Sài Gòn Và Hoa
Nói tới Sài gòn mà liên tưởng tới hoa, chắc không thiếu người cho là kỳ cục. Bởi người ta quen nói về những vùng đất vốn được coi là xứ sở của các loài hoa như Đà Lạt, Hà nội, Sa đéc, hay những vùng núi bạt ngàn hoa phía bắc. Vậy mà tôi lại nghĩ, ở một thành phố hiện đại như Sài gòn vẫn có một mùa hoa, một mùa hoa khá khác biệt so với những nơi khác, nếu như bạn luôn ý thức giữ cho mình một tình yêu đủ đầy cho phố và một tâm hồn trong trẻo dành cho hoa. Bạn có nghĩ vậy không?
1. Sài gòn hoa mùa Tết
Với những người nhập cư, những ngày đầu đương nhiên là lạ lẫm. Cái gì thì cũng cần phải có thời gian. Vừa quen một chút với phố xá đã thấy hết năm và lại khăn gói đùm đề về quê. Có lẽ khá nhiều người chỉ coi Sài gòn là nơi dừng chân kiếm sống, là nơi để thử nghiệp với hy vọng đổi đời. Vòng xoay cơm áo gạo tiền là đây, còn trong tâm khảm vẫn giữ cho riêng mình tình yêu thương gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn mà từ đó mình đã ra đi. Chốn ồn ào phố chật chội, có gì mà níu kéo? Năm cũ đi qua, năm mới tới, Tết đến là lại về quê hay đi chơi, bỏ lại Sài gòn sau lưng. Và bỏ lại cả mùa hoa tết Sài gòn. Một mùa hoa đến, lại một mùa hoa đi, cứ thế trong vòng quay bất tận. Người đã bỏ qua biết bao nhiêu mùa hoa như thế, sống theo thói quen và tự đưa mình vào những vòng quay miên man, bộn bề. Để rồi tự làm mình trở nên xa lạ với những gì gần gũi thân quen, dẫu đó là phố, là hoa, là cái nóng gay gắt hay là cái lạnh bất thường.
Năm này qua năm khác, xuân vẫn về trên phố Sài gòn trong dáng hình của hoa. Vào thập niên 80-90, mỗi khi Tết đến, đường phố Sài gòn và những khu chợ lại bừng lên trong những sắc màu. Những kios đầu đường Nguyễn Huệ chuyên bán hoa cắt cành như được khoác tấm áo mới, tươi tắn hơn, rạng rỡ và cuốn hút hơn trong không khí của một con đường bỗng chốc biến thành một chợ hoa. Giữa đường, gần cột đồng hồ là các loài hoa trong giỏ từ miệt vườn sông nước miền tây, nhiều loại cây ăn trái, cây kiểng lớn nhỏ được cắt tỉa đủ mọi hình thù, tùy theo con giáp của năm; cuối đường phía bờ sông, luôn là khu vực bán mai, bán đào. Chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ thời đó như một điểm son đầy sống động trong lòng thành phố. Là nơi “Tết” nhất trong một mùa tết. Nơi người Sài gòn tụ họp vui xuân. Vào những sáng 29, 30 tết, những hàng hoa bên hông chợ Sài gòn cũng đầy nhóc khách. Những chị bán hoa mắt thâm quầng vì thức đêm, liên tục tay gói, miệng cười vẫn tươi rói. Chợ Sài gòn vốn luôn được mệnh danh là chợ nhà giàu, nên những hàng hoa ở đó cũng không là ngoại lệ. Bù lại, hoa ở đây luôn là hàng “tuyển”, tươi nhất, đẹp nhất và sang nhất như ly, như hồng, loa kèn, lay ơn hay cẩm tú cầu….từ nguồn cung cấp chủ yếu là các vườn hoa Đà Lạt. Suốt dọc con đường Nguyễn Hữu Cầu và lan ra cả đường Hai bà Trưng bên hông chợ Tân Định, thì lại có nhiều hàng hoa dân giã hơn từ Gò vấp, Hóc môn như cúc, mào gà, vạn thọ, như sen, như huệ hay mãn đình hồng và nhiều loại hoa chuối, hoa gừng, những loài thường mọc ở bờ ao, bờ rào nhà quê mà ngày thường ít khi thấy bán. Có những năm tôi mua tới gần chục loại hoa chuối rực rỡ nhiều màu, những chùm bông lúa, bẹ hoa cau, những trái thơm kiểng đỏ au, đu đủ vàng và xoài xanh còn nguyên lá, xếp đầy nhà. Vậy mà vẫn thấy chưa đủ cho một mùa hoa xuân Sài gòn. Đi chợ cả chục lần mỗi ngày mà vẫn không thấy ngán. Từ chợ hoa Nguyễn Huệ, công viên Lê Văn Tám tới Hồ Thị Kỷ, nhất định vẫn phải lượn dzòng dzòng về chợ Sài gòn, chợ Cũ, Xóm Chiếu, Tân Định, qua Phú Nhuận hay sang Bà Chiểu. Thời đó, người ta không có nhiều tiền, nhưng vẫn dành một khoản chi xứng đáng cho hoa. Hoa đem mùa xuân về ngập tràn trên hè phố, trước những quán ăn, những tiệm sửa xe. Hoa đẹp rung rinh trên xe máy hay thảnh thơi ngự trên bờ tường những con hẻm nhỏ. Và rồi, từ bao giờ không biết, tôi thấy thích những mùa Tết Sài gòn. Nơi mà ngày xuân luôn có nắng vàng chói chang, còn khi đêm buông thì gió sông tràn về, len lỏi qua những gốc mai gốc đào ngay trên phố bê tông. Nơi mà hoa luôn tràn trề khoe sắc, tung tăng bừng nở và tưng bừng sống cùng người. Những mùa hoa tết Sài gòn luôn tràn đầy sinh lực, như chính thành phố này vậy.
Thời nay, mỗi khi xuân về, người ta vẫn bán hoa trong các chợ và trên đường phố. Nhưng không khí xưa rõ ràng là đã phôi phai đi nhiều lắm rồi. Diện tích trồng hoa quanh thành phố đã nhường chỗ cho những khu công nghiệp. Gò vấp không còn là làng nữa. Hoa về Sài gòn giờ chủ yếu từ Đà lạt, Sa đéc, Bến tre và Hà nội, bên cạnh các loài hoa nhập khẩu từ Hà lan, Pháp, Nam Phi. Những loài hoa nhập khẩu, đẹp thì có đẹp, nhưng thiếu hồn đất hồn người và nhất là hồn Tết. Các loài hoa dân giã mất dần theo năm tháng. Bao nhiêu loài hoa xứ Việt đã đi vào quên lãng hay thậm chí tiệt chủng? Hoa thay đổi theo người hay người thay đổi theo hoa? Những cửa hàng hoa máy lạnh đóng kín cửa, vẫn đông kẻ bán nhiều người mua, nhưng hoa thì không còn như xưa nữa. Bị ngăn lại, hoa chỉ còn có thể ngắm người qua những khung cửa kính. Người thờ ơ đi ngang, để rồi hoa tàn dần đi trong ký ức. Phố vì thế cũng kém duyên trong những mùa tết. Bao nhiêu nắng gió đã đi qua những đời hoa và bao nhiêu bão tố đã xuyên qua đời phố, đời người? Chắc cũng đủ để ta thấu hiểu.
2. Những đường hoa Sài gòn
Năm 2015, đường hoa Phú Mỹ Hưng mang chủ đề “Mùa gặt “. Mùa gặt cũng chính là cảm nhận khi du khách đặt chân trên con đường uốn theo Hồ bán nguyệt, vốn rất “ Tây” với những tòa nhà cao tầng, các nhà hàng, quán bar, cafe sang trọng cửa kính sáng lóa. Không gian ấy bỗng trở nên mềm mại lạ kỳ với màu vàng của cúc, màu cam của vạn thọ và màu đỏ của mào gà. Những chiếc lá xanh non của cây lá trắng bắt nắng và lay động trong gió như những bàn tay mời chào. Thạch thảo tím dịu dàng trên vỉa hè như những nụ hôn người dành cho phố. Đây đó trên đường, người ta bắt gặp những nông cụ thủ công xưa của mùa gặt. Những thửa mạ được gieo trước hai tháng để đến khi đường hoa hình thành thì lúa vừa vặn vào kỳ trổ bông trĩu nặng trên mặt đường nhựa, bên những tòa nhà bê tông. Thử hỏi có nhà nào không mềm đi, có lòng nào mà không lay động theo những cơn gió lao xao mặt hồ? Trong không gian ấy họ dựng lên những vườn rau, ao bèo, và những ngôi nhà tranh tường bùn đất như ở thôn quê xưa. Một ngôi nhà như ở bất kỳ nơi đâu tại miệt vườn Nam bộ với bàn thờ gia tiên, bộ ghế tiếp khách, gian bếp tôi tối với chén bát trên giàn tre, những khung cửa sổ không cánh và lối vào luôn rộng mở. Tết hiện lên trong những shoot hình của du khách, trên những gương mặt thư thái, rạng ngời một niềm vui đoàn viên của những gia đình trẻ du xuân nơi đây. Sài gòn hiện ra trên đường hoa: thoáng đạt, cởi mở, bao dung, hội nhập, truyền thống, mà không cần bất kỳ lời đao to búa lớn nào. Bởi người Sài gòn đã hiểu và cảm tất cả những điều đó qua ngôn ngữ của hoa, ngôn ngữ của sắp đặt.
Cũng như mọi năm, Tết Bính Thân 2016 này tôi đã đi một vòng các chợ hoa, cả truyền thống và không truyền thống. Kể từ khi chợ hoa tết đường Nguyễn Huệ được rời về Công viên 23/9 cách đây gần mười mấy năm, với ngần ấy thời gian trôi qua, đã đủ để đường hoa Nguyễn Huệ thành truyền thống đẹp của Sài gòn mà không thiếu tỉnh thành khác mơ ước. Nhớ lại những năm đầu tiên, khi đường hoa Nguyễn Huệ vừa ra mắt công chúng. Lạ lẫm và không ít khó khăn, vì người dân thành phố không thể chấp nhận được chợ hoa tết Nguyễn Huệ bao đời của họ bị rời đi nơi khác. Lại nhớ tới người nghệ sĩ đã đưa ra ý tưởng và thực hiện đường hoa “Hương đồng cỏ nội” đầu tiên đó tại Việt nam. Lần đầu tiên người dân phố được đắm chìm trong rơm rạ, cỏ cây ao làng, cầu khỉ, và hoa xuân trên phố bê tông. Họ thích thú và họ bỗng thấy gần hơn với phố. Khoảng năm năm sau đó, mỗi năm là một chuyên đề, đường hoa Nguyễn Huệ đã chính thức trở thành “thương hiệu” của Sài gòn. Thế nhưng, càng về sau này, đường hoa nơi trung tâm thành phố càng thiếu sức hút trong một diện mạo phố thay đổi tới chóng mặt hàng ngày. Vật đổi sao dời, người nghệ sĩ đã đã phiêu bạt nơi nào, còn ý tưởng của anh giờ đây đã được người Đài ở Phú Mỹ Hưng đăng ký thành bản quyền của họ mất rồi.
Thật khó có thể định nghĩa về chủ đề hay gu thẩm mỹ của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân vừa qua. Có nhất thiết lúc nào cũng phải khoác lên hoa và cây xanh những thông điệp thật hoàng tráng không? Đường hoa năm nay có thêm nhiều thứ: các tác phẩm điêu khắc trong những không gian không dành cho triển lãm hay sắp đặt, những chú khỉ xanh đỏ đủ mọi chất liệu chen chúc trong hoa, khu trưng bày sách, khẩu hiệu, logo, hoa thép và đèn màu nhấp nháy giăng trên những mái vòm, làm giới hạn không gian trên đường, tạo ra một không khí oi ả và bức bối. Thứ duy nhất đơn điệu về chủng loại và màu sắc lại chính là hoa. Những bông vạn thọ vàng, mào gà đỏ…nghẹt thở trong những giá gỗ, khuôn gạch chật hẹp, trong một không gian mà tất cả mọi thứ đều tranh nhau chiếm chỗ giữa cái nắng chói chang của Sài gòn.
Có lẽ sẽ có không ít người đồng tình với tôi rằng, những điều giản dị nhất lại chính là những điều dễ đi vào lòng người nhất. Với đường hoa cũng không là ngoại lệ. Để hoa “đóng vai chính” trong một đường hoa khó lắm sao? Đã có một số ý kiến cho rằng cần dẹp bỏ đường hoa Nguyễn Huệ, trả lại phố đi bộ cho người đi bộ. Rằng đã cạn kiệt ý tưởng thì cách tốt nhất là nên dẹp. Cá nhân tôi vẫn cho rằng, đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành thương hiệu của Sài gòn, đã làm nên một không khí “chơi” Tết đặc trưng, đầy tao nhã, chỉ có ở mùa Tết nóng Sài gòn, không chỉ hấp dẫn du khách mà cả với cư dân nơi đây nữa. Trong khi thành phố mới Thủ Thiêm vẫn còn chưa hình thành, thì vẫn nên duy trì đường hoa xuân tại Nguyễn Huệ. Để giải quyết câu hỏi làm như thế nào cho hay, cho đẹp, cho đường hoa mang tính thẩm mỹ cao và giàu sang tạo, hãy trả lời được câu hỏi mang tính cơ bản: Làm đường hoa cho ai? Làm một đường hoa là để chuyển tải thông điệp gì đó, hay mục đích đầu tiên là mang vẻ đẹp của hoa, của mùa xuân đến cho đời, cho phố? Thực ra thì không có vẻ đẹp nào mà lại không mang theo một ý nghĩa gì đó đối với con người, nhất là hoa. Vậy thì đừng có khiên cưỡng bắt vẻ đẹp tự nhiên của hoa oằn mình theo những tư tưởng duy ý chí của con người. Xin hãy dùng ngôn ngữ mang tính ẩn dụ của kiến trúc, của mỹ thuật để tôn lên ngôn ngữ của hoa, để chuyển tải những thông điệp mang tính cảm thụ tới công chúng. Đừng mang cây và hoa nhốt trong những không gian chật hẹp giữa đại lộ Nguyễn Huệ mênh mông, một phố đi bộ với một không gian tự nhiên tuyệt vời mà hiếm đường nào có được.
Trả lời được những câu hỏi đó, ta sẽ trả lời được một loạt những vấn đề tiếp theo của đường hoa, từ hình thức tới nội dung và cách thức thể hiện: Tổng công trình sư có phải là kiến trúc sư, họa sĩ hay không? Nên chăng, mỗi năm là một nhóm kiến trúc sư, họa sĩ khác nhau, để ý tưởng được tươi mới và khác biệt không? Ứng xử ra sao với nhà tài trợ, để họ được hài lòng mà “tác phẩm” đường hoa không bị quá lệ thuộc vào những ý kiến ngoài chuyên môn? Chọn cây gì, hoa gì, tỷ lệ bao nhiêu so với các vật liệu phụ trợ khác cho phù hợp với không gian, ngân sách, và quan trọng nhất là phù hợp với bản sắc Sài gòn, phù hợp với sở thích người Sài gòn? V.v và v.v.
3. Giấc mơ hoa
Tôi đã từng nhiều lần mơ về những con đường hoa trong một Sài gòn hoa. Trong những giấc mơ ấy, tôi thấy một phố ông đồ nhộn nhịp với những cánh mai thật tung bay trong gió. Tôi thấy một con đường cửa ngõ vào thành phố đầy sắc màu rực rỡ của hàng bông giấy trong dải phân cách, hay chỉ là hàng cây lá trắng với màu xanh non hiếm có như người Sài gòn xòe tay đón khách thập phương. Đôi khi tôi thấy một đường hoa tết chạy dọc theo bờ sông Sài gòn, có hình ảnh của một phố bên sông trên bến dưới thuyền thuở khẩn hoang lập nước, có những con đò chở đầy hoa, trái, hay đôi khi là cả con phà Thủ Thiêm xưa neo giữa dòng với những sắp đặt hiện đại của một thành phố đang chuyển mình. Trong giấc mơ Sài gòn hoa của tôi, có gì đó phảng phất những đường làng ở xứ hoa Sa Đéc, có những mong nhớ từ trong tiềm thức như một sự gắn bó không thể lý giải nổi. Một đường hoa hai bên bờ dòng sông hoa Sài gòn như lạ, như quen, hiện ra trước mắt trong một vùng trời bến hoa sông nước, lung linh trong nắng vàng. Người xứ nào, hoa xứ ấy. Những loài hoa phương nam đầy nắng, dù được nuôi trồng, cũng chẳng thể mất đi chất hoang dã, phóng khoáng trong từng đường gân kẽ lá và dòng nhựa sống tràn trề trên từng cánh hoa. Dòng sông Sài gòn ngày ngày lên xuống theo dòng triều bán nhật của biển Đông, mang theo đời hoa theo đời người, lênh đênh theo con nước ấy. Liệu rằng “ thông điệp” ấy có cho ta đủ cảm nhận về một đường hoa mang bản sắc Sài gòn?
Có đôi khi, giấc mơ về đường hoa Sài gòn của tôi lại mang một màu sắc khác và thông điệp khác. Có một không gian hoa theo chiều dài của phố và chiều cao của những toà nhà, tạo ra nhiều tầng không gian xen kẽ trên đường Nguyễn Huệ. Hoa và lá được sắp đặt theo chiều của tia sáng mặt trời, hay theo chiều thẳng đứng của những cao ốc chọc trời nơi trung tâm thành phố. Tôi thấy những ban công lá xanh đầy sinh lực như người Sài gòn. Tôi thấy những dòng chữ, những hàng logo trên mảng xanh khổng lồ của hoa và cây lá màu trên những mái nhà hay trên mặt tiền những chung cư. Những dàn bầu, bí, đậu đũa, dưa leo Hà lan, mướp đắng Nhật, bầu hồ lô, những cây dây leo đa dạng như người ở phố, treo lửng lơ trên đầu, gợi nhớ về vườn rau của mẹ. Theo chiều dài của phố, một con kênh trong xanh uốn lượn trên đại lộ Nguyễn Huệ men theo những gốc cây ăn trái và dừa nước, dừa kiểng, gợi nhớ tới khu vườn của cha. Những lối vào hoang dại, vương vãi rơm rạ hay ngồn ngộn sắc màu ngay dưới chân những tòa nhà kính thép sang choang, như những mảng màu đối lập trong một thực thể đô thị đầy hài hòa giữa những mâu thuẫn. Những bóng đèn được che dấu khéo léo, tạo ra một thứ ánh sáng diệu kỳ tôn vinh hoa lá, tạo nên một vũ điệu ánh sáng mang tên Sài gòn.
Những giấc mơ ấy dẫn lối cho phố hoà vào thiên nhiên, mang lại cho người những cảm nhận về nơi chốn và một niềm vui trẻ thơ không thể kìm nén.
Tôi có nhiều lắm, những giấc mơ về một Sài gòn với những đường hoa.