VOLGA Du Ký
Không phải là người thích biển lắm, nhưng tôi lại luôn mê những dòng sông. Sự chuyển động của dòng nước chảy luôn cuốn hút tôi. Đối với tôi dòng sông là cuộc sống. Mỗi con sông đều mang những màu sắc rất khác nhau, đều cho thấy bao điều về những vùng đất và con ngừơi nơi sông chảy qua. Cũng như tôi từng lên đường vì hoa, thì cũng có nhiều chuyến đi tôi lên đường vì những dòng chảy của sông. Chuyến đi Nga này của tôi là vì dòng Volga huyền thoại, dòng sông đã thành ký ức với nhiều người Việt thế hệ tôi, cả những người đã từng gắn bó và cả những người chưa hề đặt chân tới như tôi.
Từ một ngôi làng nhỏ nằm trong rừng sâu trên núi thuộc vùng Tver phía Tây bắc Moscow, sông Volga chảy qua 1/3 lãnh thổ châu Âu của Nga, nơi có khoảng 60 triệu người sinh sống. Đổ ra biển Caspi, chảy xuyên qua thảo nguyên Tundra, xuyên qua những cánh rừng Taiga và vùng đồng cỏ rộng lớn, sông Volga với chiều dài gần 3.600 km là con sông dài nhất và có lượng nước lớn nhất Âu châu. Với 1.500 nhánh sông, trong đó có 200 nhánh lớn, hệ thống sông Volga có lưu vực vực rộng tới 1,36 triệu km2, tạo ra một vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất châu Âu. Từ tháng 11 tới tháng 3, dòng sông đóng băng dày khoảng 1 m, con sông biến thành con đường. Volga có nghĩa là dòng sông Mẹ. Khi nghe tôi nói, chọn đi Nga chỉ vì muốn xem dòng Volga, cô hướng dẫn người Nga đã cười và nói một câu tục ngữ, đại ý : biết về dòng Volga thì mới hiểu được nước Nga. Nhìn dòng nước hiền hoà êm ả ấy, ít ai nghĩ tới những gì mà dòng sông này đã và đang phải oằn mình gánh chịu. Bất giác tôi nhớ tới sông Hồng nơi quê hương, con sông mang rất nhiều tên gọi ở mỗi nơi mà nó đi qua, trong đó cũng có tên sông Cái - sông Mẹ. Có gì chung giữa những con sông ấy? Volga của Nga, Rhein của Đức, Missisipi của Mỹ hay sông Hồng của Việt Nam, thì cũng đều là những con sông Mẹ, đều dang tay đón những đứa con vào lòng. Dòng sông không chỉ là nguồn nước cần thiết cho cuộc sống, và sự phát triển của những vùng ven sông. Dòng Volga còn mang trong mình một lịch sử lâu đời đôi khi rất đẫm máu trong những cuộc giao tranh vào thế kỷ thứ 16, khi các thủ lĩnh vùng Moscow và những đoàn quân tràn xuống phia Nam chiếm nhánh sông dài nhất và lập nên nước Nga. Trong số 20 thành phố lớn nhất của Nga có tới 11 thành phố đã được hình thành từ những pháo đài bên dòng Volga.
ÂU TẦU VÀ CHUYỆN LÒNG SÔNG
Ra khỏi hệ thống kênh đào Moscow, thiên nhiên nước Nga như tôi hằng thấy trong những tấm bưu thiếp hay trong những bộ phim thời thơ ấu hiện ra ngày trước mắt. Những cánh rừng bạch dương xanh mứơt chạy dọc hai bên bờ sông. Giữa những ngút ngàn xanh nổi bật lên những thân cây trắng muốt. Loại cây thân gỗ họ Hoa Mộc (Betulaceae) này là biểu tượng của nước Nga và cũng không mấy xa lạ với người Việt qua những bộ phim hay chiếu ở những rạp Hà nội vào thời bao cấp. Thời còn ở Đức và trong những chuyến đi các quốc gia Tây Âu sau này , tôi cũng đã từng gặp và biết thêm khá nhiều điều lý thú về loài cây này, nhưng có lẽ tôi sẽ phải dành hẳn một phần sau để viết về những điều bí ẩn của bạch dương. Còn bây giờ, tôi đang đi trên dòng Volga. Ngày thứ tư ở Nga và gần hết ngày đầu tiên trên dòng sông huyền thoại, vậy mà tôi vẫn chưa định nghĩa được cảm xúc của mình, cũng là điều kỳ lạ đối với kẻ hay “ mủi lòng” trước những đích đến và hành trình mới mẻ như tôi. Cũng kỳ lạ là tôi cũng biết chắc rằng, cái gì phải đến sẽ đến, kiểu như nước Nga muốn tôi đi thật chậm, và cảm nhận một cách từ tốn và điềm tĩnh, chứ không cuồng nhiệt như xứ Tango Argentina hay ngất ngây hoang dại như châu Phi. Vậy nên tôi cũng không vội vàng gì và tự trấn an mình bằng một ly capuccino nóng hổi trên bong tàu đầy gió. May mắn là trời nắng chứ không âm u xám xịt như những ngày ở Moscow, nhưng cũng khá lạnh vì nhiều gió.
Ngày mùa hè ở Nga rất dài. Bình minh vào lúc 3g30 sáng và trời tối lúc 23 giờ. Thời khắc đẹp nhất trong ngày trên dòng Volga chính là khi ánh mặt trời buổi hoàng hôn hắt những tia nắng cuối ngày lên dòng sông, nhuộm những gợn sóng lăn tăn thành một màu vàng rực rỡ. Mà không chỉ có sóng, cả đàn hải âu dập dờn bay theo những con sóng ở đuôi tàu cũng ánh lên màu vàng của nắng. Hải âu sông Volga có nhiều loại khác nhau, nhìn uyển chuyển và có phần thanh thoát hơn những con hải âu, mòng biển tôi từng thấy. Lẫn trong đàn hải âu mập mạp lông đen, lông xám và trắng là những con chim én nhỏ nhắn. Lần đầu tiên tôi thấy chim én ở cự ly gần tới vậy, chúng bay thành cặp và có kiểu vỗ cánh rồi chao lượn cực kỳ duyên dáng, chứ không mải miết đập cánh rồi đột ngột” đứng hình” trong vài giây giữa không trung như hải âu. Khoảng khắc ấy nhìn chúng rất ngộ, vừa buồn cười, vừa thấy thương sao đó không hiểu nổi. Những con hải âu dạn dĩ hơn chim én và tập trung nhiều nhất ở những âu tàu.
Với những người chưa từng chứng kiến cảnh làn nước đổi độ cao một cách ngoạn mục tại những âu tàu thì đây sẽ là cảnh tượng đầy hấp dẫn. Khi con tàu vào âu tầu, hệ thống khoá nước ở hai đầu sẽ hoạt động. Tùy thuộc vào việc tàu xuôi hay ngược dòng thì nước trong âu tầu sẽ được bơm ra hoặc bơm vào để cân bằng mực nước giữa hai dòng. Con tàu sẽ được hạ xuống hoặc nâng lên từ vài mét tới hàng chục mét. Những âu tàu được hình thành là do các đập nứơc được xây dựng trên sông Volga để làm thuỷ điện và tạo thành các hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp. Những âu tàu ở đây không sâu như những âu tàu tôi được chứng kiến tại sông Nile xanh, Ai cập, tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trên sông Volga lại có nhiều âu tàu đến thế. Sau thế chiến thứ hai người ta đã xây rất nhiều đập nứơc khổng lồ trên dòng sông này, vô vàn ha đất bị nhấn chìm, nhiều hồ lớn hình thành. Có cảm giác như dòng Volga là sự kết nối của một chuỗi các hồ, hơn là dòng chảy xuyên suốt của một con sông. Dòng chảy của Volga ngày nay bị chi phối bởi các đập nằm ở 8 cao độ khác nhau và các hồ chứa nước lớn như Rybinsker ( với diện tích 4.580 km² còn được gọi là biển Rybinsk), hồ Nishni-Nowgorod và Wolgograd cùng vài hồ khác nữa. Đoạn tôi đi từ Moscow tới St Petersburg độ chênh cao độ của dòng sông qua các âu tàu là 168 m.
Buổi sáng sớm, tàu đi vào địa phận Yaroslavl Oblast, ngang qua tháp chuông của nhà thờ ngập nứơc Kylyazin. Hình ảnh 5 tầng tháp chuông trắng xoá phong cách kiến trúc nhà thờ thế kỷ thứ 15 nhô lên trên dòng nước, dưới bầu trời xanh và mây trắng, đã để lại ấn tượng rất mạnh nơi tôi. Năm 1941, chính quyền Xô viết đã cho xây đập Uglich và dòng nước đã nhấn chìm cả một thị trấn có 14 ngàn dân. Chỉ có tháp chuông nhà thờ cổ còn sống sót và trường tồn cùng thời gian. Nhưng sẽ còn đến bao giờ ? Tôi bỗng có một ước muốn thật điên rồ là lặn xuống dòng sông kia, bơi dứơi những mái vòm, giữa những bức tường chắc chắn xưa kia ngập tràn những bức bích hoạ về Thiên chúa và các Vị Thánh. Và biết đâu vẫn còn nghe đâu đỏ những âm vọng của dàn thánh ca. Còn có gì nữa bên dứơi bộ mặt nứộc hiền hòa kia ? Bao năm tháng đã trôi qua, dòng sông vừa là chứng nhân, vừa là tội đồ. Bao phận đời, phận đất, phận cây đã gắn bó, đã sống và chết cùng dòng sông qua hàng thế kỷ. Bao máu người cũng đã đổ nơi đây qua các thời kỳ trị vì của các Sa hoàng triều đại Romanov , thời kỳ Chiến tranh, tới thời Xô viết. Volga đã chôn vùi tất cả, và làn nước hiền hoà có lẽ chỉ là bề mặt của những cơn sóng ngầm âm ỉ dưới lòng sông sâu. Cách đây vài năm, tôi đã nghe những bạn người Âu trong ngành môi trường kể về sự ô nhiễm của sông Volga do công nghiệp, những rừng thông đang chết dần, thuỷ điện làm dòng chảy và môi trừơng sông thay đổi, nhiều chủng loại cá biến mất và loài cá tầm cho trứng cá đen nổi tiếng của Nga đã gần như tuyệt chủng. Đã có rất nhiều tổ chức của Nga và quốc tế được thành lập với nỗ lực cứu dòng sông, trả lại cho Volga dòng chảy và cuộc sống như vốn dĩ phải thế.
Hôm nay đi trên dòng Volga, chúng ta không thể thấy tất cả những điều ấy, nếu như không tìm hiểu. Du khách sẽ chỉ thấy một con sông êm đềm, những đàn hải âu và phong cảnh làng quê thật yên bình. Volga cũng như bao con sông quê hương tôi, chở theo cùng làn nứơc biết bao câu chuyện nhỏ với bao vui buồn đắng cay. Nhiều câu chuyện nhỏ làm thành chuyện lớn, làm nên lịch sử, làm nên cái hồn của một con sông. Làm nên thần thái của một vùng đất.
UGLICH VÀ NHÀ THỜ MÁU
Tháng sáu mùa hè ở nước Nga không khí mát rượi, trong trẻo và bầu trời dù vẫn có lúc nhiều mây nhưng nắng vẫn rực rỡ. Những ngôi làng và những con đường nhỏ bạt ngàn hoa dại và cỏ lau chạy dọc theo hai bên bờ sông. Thoáng ẩn thoáng hiện sau hàng bạch dương và những đầm lầy là những căn nhà gỗ với lối kiến trúc đặc trưng. Điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình xuôi dòng Volga từ Moscow về St. Petersburg là thành phố cổ Uglich được hình thành từ thế kỷ thứ 10 cách Moscow 250 km về phía bắc. Năm 2018 Uglich được đưa thêm vào danh sách những thành phố thuộc Vành đai Vàng huyền thoại của Nga, bao gồm các thành phố cổ Sergiyev Posad, Pereslavl-Zalessky, Rostov Veliky, Yaroslavl, Kostroma, Ivanovo, Suzdal, Vladimir và Uglich. Trong đó chỉ có hai thành phố nằm bên bờ sông Volga là Yaroslavl và Uglich, những thành phố còn lại có thể tới bằng đường bộ. Chợt nhớ tới “con đường lãng mạn” ( Romantic Road) mà người Đức đã tạo dựng thành tuyến du lịch dọc sông Rhein cũng kết nối những thành phố cổ đầy bản sắc như vậy. Những con đường tương tự ở Tây Âu và Vàng đai Vàng ( Golden Ring) của Nga đã thu hút hàng triệu du khách như tôi. Lại bùi ngùi nhớ tới dự án mang tên “ Con đường Di sản“ (Heritage Road) của Việt nam, công trình tâm huyết của bao người làm sản phẩm du lịch trong nhưng năm 90 - đầu 2000, đã teo tóp dần và chết yểu sau vài năm rầm rộ kèn trống mà không thành khái niệm đối với du khách cả trong và ngoài nước. Mong muốn thu hút thêm nhiều du khách quốc tế qua những thành phố cổ, những vùng đất lịch sử của Việt Nam đã tan thành mây khói, vì đâu ?
Khi chúng tôi đi vào âu tầu Uglich được xây dựng vào năm 1941, con tàu đã được dòng nứơc nâng lên tới 12m. Từ xa đã nhìn thấy Uglich Kremlin nổi tiếng hiện ra bên bờ sông. Đường dẫn vào khu trung tâm thành phố đi ngang qua những sạp hàng bán đồ lưu niệm và sản phẩm địa phương dưới bóng những cây bạch dương. Lại là những cây bạch dương - sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với miền quê nước Nga. Và dù cho biết rằng, con đường rợp bóng mát ấy và những sản phẩm ấy là dành cho du khách, nhưng vẫn thấy rất ổn. Không có sự khó chịu thường thấy khi gặp ở những chỗ bán buôn cho khách du lịch như vậy. Vẻ bình dị và sự hiền hoà của Uglich ngay khi vừa bứơc chân xuống tàu đã ghi một điểm cộng trong đánh giá của tôi. Thành phố nhỏ chỉ chục ngàn dân nhưng quảng trường trung tâm thì khá lớn. Toà thị chính là một toà nhà đồ sộ màu sáng nằm ngay trên quảng trường và đối diện lối dẫn vào quần thể di tích lịch sử nhà thờ. Một người phụ nữ Nga mặc trang phục dân tộc đứng hát ngay bên cây cầu, ở lối vào khuôn viên. Cũng là một kiểu đón khách thật dễ thương. Du khách tới đây có thể thăm các toà nhà lịch sử, các tu viện và nhà thờ, bảo tàng Vodka Nga, Bảo tàng Huyền thoại Uglich, Bảo tàng Thuỷ điện - một trong năm Bảo tàng địa phương được xếp loại ấn tượng nhất của Nga. Đó là tôi nghe cô hướng dẫn người Nga kể lại chứ thời gian ít ỏi có một ngày tàu chúng tôi lưu lại đây không đủ để tôi có thể đi hết những điểm ấy. Đó cũng là hạn chế khi bạn chọn đi Cruise trên sông. Nhưng bù lại những trải nghiệm trên dòng Volga, cảm giác lênh đênh sông nước ở xứ lạ vẫn rất đáng giá, và quan trọng là con tàu sẽ đưa bạn tới những hòn đảo mà nếu có đi được bằng đường bộ thì cũng rất khó khăn.
Uglich Kremlin là báu vật kiến trúc của nước Nga có niên đại từ thế kỷ thứ 10 toạ lạc bên bờ Volga. Ấn tượng nhất phải kể tới nhà thờ Biến hình với tháp chuông và những bức bích hoạ tuyệt đẹp, Nhưng nổi tiếng hơn cả ở Uglich lại là Nhà thờ hoàng tử Dimitry trên máu ( The Prince Dimitry on blood) được xây dựng vào năm 1690, gần 10 năm sau cái chết của vị Hoàng tử 8 tuổi, con út của Nga hoàng Ivan Bạo chúa trên chính địa điểm hoàng tử bị giết. Chuyện kể rằng sau cái chết của Ivan Bạo chúa, Hoàng tử Dimitry lúc ấy chưa đầy 7 tuổi đã bị Boris Godunov, vị nhiếp chính vương lưu đày tới Uglich và bị quản thúc tại đây. Những tranh tường trên nhà thờ kể về vụ mưu sát ấu chúa khi Người đang chơi trong vườn vào năm 1591. Cho tới nay không ai có thể chắc được đó là sự thật hay chỉ là truyền thuyết và cái chết của vị hoàng tử nhỏ chỉ là tai nạn. Sau đó vị Hoàng tử nhỏ đã được phong Thánh và dân địa phương coi ngài là vị Thánh bảo hộ cho dân làng, đặc biệt là trẻ em. Nhà thờ Dimitry trên máu nằm gần căn nhà gỗ lớn nơi Hoàng tử đã từng sống nhìn ra sông Volga và thảm cỏ đầy hoa dại của mùa hè. Những giáo đừơng của nhà thờ Chính thống giáo Nga luôn lộng lẫy với những bức bích hoạ Fresco trên tường. Nhà thờ ở Uglich cũng không là ngoại lệ. Trải qua hàng ngàn năm màu sắc vẫn vẹn nguyên. Thiên chúa và những vị Thánh vẫn lặng im trên tường, ánh mắt dõi theo dòng đời cuộn chảy như dòng Volga ngoài kia. Kỹ thuật vẽ tempera trên gỗ ở Nga phải nói là tuyệt đỉnh, dù đây chỉ là những nhà thờ địa phương và có lẽ những bức bích hoạ cũng không phải do hoạ sĩ tên tuổi vẽ. Bên trong nhà thờ chính của Uglich Kremlin cònđặc biệt hơn nữa, không chỉ nhờ những bức tranh dát vàng lộng lẫy kín hết các bức tường từ sàn tới trần và vòm, mà còn nhờ ánh sáng. Có luồng sáng đầy mê hoặc chiếu qua những khuôn cửa sổ từ trên cao dọi xuống bệ thờ, dọi xuống những cành bạch dương cắm khắp nơi trong giáo đường. Cuối tuần này là ngày lễ trong đạo Chính thống giáo, nên người ta đã cắm những cành bạch dương, như một biểu tượng của sự hồi sinh, như lời cầu nguyện cho một cuộc sống tươi mới an lành. Những cành bạch dương với những chiếc lá nhỏ hình tim và những luồng sáng từ trên cao đã thực sự làm biến đổi không gian nhà thờ. Vẫn vẹn nguyên sự kính cẩn tôn nghiêm, nhưng thêm vẻ gần gũi và ngập tràn sức sống mới của mùa, đó là ấn tượng mà những nhà thờ cổ ở Uglich để lại trong tôi. Tôi thấy mình bị “xâm chiếm” khi bứơc chân vào một giáo đừơng nhà thờ ở Nga. Xâm chiếm và ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ đức tin ngàn năm đựợc truyền qua bao thế hệ. Ngưỡng mộ một nền văn hoá và nghệ thuật tôn giáo thể hiện qua kiến trúc và mỹ thuật nhà thờ rất đặc sắc, rất riêng biệt. Và dẫu đã có giai đoạn người ta mong và đã xoá bỏ không ít những công trình ấy, đức tin ấy, nền nghệ thuật ấy, thì tất cả vẫn trường tồn cùng thời gian.
Lang thang trong không khí những nhà thờ miền quê như thế, bỗng cảm thấy gần gũi hơn với nước Nga, và thấy một nước Nga khác với những hình ảnh thành phố lớn trong tấm bưu thiếp đẹp đẽ, khác với sự hoành tráng vĩ đại của các cung điện ở hai thủ đô xưa và nay của Nga. Tôi vẫn thích gọi Uglich là làng hơn là phố. Dù là đi ở quảng trường trung tâm, trên những con phố hẹp, hay trong khuôn viên tu viện, nhà thờ, tôi vẫn thấy chất điền giã đậm đặc nơi đây. Chất ấy in rõ trên em bé đạp xe trên quảng trường, người đàn bà hát, hay những người đàn ông bán hàng. Và những ngôi nhà có vườn, có hàng rào gỗ thấp với những bụi hoa, cỏ dại trong công viên, cánh rừng bên đầm lầy, bên bờ sông .... những thứ ấy làm nên một “ làng” Uglich của riêng tôi. Nhưng thời gian đi nhanh như tên bắn, đã tới giờ quay trở lại tàu.Người phụ nữ vẫn đứng hát bên đầu cầu. Những giai điệu quen thuộc của bài “Cachiusa” vang mãi theo từng bước chân lưu luyến. Ngang qua khu chợ nhỏ dưới hàng bạch dương, tôi dừng chân bên chiếc bàn của một em gái ngồi xe lăn đang miệt mài mỏc chiếc khăn. Trên bàn là những quả táo đỏ nhìn tươi, nhưng có lẽ là chua, vài hũ mứt dâu và hộp dưa chuột muối. Sau một hồi hoa chân múa tay thì tôi cũng được biết em tên là Iana và trái cây em bán là từ vườn nhà. Mua một túi táo,chụp cùng em tấm hình rồi từ biệt. Cách đó không xa một bình đầy hoa trắng của một bà cụ thu hút tôi ngay lập tức. Bà cụ bán đủ thứ trên sạp hàng nhỏ. Chọn một con búp bê bằng len, bà ra hiệu cho tôi một cách đầy tự hào rằng, toàn bộ sản phẩm là do bà làm lấy và hoa thì từ vườn nhà bà. Tôi ngồi bên bà một lúc lâu, nghe những âm thanh ríu rít của tiếng Nga và thỉnh thoảng lại gật đầu, lại “da, da” như hiểu lắm. Tôi những muốn ngồi mãi như thế. Để ngắm con tàu rời bến và tôi ở lại nơi làng nhỏ Uglich, bên bà cụ, bên bình hoa trắng và những con búp bê biết nhảy múa dưới nắng bạch dương.
Ôi, nước Nga ! Có cần phải dễ thương đến thế không ?