tôi ngắm trăng đêm nay? Thiên nhiên thật diệu kỳ. Thiên nhiên thật bao dung, bình đẳng với muôn loài. Bỗng thấy thật buồn cho những ứng xử của con người đã và đang xảy ra với thiên nhiên ở khắp nơi trên trái đất này.
Ngọn lửa bùng lên từ đống củi mà những người dẫn đường đã chất lên từ chiều. Bên những người bạn Tanzania mới quen những tiếng cười rộn rã vang lên không ngớt. Ai cũng như mềm lại. Ai cũng như ngà ngà say trong hương cỏ bình nguyên, trong vòng tay Mẹ Thiên nhiên êm ấm. Ở Serengeti, có những đứa con mọi màu da đang trở về nhà.

 

Đêm đầu tiên nằm trong lều, nghe tiếng lật phật lúc nhẹ lúc mạnh, tưởng như có thú đi quanh, hoá ra chỉ là tiếng gió đập vào những lớp bạt. Khoảng gần sáng bỗng có tiếng con gì gào thét ngay bên cửa lều, thấy rợn sống lưng. Một cảm giác gai người, đầy bí ẩn. Sáng hôm sau, nghe bạn hướng dẫn Tanzania nói có sư tư săn mồi ngay trong khu cắm trại. Và trên con đường xem thú sáng hôm sau, thấy một bộ xương linh dương treo vắt vẻo trên cành cây, cách khu trại không xa, - mồi của một con báo cách đây vài tuần.
 

Theo dấu chân thú - Game Drive
Để đi thăm thú trong Công viên quốc gia, người ta sử dụng những xe đặc chủng kiểu xe Jeep không cửa, có thể di chuyển trong mọi điều kiện địa hình. Những chuyến đi từ 10-12 tiếng đồng hồ trong ngày trong những chiếc xe như vậy được gọi là Gam Drive, như một thuật ngữ của dân đi Safari. Ngồi trên xe cả ngày và không được phép bước chân xuống xe vì nguy hiểm có thể ở khắp mọi nơi. Cũng đã có vài trường hợp hiếm hoi, du khách không coi trọng nguyên tắc off-road đã thành mồi cho sư tử và báo. Các hướng dẫn viên của chúng tôi đều là những chuyên gia, đã tốt nghiệp chuyên ngành động vật hoang dã, vừa lái xe vừa thuyết minh và không bỏ sót một con thú nào trên đồng cỏ, kể cả khi chúng ở rất xa.
Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi đã may mắn gặp một đàn thú di cư gồm hàng ngàn con linh dương đầu bò và ngựa vằn đang chạy về phía Tây. Linh dương đầu bò và ngựa vằn là đôi bạn suốt đời chung thuỷ, luôn đi cùng nhau. Cuộc sống cộng sinh - ngựa giỏi tìm đường và linh dương giỏi tìm thức ăn-, là vô cùng cần thiết trong cuộc đấu tranh sinh tồn trên đồng cỏ. Những hình ảnh về đàn thú hoang hàng ngàn con phi nước kiệu trên đồng cỏ tưởng như chỉ có thể thấy trong những bộ phim của kênh National Geographic, đang diễn ra hết sức sống động ngay trước mắt.

 

Ấn tượng về sự hoang dã của vùng đồng cỏ Phi châu ập tới, mạnh mẽ, không chỉ từ những đàn thú. Không thể diễn tả được cảm xúc khi đi trên cánh đồng cỏ mênh mông của lục địa đen đầy nắng gió. Dừơng như khung cảnh thiên nhiên cách đây hàng triệu năm, đến nay vẫn vẹn nguyên, hoang dã như thuở nào. Trên những ngọn cây và trong những bụi cỏ ven đường là thế giới của các loài chim. Thỉnh thoảng có vài cây cổ thụ khổng lồ như nhũ hương (Myrrh), keo tán tròn (Umbrella Thorn Acacia), cây sốt vàng (Yellow-barked Fever tree)…đơn độc trên đồng cỏ, chỗ đậu lý tưởng cho đám kền kền và vô vàn loài chim sặc sỡ tuyệt đẹp không thể biết hết tên. Đồng cỏ cao nối tiếp đồng cỏ thấp, những bụi cây lúp xúp, những bông hoa cỏ trắng uốn mình theo gió và toả hương trong nắng. Xe chúng tôi đi tới đâu, mùi cỏ basil và cỏ bạc hà lan theo tới đó. Trên trời cao nắng vàng rực rỡ, gió mơn man thổi, xung quanh chúng tôi ngát hương cỏ dại. Những đàn linh dương đủ loại, (Impala, Gazelle, Topi, Tommie) những đàn ngựa vằn, hươu cao cổ, trâu rừng, voi, lợn rừng, sơn dương...đang gặm cỏ trên cánh đồng, không hề đếm xỉa tới sự có mặt của con người. Hai con đà điểu đuổi nhau, nổi bật ở phía chân trời xa xa. Những con voi con tinh nghịch đọ ngà bên dòng suối và hai con hươu cao cổ đang quyết liệt trong một cuộc chiến dành một con cái, trong đám cỏ cao ngang lưng người. Một con cáo lò dò vòng quanh bụi cây tìm đường xuống suối uống nước. Bình yên trong hoang dã. Bình yên ngay cả khi hiểm nguy của cuộc chiến sinh tồn khốc liệt đang rình rập đâu đó. Bao nhiêu đó có đủ cho con người học được gì từ loài thú hoang không?
 

Xe chúng tôi dừng lại giữa đồng cỏ, nhường đường cho một đàn voi đủng đỉnh đi qua. Bên bờ sông Mara, biên giới tự nhiên giữa Tanzania và Kenya, nơi một năm hai lần diễn ra những cuộc di cư khổng lồ của hàng triệu con thú, từng đàn hà mã đang ngụp lặn, không mệt mỏi trong cuộc chơi phun nước bất tận của chúng. Cách đó không xa, những con cá sấu khổng lồ (loại cá sấu sông Nile) đang im lìm nằm phơi nắng. Có thể phần nào hình dung ra những kẻ thù truyền kiếp của linh dương và ngựa vằn vùng lên dữ dội đến thế nào, khi cuộc đại di cư diễn ra nơi đây. Thiên nhiên khắc nghiệt, thiên nhiên cũng vô cùng hào phóng với muôn loài. Và chúng tôi, những con người của hôm nay, bỗng thấy lòng mình dịu lại trong vòng tay Mẹ thiên nhiên. Thấy như chạm được tới thiên đường.
 

Phần lớn du khách tới Serengeti đều mong được thấy top 5 con thú đầu bảng (Big Five) thuộc hàng hiếm gặp là Sư tử, Báo, Voi, Tê giác và Trâu rừng. Thật may mắn là ngay lần đầu tới đây, chúng tôi đã gặp đủ Big Five, trong đó có 3 lần gặp sư tử, một lần thót tim vì chúng ở ngay sau xe trong một cuộc săn mồi. Được biết, tỷ lệ săn mồi thành công của sư tử là 30%, con mồi ưa thích nhất của chúng thường là linh dương các loại. Thường chỉ có sư tử cái đi săn mồi, sư tử đực làm nhiệm vụ giữ gìn lãnh thổ (khoảng 60km2). Chúng sống thành bầy và sư tử cái chọn con đực cho bầy của nó. Một bầy chỉ có thể có hai con sư tử đực nếu chúng là anh em cùng huyết thống. Trung bình một con sư tử giao phối 3 ngàn lần trong một năm. Nhưng ngày nay số lượng sư tử đang ít dần đi, theo người hướng dẫn của chúng tôi. Có tới 8/10 sư tử con chết sau khi sinh vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là do thành mồi cho những con thú khác, trong đó có cả sư tử đực không phải cha của chúng. Sư tử lớn chậm và phải hai tuổi mới bắt đầu biết đi săn. Thường thì sư tử hay săn mồi ban đêm, mắt của chúng có thể nhìn rõ hơn mắt người tới 6 lần, nhưng chúng lại chỉ có thể phân biệt được hai màu đen trắng, bù lại chúng có thể nghe thấy tiếng động từ cách xa 2km. Đỉnh cao của những chuyến đi Game Drive như vậy là khi bắt gặp sư tử hay báo đang săn mồi. Sau khi cắn nát cổ con mồi, sư tử để dành thức ăn cho con và đàn của nó. Nhưng thường thì nó luôn phải chiến đấu với kẻ “ cướp mồi và ăn xác” kinh khủng nhất trên đồng cỏ, là những con linh cẩu. Linh cẩu có khả năng đánh hơi thấy mùi máu từ cách xa 20km. Khi cả đàn hàng chục con linh cẩu kéo tới thì sư tử cùng phải chạy tháo thân và bỏ con mồi lại. Trên lãnh địa của đàn sư tử ở gần khu cắm trại, chúng tôi đã gặp vô số xương trâu, linh dương đầu bò, linh dương sừng xoắn...mới và cũ.
 

Loài báo thường gặp ở Serengeti là Báo Cheetah, còn gọi là báo Je-pa, hay Báo săn mồi. Sở dĩ gọi như vậy, vì đây là loài thú ăn thịt chạy nhanh nhất trên đồng cỏ. Loài báo này có khuôn mặt rất dữ dằn với hai vệt đen từ hốc mắt xuống cằm, chân cao và đuôi dài giúp chúng giữ thăng bằng khi chạy. Một con báo Cheetah có thể đạt tới vận tốc 112 km/giờ, và nhảy cao tới 7m. Khác với sư tư, báo Cheetah không để dành thức ăn. Săn được con mồi chúng thường ăn ngay và nhanh. Báo đốm Leopard thì thường lôi con mồi lên cành cao để không con nào có thể cướp được. Số lượng báo Leopard và Cheetah cũng ngày một ít dần, dù chúng đẻ một lứa từ 3-4 con, nhưng chỉ có 15% sống sót sau sáu tháng. Phần lớn những con Cheetah con đều làm mồi cho sư tử. Có tận mắt nhìn Cheetah săn mồi trên đồng cỏ mới thấy hết sự tinh khôn và nhanh nhẹn vô cùng của loài báo này.
 

Vào buổi chiều cuối cùng ở Serengeti, trong ánh hoàng hôn chạng vạng trên con đường về trại, chúng tôi đã gặp một đàn ngựa vằn hàng trăm con dừng chân cách đó chỉ vài chục mét. Chúng chọn trảng cỏ khuất sau những hàng cây để qua đêm, trước khi tiếp tục con đường di cư đầy hiểm nguy về miền Tây. Hoàng hôn phủ những tia nắng cuối cùng của ngày lên những thân ngựa cường tráng, tròn vo, chắc nịch và dát vàng lên những chiếc bờm đang rung rinh trong gió. Những vằn đen nhưng nhức và những vệt trắng không thế trắng hơn. Đêm ấy có những vệt đen trắng, có những ánh mắt trong veo hoang dã, có ráng chiều đỏ ối và hương cỏ bạc hà đưa tôi vào một giấc ngủ sâu không mộng mị.
 

Những ngày sống trong lều giữa đồng cỏ mênh mông, những ngày 10 tiếng ngồi trên xe đặc chủng vượt qua cả trăm km trên vùng bình nguyên và đồi núi, dõi theo cuộc sống bầy đàn của những đàn thú hoang, hoà mình vào thiên nhiên đã cho chúng tôi thêm nhiều hiểu biết về thiên nhiên kỳ bí, về sự khốc liệt của cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các giống loài. Cũng ở nơi ấy, chúng tôi đã thấy, đã cảm nhận được về sự bình đẳng của muôn loài trên thế gian. Ở nơi ấy, chúng tôi đã học được cách tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng tất cả những gì xung quanh mình và tôn trọng chính mình.
 

NHỮNG NGƯỜI MAASAI
 

Khi bay trên đồng cỏ mênh mông, đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà hình tròn trong một vòng tròn lạ mắt. Khung cảnh thật lạ lẫm khi bạn ở trên cao. Những con sông ngoằn nghèo, uốn lượn, những cánh đồng cỏ cao, thấp, những cánh rừng xanh đậm nối đuôi nhau về phía chân trời, tưởng như không bao giờ dứt. Và không ít những đàn thú hoang, dễ tới hàng ngàn con, đang trong cuộc di chuyển bất tận của mùa trên cánh đồng bất tận Serengeti. Thốt nhiên tôi nhớ tới tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư về những trảng cỏ mênh mang, những phận người cơ cực và cuộc chiến sinh tồn... Dưới kia, có những phận người gì?
 

Rời con đường nhựa với đó đây mái nhà nhiều màu sắc ven lộ và những cây Baobap to lớn, xe đưa chúng tôi tới một thung lũng rộng có một hồ nước lớn. Thấp thoáng những mái nhà tròn, những ngôi nhà mà chúng tôi đã từng thấy trên đường bay tới Ngorongoro. Tiếng hát vang lên từ phía thung lung, ngày một rõ hơn. Gió mang tiếng hát lan xa, xa mãi, bay theo những dải mây đang la đà bên những sườn núi bao quanh thung lũng. Một người đàn ông cao lớn khoác chiếc Sukha (vải cuốn) ca rô đỏ, tay cầm gậy, đón chúng tôi ngay lối vào làng. Bằng một giọng trầm ấm, ông ra hiệu cho những người đàn ông và đàn bà cao lớn đang đứng bên bờ rào. Họ cất tiếng hát bằng thứ ngôn ngữ giàu giai điệu, âm vực rộng và trầm. Những người đàn ông tạo thành một vòng tròn, di chuyển theo giai điệu của bài hát và từng người một thay nhau vào giữa vòng tròn, nhảy thật cao theo chiều thẳng đứng. Những người đàn bà đung đưa nhẹ nhàng theo từng lời ca và dùng ngực hất mạnh những chiếc vòng cổ lớn kết cườm nhiều màu sắc, nhịp nhàng theo điệu nhạc. Bài hát ca ngợi những chiến binh dũng cảm của bộ lạc Maasai, nay đã trở thành bài ca đón khách.
 

Maasai là một trong 120 tộc người của Tanzania, một trong số rất ít những bộ lạc bán du mục còn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc, sinh sống tại Kenya và Tanzania. Cuộc sống của họ lên xuống theo ánh mặt trời mọc và lặn, theo nhịp điệu vĩnh cửu của mùa. Ở miền đất của người Maasai, thời gian không có ý nghĩa. Cứ vài ba tháng, cuộc sống du mục lại đưa họ tới những đồng cỏ mới, nơi những đàn gia súc (chủ yếu là bò, dê và cừu) có nước có cỏ, nơi họ chung sống hoà bình cùng ngựa vằn, linh dương, hươu cao cổ và các loài thú khác trên đồng cỏ, trong những ngôi nhà tròn, có hàng rào cao bảo vệ.
Mặt trời nhô dần lên khỏi đỉnh núi bao quanh vùng thung lũng cỏ hoang mênh mông, hắt những tia sáng lấp lánh lên mặt hồ nước nơi có những con hồng hạc đang kiếm ăn trong đám cỏ lúp xúp ven hồ. Xa xa là đàn bò và cừu dễ tới hàng trăm con đang gặm cỏ. Khung cảnh bình yên đến nao lòng. Những ngôi nhà quây quần bên nhau trong một vòng tròn. Khu nuôi gia súc nằm ở một góc làng và khu vực trung tâm làng là một cái sân rộng, có những quầy hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Có lẽ đây là phần ít truyền thống nhất trong một ngôi làng Maasai.

 

Theo chân người đàn ông “Carô đỏ”, tôi bước vào một trong những căn nhà tròn trong làng. Thực ra khó có thể gọi đây là nhà, mà cũng không hẳn là lều. Hằng hà vô số những con bọ đập ngay vào vào mặt, khi tôi cúi đầu, bước qua khoảng không gian chật hẹp được hiểu là cửa, để bước vào bóng tối. Phải vài phút sau, mắt tôi mới quen được khoảng không chật hẹp chỉ mờ mờ sáng. Nhà chỉ có một lỗ tròn nhỏ lấy sáng trên nóc và chỉ đủ chỗ để hai chiếc giường ghép lại từ những thân cây nhỏ. Người đàn ông châm lửa vào những cành củi được chất sẵn giữa nhà và mời tôi ngồi xuống giường. Hoá ra ông là con trai của vị tù trưởng bộ lạc Maasai ở làng này.
 

Người Maasai đa thê. Vị tù trưởng có 15 người vợ và cả làng gồm khoảng hơn 20 ngôi nhà, họ đều có quan hệ huyết thống với nhau. Ngôi nhà tôi đang ngồi là của một trong các bà vợ tù trường sống cùng 5 người con của bà. Khoảng 6 m2 cho sáu người, sẽ là 7, khi vị tù trưởng qua đêm tại đây. Thật lạ là khi đã vượt qua được cảm giác gai người mà những con bọ và bóng tối mang lại, thì tôi lại cảm thấy thật dễ chịu. Mùi của khói, của lửa, không khí tranh tối tranh sáng trong ngôi nhà phân bò, mang lại điều gì đó thật ấm cúng và thân tình. Sự thân tình từ người khách lạ hay đặt câu hỏi. Sự thân tình từ những câu chuyện giản dị về cuộc sống du mục của người đàn ông có vành tai đục lỗ thật rộng. Một sự thân tình hình như đã bị bỏ quên lâu lắm rồi, trong ánh sáng ban ngày luôn chói chang ngoài kia.
 

Với người Maasai, gia súc đặc biệt quan trọng. Họ rất gắn bó với gia súc, uống sữa và máu bò mỗi ngày như một cách nạp năng lượng.Một truyền thuyết Maasai kể rằng, Đức Chúa trời người tạo ra thế giới có ba người con trai. Người ban tặng cho người con thứ nhất một cây cung để đi săn, người con thứ hai nhận được cây cuốc để trồng trọt. Và người con út, ông tổ của người Maasai được tặng cây gậy để chăn nuôi gia súc. Địa vị và sự kính trọng mà một người đàn ông Maasai có được là nhờ số lượng gia súc trong đàn và số con mà anh ta có. Người nào có ít hơn 50 gia súc, đó là người nghèo. Khi đi hỏi vợ cho con trai, người cha cũng thường mang theo gia súc để làm quà tặng cho gia đình cô dâu, càng nhiều, thì khả năng được chấp thuận càng cao.
 

Đàn ông Maasai luôn là những chiến binh. Khi thiếu niên trong làng bước vào tuổi 15, họ sẽ được làm phép trong những buổi lễ theo tập tục ngàn đời để xua đuổi bệnh tật và những rủi ro. Rồi sau đó những thiếu niên này được bôi mặt trắng, mặc đồ đen, được cấp một cây mác và đưa vào rừng. Tại đó họ sẽ phải làm quen với cuộc sống tự lập, tự chiến đấu để sinh tồn. Sau vài tháng, sống sót trở về họ sẽ chính thức bước chân vào cuộc đời và được công nhận là trưởng thành và là những chiến binh bảo vệ bộ tộc, những ngôi làng, nguồn nước và đàn gia súc của mình cho tới tuổi 30, khi họ được phép kết hôn theo sự sắp đặt của cha mẹ và từ đó chỉ chuyên tâm chăm sóc phát triển đàn gia súc và đàn con. Lớp chiến binh trẻ tuổi sẽ lại nối nghiệp họ để bảo vệ bộ tộc. Những người đàn ông Maasai vì thế rất nổi tiếng vì tinh thần quả cảm.
 

Đàn bà Maasai là những người xây tổ. Những ngôi nhà tròn dựng từ cành cây, cỏ, bùn, nứớc tiểu và phân bò, là tác phẩm của họ trong ba tháng trời. Họ dọn dẹp, nấu ăn, lấy nước, kết những chiếc vòng cườm-trang sức truyền thống của người Maasai-, và coi sóc đàn con. Từ ngàn đời nay đã thế, và tới nay vẫn vậy. Nhưng vùng đất của người Maasai ngày nay ngày càng bị thu hẹp lại. Những khu rừng và đồng cỏ trở thành khu bảo tồn thiên nhiên hoặc được khai thác nông nghiệp, họ không được phép sinh sống tại đó. Cuộc sống du mục đang ngày càng biến đổi. Hạn hán và áp lực kinh tế khiến họ đang phải bán dần đàn gia súc để sinh sống.
 

Đôi mắt người đàn ông đượm buồn. Câu chuyện bên ngọn lửa bỗng chùng lại. Và chúng tôi bước ra ngoài. Nước vẫn loang loáng mặt hồ. Nắng vẫn chói chang và gió vẫn lồng lộng trên đồng cỏ mênh mông. Phía cuối làng, gần hồ nước là một ngôi nhà hình vuông, tương đối rộng rãi, nơi đó vang lên tiếng trẻ em trong một bài tập đếm bằng tiếng Anh: one, two, three....Nhà trẻ của làng. Vây quanh tôi là những làn da đen bóng, là những đôi mắt trẻ thơ. Đen, nâu, hoang dã và e dè. Có những đôi mắt đượm buồn, không hiểu vì sao. Những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác không khác gì trong những lớp học vùng cao Tây Bắc mà tôi từng có dịp ghé thăm. Bàn ghế bằng cây đóng sơ sài, chân đi đất, dụng cụ học tập hầu như không có gì, đồ chơi cũng không, nhà trẻ chỉ đơn giản là chỗ giữ trẻ khi cha đi chăn đám gia súc trên đồng cỏ còn mẹ thì bận hầm đậu, kết hạt, hay làm nhà. Tôi chụp mấy tấm hình và ngồi xuống bên các em. Khi nhìn thấy mình trong những khuôn hình của tôi, sự e dè đột nhiên biến mất. Tôi lại thấy những ánh mắt lấp lánh niềm vui, vô tư như tôi từng thấy ở Hà giang, Đồng văn hay Mèo vạc. Tôi lại nghe thấy những tiếng ríu rít như tiếng chim tôi từng nghe trong ngôi làng nhỏ ở Myanmar, Lào hay Campuchia. Trẻ em ở đâu cũng vậy, chỉ có người lớn, càng lớn, càng khác.
Niềm vui trẻ thơ đôi khi chỉ giản dị thế thôi, vậy mà khi đã thành người lớn, mấy ai còn quan tâm ?

 

KARATU – CHỢ VÀ NGƯỜI
 

Đêm cuối cùng nằm trong ngôi nhà gỗ ở vùng hồ Manyara, tôi đã biết rằng, phải rất lâu nữa, tôi mới quên được Tanzania. Tiếng gió đập vào cánh cửa làm dậy lên cơn thèm khát những ngọn gió hoang mùi bạc hà trên đồng cỏ Serengeti. Lâu lâu, ban công gỗ lại cót két, có những tiếng cào và tiếng rên khe khẽ ngoài kia. Những con Babun (vượn mặt chó) đang đòi vào. Tôi biết mình sẽ khó mà quên nổi ánh mắt thuỷ tinh trong veo của những con khỉ xanh, khỉ vàng nơi ấy. Và chắc chắn rằng cái không khí của vùng chợ quê Karatu sẽ còn theo tôi một thời gian dài, rất dài...
 

Karatu là một thị trấn nhỏ xíu gần thành phố Arusha. Một thị trấn bụi bặm, ngái ngủ và chậm buồn với những con đường đất đỏ dốc thoai thoải. Những ngôi nhà một tầng đóng cửa, vài khách sạn bình dân và tiệm tạp hóa bày bàn ghế sặc sỡ ngoài hiên. Vài chiếc xe tuk tuk chở khách và dàn xe ôm rất hầm hố dựng ngay ngắn bên những người đàn ông lực lưỡng đang ngáp vặt chờ khách. Khu chợ Karatu đang được xây dựng, ngoằn nghèo hố rãnh và ngổn ngang sạp hàng bày tràn ra trên đất. Guide book nói, dân nơi này đã quá quen với khách du lịch, và nên dè chừng. Nhưng tôi lại chỉ thấy điều ngược lại. Chúng tôi hỏi han đủ thứ và luôn nhận lại nụ cười. Tôi còn đựơc thử ngồi làm bánh tại một sạp hàng. Người Tanzania ăn nhiều bột ngô( bắp), lúa kiều mạch và đậu. Món Ugali là bột ngô nhào kỹ, nắm lại rồi luộc lên ăn cùng sa lát, thơm và dẻo, nhưng rất mau ngán. Chúng tôi đi lòng vòng quanh chợ. Có một xe bán Simcard ngộ nghĩnh màu đỏ đặt bên một tiệm cắt tóc màu vàng, cả hai mang một vẻ đẹp xưa cũ khiến tôi ngẩn ngơ. Chưa ở khu chợ nào tôi thấy nhiều tiệm cắt tóc tới vậy. Mỗi tiệm một vẻ, và tiệm nào cũng đẹp, cũng mang một không khí rất riêng. Hơi tối, nhưng gần gũi và thân thiện. Chợ Karatu không xô bồ, nhộn nhịp, không lao xao bán mua. Nhưng chợ cũng không lặng lẽ, buồn tẻ. Chợ giống những ngôi chợ cao nguyên ở Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 90 mà tôi từng có dịp ghé thăm. Nhưng cũng khác ở những ngôi nhà đầy sắc màu, ở những tiệm cắt tóc và sạp đóng giày cao su thủ công đặt trên những chiếc xe bò. Cách đó không xa là những đôi giày da secondhand được đánh bóng loáng xếp thành dãy. Một - không, nhiều sự tương phản dụt dè. Sự tương phản xưa cũ đã mấy chục năm tôi không hề gặp lại. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên hiên một tiệm cắt tóc trong một cảm giác thật khó tả. Vừa lạ, vừa quen, vừa có cái gì như lưu luyến, thương cảm, vừa pha chút tò mò....Khi tôi đưa máy ảnh lên, người thợ cắt tóc đang ngồi xem tivi bất ngờ quay ra. Ba khuôn mặt khác biệt hiện lên trên màn hình của tôi.
 

Tôi đã biết rằng, sẽ rất khó để quên nơi này....

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh