TRẦN THÙY LINH


We Shall Not Sleep, Though Poppies Grow...

"In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses, row on row…..”

(John McCrae)

 
(Tranh: Trần Thùy Linh)

Anh Túc, Phù Dung hay Lệ Xuân là tên tiếng Việt của một tộc hoa gồm 80-100 lòai khác nhau, có tên khoa học là Papaveraceae. Ở đây chỉ đề cập tới lọai hoa anh túc mang tên Papaver rhoeas/Coquelicot (tiếng Anh: Corn poppy/Field poppy, tiếng Đức: Klatschmohn) là lọai không gây nghiện, mọc dại trên đường hoặc thành từng cánh đồng ở châu Âu,Mỹ. Thời Trung cổ, lòai hoa này còn mang tên “Smoke of the Earth", vì người ta cho rằng khói khi đốt cây đuổi được tà ma, xui rủi. Tại những nứơc nói tiếng Anh, lòai hoa này tượng trưng cho lòng quả cảm của những ngừoi lính đã hy sinh trong thế chiến lần thứ nhất vào năm 1918 tại vùng Flander của Bỉ. Và cũng từ đó những bông hoa đỏ rực rỡ đã đi khắp thế giới cùng bài thơ bất hủ „ In Flanders Field“ của nhà thơ quân đội John McCrae trong ngày lễ Rememberance Day của người Anh. Tại Trung đông, hoa anh túc tượng trưng cho tình yêu với câu nói nổi tiếng của nhà thơ Sohrab Sepehri: „Hoa anh túc còn, chúng ta còn!“. Ngòai ra, Ba Lan là quốc gia đã chọn hoa anh túc làm biểu tượng của đất nứơc họ. Poppy có nhiều màu: đỏ, hồng, trắng, vàng, cam, xanh…Ở Việt nam, Poppy được trồng ở nhà thờ Domain và thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt. Hoa thường bắt đầu nở vào tháng 5.

Lần đầu tiên tôi thấy hoa Poppy là vào mùa hè năm 1983. Chuyến tàu tới thành phố nhỏ Weimar ở miền nam nứơc Đức, ngang qua những cánh đồng lúa mì và ngô hun hút tầm nhìn. Không khí đầu hè ở xứ ôn đới rất khác biệt. Hơi sương đầy ắp trong khí quyển, trộn lẫn cùng mùi cỏ, mùi của những búp cây đã nảy lộc từ mùa xuân và hương nắng mới đầu hè, tạo nên một cảm giác rất trong lành và tươi mới. Trong đủ lọai sắc xanh của không gian ấy, đột ngột hiện ra những chấmđỏ nhỏ xíu, chập chờn. Xa rồi gần. Gần và gần hơn nữa. Thế rồi.. cả một cánh đồng hoa đỏ rực, rung rinh trong gió ngập tràn trong mắt. Màu đỏ của những cánh hoa mỏng mảnh, nổi bật trên nền xanh lá của cây, của núi và xanh da trời trong vắt, chấp chới như những đốm lửa nhỏ, như muốn thóat ra khỏi cánh đồng, bay theo những cơn gió hè. Trong rất nhiều chuyến đi sau đó, mỗi lần bắt gặp những bông hoa Poppy đơn lẻ bên vệ đường, tôi luôn mừng rỡ như gặp lại người quen. Ấn tượng vềlòai hoa đỏ ấy và không khí của mùa hè đầu tiên nước Đức lâu lâu lại trở vềtrong những giấc mơ về thời sinh viên của tôi. Sau này, khi có dịp lang thang qua những vùng khác ở châu Âu, Mỹ hay Úc, tôi đã gặp vô vàn những lòai hoa khác trong những truyện cổ Andersen hay Grimm, những lòai hoa mà hồi nhỏ đã mê mẩn khi nghe tên: tử đinh hương,cẩm tú cầu, ỏai hương, bách hợp v.v…Những cánh đồng Lavender ngút ngàn màu tím và dịu hương ở Florence, những sắc màu rực rỡ của tulip ở Hà lan, hàng trăm lọai hồng cánh to và thơm ngát trong xứ sở các lòai hồngở Portland/ Mỹ…, nhưng cuối cùng, đọng lại trong tôi vẫn là những cánh hoa dạiđỏ thẫm, mong manh,vươn lên trong gió - những giọt nước mặt của nữ thần Aphrodite khóc thương chàng Adonis, như lời ngợi ca của nhà thơ người Hy Lạp Theokrit.

Mùa hè năm 2009, khi gặp lại Poppy trên những cánh đồng Munich, mới nhận ra rằng, tình yêu với Poppy sao giống quá tình yêu của những người trẻ. Yêu mà chẳng hiểu gì. Thấy màu sắc là đam mê, thấy mỏng manh là say đắm. Còn thực sự bạn có hiểu được Poppy? Bạn yêu một lòai hoa và - cũng tự nhiên thôi -, bạn mong muốn sở hữu nó. Bạn muốn mang về nhà, cắm trong bình với mong muốn nó làm đẹp cho không gian nhà bạn. Có thể đúng với muôn vàn lọai lòai hoa khác, nhưng không đúng với Poppy. Những bông hoa mảnh mai kia rất dễ hái, không cần dùng dao để cắt, nhưng chỉ ngay khi bứng chúng ra khỏi cánh đồng, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, khi bạn còn chưa kịp về đến nhà, trong tay bạn sẽ chỉ còn lại nắm thân gầy guộc của chúng. Và con đừong về nhà của bạn sẽ đỏ ối những cánh hoa. Sự đặc biệt của lòai hoa dại này không lòai nào có. Chúng yêu tự do đến nỗi, thà tự rụng cánh, chứ không thèm làm kiếp hoa cắm bình. Đó chính là điều phải sau bao nhiêu năm trời mê đắm Poppy, tôi mới cảm nhận được. Là điều mà tôi chỉ nhận ra khi đã vẽ hàng trăm bức tranh về hoa Poppy với đủ lọai tên: Dịu dàng Poppy, Duyên dáng Poppy, Nồng nàn Poppy, Say đắm Poppy v.v…. Con người luôn tự nhận là yêu thiên nhiên, cây cỏ và hoa lá, vậy mà có mấy ai hiểu được nỗi đau khi hoa phải lìa cành? Đau cùng nỗi đau của hoa, khi phải đứng trong bình? Và có mấy ai thà hy sinh chính minh và vẻ đẹp của mình vì tự do, như lọai hoa dũng cảm kia ?

Với tôi, hoa Poppy luôn là biểu tượng của lòng kiêu hãnh, của sự không khuất phục trước thiên nhiên, trước con người. Poppy trắng cất tiếng mênh mang giữa cao nguyên bát ngát. Chập chờn trong bóng tối khi đêm về, những cánh hoa mong manh run rẩy, khắc khoải như những tia sáng nhỏ chờ bình minh lên. Poppy đỏ chói chang như nắng hè, mang theo bao sinh lực kết tinh từ đất và nứơc, từ gió và không khí. Poppy vàng kiêu hãnh vươn mình trên thân thẳng đứng, reo vui cùng vạn vật xung quanh. Những cánh đồng hoa Poppy luôn dập dờn trong gió, dẻo dai uốn lựơn, nhưng không bao giờ ngục ngã. Và khi trời quang mây tạnh, những bông hoa Poppy luôn vươn cao mình kiêu hãnh và đầy duyên dáng, đón ánh mặt trời

(April 2013)
  Trở lại chuyên mục của : Trần Thùy Linh