TRẦN THÙY LINH


Trở Về Với Những Ngược Xuôi

"Không gì có thể so sánh được với cảm giác trở về nơi xưa chốn cũ và nhận ra rằng, mình đã đổi thay đến thế nào".(Nelson Mandela)
1.
Lâu lắm rồi, mới lại thấy một sự thôi thúc phải xuống phố. Tự nhiên thấy nhớ phố cồn cào. Mà ngày nào cũng đi trên phố đó thôi. Có lẽ trôi đi mỗi ngày trong dòng sông cuồn cuộn mang tên đừơng, tên phố thì đúng hơn. Bạn bình luận chẳng sai: sáng sáng mỗi người ôm một bình xăng, trôi trên dòng sông thịt! Chua cay quá, bạn ơi! Nhưng, vậy có phải là bản chất của Sài gòn?

Xuống phố hôm nay không mục đích cũng chẳng người đồng hành. Ngỡ ngàng quá khi lại thấy dòng sông phố giờ đây cuồn cuộn bê tông, san sát chuyển động, bất kể giờ giấc, lúc nào cũng có thể là cao điểm. Cái tất bật ngược xuôi của Sài gòn thời nào cũng có, nhưng có vẻ như cái tất bật đó đã tăng với cấp số nhân và biến đổi quá nhiều trong những năm qua. Nhà vẫn đang biến mất. Phố vẫn dài vô tận, bộ mặt thành phố vẫn đổi màu ngày ngày như tắc kè bông.Vậy mà sao vẫn luôn thấy phố thật thân quen?

Trong cái hoành tráng màu mè của những tòa nhà muốn nuốt chửng trời, trong cái ào ạt sống gấp, kiếm vội, của thời @ hào nhoáng, vẫn thấy cái hồn một thời của đất khẩn hoang, cái hào sảng xứ phương nam đâu đó trong những con hẻm xưa, những bước chân chậm trên từng viên gạch một thời vang bóng và trên những gương mặt mới người Sài gòn cũ. Chỉ vài bước chân thôi, những xô bồ, "sông thịt" ngoài kia bỗng lùi về quá khứ. Chỉ vài bước lên cao thôi, là thấy vòng xoáy kia chìm dần và mình được nâng lên. Bằng chiếc thang máy cổ cũ kỹ hay bằng những sắc màu thép và máy lạnh rì rì, nào có quan trọng gì? Cũng vậy cả thôi, những giọt nắng chiều vẫn rớt trên ban công, những cơn mưa cuối mùa vẫn vội vã cho hàng me rũ tóc, và những khu chợ của bao anh Hai, chị Ba…, vẫn vẹn nguyên. Vẫn còn đó, một Sài gòn.

Sài gòn ngược, Sài gòn xuôi, Sài gòn đi ngang, và Sài gòn về dọc. Sài gòn chọc trời và Sài gòn dài theo những con kênh. Dù kiểu gì, thì Sài gòn vẫn là Sài gòn, là nơi để sống, để chiến đấu trên „dòng sông thịt“, - dù muốn hay không, vẫn là thực tế-, và hơn hết để biết rằng: Đích đến, nhiều khi không quan trọng. Quan trọng là hành trình.

2.
Có một buổi chiều nọ, đi trên con đường xa lộ mới mở trở về thành phố, bỗng thấy chiều buông thật chậm. Những bóng cây vút qua, những cánh đồng lướt qua, những ngôi nhà lùi dần xa trong vệt sáng yếu ớt. Nhắm mắt lại và cố gắng đặt mình vào trạng thái tĩnh hòan tòan. Có thể thiền trong chuyển động không? Giống như thành phố này, động và tĩnh luôn song hành, đối kháng luôn tấp nập, người va vào nhau, nhà đập chan chát vào nhau, để rồi lại có những thời khắc bình yên trôi thật chậm giữa mênh mông. Nhắm mắt lại để thấy: bóng tối cùng ánh sáng, người như đang dừng lại, mà vạn vật thì cứ trôi đi. Phố đứng lại, nhà trôi đi. Người im lìm, cây lướt qua và không khí cứ bồng bềnh mãi không thôi. Cỗ máy thời gian không hình thù, không bóng dáng, vụt qua nhanh như tia chớp; thi thoảng để lại lên vài tia sáng chói gắt đầy toan tính trong bóng đêm. Những khối đen vùn vụt lướt ngang những muốn xé toạc phố, nuốt chửng người. Những khối đen đôi khi như một bức tường rào vững chắc, mà những vệt sáng kia tưởng như không tài nào xuyên qua được.

Vậy mà vẫn thấy lóe lên một thứ ánh sáng diệu kỳ, khi xanh khi vàng, từ phía bên kia bờ tường dọi thẳng lên nền trời đêm sâu thẳm. Không thể hiểu được, nguồn sáng ấy từ đâu ra. Từ đêm đen đặc quánh, hay từ thế giới hư ảo nào sau „bức tường“ thẫm màu kia? Và rồi, lại thấy một sự chuyển động. Vạn vật lại như bị hút về nguồn sáng ấy. Mọi giác quan như được thức tỉnh sau một giấc ngủ dài, hòa vào chuyển động, hòa vào hương đêm, hòa vào mùi đất, vào hơi sương, và lượn theo dải màu của siêu trăng lửng lơ giữa những tòa nhà chọc trời đang dần thành hình bên bờ sông thăm thẳm.

Cứ như thế, ngày tiếp ngày, đêm nối đêm, Sài gòn bước vào một hành trình mới, mải miết, tràn trề, không mệt mỏi giữa những ngược xuôi bộn bề.

3.
Sài gòn ngộ lắm nhen. Nhiều khi nhờ „người lạ“ mà lại thấy Sài gòn quen. Quen quá xá là quen và thương quá xá là thương. Tôi đã từng nhiều lần thấy vậy, nhưng rõ nhất là ở lần tham dự buổi ra mắt cuốn sách ảnh về Sài gòn của hai tác giả người Đức, những „người Sài gòn“ nhập cư.

600 bức ảnh về Sài gòn-TPHCM trong một cuốn sách dày hơn 300 trang và nặng 2,6kg, dưới mọi góc độ mang lại thật nhiều cảm nhận. Thành phố từ trên cao, thành phố đổi thay qua thời gian, nhà ở trong phố, giải tỏa và tầm nhìn, làng trong đô thị, dân cư, giao thông và linh hồn trong đại đô thị, là những chủ đề chính của những bức ảnh màu và đen trắng. Chỉ qua vài bức ảnh của mỗi đề tài trên, một TP HCM - đại đô thị, đã hiện ra trong nhiều khuôn mặt. Có đẹp có xấu, có sự hỗn lọan trong trật tự và có trật tự trong hỗn lọan. Có con người làm nên cái thần của phố, và có phố làm nên cá tính của người. Một Mega City đang hình thành với đầy rẫy thách thức từ mọi phía, theo một cách thức rất riêng biệt, rất Việt Nam,- và đặc biệt - rất Sài gòn, hiện ra trong và sau những bức ảnh ấy. Khoan nói chuyện tốt xấu, chỉ biết rằng thành phố là một người khổng lồ đầy cá tính với những tất bật ngược xuôi trong cuộc mưu sinh tồn tại quá đỗi đặc trưng của một vùng đất. Chẳng ai nói rằng, bản sắc của thành phố nằm trong những chuyển động không ngừng nghỉ và những xuôi ngược bộn bề ấy. Vậy mà thực tế lại đúng là như vậy. Hình dung thử xem, thiếu những điều đó, Sài gòn có còn là Sài gòn?

Có rất nhiều điều mà người lạ nhìn thấy, nhưng người phố lại không thấy. Có những điều, gần gũi quá bỗng hóa thành xa lạ. Rồi một ngày nào đó, người chợt bừng tỉnh, người bỗng thấy cần, thấy nhớ, thấy thương quá những gì người từng xem thường. Thành phố nào thì cũng cần được coi như một thực thể sống, có thể xác, có linh hồn, cần được đối xử tử tế, cần được trân trọng và bao dung. Ở đâu phố càng năng động, càng nhiều chuyển động, điều đó lại càng cần thiết. Bởi rằng, thành phố được hình thành từ những cư dân, không phải từ những tòa nhà.

Một buổi đi xem ảnh mà không khác gì người vừa trở về sau chuyến bôn ba. Đi mãi, để nhận ra rằng chân lý nằm trong chính dòng đời đổi thay. Đi mãi, để chợt nhận ra rằng, cần quan tâm hơn tới những gì mình đang có.

Và biết rằng: Ngay cả sự trân trọng và yêu thương, cũng cần phải học.

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh