TRẦN THÙY LINH

 

Thăm Xứ Sở Các PHARAOH 


Chúng tôi tới Ai Cập vào một ngày mùa đông khô và đầy nắng. Nhiệt độ giữa ngày và đêm dao động như sự thấp thỏm của chúng tôi về tình trạng bất ổn được bạn bè cảnh báo trước. An ninh được siết chặt tại Cairo, các thành phố và các điểm du lịch, cảnh sát súng ống kè kè ở khắp nơi.Nhưng có điều gì ngăn được sự quyến rũ ở xứ sở các Pharaoh này?
 

Nile là dòng sông dài nhất thế giới (6.650km) bắt nguồn từ sông Nile trắng tại Uganda, và sông Nile Xanh từ Ethiopia. Chảy trên đất Ai cập, sông Nile có chiều dài khoảng 1.500 km và được coi là nơi khởi nguồn của sự sống, nơi bắt đầu của nền văn minh Ai cập cách nay 6.000 năm. Chảy từ Nam xuôi Bắc rồi đổ ra Địa Trung Hải, sông Nile chia Ai cập ra làm hai: bờ Đông là thế giới của người sống và bờ Tây là thế giới của thần linh.

KINH NGẠC CÁC ĐỀN THỜ THẦN

Lớn nhất miền nam Ai cập với khoảng hơn 30.000 dân, và cách Cairo 886 km, Aswan xưa là ranh giới giữa Ai cập và Nubien, thuộc vùng Thượng Ai cập.Thành phố duyên dáng trải dài theo sông Nile với cọ, chà là, hoa giấy và các loài xương rồng vốn phù hợp với khí hậu sa mạc khô nóng khắc nghiệt. Đảo granite Elephantine và những cánh buồm trắng nổi bật trên nền nước xanh trong như tô điểm thêm cho vùng đất vốn giữ một vị trí chiến lược quan trọng dưới thời Ai cập cổ đại. Có vô số điểm thăm quan lý thú tại Aswan: Đảo Elephantine, Bảo tàng Aswan, Đập thuỷ điện lớn nhất Ai cập ( 1972), nhiều lăng tẩm thuộc vương triều thứ 12, và đẹp nhất là đền Philae thờ nữ thần Isis vợ của thần Orisis. Sau khi Đập sông Nile được xây dựng, người ta đã di dời toàn bộ ngôi đền đồ sộ này về vị trí trên hòn đảo hiện nay. Cùng với đền thờ Isis tại Edfu và Dendera, Philae là ngôi đền được bảo tồn tốt nhất trong các đền phong cách Ptolemy (300 năm trước công nguyên). Nhiều chi tiết chạm khắc trên các cột trụ hình hoa sen ( súng) sông Nile, trên các Pavillon và các đền thờ tại đây hầu như còn nguyên vẹn. Những câu chuyện về các vị thần, câu chuyện về dòng sông-nơi sự sống khởi nguồn- và vị thần sông Hapi, thể hiên qua các tác phẩm điêu khắc trên cổng và tường có thề mê hoặc bất kỳ du khách nào.

 

Đã tới Aswan, không thể không ghé thăm làng của người Nubien. Thuyền đưa chúng tôi dọc theo sông Nile. Cỏ lau đang mùa ra hoa, màu trắng hoa lau dập dờn trong gió, nổi bật trên nền rừng cọ, chà là xanh đậm và dòng sông màu diệp lục huyền ảo. Xa xa là những đụn cát của sa mạc mênh mông, và xa hơn nữa là bầu trời mùa đông, lúc nào cùng như khoác một chiếc khăn màu cát, bay bay. Thỉnh thoảng tàu đi vào một khúc sông hẹp, những con chim bay vù lên từ đám cây bụi và đảo đá, chao cánh theo con tàu. Làng của người Nubien nằm trải dài từ triền sông lên tận đỉnh núi cát. Những ngôi nhà nhiều màu sắc như nhà vùng Địa Trung hải, đều có mái và cửa sổ vòm chống nắng. Trong nhà bài trí đơn giản, có nhiều sân và khoảng trống. Phương tiện di chuyển chính là lạc đà. Những người Nubien da đen sậm chủ yếu sinh sống bằng nghề dệt vài bông và bán hàng cho khách du lịch.Từ sân thượng một ngôi nhà, phóng tầm mắt nhìn về bờ Tây nơi mặt trời đang dần khuất sau những trảng cát mênh mông, bỗng thấy biểu tượng của Thần Mặt trời Ra rõ hơn bao giờ hết.
 

LẠC VÀO THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Luxor không duyên dáng như Aswan nhưng cũng là thành phố rất dễ thương và đương nhiên là cổ, với hàng trăm lăng mộ của các hoàng đế thuộc nhiều vương triều trứơc công nguyên, đươc xây ngầm trong những dãy núi đá vôi trong Thung lũng các vị vua. Không xa đó là Thung lũng các hoàng hậu. Vùng sa mạc rộng lớn này nằm bên bờ Tây sông Nile, và là thế giới vĩnh hằng của các vị vua, hứớng của thần theo quan niệm của người Ai cập, không có dân sinh sống.

 

Tưởng như đang lạc vào bộ phim nào đó khi đi trong cái nắng sa mạc chói chang, dù Ai Cập vẫn đang là mùa đông. Nhiệt kế chỉ độ ẩm chỉ 26%, là điều quá lạ lẫm cho những người tới từ vùng nhiệt đới. Từ năm 2002 đã có nhiều lăng mộ được mở cửa cho công chúng vào xem. Lăng mộ lớn nhất trong thung lũng các vị vua là của các hoàng tử con vua Ramses III, người có 51 vợ, 96 hoàng tử, 154 công chúa. Các hoàng tử này (ngoại trừ 1 vị thành Vua Ramses IV) đều được chôn cất tại lăng mộ này. Phần lớn các lăng mộ đều có cửa vào hẹp, các dãy hành lang trần cao, được đào vào trong lòng núi đá Alabaster, sâu hàng trăm mét, nơi đặt quan tài đá chạm trổ tinh xảo.
Nổi tiếng nhất phải kể tới mộ và xác ướp của vị hoàng đế trẻ tuổi Tutakhamun lừng danh với lời nguyền : “Kẻ nào phá rối giấc ngủ của ta, sẽ phải chết”. Xác ướp của vị vua này có lẽ vì thế vẫn nguyên vẹn, sau hàng ngàn năm các ngôi mộ bị cướp bóc. Bao nhiêu đoàn khảo cổ đã tới đây và không ít người sau đó đã lìa đời vì nhiều nguyên nhân không xác định được.
Người Ai cập cổ đại tạo màu từ các loại đá tự nhiên, vốn vô cùng dồi dào trên sa mạc như calcit, lapis lazuli, quatz, malacite... kết hợp các pigment đá cùng các loại nhựa cây để dùng trang trí cho các bích hoạ trên tường. Không thể tin được rằng sau hàng ngàn năm, nhiều bức tranh chạm khắc trên tường, trên trần, vẫn còn nguyên vẹn, một số ít vẫn giữ nguyên màu sắc. Rất tiếc không phải chỗ nào cũng đựơc chụp ảnh. Những bức tranh tường ghi lại quá trình lập mộ, kể chuyện đời và ngợi ca các vị vua, kể những câu chuyện huyền thoại của Ai cập cổ đại về cuộc sống vĩnh hằng, chuyện các vị thần của bầu trời, của mặt đất và của dòng sông Nile huyền thoại.
Một cảm giác choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của đền đài và sự huyền bí của một vùng đất của một tộc người cách nay đã hơn 5000 năm với một nền văn minh vựợt quá sức tửơng tựơng, như tới từ một thế giới khác.

 

 

BOX 
Đền thờ thần Amun- Ra

 

Amun là vị thần quyền lực nhất trong các vị thần của truyền thuyết Ai cập cổ đại và được tôn sùng như “ Vua của các vị thần”. Khi Amun kết hợp với Ra (thần Mặt trời) thì vị thần này có một quyền lực vô biên. Thần Amun-Ra đóng vai trò quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người Ai cập cổ.

Đền Karnak nổi tiếng với hàng nhân sư đầu cừu ngay lối vào và 134 hàng cột đươc xây dựng từ nhiều miếng đá nguyên khối khổng lồ theo hình hoa Papyrus ( cây cói giấy). Với độ cao 40 m,đây là kiến trúc Hypostyle ( cột đỡ trần) độc nhất vô nhị trên thế giới. Đền bắt đầu được vua Seti I xây từ TK 14 trước CN và hoàn tất bởi con trai ông, vua Ramses II vào TK 13 trước CN.

Cách Karnak (cũng là tên làng) 3 km là đền Luxor, cũng thờ thần Amun -Ra. Đền do vua Amenhotep III khởi công, hoàn tất bởi vua Tutankhamun và Horemheb ( tất cả đều TK 14 trứơc CN) và đứơc mở rộng bởi vua Rameses II (TK 13 trước CN). Kiến trúc tương tự Đền Karnak với hàng trăm cây cột khổng lồ được chạm khắc tinh xảo những câu chuyện về các vua, các vị thần bằng chữ tượng hình và các phù điêu khắc trong đá, một số ít còn giữ nguyên màu sắc.
Điều thú vị của di chỉ này là: Nơi đây người ta có thể tìm thấy kiến trúc của 3 tôn giáo trong lịch sử Ai cập: 1. Kiến trúc Đền thờ Ai cập cổ đại, 2.kiến trúc nhà Nhà thờ Cơ đốc, 3. Kiến trúc Hồi giáo. Khi Alexander Đại đế xâm chiếm Ai cập, nơi này bị biến thành một nhà thờ Cơ đốc giáo. Một số cây cột bị phá để hình thành một nhà nguyện. Trên vài bức tường còn dấu vết bức bích hoạ “ Bữa tối cuối cùng của Chúa Jesu” còn nguyên màu sắc. Một vài cây cột phong cách La Mã xen lẫn hàng cột hình hoa Sen ( Súng Ai cập) và Papyrus. Để lấy lòng dân Ai cập khi đó, Alexander Đại đế đã cho khắc hình của mình trên vài bức tường trong tư thế đang dâng vật cúng tế lên các vị thần Ai cập.
Trải qua những đổi thay qua nhiều thế kỷ và bão cát sa mạc, đền Luxor bị vùi lấp trong cát và khi Hồi giáo chiếm lĩnh Ai cập vào TK 7 sau CN, người ta đã xây dựng một Thánh đường Hồi giáo ngay trên cổng vào của đền Luxor. Khi đền này được khai quật, người ta đã giữ lại một phần của thánh đường này như một di chỉ khảo cổ.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh