VOLGA Du Ký
MYSHKIN - ĐẢO CHUỘT
Đích đến thứ hai trong hành trình trên sông Volga của tôi là một thị trấn nhỏ với nhiều điểm thăm quan thật dị biệt. Myshkin bắt nguồn từ Myshka trong tiếng Nga có nghĩa là chuột, vậy mà theo lời thuyết minh trên tàu thì đây là một nơi “ crazy place”, tạm dịch là chốn điên khùng. Cách Uglich 39 km, Myshkin nhỏ bé bình yên giữa rừng thông bên dòng Volga, tách biệt khỏi dòng khách nườm nợp đổ về Nga xem đêm trắng Peterburg hay vãn cảnh quảng trường đỏ Moscow những ngày hè. Với 6.000 dân, nơi này được xem là một trong những thị trấn nhỏ nhất nước Nga. Truyền thuyết kể rằng khi nơi này còn là một vùng rừng hoang vu heo hút, có một vị hoàng tử đi săn và nằm nghỉ bên bờ sông Volga thì bị một con chuột leo lên mặt. Ngài nổi giận định giết chú chuột thì đã kịp nhận ra rằng chú chuột đã đánh thức và cứu mình khỏi một con rắn đang trườn tới. Để ghi ơn chuột, hoàng tử cho xây một nhà nguyện nhỏ ngay bên bồ sông Volga. Cùng với năm tháng, một vùng dân cư đã hình thành quanh nhà nguyện và vào năm 1777, Myshkin chính thức được công nhận là thị trấn có huy hiệu biểu tựơng với con gấu bên trên và con chuột bên dưới. Nhưng Chuột, Vodka và ủng da cừu thì có gì liên quan nhỉ ? Nơi này đã từng có một thời hoàng kim rực rỡ vào thế kỷ thứ 19, khi các tàu buôn nổi tiếng liên tục cập bến và biến Myshkin thành một thương cảng sầm uất. Trong những thương gia nổi tiếng từng thường xuyên lui tới nơi đây phải kể tới Pyotr Smirnov, cha đẻ của dòng Vodka lừng danh mang tên ông. Chính thời kỳ rực rỡ này đã để lại cho Mýhkin nhiều công trình bằng đá và gỗ mang phong cách kiến trúc nông thôn nước Nga, những nhaf thờ và những bảo tàng đặc sắc như Bảo tàng Vodka Smirnov, bảo tàng Chuột, bảo tàng Valenki ( ủng da cừu)....
Vừa đặt chân lên bờ đoàn du khách trên chuyến tàu của tôi được chào đón bởi một điệu múa hết sức dễ thương của chuột váy hồng và chuột váy xanh. Khúc sông rộn ràng tiếng nhạc và tiếng đàn Balalaika khiến tôi nhớ về những tháng ngày tươi trẻ của đoàn Ca múa nhạc sinh viên quốc tế của trường tôi tại Đức. Ngày ấy đoàn sinh viên Nga trừơng tôi cũng đã trình diễn những điệu múa như vậy cùng tiếng đàn Balalaika sôi động, để rồi những điệu nhạc vui tươi của xứ sở bạch dương đã mãi mãi đi vào ký ức những người xứ nhiệt đới xa xôi, làm tên gọi “ nước Nga” trở thành thân quen, dẫu trong chúng tôi ngày đó chưa ai một lần đặt chân tới Nga. Có lẽ thị trấn này còn mang nhiều chất đồng quê hơn cả Uglich, và với người tới từ một thành phố hơn 10 triệu dân như tôi, thì đây đích thị chỉ là một cái làng mà thôi. Con đường đất từ bến sông dần thẳng lên Nhà thờ Chánh tòa ( Assumption Cathedral) nằm giữa trung tâm thị trấn. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga,Nhà thờ Chánh toà từng là linh hồn của Myshkin, trong nửa đầu của thế kỷ hai mươi nhà thơ này cũng chung số phận như rất nhiều nhà thờ khác ở Nga, đã bị biến thành một nhà kho. Trong những năm gần đây, người ta đã tiến hành trùng tu và phục chế lại các hiện vật, tranh vẽ trên tường và trả lại cho nhà thờ này sự uy nghiêm và hoành tráng trong nội thất của một nhà thờ Chính thống giáo Nga. Rất tiếc là khi chúng tôi tới thì tháp chuông lại đang được sửa chữa và tôi đã không thể có được tấm hình panorama Myshkin bên bờ sông Volga từ trên cao. Tôi đi dọc theo con đường lát đá cổ, ngang qua những khu vườn hoa cỏ trắng nở hoa trắng xoá tới ngôi Nhà Nguyện vinh danh chú Chuột nằm trên một ngọn đồi thấp bên sông. Những căn nhà cổ hay mới ở đây đều mang phong cách cổ điển truyền thống của kiến trúc gỗ Nga, rất riêng. Những ban công hẹp, những cửa sổ gỗ chạm trổ hay đơn giản chỉ là sơn nhiều màu sặc sỡ, cánh cổng và hàng rào thấp phủ cây dây leo, dòng sông..., tất cả khiến thị trấn nhỏ trở nên thật „photogenic“. Một nơi thật giản dị, không xa hoa lộng lẫy, có thể với nhiều người là một nơi rất nghèo, nhưng với tôi nơi này thật gần gũi. Khung cảnh từ nhà Nguyện nhỏ vinh danh chú Chuột cũng đã giúp tôi có được một ấn tượng khá đặc sắc về vùng sông nước trữ tình Volga. Mặt sông mênh mang trải dài dưới chân đồi cỏ, hoa bồ công anh tròn xoe mắt nhìn, vài cây sồi cổ thụ lao xao trong gió, có cái gì đó thật êm đềm đang trôi trong dòng nước Volga.
Nhưng Myshkin không chỉ có thế, thực chất thì cả thị trấn này chính là một bảo tàng sống với những điểm đến không nơi nào có. Bảo tàng Chuột là một điểm Must-see. Thành lập vào năm 1990, đây là là bảo tàng duy nhất về Chuột trên thế giới và có tất cả những hiện vật liên quan tới Chuột từ khắp thế giới. Bạn đừng sợ, không phải là chuột từ khắp thế giới về đây sinh sống, mà là hàng trăm chú chuột được làm từ mọi chất liệu đều có mặt tại đây. Thật kinh ngạc trước sự đa dạng của kỹ thuật và nghệ thuật chế tác, trên thực tế đây là bảo tàng về một thứ đồ chơi duy nhất : Chuột. Bảo tàng chỉ có hai phòng, bạn có thể tăm trong 10 phút, nhưng bạn cũng có thể dành cả giờ đồng hồ ngắm các chú chuột trong các tạo hình khác nhau, tôi gọi chúng là những chú chuột biết kể chuyện. Tôi ghé thăm bảo tàng làm ủng lông cừu, được thành lập năm 2000. Cái tên Valenki hay Felt boots đã thành khái niệm trên thế giới về giày dép truyền thống vào mùa đông của Nga. Đến đây, khách có thể thấy hết mọi công đoạn để làm nên đôi ủng Valenki và được nghe giải thích cặn kẽ về quá trình sản xuất thủ công. Các hiện vật trưng bày thường xuyên được thay đổi trong các phòng triển lãm rất ấm cúng của toà nhà gỗ đặc trưng như trong một ngôi nhà thường thấy ở vùng nông thôn Nga. Du khách có thể mua ngay những sản phẩm trưng bày này. Không chỉ là ủng mùa đông và các loại giày dép làm từ da cừu, mà còn rất nhiều các sản phẩm khác như nón, túi xách, đặc biệt là búp bê và đồ chơi, con thú các loại từ da và lông cừu kết hợp, được trung bày trong bảo tàng này. Dưới tầng hầm là một phòng nhỏ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm dệt từ lanh ( leinen) cũng rất thú vị, nhất là với những người chưa từng nhìn thấy cây lanh trong tự nhiên bao giờ, có thể hiểu thêm về qui trình từ khâu xử lý cây, kéo sợi tới khi dệt ra được tấm vải lanh với nhiều chất lượng khác nhau. Ngoài ra còn có những xưởng thủ công nhỏ nơi du khách có thể tìm hiểu về nghề rèn, hay nghề làm gốm, xay xát lúa mạch..., những nghề truyền thống của nông thôn Nga từ nhiều thế kỷ. Những bảo tàng rất nhỏ, chỉ vài phòng thôi, nhưng là nơi cho thấy những nghề truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác, đang đựơc người Nga gìn giữ và góp phần làm nên tên tuổi của một nền văn hoá lớn.
Đã thành thông lệ, khi cập bến và khi rời bờ, tàu của chúng tôi luôn nổi nhạc. Cũng giống hôm qua, hải âu lại chấp chới bay theo con tàu. Đứng trên bong tàu lộng gió trong ánh hoàng hôn buổi chiều tà, tôi ngắm Myshikin đang dần lùi xa. Thị trấn Chuột nhỏ xinh duyên dáng, vùng thôn quê “crazy” có những bảo tàng kỳ lạ độc nhất vô nhị đang khuất dần sau cánh rừng thông, rừng bạch dương. Myshkin đã mãi ở lại trong tâm trí tôi.
“Chiều dần buông màu tím vẳng bên sông lời hát êm đềm
Hoà với tiếng tàu đêm chập chờn đi về xa phiá chân trời
Cất tiếng hát bước chân đi cùng ngồi bên thuỳ dương mờ in bóng...”
HỒ TRẮNG VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN Ở TU VIỆN CYRILL
Vào mùa hè có rất nhiều du thuyền từ ba tới năm sao chạy trên sông Volga. Bắt đầu từ tháng sáu tới hết tháng Mừơi, những con tàu có sức chứa hàng trăm khách ngược xuôi trên dòng Volga. Tiện ích trên tàu ba sao thực ra là rất tối thiểu, và vì những con tàu này phần lớn được đóng tại Đông Đức vào những năm 80 nên chúng luôn toát lên vẻ ể oải, chật chội và đượm mùi của thời bao cấp cũ. Tàu năm sao thì mới hơn nhiều và tiện nghi cũng như tính riêng tư của khách hàng có vẻ được coi trọng hơn. Nói chung là tiền nào của nấy, cũng không khác gì nhiều những chốn khác mà tôi từng qua. Lộ trình phổ biến nhất là những tour ngắn 3-4 ngày, xuất phát từ St. Petersburg tới Moscow hoặc ngược lại, cũng có nhiều tour đi xuôi dòng Volga về tận cửa biển Caspri, hoặc sông Đông. Những điểm thăm quan vì thế mà cũng rất khác nhau theo tuyến đường trên sông. Du khách chủ yếu vẫn là người Nga, khách quốc tịch khác thì có nhiều khách Đức, khách nói tiếng Anh, Trung quốc, Nhật, Việt Nam v.v... Ngoài việc ghé thăm các đảo, làng mạc hoặc thị trấn dọc sông Volga, trên tàu còn có rất nhiều hoạt động như những buổi hoà nhạc, độc tấu guitare , piano, saxophone, biểu diễn nhạc kịch, dạy Yoga, dạy nhảy Samba, đêm cướp biển v.vvv. Nói chung là nhà tàu rất cố gắng để làm chuyến đi của khách trở nên đáng nhớ. Phải nói rất thật lòng là làn sóng du lịch đại trà, nhất là du khách Trung quốc tại các điểm thăm quan nổi tiếng tại Moscow và St. Petersburg đã làm hai thành phố này trở nên kém hấp dẫn trong mắt tôi. Thất vọng về Quảng trường đỏ, những dòng người lộn xộn trong cái gọi là xếp hàng vào thăm Kremlin bao nhiêu, thì những điểm dừng trên hành trình xuôi dòng Volga lại “xoa dịu” lòng tôi bấy nhiêu. Lấy lại được tinh thần “ Đi như tờ giấy trắng “ và thấy lại được là mình, khi được trở về với thiên nhiên vùng nông thôn nước Nga.
Tàu của tôi đi có lộ trình khá dài so với một tour đường sông, rong ruổi suốt một tuần và cũng ghé nhiều đảo hơn những tour ngắn ngày khác, vậy mà vẫn luôn thấy thời gian trôi vèo vèo như lá bay mỗi lần tàu cặp bến. Hôm nay tàu đi vào hệ thống kênh đào Volga- Baltic dài 367km và nối với các sông Kovzha, Hồ Trắng, sông Shekna, Vytegra và các hồ chứa Rybinsk. Tôi đã từng vài lần đi tàu dọc những con sông ở Đức như Rhein, Elbe và Donau, hay những tour đường sông trên sông Mekong ở Việt Nam và Lào, sông ở Bagan, Myanmar, nhưng phải nói là chưa ở đâu tôi thấy có nhiều hồ trên sông như dòng Volga. Không ngạc nhiên khi biết rằng, trên đoạn sông hôm nay có tới 3 nhà máy thuỷ điện. Nói về thuỷ điện là nhớ tới câu chuyện sông Đà không có âu tàu, khiến cho khả năng giao thông đường thuỷ theo sông Đà đành theo gió bay đi. Vùng lòng hồ sông Đà đẹp tuyệt vẫn chỉ là một hồ nước bị ngăn, vĩnh viễn không có tour đường sông. Vẫn còn đó một mong ước về chuyến đi ngược dòng sông Hồng, chắc chắn sẽ không kém phần thú vị, và cũng chắc chắn là không dễ dàng như đi trên dòng Volga hôm nay. Tàu vừa vào vùng Hồ trắng, mặt nước đã biến thành một biển nước mênh mông dù cho hồ này chưa phải là hồ tự nhiên lớn nhất trên dòng Volga. Nghe nói tên gọi Hồ trắng ( Lake Beloye) vì đáy hồ có nhiều đất sét và cát trắng, những con sóng trong lòng hồ mang theo cát dâng lên bề mặt khiến nước đổi màu trắng. Đường kính của hồ là 46 km, diện tích khoảng hơn 1.1.00m2, độ sâu trung bình khoảng 5m nhưng lòng hồ lại sâu thoai thoải dần về phía giữa hồ khiến hồ Trắng mang hình dáng của một tô nước khổng lồ. Sau một hồi chòng chành vì sòng, tôi đã nhìn thấy đồng cỏ và vài mái nhà gỗ trên bờ. Tàu cập bến làng nhỏ Kuzino.
Cách bến tàu khoảng 10 km là khu Tu viện cổ lớn nhất nước Nga mang tên Cyril- Belozesky Monastry, xây dựng vào thế kỷ thứ 14. Đó là đích đến của chúng tôi ngày hôm nay. Truyền thuyết kể rằng một tu sĩ có tên Cyril nghe được lời sấm truyền về miền đất thánh ở phía Bắc Moscow. Vậy là ông lên đường đi tìm miền đất thánh ấy khi đã bước vào tuổi 60. Cách Moscow 600 km, ông dừng chân trên đồi Maura và tin rằng đây chính là vùng đất thánh mà ông tìm kiếm. Cùng với tu viện gỗ ban đầu do ông lập nên vào năm 1397, một ngôi làng nhỏ cũng dần hình thành. Cyril sống tại tu viện này 30 năm tới 90 tuổi. Ông được chôn cất và phong thánh cũng tại tu viện này. Ngày nay nhiều ngừơi tin rằng, vẫn còn hòn đá cỏ vết chân nơi ông đứng trên ngọn đồi Maura và người nào đặt chân vào vết chân Thánh Cyrill, mọi ước nguyện của người ấy sẽ thành sự thật. Thời gian quá ngắn ngủi để tôi có thể đi tìm vết chân của vị thánh, nên tôi đành chấp nhận cần tự nỗ lực để những mong ước của mình thành sự thật vậy. Nhưng tôi có thể bước qua cổng, nơi có những hình vẽ Fresco tuyệt đẹp trên tường, trong im lặng. Bạn biết tại sao không ? Lại cũng là truyền thuyết kể rằng, nếu bạn bước qua cánh cổng của thế kỷ 16 ấy trong im lặng, mọi tội lỗi của bạn sẽ được rửa sạch. Chắc tội của tôi không được gột sạch hết thì cũng bay biến đi kha khá rồi, vì tôi thấy thật nhẹ nhõm khi bước vào bên trong những bức tường cao chất ngất màu trắng kia. Những câu chuyện như vậy luôn cuốn hút tôi. Những truyền thuyết, những sự kiện gắn liền với nơi chốn, đôi khi nhuốm màu huyền bí, lại cho ta thấy rõ hơn thần thái của nơi ấy, cho ta thấy điều chỉ có thể cảm nhận mà khó diễn đạt thành lời. Nơi đây cũng vậy. Trước mắt tôi như hiện ra những Tu sĩ áo choàng đen dài của Chính thống giáo Nga, họ đang đi lại trên khoảng sân rộng lớn, lướt qua những vòm cửa sổ tròn của toà nhà gạch hai tầng, nơi có thời gian từng là nơi giam giữ các tù nhân. Có một sự tĩnh lặng trong cái nắng mùa hè. Sự trang nghiêm trong những cơn gió. Và lời thầm thì trong tàng lá xanh. Nước Nga thế kỷ thứ 14, 15 có những gì ? Liệu rằng hồ nước nhỏ mà đỉnh tháp nhà thờ đang soi bóng kia, có còn nguyên vẹn như xưa?
Kể từ khi thành lập, những công trình trong tu viện này đã được lần lựơt xây dựng cũng như nhiều lần tu bổ qua từng thế kỷ. Để ngày nay trên diện tích 12 ha, có tới 11 nhà thờ đá và một phần công trình của Thánh Cyril đã thành bảo tàng cho đời sau chiêm ngưỡng. Chính giữa khuôn viên là nhà thờ Chính tòa Assumption Uspensky Cathedral với những mái vòm tròn màu xanh lá. Chỉ với 20 nhân công, nhà thờ mùa hè này được xây dựng trong vòng 5 tháng vào thế kỷ thứ 15, tháp chuông thì phải tới thế kỷ 16 mới được xây dựng, được xây lại vào thế kỷ thứ 18 và bây giờ thì không còn chuông trong tháp. Vào thế kỷ thứ 16, đã có một nhà thờ nữa được xây dựng bên cạnh nhà thờ Chính tòa. Nhà thờ Biến hình được xây vào thế kỷ 18. Những bức tường rào gạch cao ngất được xáy dựng nhằm bảo vệ tu viện khỏi những cuộc tấn công của các đội quân Ba Lan nhằm vào tu viện trong suốt 6 năm. Đó chỉ là vài công trình tiêu biểu. Thời hưng thịnh nhất của tu viện Cyril là thế kỷ thứ 17, khi tu viện được tài trợ rất nhiều từ giới quý tộc Nga, khi ấy có tới 200 tu sĩ và gần 20.000 gia đình nông dân cùng vợ chồng con cái họ sinh sống nơi đây. Tu viện này cũng chính là nơi mà cha mẹ Sa hoàng Ivan Bạo Chúa thường tới cầu nguyện và nhờ đó họ đã sinh ra Ivan. Có lẽ vì thế mà dưới thời Ivan Bạo chúa, tu viện nhận được rất nhiều vàng của Hoàng gia và không lâu trước khi qua đời Ivan Bạo chúa cũng chính thức trở thành tu sĩ của tu viện, nhưng ông đã không sống ở đây mà vẫn ở Moscow. Dưới thời Xô viết, 1000 tu sĩ đã bị xua đuổi khỏi tu viện và nơi đây chỉ có chức năng của một bảo tàng. Ngày nay tu viện có khoảng 100 tu sĩ, theo lời người hướng dẫn địa phương.
Tôi lặng người ngắm những mái vòm hình cầu xanh óng ánh dưới nắng mặt trời, tự hỏi những gì đã diễn ra nơi đây qua bao thế kỷ. Những bức tường, cánh cổng đóng kín, những vàng son trong giáo đường và cây thánh giá lấp lánh trên cao kia đã chứng kiến những gì ? Vào mùa đông, khi nhiệt độ bên ngoài xuống âm và trong những phòng tu sĩ chắc chỉ là vài độ C, không lò sưởi, liệu họ đã cầu nguyện hay xin tha thứ những gì ? Và những câu chuyện về các âm mưu, các vụ thanh trừng trong những ngôi nhà của Chúa như tôi đã xem trong những bộ phim Hollywood liệu có diễn ra nơi đây? Rồi số phận của các Tu viện, nhà thờ dưới thời Xô viết vẫn là một dấu hỏi to đùng, nhưng câu trả lời có lẽ ai cũng biết. Đức tin theo cực này hay theo cực kia - là gì trong đời sống tâm hồn của từng con người, từng dân tộc ?
Theo con đường dẫn tới các nhà thờ, khu chứa kho báu, những khoảng sân cỏ hoang hay có những khóm hoa diên vỹ, cúc hồng ( lần đầu tiên nhìn thấy trong đời loài cúc cánh đơn màu hồng dâu), tôi bước qua một cánh cổng và thấy hồ. Siverskoye Lake ( Hồ sâu) là tên mà người Phần Lan đã đặt cho hồ nước sâu tới 27 m này. Nghe nói có tới 29 loài cá khác nhau sống trong lòng hồ và khi mùa đông tới, lớp băng thường dày từ 1-3m. Có lời đồn đại rằng, bơi trong hồ Siverskoye bạn sẽ trẻ ra năm tuổi, và nếu bạn bơi được một giờ đồng hồ, bạn sẽ trẻ cả đời. Chắn chắn rằng truyền thuyết cũng tạo ra một đức tin nào đó vì tôi thấy nhiều người cũng lấy nước hồ vào chai mang về. Chắc là trẻ hoá vài bộ phận cần thiết cũng tốt, khi không có điều kiện bơi.
Khi đã quay trở lại tàu, trong đầu tôi vẫn in đậm hình ảnh những bức tường trắng, hai tháp canh cao ngất và những mái vòm nhà thờ, vàng óng, xanh biếc trên nền trời xanh. Ấn tượng về khu tu viện cổ nhất nước Nga và một thời quá khứ tôn giáo nơi đây quá mạnh, để tôi một lần nữa lại sững sờ thảng thốt khi tàu đi qua nhà thờ ngập nứơc thứ hai trên hành trình. Krokhino là tên nhà thờ chìm sâu trong lòng sông Shekna. Cả làng, cả nhà thờ đã bị dòng nước nuốt vào lòng vào năm 1960, khi tuyến kênh đào Volga- Baltic được xây dựng. Tôi cố hình dung ra ngôi làng cổ có từ năm 1673, với nhà thờ được xây vào thế kỷ thứ 19, nơi từng là trung tâm tôn giáo và linh hồn của làng. Chẳng thấy gì ngoài mặt nước mênh mông và vài tầng còn sót lại của nhà thờ, dẫu hoang phế vẫn ánh lên một màu trắng kiêu bạc dưới nắng chiều. Dù biết rằng mọi sự trên đời chỉ mang tính tương đối và không gì là vĩnh viễn, kể cả những giá trị về tinh thần, nhưng đôi khi vẫn tự hỏi đức tin là gì, và tại sao chấp nhận sự khác biệt lại khó khăn đến vậy ?
HỒ ONEGA VÀ ĐẢO THẦN TIÊN KIZHI
Onega là hồ lớn thứ hai tại châu Âu có diện tích khoảng 9.700 km2, kể cả diện tích 1.650 đảo trên hồ ( 225km2). Hồ lớn nhất châu Âu là Ladoga, cũng nằm trên hải trình tàu của tôi đi. Hai hồ này giống nhau là đều có đường thoát nước duy nhất là sông Svir. Onega là nơi có hơn 1.150 con sông đổ về, trong đó chỉ cỏ 52 sông có chiều dài hơn 10 km, như Shuya, Suna, Vytegra, Andoma và Vodla, còn lại là những sông nhỏ.Nơi sâu nhất của hồ Onega là 127m, độ sâu trung bình là 30m. Hồ có chiều dài từ Bắc tới Nam khoảng 248 km và chiều rộng là 83km. 80% diện tích hồ thuộc nước Cộng hoà Karelia. Đứng trên bong tàu, tôi mỏi mắt tìm bờ mà chỉ thấy con tàu trôi giữa biển nước mênh mông. Quá trình kiến tạo của trái đất trong thời kỳ tiền băng hà cùng những xói mòn và sự chuyển dịch của băng đã tạo ra sự bao phủ đặc biệt của băng tại vùng đất này. Thời kỳ băng hà cuối cùng của vùng hồ này kết thúc cách đây 11.000-12.000 năm. Những di chỉ khảo cổ tìm thấy tại vùng ven hồ cho thấy sự hiện diện của con người vào khoảng cách đây khoảng 9.000 năm. Rất tiếc là thời gian của một chuyến thăm quan trong ngày không đủ để tôi có thể thăm một trong 800 di chi đá khắc, được cho là hình thành từ cuối thiên niên kỷ thứ 3 cho tới thiên niên kỷ thứ 2 trước công nguyên.
Sau 7 tiếng di chuyển trên biển hồ mênh mông ấy, tàu giảm tốc độ và dần cập bến. Bờ hồ là đầm lầy cỏ dại, những con vịt trời, ngỗng trời bình thản bơi lội. Trên bầu trời đầy nắng vẫn là đàn hải âu ríu rít, lẫn vào đó là những con chim én nhỏ bé duyên dáng bay rất gần mạn tàu nơi tôi đứng. Phía sau đám cỏ dại lập lờ trong làn nước trong veo là những bụi cói, đám cỏ đuôi ngựa, những bông Lupin tím vươn mình thẳng đứng trên triền đồi thấp và ven đường mòn dọc bờ hồ. Nổi bật trên mặt nước như mặt biển xanh biếc, ở phía xa là mái nhà thờ hình vòm „củ hành”, lấp lánh vàng, lấp lánh bạc dưới ánh mặt trời. Đã tới Kizhi.
Hòn đảo chỉ dài 6km và rộng 1km này xưa từng là điểm dừng chân của các tàu buôn lông thú và xương hải mã trên hải trình Biền Trắng. Kizhi bắt nguồn từ “ Kizbarsuari”, trong ngôn ngữ Karelia có nghĩa là “đảo trò chơi”. Vào thế kỷ 15 đã có nhiều nông dân bản địa sinh sống tại đây. Tới năm 1950, phần lớn làng mạc biến mất do kế hoạch di dân của chính quyền Xô Viết. Những nhà thờ chính thống giáo Nga từ nhiều nơi được di chuyển tới đây để lập nên một Bảo tàng Kiến trúc gỗ ngoài trời lớn nhất nước Nga. Trên đảo nhỏ ngày nay có tới 89 nhà thờ gỗ dòng Chính thống Giáo Nga, nhiều tháp chuông và 20 nhà gỗ cổ nông dân, được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 tới thế kỷ thứ 20. Trong đó, nổi tiếng thế giới là quần thể nhà thờ gỗ tuyệt đẹp mang tên Kizhi Pogost ( thế kỷ thứ 17-18) đã được Unesco công nhận là Di sản Bảo tàng kiến trúc gỗ ngoài trời của thế giới vào năm 1990. Con đường từ bến tàu tới quần thể kiến trúc nhà thờ gỗ dài khoảng hơn 1km qua cánh đồng cỏ mênh mông trên những ngọn đồi thấp. Có những đoạn, đường xuống thấp, khiến bên trái tôi chỉ còn có cỏ và trời xanh bao la. Vài cây cao và những bóng người trên đồi cỏ ấy in trên nền trời khiến ta ngợp thở trước cái mênh mang của đất trời. Bên phải con đường là vùng đầm lầy ven hồ, nơi những người đàn ông lực lưỡng đang cắt cỏ. Jorg, người dẫn đường của chúng tôi nói, trên đảo giờ chỉ còn các tu sĩ và những người phục vụ du lịch sinh sống. Jorg có khuôn mặt và cái tên chẳng giống gì người Nga. Tôi đã tưởng anh là một trong những hậu duệ của những “ Volga Germans „ - những người Đức nhập cư sống dọc theo sông Volga vào thế kỷ thứ 18-19. Nhưng không, Jorg nói, ông bà anh người Thuỵ điển và anh là người Nga hoàn toàn. “ Là người Nga hoàn toàn “, tôi khâm phục Jorg khi nghe giọng nói điềm tĩnh và thứ tiếng Anh rất chuẩn không pha giọng Nga của anh. Giống như tôi đã từng nghe các bạn trẻ gốc Việt, thế hệ thứ hai, thứ ba ở Đức, ở Mỹ, ở Hà lan nói về nơi họ sinh ra. Liệu tôi có đủ tự tin để nói về nguồn gốc của mình như anh không ? Chắc bây giờ thì có, nhưng đã từng có những lúc không được như vậy.
Quần thể Kizhi Pogost được xây dựng trên đá, không có móng, gồm một nhà thờ mùa hè có 22 mái vòm (1714 -1722), một nhà thờ mùa đông có 9 mái vòm (1764) và một tháp chuông (1874), bao quanh ba công trình kiến trúc này là bức tường đá dài 300m có mái gỗ và các cổng vào (TK17) cũng hết sức ấn tượng. Những công trình này lần lựợt được xây dựng sau khi những nhà thờ gỗ thế kỷ thứ 15 tại đây bị thiêu rụi sau một trận bị sét đánh cháy. Nhà thờ Mùa hè hay còn gọi là nhà thờ Biến hình có chiều cao 37m, 22 chóp mái được xếp thành 5 tầng hình nấm từ 30.000 vẩy gỗ. Đây cũng là kiến trúc gỗ cao nhất Bắc Nga và là nhà thờ bằng gỗ cao nhất thế giới. Truyền thuyết kể rằng, chỉ bằng một chiếc rìu duy nhất toàn bộ công trình đã được dựng lên. Sau khi hoàn tất, người ta đã ném nó xuống hồ với dòng chữ khắc “không có và sẽ không thể có một thứ khác như vậy”. Nhà thờ được dựng từ gỗ thông đỏ ( Pinus Sylvestris) chuyển tới từ đất liền và theo kỹ thuật nghề mộc không dùng đinh của Nga. Tất cả các cấu trúc được thực hiện bằng cách ghép mộng với các lõi gỗ theo chiều ngang, lồng khớp vào nhau ở các góc. Những nhà thờ trong Chính thống giáo Nga thường có nhiều tầng hình bát giác, các thành gỗ được phân bổ theo hướng chiếu sáng. Nghe Jorg nói điều này, thắc mắc của tôi về chất liệu đã được giải đáp. Toàn bộ mái của nhà thờ được ốp gỗ bạch dương, loại gỗ có trọng lựơng nhẹ. Những thanh gỗ dương trên mái lúc còn mới, phản chiếu ánh sáng mặt trời ánh lên các sắc độ vàng, cùng với năm tháng những thanh gỗ ngả màu và sự phản chiếu biến thành sắc bạc. Thiên nhiên thật diệu kỳ và người Nga quá tài hoa, để giờ đây khi hàng ngàn năm đã trôi qua, trước mắt tôi vẫn là tầng tầng lớp lớp vảy gỗ, ánh lên những sắc vàng sắc bạc lộng lẫy uy nghi mà không cần lớp màu nào trang điểm thêm. Trong ánh nắng vàng như mật của buổi chiều, cả khuôn viên nhà thờ và tháp chuông đưa tôi vào chốn cổ tích trên đảo nhỏ thần tiên.
Nhà thờ Biến hình thờ Chúa cứu thế đang trùng tu bên trong, nên tôi chỉ có thể thăm bên trong nhà thờ Mùa đông vinh danh Đức mẹ Maria trong quần thể Kizhi Pogost. Như mọi nhà thờ Chính thống Giáo Nga, nội thất bên trong nhà thờ cổ này cũng tuân thủ những nguyên tắc giáo lễ Byzantine (Đông La Mã, 330-1453, trung tâm của Kito giáo thời đó). Nơi du khách và các giáo dân có thể vào chỉ là phòng đệm. Thánh đường chỉ dành cho tu sĩ và được ngăn cách bởi bức tường biểu tượng (Icone Wall) gồm những bức tranh về các điển tích, Đức Mẹ, Thiên chúa và các vị thánh, kín từ sàn tới trần. Trong nhà thờ Chính thống giáo không khi nào có ghế vì quan niệm sự “đứng thẳng” tượng trưng cho Chúa phục sinh. Trong nhà thờ Chính thống giáo cũng không có bất kỳ một nhạc cụ nào, âm thanh duy nhất là lời cầu nguyện của con người dâng lên Thiên Chúa hay Đức Mẹ. Không hiểu sao, lần nào bước vào nhà thờ ở Nga, dù là nhà thờ mùa hè với nhiều cửa sổ hay nhà thờ mùa đông với chỉ một hai cửa sổ, những luồng sáng từ những cánh cửa ấy luôn thu hút tôi. Ánh sáng xuyên qua cánh cửa hẹp chiếu vào bàn thờ bày những ngọn nến nhỏ trước các icone và hắt lên bức tranh Fresco Đức mẹ bế chúa hài đồng thật ấn tượng. Trong cái tranh tối tranh sáng ấy, vòng hào quang vàng lấp lánh trên đầu Đức mẹ và Đức Chúa Hài đồng những muốn cuốn tôi theo. Cành bạch dương trắng trong góc phòng bỗng lay động theo một luồng gió nhẹ. Và tôi, một người không theo Đạo, bỗng thấy đâu đó ánh sáng và lời ca Thiên chúa rất khẽ, rất êm, đang lan dần ra từ bức tường đầy tranh kia, quấn lấy và nâng tôi lên trong ánh sáng chói lòa. Bay qua đầm lầy, bay qua mái vòm vàng bạc, bay qua những ngọn bạch dương, hoà cũng cánh chim én trên đồi cỏ mênh mông.
Người vẫn ngất ngây như vậy, tôi đi về phía Bắc đảo, ngang qua những ngôi nhà gỗ với bậc thang có mái che và ban công hẹp, ngang qua người đàn bà ngồi đan len trên cầu thang, người đàn ông đang khảm gỗ bạch dương và những con tò he bằng đất ngổn ngang trên bàn. Những bước chân tôi lạc lối trên một cánh đồng hoa cải vàng và cỏ dại nở trắng xoá. Vùi mặt vào hoa, thấy nhà thờ, cối xay gió, đống rơm và những ngôi nhà gỗ bỗng trở nên bé xíu như những mỏn đồ chơi trong thế giới thần tiên của bảy chú lùn. Những cơn gió đã trở nên mạnh hơn, biến cánh đồng hoa thành cơn sóng dập dìu dưới tháp chuông nhà thờ và nền trời đang chuyển sắc. Xuyên qua những cánh hoa, tôi thấy chân trời ánh lên một màu vàng rực dưới những đám mây xanh xám. Vừa lúc ấy tiếng chuông vang lên từ nhà thờ Thánh Lazarus Hồi sinh, ngôi nhà thờ gỗ nhỏ bé nhưng cổ nhất đảo Kizhi (1391). Tiếng chuông đã cất lên hàng ngàn năm từ ngôi nhà thờ ấy không giống tiếng chuông nhà thờ âm trầm nơi làng quê Bắc bộ tôi đã qua. Tôi của ngày hôm nay cũng đã khác ngày hôm qua, như tiếng chuông nhà thờ Nga không thể giống tiếng chuông nhà thờ Việt. Chỉ biết rằng, trên trời cao kia có một cơn giông đang tới và tôi, dẫu ướt đầm trong cơn mưa xối xả bất chợt trên đảo Kizhi, vẫn thấy như được hồi sinh. Sự hồi sinh trong tiếng chuông nhà thờ cổ nhất nước Nga giúp tôi nhận ra sự hồi sinh năm nào tôi có được nơi nhà thở nhỏ bé làng Đường Lâm, nơi không phải quê tôi.
Cơn mưa đã tạnh hẳn khi tôi quay trở lại tàu. Mặt trời lại chiếu những luồng sáng cuối cùng của ngày lên những mái vòm vàng bạc, lên đầm lầy và cánh đồng cỏ hoa. Đàn hải âu lại chao lượn trên mặt hồ trong buổi hoàng hôn. Chợt nhớ ra nước Nga đang bước vào đêm trắng. Mười giờ đêm mặt trời mới giã từ trái đất, còn vầng trăng khổng lồ thì đã treo trên cao từ khi nào. Giữa mặt trăng và mặt trời hôm nay, có hồ Onega mênh mông như biển, có Kizhi đảo nhỏ thần tiên, có gỗ vàng gỗ bạc, có cánh đồng hoa cổ tích, có hải âu chấp chới. Và có tôi.