TRẦN THÙY LINH


Thân Em Như Hạt Mưa Sa...

1.
Em gặp tôi mếu máo: „Chị ơi, con gái em nó bỏ nhà đi hai ngày nay rồi“. Nứơc mắt vòng quanh khuôn mặt tròn phúc hậu, dáng người thấp nhỏ như đang co rúm lại.Gia đình em từ Cần Thơ dắt díu nhau lên thành phố này đã 5-6 năm, dành dụm chắt chiu mãi ,cộng với khỏan dồn dịch từ tiền bán đi một phần mảnh đất ở quê, mới mua được 20m2 cho năm ngừơi ở một quận ngọai thành. Chồng làm bảo vệ ngày 8 tiếng, vợ làm tạp vụ ngày mười mấy tiếng, nuôi hai con gái và một bà mẹ già khó tính. Chỉ vì muốn cho chúng nó ăn học đàng hòang, nên mới bỏ quê lên đây, em từng tâm sự với tôi như thế. Một ngày của em, nghe thôi cũng đủ thấy chóng mặt. Rời nhà từ 5 giờ sáng, đi gần một tiếng mới tới chỗ làm, ngòai việc tạp vụ cho một công ty có tòa nhà tới 4 tầng lầu, em còn nhận giúp việc thêm cho 4 gia đình nữa, cả Việt,Tây, lẫn Hàn quốc. Mỗi chủ một kiểu, đòi hỏi khác nhau và mức độ khó tính cũng khác nhau. Hôm nào sớm lắm thì em về tới nhà cũng là 9 giờ đêm. Bải hỏai về thể xác, rã rệu về tinh thần. Đứa con gái đầu, năm nay 17 tuổi, lúc nhỏ học hành rất chăm chỉ vậy mà 2-3 năm gần đây, việc học ngày càng sa sút, đua đòi chúng bạn cà fê cà fáo; tới khi cô giáo ở lớp học thêm gọi về nhà, em mới biết nó bỏ học thêm, lấy tiền đó đi chơi đã gần cả năm trời. Mới nặng lời một chút là xách quần áo ra đi. Nứơc mắt vòng quanh, phần lo cho con gái vụng dại không khéo hỏng cả một đời, phần thì tủi thân, vì ông chồng lành như cục đất, gặp chuyện gì cũng im, lần này thì lại trách: tại má mày không chịu gần gũi nó! Thái độ dửng dưng cứ như con bé là con riêng của em vậy. Gần gũi kiểu gì, khi người phụ nữ ấy ngày đêm nai lưng ra kiếm tiền, mà việc nhà vẫn phải chu tòan, mà mọi thứ đều tới tay? Hòan cảnh của em thực ra cũng chẳng phải đặc biệt gì hơn so với số phận hàng ngàn phụ nữ nghèo từ quê lên phố. Cũng còn hơn khối đàn bà khác vẫn còn ở quê, cưới phải „ hũ rượu“ chẳng chìm, chẳng nổi, mà cứ lênh đênh, hứng lên là bị đánh cho lên bờ xuống ruộng. Vẫn phải ở, vẫn phải làm lụng và cam chịu bị đánh. Chẳng biết đi đâu. Đám gái trẻ miền tây cũng một phần vì thế mà chấp nhận lấy chồng ngọai quốc, già cũng được, què quặt cũng được, để được xuất ngọai, để rồi phần lớn vỡ mộng, trở về trong tan tác hoặc sống cuộc đời cũng chẳng khá hơn gì.
Mà nói rộng ra, đàn bà có mấy ai được sướng không? Hay như ta vẫn nói: Sướng khổ tùy cái nhìn?
2.
Em cao hơn 1m7, dáng dong dỏng như người mẫu, được ăn học đàng hòang. Tốt nghiệp đại học ngành truyền thông thời thượng, em kiếm được xuất học bổng thạc sĩ ở Mỹ , và từ đó, tự lập khi còn rất trẻ. Khi ở Việt Nam, lúc ở Mỹ, lúc thì Singapore, có lúc lại thấy nói đang làm free lancer ở tận New Zealand. Với tôi, dường như em là đại diện của một lớp trẻ vô cùng năng động, độc lập, dám dấn thân, biết sống cho mình và cho xã hội. Tôi hay gặp em trong những cuộc hội thảo, tiệc tùng hoặc sự kiện có yếu tố nứơc ngòai tại Sài gòn. Sự nổi bật của em làm người khác phái phải ngưỡng mộ, và người cùng phái thì luôn ghen tị. Ấy vậy mà mới đây, thật bất ngờ khi nghe em nói: Chị ơi, em muốn lấy chồng, giới thiệu ai cho em đi, một cách rất nghiêm túc và buồn bã. Tưởng em thì thiết gì chuyện bị ràng buộc. Tưởng em thì thiếu gì người thương, vậy mà thật ngỡ ngàng khi biết em đã bứơc qua tuổi băm rồi, mà vẫn một mình đi về trong căn hộ một phòng ngủ. Đàn ông Việt không thích em, em cao quá, độc lập quá, thông minh và biết nhiều quá. Nói chuyện một thời gian là lại thấy không có gì chung. Đàn ông Tây, em không thích, họ không coi trọng những giá trị truyền thống mà em coi trọng. Khác văn hóa, nói chuyện lâu, lại thấy trướt quớt. Bè thì có nhiều mà bạn thì không. Rút cục, những người hiểu em nhất lại là những người bạn trai thuộc giới thứ ba. Nhìn gương mặt đượm buồn của em mà thương quá. Đã mấy năm rồi, kể từ buổi chuyện trò hôm ấy. Em vẫn một mình một bóng đi về. Năng động trong công việc. Nổi bật trong những buổi tiếp tân. Cô đơn trong căn hộ. Em có thực sự cần một người đàn ông không? Có người đàn ông nào thực sự cần cô gái như em không? Hòan cảnh của như em có phải là đặc biệt so với hàng ngàn cô gái Việt trí thức thế hệ 8X, 9X ngày nay không?
Mà nói rộng ra, đàn bà có mấy ai được sướng không? Hay như ta vẫn nói: Sướng khổ tùy cái nhìn?
3.
Nếu như gặp ngòai đường, chị sẽ lẫn vào trong hàng triệu thân phận đàn bà suốt ngày tất tả lo cho chồng, cho con ở cái xứ nhiệt đới nắng nóng này. Cưới một ông chồng hơn nhiều tuổi vì tình yêu, bất chấp sự can ngăn của gia đình. Làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty, nhưng vẫn luôn phải thu xếp để chiều chiều nháo nhào về nhà, lo cơm nứơc phục dịch hai thằng con trai lộc ngộc và ông chồng hầu như vắng mặt trong các bữa cơm. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ. Có lẽ vì thế mà sau khi xây xong nhà, các ông xong nhiệm vụ và chẳng bao giờ thu xếp được thời gian cho cái nhà ấy. Còn đàn bà thì luôn phải thu xếp được. Kiểu gì cũng thu xếp được. Không thì làm gì còn tổ?? Chị chu tòan trong ngòai, không ngó nghiêng bậy bạ, an phận làm dâu hiền, vợ thảo. Kinh tế gia đình khá giả, chồng kiếm tiền tốt. Cứ tưởng là chị mãn nguyện lắm, tự hào lắm với cuộc sống do chính mình chọn lựa. Vậy mà mới đây chị nói với tôi rất nghiêm túc: sống tới giờ mới thấy, mình tòan sống cho người khác. Chưa có được thời gian nào thực sự cho mình. Tối không ra ngòai đường riết thành quen, đi đâu một tí là những người còn lại thấy khó chịu. Ông chồng quen được phục vụ rồi, về nhà là phải nhìn thấy chị, cần là có ngay, giống kiểu „ người nào vật nấy, chỗ nấy“. Không có thì thiếu, mà có thì đôi khi lại thừa. Hai cậu con trai coi sự chăm sóc và việc nhà mẹ làm cũng là đương nhiên. Hết lo phục vụ khách hàng của công ty tới lo việc nhà nhiều quá, riết rồi chị thấy mình cũng chẳng khác gì mấy cô Osin. Mấy hôm rồi, xem họp quốc hội trên tivi, ba cha con bàn thảo sôi nổi, chị „ lỡ“ nêu nhận xét của mình, cả ba quay lại nhìn chị, như nhìn người vừa rơi xuống từ sao Hỏa. Mà đấy chỉ là một trong hàng ngàn thí dụ trong cả chục năm qua. Chị đâm ra nghi ngờ chính bản thân mình. Trước giờ, sống theo giáo lý Á đông có đúng không? Chị bảo, vẫn cứ nghĩ là xã hội ngày nay, nam nữ bình quyền lắm rồi, và tự hào là „ nhà“ mình cũng không tới nỗi „chồng chúa vợ tôi„.Vậy mà hóa ra chả hiểu gì. Trách mình hay trách người? Chắc là trách mình nhiều hơn, vì tự mình chọn cách sống như vậy cơ mà. Nói chuyện với bạn bè, chị cũng chỉ nghe đầy những lời than thở tương tự hoặc lời khuyên, thôi thì chín bỏ làm mười. Những người bạn ấy, khi ở những hòan cảnh cụ thể như vậy, liệu họ có chín bỏ làm mười được không? Hay từ chín lại thành mười một, mười hai? Phận đàn bà. Lại còn „can tội“ sống ở thành thị nữa…
Tôi im. Chẳng biết trả lời chị ra sao.

Mà nói rộng ra, đàn bà có mấy ai được sướng không?
Hay như ta vẫn nói: Sướng khổ tùy cái nhìn?

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh