TRẦN THÙY LINH

 

Vùng Đất Của Lửa
 

Tierra del Fuego – Vùng đất của Lửa, cái tên ấy được nhà thám hiểm Magellan đặt cho vùng này vào năm 1520, khi ông nhìn thấy những ngọn lửa của thổ dân bùng lên trong rừng từ xa. Thổ dân Yamana sùng bái ngọn lửa mang lại hơi ấm cho họ và luôn giữ lửa bên mình kể cả trên thuyền khi đi biển. Chuyến đi của Magellan và đoàn tàu Tây Ban Nha (1519-1522) là chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới đầu tiên, chuyến tàu đầu tiên từ Đại Tây Dương đi vào Thái Bình Dương qua chính eo biển sau này được mang tên ông. Cách đây khoảng 9.000 năm, những cơn địa chấn tại eo biển Magellan đã tách phần đuôi của châu Mỹ ra khỏi lục địa, cô lập Tierra del Fuego với Patagonia. Hơn 63.000 ha rừng tại vùng mỏm cực nam dãy Andes tại biên giới với Chile này được Argentina chính thức công nhận là Công viên quốc gia năm 1960.
 

Chỉ cái tên thôi cũng đã toát lên sự xa xôi, cô độc kèm theo chút bất an về mối hiểm nguy vô hình của nơi “ khỉ ho cò gáy”, ít nhất là đối với tôi. Ngày nay, du khách chỉ có thể thăm một phần rất nhỏ của vùng Tierra del Fuego rộng lớn này. Đa phần diện tích nơi đây là những đỉnh núi hiểm trở, những thung lũng băng, nhiều rừng rậm không thể tiếp cận. Con đường đưa tôi tới Vùng đất của Lửa băng qua khu trung tâm thành phố, nơi có những con thuyền neo đậu bên vịnh biển chờ xuất phát đi Nam cực, ngang qua những khu dân cư dưới chân núi, cứ cao dần lên. Rừng thu lá vàng lá đỏ và hồ nước đầu tiên dần hiện ra.
 

Chúng tôi dừng chân bên Fin del Mundo Post Office, Trạm bưu điện của nơi “Tận cùng thế giới”. Ngôi nhà bằng gỗ phủ lớp tôn dày bên ngoài như mọi ngôi nhà nơi đây nằm trên một cầu tàu dẫn ra hồ, giữa mênh mông nước và mênh mang rừng. Cây lá xanh, lá vàng, lá đỏ, những thân cây khô đổ ngang đường, nằm ngổn ngang trên đồi cỏ trắng thân cao, tạo ra một sự hoang sơ như vốn dĩ phải thế. Trạm bưu điện cực nam trái đất nhỏ xíu do một người đàn ông điều hành. Ở đây du khách có thể nhờ ông đóng dấu và dán tem “ Nhập cảnh Nơi tận cùng thế giới” vào Passport của mình. Giúp tôi chọn một vài tấm bưu thiếp gửi cho bạn bè, người đàn ông cười khi thấy tôi giơ máy ảnh xin chụp cùng ông. Buena onda! Cool! Tuyệt đấy!
 

Chia tay người đàn ông mến khách, tôi đi dọc theo hồ, tới nơi có những thảm cỏ trắng đang nở hoa. Một đàn bướm vàng chấp chới bay lên từ đám cỏ. Trời vẫn lay phay mưa, nhưng cơn mưa, gió thu và đám sương mù vẫn không sao che khuất được sắc vàng đỏ của lá. Con đường vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ có vài con chim vụt bay lên từ cành cây nào đó, chao liệng trên mặt hồ đang gợn sóng. Nhìn từ trên cao xuống, trạm bưu điện trong mưa bỗng trở nên lẻ loi, đơn côi đến lạ. Giá như tôi có một cái chai, viết vài dòng gì đó bỏ vào và thả trôi ra biển như thuyền trưởng Grant năm xưa nhỉ? Thuyền trưởng Grant viết thư cầu cứu bỏ vào chai khi ông gặp nạn, còn tôi của ngày hôm nay, tôi sẽ viết gì? Khẩn cầu điều gì từ Thiên nhiên cho Con người hay từ Con người cho Thiên nhiên? Niềm hy vọng nào sẽ ở lại trong tôi và cơn gió nào sẽ mang lại sự cứu rỗi cho tôi?
 

Trên chặng đường kế tiếp, xanh, vàng, cam, đỏ, tía… bản hoà sắc của màu cứ thế ngân nga. Mùa thu “của tôi”. Mỗi lần nhìn thấy thiên nhiên trong chiếc áo của mùa thu, tôi lại thấy mình như bông tuyết đang tan chảy. Hay vì tôi sinh ra dưới bầu trời thu nên cứ luôn đau đáu về mùa? Mùa thu Hà nội của tôi, dẫu có đẹp nhưng nào có lá vàng bay. Mà tôi cũng không nghĩ mùa thu chỉ đẹp vì lá vàng lá đỏ. Không phải các mùa khác không đẹp. Với tôi mỗi mùa, cũng như mỗi con người hay sinh linh trong tự nhiên, đều đẹp theo cách của riêng mình. Nhưng mùa thu thì quá đặc biệt. Thu luôn cho tôi một sự cân bằng nào đó khó lý giải. Không non nớt, tươi tắn như mùa xuân, không rạo rực nồng cháy như mùa hạ, cũng không bạo liệt, nghiêm khắc như mùa đông - nhất là mùa đông tuyết trắng, mùa thu luôn đẹp vì hương thu, vì cái thần thái dịu êm khó nắm bắt của mùa. Trong lá, trong cây, trong hương, trong khí và cả trong những “ toan về già”. Đẹp một cách viên mãn, đẹp nhã nhặn đầy phong cách. Lạnh vừa đủ để hồng đôi tay, gió vừa đủ để tóc vương trên vai, trên áo. Và “ chín” vừa đủ để ta luôn thấy mùa trong từng chuyển động.
 

Bởi thế, nên mỗi lần được trôi theo cùng lá thu ở đâu đó, dẫu là ở Âu châu- thu vàng, hay Úc châu- thu đỏ, tôi đều không kìm chế được cảm xúc cứ thế ùa về. Anh bạn đi cùng kinh ngạc: “Làm gì mà cứ ồ à lên như thể lần đầu thấy thu vậy?”. Tôi thấy mình may mắn, khi thấy chuyến đi nào cũng như lần đầu. Tôi thấy mình vô cùng may mắn, khi chưa mất đi những xúc cảm của một đứa bé khi lần đầu nhìn thấy rừng thu lá vàng hay mùa đông tuyết trắng. Những chuyến đi đã “tôi luyện” tôi, nhưng cũng “dạy” cho tôi cách nuôi dưỡng, cách gìn giữ khả năng rung động trước cái đẹp, trước những điều mới lạ. Hoàn toàn không phải như người ta thường nói, đi nhiều sẽ chai lì cảm xúc. Những chuyến đi góp phần giúp ta khám phá và hoàn thiện bản thân mình, cũng có thể được hiểu theo nghĩa như vậy.
 

Chặng cuối cùng của con đường Pan America Highway số 3 dài hơn 30.000km, nối liền Alaska với vùng cực nam của lục địa châu Mỹ Ushuaia, xuyên qua Công viên quốc gia Tierra del Fuego. Địa hình ở đây ngoài những dãy núi cao, hồ, một phần của vịnh Beagle xen vào chân núi, chủ yếu là rừng cây bản địa và đầm lầy. Rừng nơi đây chỉ có vài loài cây, phổ biến nhất là Lenga (Nothofagus pumilio), một loài dẻ gai thay lá theo mùa, đặc trưng của xứ Patagoni và Guindo (Nothafagus betuloides), một loài sồi phương nam, tên gọi khác là sồi Magellan, quanh năm xanh tươi. Nhiều nhất là những rừng dẻ gai mọc dọc theo sườn núi, bắt đầu từ cốt 600m.
 

Vào mùa thu, dẻ gai chuyển màu lá theo từng cao độ, mang lại cho Tierra del Fuego tấm áo không thể ấn tượng hơn. Ngay từ trên máy bay, tôi đã nhận ra sự chuyển sắc kỳ diệu ấy. Giờ đây bức tranh ấy đang trải dài ngay trước mắt tôi: sắc xanh ở tầng thấp nhất thay đổi qua từng sắc độ chuyển dần sang vàng. Rồi cái màu vàng kỳ diệu ấy cũng từ từ chuyển sắc, sang cam, sang đỏ, sang màu rỉ sét, màu đỏ tím. Tiếp nối là đá và cuối cùng là những đỉnh núi băng ngàn năm trắng loá vươn cao trên bầu trời. Rừng thu thay lá theo nhịp thở của đất trời, trên cao là nơi lạnh nhất, lá đổi màu trước hết, càng xuống chân núi càng ấm hơn, quá trình chuyển sắc diễn ra chậm hơn. Ở đôi chỗ, lại có vài cây dẻ gai nổi bật lên với màu đỏ rực rỡ hay cam nồng nàn như sự phá cách trong một bản nhạc màu. Chưa ở nơi nào mùa thu cho tôi cảm xúc về màu kỳ diệu đến thế. Thu ở nơi tận cùng thế giới là một mùa thu nguyên sơ đến tận cùng. Một mùa thu êm đềm như một bản nhạc màu trong sự sáng tạo khôn lường của Mẹ thiên nhiên- hoạ sĩ vĩ đại và vĩnh hằng. Một mùa thu như ở thiên đường, nơi những bi luỵ ân oán sân si của xã hội loài người không bao giờ có thể chạm tới được.

 

  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh