Xuống Xe, Qua Cầu
Trong tiệm đồ chơi, một cậu bé áng chừng bốn tuổi níu áo người mẹ: “ Xe gì đây mẹ?“. Cô ngước mắt nhìn theo tay chỉ của thằng bé. Trên chiếc kệ gỗ, một loạt những chiếc xe cổ thu nhỏ, Honda, Vespa, Roaster, Volkswagen … chiếc xích lô màu trắng bạc đập ngay vào mắt. „ Xích lô con à“, Xích lô là cái gì? Sao con không bao giờ thấy, nó chạy thế nào ạ?“. Người mẹ khôg trả lời vào câu hỏi của thằng bé mà chỉ đáp: „Trước kia bà hay cho mẹ đi chợ bằng xe này đó“.
Người mẹ và đứa bé đã đi xa, nhưng mẩu hội thoại của họ cứ đọng mãi trong cô. Trên kệ đồ chơi, chiếc xích lô nằm lặng lẽ, màu trắng bạc nổi bật giữa những xe mô hình khác. Ngày còn nhỏ, cô chẳng bao giờ được đi trên chiếc xích lô đẹp đẽ như thế. Ở Hà nội thời đó, xích lô bằng sắt, nặng và thô, chủ yếu để chở hàng, nên chỗ ngồi rộng rãi nhưng thấp tè, chỗ để tay hai bên được làm từ những miếng gỗ chắp vá. Nói chung xích lô Hà nội thời đó toát lên vẻ xập xệ và cũ kỹ. Những người đạp xích lô hay mặc áo bay, đi dép Lào và đội nón cối. Đứa trẻ là cô ngày đó tự nhiên cảm thấy rất e dè với giới „ xích lô, xe kéo“ như người ta hay gọi họ thời đó. Xích lô Hà nội đã không để lại dấu ấn gì đáng kể trong cô, qua vài lần bắt buộc phải ngồi trên đó.
Lần đầu tiên cô nhìn thấy chiếc xích lô Sài gòn là …trên bìa một cuốn sách. Trang bìa in một bức tranh tông nâu xám buồn bã, vẽ người đàn ông với bộ mặt khắc khổ đang gò lưng đạp chiếc xích lô trong mưa. Nhìn chiếc xích lô Sài gòn cao „ngất ngưởng“ ấy thấy ngộ ngộ, và nhìn người đạp xích lô thấy thương thương. Phải tới nhiều năm sau đó, cô mới được „mục sở thị“ chiếc xích lô dáng cao ấy và được ngồi trên nó đi trên đường phố Sài gòn. Ngày ấy xích lô đạp, xích lô máy, xe lam, vẫn là phương tiện giao thông chính bên cạnh xe đạp và số ít xe gắn máy. Trở về từ nước ngoài, cô thấy Hòn Ngọc Viễn đông xưa rõ ràng là sầm uất hơn hẳn thành phố quê hương, nhưng sao vẫn còn lam lũ quá. Nói không quá, có đôi khi cô còn cảm thấy như mình đang được quay ngược về quá khứ nào đó, hay ít nhất cũng là sống trong bối cảnh những bộ phim cô đã từng xem.
Vậy mà, dần dà chiếc xích lô Sài gòn lại trở thành gắn bó trong đoạn đời vất vả của buổi đầu lập nghiệp. Dù có Honda, nhưng cô vẫn hay đi xích lô do đặc thù công việc phải đi sớm về khuya, phải dẫn khách nước ngoài đi thăm thú thành phố. Đa số những người tới từ châu Âu thời đó đều háo hức và tò mò như trẻ nhỏ trước một chuyến xích lô vòng quanh thành phố. Họ hay so sánh chiếc xích lô Việt Nam với các phương tiện xe kéo hay đạp ở các quốc gia khác, khi cô cho họ biết rằng, xích lô thực ra là một „ sản phẩm“ của người Pháp và có mặt tại Sài gòn bắt đầu từ năm 1939. Mọi du khách đều thích thú về sự khác biệt, vì chỉ với chiếc xích lô Đông Dương là họ có thể ngắm cảnh thoái mái nhất, vì người lái ngồi phía sau. Họ cũng thích thú khi thấy chiếc xích lô có mái, có nệm cao, quan trọng hơn – phương tiện này không gây ô nhiễm, không ồn ào. Và quan trọng nhất, du khách cảm thấy như được „bơi“, được thực sự hoà vào nhịp sống của đường phố và người dân Sài gòn, mà một city tour bằng phương tiện cơ giới không bao giờ có thể mang lại được. Chuyến thăm quan thành phố bỗng trở nên hấp dẫn và lý thú hơn bội phần nhờ có xích lô. Việt Nam bỗng trở nên đáng nhớ hơn, nhờ xích lô.
Nhờ những lần đưa khách đi như vậy mà cô bỗng thành quen với giới xích lô và hay trò chuyện với họ. Nhưng không chỉ có vậy. Cô cũng hay đi chợ bằng xích lô những khi mưa nắng. Cũng giống nhiều người dân Sài gòn khác, cô cũng có một bác „xích lô quen“. Nghĩa là một người đạp xích lô sống ở đâu đó gần nhà, người mà mỗi khi có công việc gì, những người xung quanh đều có thể nhờ cậy, và đương nhiên là món tiền trả công cũng như một sự giúp đỡ „ngấm ngầm“ của bà con chòm xóm. Những buổi đi sớm về khuya cần đưa đón, đứa em nhỏ cần tới trường, bà má cần đi chùa, hay vật gì cần chuyển gấp cho ai đó, quên gì đột xuất cần lấy ...., tất cả đều „ kêu bác T. xích lô“. Người đạp xích lô, trong rất nhiều trường hợp như ở gia đình cô, đã thành người thân trong gia đình.
Tiếp xúc nhiều, cô biết và học thêm được bao điều về cuộc đời, về những số phận cay đắng đầy nước mắt, về những niềm vui nho nhỏ, những ước mơ thật giản dị của một tầng lớp lao động nặng nhọc trong xã hội mà bình thường có lẽ ít người để tâm. Thời đó giới đạp xích lô Sài gòn thật đa dạng: những người thất thế vì nhiều lý do, những người gia cảnh khó khăn, những giang hồ hoàn lương, những người trở về từ vùng kinh tế mới, và không thiếu những trí thức không kiếm được việc làm.... Họ gom góp chút tiền còm, dùng chiếc xích lô làm kế sinh nhai. Nhiều người còn không đủ tiền mua, nên phải thuê xích lô để đạp. Một chiếc xích lô, người đạp ngày, người đạp đêm. Ở thời khó khăn đó, không thiếu gì người chọn đạp xích lô ban đêm, như nghề thứ hai, nhằm kiếm thêm tiền nuôi gia đình, lo đóng học phí cho con, v.v....Thế nên, nhiều người từ nơi khác tới đã rất ngạc nhiên khi thấy người đạp xích lô Sài gòn, nói tiếng Anh tiếng Pháp như gió, đọc sách, báo trong giờ nghỉ trưa, và cũng không thiếu lần khâm phục những cử chỉ nghĩa hiệp của người đạp xích lô Sài gòn. Cô vẫn còn nhớ như in lần tim đập chân run ngồi cùng một người khách nước ngoài đi xích lô vào sâu trong những con hẻm ngoằn nghèo của quận tư nổi tiếng giang hồ. Những người đàn ông săm trổ đầy mình ngồi đầy trong hẻm, những ánh nhìn chòng chọc vào cô và người khách da trắng tóc vàng khiến cô nhớ tới trách nhiệm của mình với khách và tràn đầy hối hận vì sự mạo hiểm của mình. Chỉ tới khi người đàn ông đạp xích lô trừng mắt lên nhìn những kẻ đang muốn sáp tới kia và cất giọng lạnh băng: „Không phải chổ chơi nhe mậy !“, và đám người giãn ra, thì cô mới biết mình đang được bảo vệ. Hay như không ít lần, cô chứng kiến những người đạp xích lô giúp người bị nạn trên đường bắt kẻ giật giỏ xách, đưa người bị tai nạn vào bệnh viện, trả lại tiền khách để quên v.v.... Tất cả khiến cái nhìn của cô, ấn tượng của cô về giới „ xích lô, xe kéo“ dần đổi thay theo năm tháng. Vẫn biết, giới nào hay nơi nào thì cũng có người này, người kia, chẳng có gì là tốt đẹp hoàn toàn, và cũng không gì xấu hoàn toàn, nhưng những trải nghiệm như vậy luôn giúp cô củng cố được cái nhìn tích cực vào cuộc đời vốn đầy nhiễu nhương và thêm tình yêu với thành phố nơi đã là nhà. Quan trọng hơn nữa, cô biết rằng, mỗi người một hoàn cảnh, không được phép dùng sự may mắn hay vị thế của mình mà tự cho mình cái quyền được coi thường người khác. Những bài học về cách ứng xử trong cuộc đời, người ta luôn phải học,-từ bất kỳ giới nào -, từ khi sinh ra cho tới lúc nhắm mắt lìa đời.
Nhiều năm trở về trước, một người bạn Sài gòn giải thích cho cô về thuật ngữ „Xuống xe,qua cầu“ hay được dùng cho xích lô đạp. Mỗi khi qua cầu (mà xứ kênh rạch Sài gòn có thiếu gì cầu?), người khách nên biết ý xuống xe để người đạp đỡ mệt. Cô để ý, thấy đúng là người ta đã quan tâm tới nhau như vậy. Ở thời đó, cô đã luôn nghĩ rằng, khó mà có thể hình dung ra đường phố Sài gòn thiếu xích lô. Chúng đã hiện diện hàng chục thập kỷ, đã nuôi sống hàng ngàn người lao động, là cuộc đời của biết bao gia đình. Vì thế, giới đạp xích lô Sài gòn đã thực sự bị rúng động khi có quyết định cấm xích lô trên hàng chục tuyến đường quận nhất, lần đầu tiên vào năm 1996. Lý do đưa ra là do sự cản trở giao thông của loại phương tiện này. Không lẽ giờ đây câu nói „ Qua cầu, xuống xe“ lại đúng với thực trạng xích lô Sài gòn ở nghĩa khác ?? Những năm sau đó, hoạt động của xích lô đạp dần bị thu hẹp tiếp, qua những quyết định hạn chế lưu thông và cấm của thành phố. Từ năm 2008 tới nay, hầu hết các tuyến đường chính đều đã cấm xích lô, hoạt động của nghiệp đoàn xích lô bị thu hẹp với những quy định chặt chẽ về việc hành nghề. Theo nghiệp đoàn này, thì hiện nay toàn thành phố chỉ còn không quá 300 chiếc.
Dư luận đa số đồng tình với quyết định này và cô cũng không là ngoại lệ. Nhưng cô vẫn đau đáu một điều về những người đạp xích lô, những người „sống đời“ với phương tiện ấy, những người từng làm nên dấu ấn cho thành phố trong một giai đoạn phát triển. Rồi những du khách ngày nay tới Sài gòn, họ đã mất đi quá nhiều trải nghiệm trong đó có tour thăm quan bằng xích lô, để rồi con số khách quay trở lại Việt Nam lần thứ hai ngày càng ít hơn. Và cô tự hỏi, tại sao ở Hà nội, người ta vẫn có thể duy trì những tuyến đường dành cho xích lô phục vụ khách du lịch, hay như ở Pháp, ở Ý, tại những thành phố hiện đại bậc nhất thế giới, hay những thành phố nhỏ cổ kính, họ đều cho phép xe ngựa hoạt động phục vụ du khách thăm thành phố? Có là nghịch lý không, khi chiếc xích lô gần như đã bị „khai tử“, nhưng lại vẫn hiện diện như biểu tượng trên những tấm bưu thiếp, những bức ảnh và tranh vẽ về thành phố? Cô vẫn tin rằng, với nhiều người Sài gòn, nhất là những người Sài gòn xa xứ, chiếc xích lô vẫn in đậm trong ký ức cùa họ. Chắc chắn rằng, một ngày nào đó, khi được trở lại, ngồi trên chiếc xích lô – dù chỉ với tư cách là du khách-, đi trên những đường phố hiện đại đã nhiều đổi thay của ngày hôm nay, họ vẫn hoà vào được „hơi thở“ ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình nhờ sự tồn tại của những gì vốn thân quen. Tình yêu quê hương không đến từ những lời tuyên truyền đầy hoa mỹ, từ những hình ảnh bóng bẩy. Niềm tự hào về quê hương không tới từ những hình ảnh có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Tình yêu và niềm tự hào về quê hương, xuất phát từ những gì nhỏ nhoi nhất, gắn bó nhất và cụ thể nhất, như chiếc xích lô và những người đạp xích lô chỉ là một trong muôn vàn thí dụ, xuất phát một cách rất tự nhiên trong lòng mỗi người Việt, không cần đao to búa lớn làm gì. Cô vẫn luôn tin là như vậy.
Chiếc xích lô mô hình vẫn lặng lẽ nằm trên giá, màu trắng bạc vẫn lấp lánh, nổi bật giữa những xe mô hình khác. Cậu bé và người mẹ trẻ đã đi xa. Hẳn rằng, trong đầu óc non nớt của đứa bé – như cô ngày ấy – vẫn sẽ không thôi thắc mắc. Xích lô là gì? Ngồi trên nó sẽ như thế nào?? Nhưng đứa bé ấy sẽ khác cô. Nó sẽ mau quên. Và khi lớn lên, nó sẽ chẳng bao giờ muốn, cũng như có thể hình dung ra được: Ở Sài gòn, nơi nó sinh ra, đã từng có những chiếc xích lô chạy trên đường phố.